| Hotline: 0983.970.780

Sửa Luật Đất đai cần nhìn nhận dưới 'con mắt' của người dân

Thứ Năm 21/07/2022 , 10:19 (GMT+7)

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cho rằng ý kiến của những người trực tiếp sản xuất trên đất sẽ sát thực tiễn và rất đáng lưu tâm.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan phát biểu tại buổi làm việc với Bộ Tài nguyên và Môi trường. Ảnh: Bảo Thắng.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan phát biểu tại buổi làm việc với Bộ Tài nguyên và Môi trường. Ảnh: Bảo Thắng.

Đánh giá dưới góc nhìn của người dân

Ngày 20/7, làm việc với Bộ Tài nguyên và Môi trường về xây dựng dự án Luật Đất đai sửa đổi, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cho biết, qua những buổi trao đổi, hai Bộ đã có nhiều quan điểm thống nhất như tích hợp đa giá trị cho đất canh tác, sửa đổi luật theo hướng phát triển bền vững, đem lại lợi ích cho người dân.

"Nếu có thể, chúng ta cần lấy thêm ý kiến từ những người trực tiếp sản xuất trên đất. Những vấn đề nào còn bỏ ngỏ hoặc chưa thống nhất sẽ tiếp tục thảo luận và chi tiết hóa, trước khi trình Chính phủ, Quốc hội", người đứng đầu Bộ NN-PTNT nói.

Theo lãnh đạo ngành nông nghiệp, Luật Đất đai sửa đổi cơ bản đã tiếp cận được những tư duy mới như tích hợp đa giá trị, chính sách tam nông, chiến lược phát triển nông nghiệp bền vững... Ông cũng bày tỏ mong muốn, rằng thông qua Luật Đất đai sửa đổi sắp tới, giá trị sử dụng đất sẽ ngày một nâng cao. Trong bối cảnh, diện tích đất nông nghiệp có xu hướng thu hẹp, biến đổi khí hậu và tình hình chính trị thế giới diễn biến phức tạp, điều này sẽ gợi mở nhiều cách làm mới cho cơ quan quản lý nhà nước, thay vì chỉ tập trung vào thu ngân sách.

Trong và sau dịch Covid-19, khoảng 1,1 triệu người dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã bỏ đất nông nghiệp và đến các đô thị, khu công nghiệp lớn, theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan. Để giúp đỡ nhóm yếu thế này, tư lệnh ngành nông nghiệp đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường cần có thêm những quy định đảm bảo quyền lợi cho người dân.

“Đất đai có hồn. Chừng nào chúng ta còn mang nặng tư tưởng mua bán thì chừng đó quản lý đất đai còn gặp vấn đề. Vì thế, bên cạnh những tác động môi trường khi chuyển đổi mục đích sử dụng đất, chúng ta cần thêm những đánh giá tác động về xã hội", Bộ trưởng bày tỏ,

Kêu gọi các cấp, các ngành nhìn nhận Luật Đất đai sửa đổi dưới "con mắt" của người dân, lãnh đạo Bộ NN-PTNT chia sẻ, rằng ngoài việc cấp quyền sử dụng và quản lý đất đai, Nhà nước còn trách nhiệm hỗ trợ người dân có công ăn việc làm, đảm bảo sinh kế, đào tạo nghề trên chính mảnh đất của họ. Ông đề xuất, việc nghiên cứu xây dựng cơ chế "tri thức hóa nông dân" trước khi giao đất cho dân.

"Là người đầu tiên và trực tiếp trồng cái cây xuống đất, thả con cá xuống ao, người nông dân cần cảm nhận một cách rõ ràng giá trị của việc sử dụng đất. Chừng nào nâng cao được nhận thức, kết hợp xây dựng một hệ sinh thái trên đất như đào tạo, phát triển văn hóa, du lịch, Luật Đất đai sửa đổi mới có thể trở thành một mắt xích trong chuỗi giá trị ngành hàng", Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Để người dân có thể thực sự làm giàu trên mảnh đất của mình, nguồn nhân lực, cán bộ chuyên môn cũng cần được đào tạo, nâng cao nghiệp vụ, chuyển dịch về tư duy quản lý. Ảnh: Bảo Thắng.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Để người dân có thể thực sự làm giàu trên mảnh đất của mình, nguồn nhân lực, cán bộ chuyên môn cũng cần được đào tạo, nâng cao nghiệp vụ, chuyển dịch về tư duy quản lý. Ảnh: Bảo Thắng.

Xây dựng các nghị định, thông tư trên luật sửa đổi

Trình bày một số điểm sửa đổi liên quan tới ngành nông nghiệp trong Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi, Tổng cục Quản lý đất đai (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết sẽ bổ sung đất chăn nuôi là một loại đất riêng trong nhóm đất nông nghiệp. 

Tổng cục cũng dự thảo xây dựng hạn mức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân. Đồng thời, hạn mức, đối tượng nhận chuyển quyền sử dụng đất; các hình thức tập trung, tích tụ đất đai phục vụ sản xuất; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất cũng được thảo luận.

Dựa trên căn cứ là Nghị quyết số 18-NQ/TW về quản lý sử dụng đất mà Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII vừa ban hành ngày 16/6/2022, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà nêu quan điểm, rằng Luật Đất đai chỉ là điều kiện cần. Để người dân có thể thực sự làm giàu trên mảnh đất của mình, nguồn nhân lực, cán bộ chuyên môn cũng cần được đào tạo, nâng cao nghiệp vụ, chuyển dịch về tư duy quản lý.

"Dự thảo luật đảm bảo những nguyên tắc cơ bản nhất, quy định quyền hạn sử dụng đất. Khi đánh giá tác động, Luật Đất đai sửa đổi sẽ tham chiếu thêm các luật chuyên ngành. Chẳng hạn, mỗi Bộ, ban, ngành có thể xây dựng thêm các nghị định, thông tư để phát triển, khai thác các giá trị liên quan tới kinh tế, xã hội, môi trường", Bộ trưởng Trần Hồng Hà chia sẻ.

Chia sẻ thêm về vấn đề này, Bộ trưởng Lê Minh Hoan lưu ý về một số thuật ngữ, cách quản trị, sử dụng đất kiểu mới. Trong đó, ông đặc biệt quan tâm tới khái niệm “cụm liên kết ngành”. Đây là một khu vực đặc thù, tích hợp cả trường nghiên cứu, viện đào tạo, trung tâm logistics, khu chế xuất, công nghiệp sinh thái, đô thị... nhằm phát huy hết quyền và giá trị sử dụng đất.

Ông Trần Công Thắng, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn nêu thực tế, người dân ở nhiều nơi vẫn có thói quen giữ sổ đỏ. Khi tham gia góp vốn bằng quyền sử dụng đất, họ lúng túng và thường trăn trở về quyền lợi trong liên kết sản xuất.

Các đơn vị chuyên môn khác của Bộ NN-PTNT cũng nêu ý kiến và tham luận các vấn đề về phân loại đất đai, thu hồi đất đai, mở rộng hạn mức và mở rộng đối tượng sử dụng đất đúng mục đích.

Cam kết tiếp tục lắng nghe, xem xét ý kiến của các đơn vị, trong đó có ngành nông nghiệp, người đứng đầu Bộ Tài nguyên và Môi trường định hướng Luật Đất đai sửa đổi sẽ tạo không gian cho người dân sử dụng đất một cách linh hoạt, hiệu quả, bảo vệ được nguồn tài nguyên, hệ sinh thái. Ông hứa sẽ căn cứ vào công năng, thổ nhưỡng cũng như các đặc tính lý, hóa để vừa phát huy giá trị sử dụng, vừa quản lý đất một cách chặt chẽ.

"Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục phối hợp Bộ NN-PTNT để giải quyết các vấn đề vướng mắc về quản lý đất nông, lâm nghiệp, chăn nuôi, thủy sản… đồng thời, giải quyết những vấn đề chồng chéo, giao thoa về chức năng quản lý nhà nước giữa hai Bộ, đảm bảo thống nhất mục tiêu chung của quốc gia", Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.

Luật Đất đai sửa đổi sẽ được trình Quốc hội vào kỳ họp tháng 10/2022, lùi một kỳ họp so với kế hoạch. Sau khi được trình, Luật Đất đai sửa đổi tiếp tục được cho ý kiến tại kỳ họp thứ 5 của Quốc hội, diễn ra vào tháng 5/2023 và được thông qua tại kỳ họp thứ 6 tháng 10/2023.

Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực từ ngày 1/7/2014. Chính phủ đã trình và Quốc hội quyết định đưa dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai 2013 vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019. Dù vậy, Chính phủ liên tục đề nghị lùi. Tính đến tháng 4/2022, Chính phủ đã 4 lần xin lùi trình dự án, dù nội dung này phải trình vào kỳ họp thứ 3, khai mạc hồi tháng 5 vừa qua.

Hiện Chính phủ giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các cơ quan, ban, ngành, địa phương xây dựng chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 18 và tiếp tục hoàn thiện hồ sơ dự án Luật Đất đai sửa đổi.

Xem thêm
Việt Nam cam kết chuyển giao kỹ thuật sản xuất lúa gạo hỗ trợ Ma Rốc

Cần Thơ Ma Rốc đang nỗ lực cải thiện sản xuất lúa gạo trong nước, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cam kết chia sẻ kinh nghiệm, chuyển giao kỹ thuật cho nước bạn.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Làng nướng cá Diễn Vạn đỏ lửa

Nghề nướng cá tại đất biển Diễn Vạn có từ hàng chục năm rồi, bất kể nắng mưa, những bếp lửa rực đỏ bốn mùa, người làm tất bật từ sáng sớm đến đêm khuya.

Giảng viên đại học và hành trình theo đuổi đam mê khảo kiểm nghiệm phân bón

Khi đang là giảng viên một trường đại học danh tiếng tại TP.HCM, anh Trần Văn Thanh quyết định bỏ nghề để xin việc tại Trung tâm Khảo kiểm nghiệm phân bón Quốc gia.

Bình luận mới nhất