Bộc lộ nhiều bấp cập
Trong những năm gần đây, Đảng và Quốc hội đã ban hành nhiều Nghị quyết xác định vai trò, nhiệm vụ cho giải pháp cho công tác tích tụ, tập trung đất đai. Mở đầu là Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 5/8/2008 của hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp Hành Trung Ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân và nông thôn.
Tiếp đó, Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 31/10/2012 của hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp Hành Trung Ương Đảng khóa XI đã khẳng định về tiếp tục đổi mới chính sách pháp luật về đất đai, tiếp tục mở rộng hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất để đáp ứng điều kiện sản xuát ở từng vùng miền.
Quốc hội thông qua Luật Đất đai năm 2013 ngày 29/11/2013 tại kỳ hợp thứ 6 (QH khóa XIII), có hiệu lực thi hành từ 1/7/2014. Sau gần 10 năm tổ chức thi hành Luật Đất đai 2013, các chính sách đất đai cho phát triển kinh tế xã hội đất nước, trong đó có chính sách pháp luật đất đai cho nông nghiệp, nông thôn đã đạt được những kết quả quan trọng.
Cụ thể, công tác lập quy hoạch kế hoạch sử dụng đất; công tác giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất đã tạo được hiệu quả sử dụng đất đúng mục đích. Cơ sở sữ liệu địa chính đã được nhiều địa phương vận hành tạo nền tảng phục vụ đa mục tiêu.
Bên cạnh đó, chính sách thu hồi, bồi thường, hỗ trợ tái định cư về cơ bản đảm bảo tốt cho quyền lợi của người dân có đất bị thu hồi; các quy định về quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất. Hình thành được khung pháp lý để thị trường bất động sản vận hành lành mạnh.
Xu hướng tích tụ ruộng đất để phát triển sản xuất nông nghiệp tập trung, quy mô lớn, đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp đã dần hình thành.
Tuy nhiên, theo PGS.TS Trần Trọng Phương, Khoa Tài nguyên và Môi trường, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, từ thực tế hiện nay, việc thực hiện Luật Đất đai vẫn còn những tồn tại, bất cập chưa được tháo gỡ một cách đồng bộ, hiệu quả đối với các luật liên quan.
Theo đó, nguồn lực về đất đai vẫn chưa thực sự được khai thác, phát huy đầy đủ và bền vững để trở thành nguồn nội lực quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; việc sử dụng đất ở nhiều nơi hiệu quả còn thấp; thất thoát nguồn thu ngân sách liên quan đến đất đai vẫn còn diễn ra.
Quá trình tích tụ, tập trung đất nông nghiệp diễn ra còn chậm, chưa theo kịp nhu cầu tái cơ cấu ngành nông nghiệp nói chung, cho phát triển nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn, công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn nói riêng; đất đai manh mún đang là yếu tố cản trở người dân và doanh nghiệp đầu tư dài hạn vào nông nghiệp.
Ngoài ra, khó khăn trong tiếp cận đất đai vẫn là một trong những rào cản để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp.
Cùng với đó, vẫn còn tình trạng sử dụng đất không đúng mục đích, tự ý chuyển mục đích sử dụng, không đăng ký biến động với cơ quan nhà nước có thẩm quyền, không thực hiện nghiêm các nghĩa vụ tài chính theo quy định.
Khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai vẫn chiếm tỷ trọng lớn với 75% là nguy cơ gây ra những bất ổn trong quá trình phát triển kinh tế xã hội.
“Luật Đất đai năm 2013 đã cụ thể hóa các chủ trương trên tạo điều kiện cho phát triển các mô hình nông nghiệp hiện đại, tạo thêm công ăn việc làm và cải thiện đời sống cho lực lượng lao động nông nghiệp và hoàn thiện về mặt pháp lý với những cá nhân tập thể muốn tích tụ đất nông nghiệp cho sản xuất.
Sau gần 10 năm triển khai, Luật Đất đai năm 2013 đã bộc lộ một số tồn tại, bất cập gây khó khăn cho việc tập trung, tích tụ đất đai. Cụ thể, đó là những hạn chế về chủ thể tích tụ đất đai, về hạn mức tích tụ đất nông nghiệp cũng như thời hạn cho thuê đất nông nghiệp thuộc quỹ đất công ích…”, PGS.TS Cao Việt Hà, Khoa Tài nguyên và Môi trường, Học viện Nông nghiệp Việt Nam.
Cần có những “sàn” giao dịch đất nông nghiệp
Theo PGS.TS Cao Việt Hà, Khoa Tài nguyên và Môi trường, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, hiện nay, đất nông nghiệp của Việt Nam vẫn còn manh mún, khó phát triển sản xuất hàng hóa quy mô lớn và áp dụng đồng bộ các kỹ thuật canh tác hiện đại. Trong khi đó, chính sách cho tập trung, tích tụ đất đai còn một số bất cập cần phải thay đổi. Hơn nữa, để đảm bảo sản xuất nông nghiệp hiệu quả và bền vững còn cần quan tâm đến việc bảo vệ, duy trì và nâng cao chất lượng đất.
Tuy nhiên trong thời gian qua, chúng ta mới chỉ quan tâm nhiều tới quản lý đất đai về số lượng, diện tích và chưa có các chính sách thỏa đáng để quản lý đất đai về chất lượng. Chất lượng đất nông nghiệp hiện đang suy thoái, ô nhiễm do nhiều nguyên nhân nhưng chưa có các chính sách phù hợp, những giải pháp đồng bộ đúng đắn, kịp thời để ngăn ngừa.
Chính vì vậy, để phát triển nông nghiệp hiệu quả, sinh thái, bền vững cần chú trọng xây dựng các chính sách đồng bộ khuyến khích tập trung, tích tụ đất đai, đồng thời bảo vệ và duy trì chất lượng đất nông nghiệp.
Theo đó, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam cho rằng vấn đề xây dựng thị trường chuyển nhượng đất nông nghiệp minh bạch rất cần được quan tâm.
“Theo tôi, có thể thành lập các trung tâm giao dịch quyền sử dụng đất nông nghiệp để phục vụ cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân có nhu cầu. Đây là một mô hình hay mà chúng ta nên nghiên cứu. Nếu doanh nghiệp thiếu đất thì có thể giao dịch, trao đổi với nông dân hoặc các hợp tác xã”, Thứ trưởng Trần Thanh Nam gợi mở vấn đề.
Còn theo ông Nguyễn Tiến Cường, Phó trưởng Ban Kinh tế (Trung ương Hội Nông dân Việt Nam), để có thể phát triển nền nông nghiệp hàng hóa cần phải đẩy mạnh việc mở rộng hạn điền, định mức. Đó sẽ là cơ sở để xây dựng, hình thành thị trường sản xuất nông nghiệp phù hợp với xu thế hiện nay.
Bên cạnh đó, Đại diện Trung ương Hội Nông dân Việt Nam cho rằng cần phải phát triển trung tâm giao dịch, chuyển nhượng đất nông nghiệp: “Chúng ta phải tạo điều kiện để hình thành và phát triển các cơ chế, chính sách nhằm phát triển mô hình này. Chính mô hình này sẽ tạo thuận lợi cho doanh nghiệp có nhu cầu tiếp cận đất đai để sản xuất nông nghiệp theo quy mô lớn. Người nông dân có nhu cầu sẽ có thể cho thuê và góp đất để đưa vào sản xuất quy mô lớn mà không mất quyền sử dụng đất”, ông Nguyễn Tiến Cường chia sẻ.
Ngoài ra, ông Cường cũng đưa ra quan điểm cần đẩy mạnh hình thức chuyển đổi, góp vốn hoặc thuê đất nông nghiệp. Việc chuyển nhượng đất nông nghiệp cần có hạn mức để bảo đảm quyền lợi cho người nông dân.