| Hotline: 0983.970.780

Tái cấu trúc dự án chăn nuôi bò Bình Hà: Khó hiệu quả!

Thứ Bảy 10/04/2021 , 09:59 (GMT+7)

Thất bại những năm qua của dự án chăn nuôi bò Bình Hà khiến chính quyền và người dân không còn niềm tin sẽ có sự ‘hồi sinh’ ở dự án lắm bê bối này.

Bò trắng chuồng, chuối trắng đồng

Thời điểm khởi công, dự án chăn nuôi bò của Công ty Bình Hà được kỳ vọng làm 'đầu kéo' cho phát triển kinh tế của Hà Tĩnh. Ảnh: Thanh Nga.

Thời điểm khởi công, dự án chăn nuôi bò của Công ty Bình Hà được kỳ vọng làm "đầu kéo" cho phát triển kinh tế của Hà Tĩnh. Ảnh: Thanh Nga.

Giữa năm 2015 dự án chăn nuôi bò giống, bò thịt của Công ty cổ phần chăn nuôi Bình Hà (Công ty Bình Hà) “trống dong cờ mở” khởi công, hứa hẹn trở thành dự án “đầu kéo” cho phát triển kinh tế của tỉnh Hà Tĩnh. Tuy nhiên, sau vài năm hoạt động, tổng đàn bò doanh nghiệp này duy trì chỉ trên dưới 7.000 con, thời điểm cao nhất cũng mới nhập đến 20.000 con, trong khi dự án phê duyệt là 254.000 con/năm.

Hoạt động cầm chừng một thời gian, hàng chục dãy chuồng tại 2 huyện Kỳ Anh, Cẩm Xuyên “trắng” bò, Công ty Bình Hà tiếp tục chuyển đổi hơn 400 ha đất trồng cỏ sang trồng chuối khi chưa được cơ quan chức năng cho phép.

Lúc bấy giờ, nhà đầu tư mạnh miệng tuyên bố, dự án trồng chuối sẽ thành công, bởi thị trường xuất khẩu sang Trung Quốc và Nga rộng mở. Thế nhưng, thực tế đến thời điểm này cho thấy, Công ty Bình Hà không chỉ thất bại trong chăn nuôi bò mà dự án trồng chuối cũng “khai tử” khi chưa kịp “khai sinh”.

“Dự án của Công ty Bình Hà bỏ hoang mấy năm nay. Ngoài bò trắng chuồng thì chuối cũng trắng đồng.  Việc tái khởi động lại dự án chúng tôi ủng hộ chủ trương nhưng sẽ rất khó hiệu quả”, ông Phạm Văn Thành, Chủ tịch UBND xã Cẩm Quan, huyện Cẩm Xuyên nhận định.

Nhưng chỉ sau vài năm hoạt động, dự án 'chết yểu', chuồng trại bỏ hoang nằm trơ gan cùng tuế nguyệt. Ảnh: Thanh Nga.

Nhưng chỉ sau vài năm hoạt động, dự án "chết yểu", chuồng trại bỏ hoang nằm trơ gan cùng tuế nguyệt. Ảnh: Thanh Nga.

Đồng quan điểm, ông Trần Văn Luận, thôn trưởng thôn Tân Tiến, xã Cẩm Quan cho rằng, dự án chăn nuôi bò Bình Hà chưa bao giờ có hiệu quả. Các cuộc họp thôn, tiếp xúc cử tri người dân đều phản đối việc tái khởi động lại dự án.

“Hàng chục nghìn con bò nuôi đầu nguồn đập Đá Hàn (nơi cung cấp nước sinh hoạt cho người dân -PV) từng gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Bây giờ tiếp tục nuôi bò khác gì bắt dân ăn nước bẩn. Còn việc trồng ngô, trồng dứa cũng khó thành công, vì địa hình đất Cẩm Quan chủ yếu dốc cao, mưa xuống bào mòn chỉ trơ lại đá tảng”, ông Luận nói.

Đang chăn bò từ xa, khi hay tin PV tìm hiểu về dự án chăn nuôi bò Bình Hà, chị Trần Thị Thu, thôn Tân Tiến bức xúc chia sẻ, gia đình chị có 1 ha đất thuộc diện bị thu hồi. Khoảng năm 2015, số tiền đề bù cho diện tích này là 40 triệu đồng/ha. Tuy nhiên, để phản đối dự án xây dựng đầu nguồn nước sạch, gia đình chị và rất nhiều hộ dân khác trong thôn không chấp nhận giải tỏa.

“Hiện vẫn còn khoảng 60 ha của 16 hộ dân trong toàn xã nằm trong quy hoạch dự án chăn nuôi bò Bình Hà chưa đền bù, giải phóng mặt bằng”, Chủ tịch xã Cẩm Quan thông tin thêm. Đồng thời nhấn mạnh, dự án tái khởi động nếu tiếp tục không phát huy hiệu quả sẽ càng gây bức xúc cho chính quyền địa phương và người dân.

Chị Trần Thị Thu (bên trái), xã Cẩm Quan, huyện Cẩm Xuyên khẳng định, nếu vẫn tiếp tục chăn nuôi bò đầu nguồn đập Đá Hàn thì chị và người dân thôn Tân Tiến phản đối kịch liệt. Ảnh: Thanh Nga.

Chị Trần Thị Thu (bên trái), xã Cẩm Quan, huyện Cẩm Xuyên khẳng định, nếu vẫn tiếp tục chăn nuôi bò đầu nguồn đập Đá Hàn thì chị và người dân thôn Tân Tiến phản đối kịch liệt. Ảnh: Thanh Nga.

Ông Phạm Văn Thành đề nghị tỉnh Hà Tĩnh xem xét lại việc giao đất cho doanh nghiệp. Trong thời hạn cam kết nếu công ty sản xuất không đạt quy mô đất được giao thì cần thu hồi đất bàn giao lại cho địa phương quản lý, giao khoán cho dân sản xuất, tránh gây lãng phí đất đai.

Bên cạnh đó, các Sở ngành cấp tỉnh, huyện phải thường xuyên kiểm tra tính hiệu quả trong quá trình tái cơ cấu lại dự án.

Bình Hà huy động vốn từ Do Holdings và Đỗ Lạng Sơn

Chăn nuôi bò thất bại, Công ty Bình Hà chuyển sang trồng chuối khi chưa được sự cho phép của cơ quan chức năng. Ảnh: Thanh Nga.  

Chăn nuôi bò thất bại, Công ty Bình Hà chuyển sang trồng chuối khi chưa được sự cho phép của cơ quan chức năng. Ảnh: Thanh Nga.  

Theo báo cáo giải trình của nhà đầu tư, để “hồi sinh” dự án chăn nuôi bò tại Cẩm Xuyên và Kỳ Anh, doanh nghiệp dự kiến điều chỉnh nguồn vốn xuống 1.800 tỷ đồng. Phương án huy động vốn nhìn vào 2 doanh nghiệp là Công ty cổ phần Đỗ Lạng Sơn, có trụ sở đường Bà Triệu, phường Hoàng Văn Thụ, TP Lạng Sơn (tỉnh Lạng Sơn), hoạt động chính về dịch vụ hỗ trợ khác liên quan đến vận tải. Tính đến cuối năm 2019, doanh nghiệp có vốn điều lệ 100 tỷ đồng, tổng tài sản 100 tỷ đồng.

Đối tác còn lại là Công ty TNHH thương mại đầu tư phát triển Do Holdings (Công ty Do Holdings) , thành lập vào đầu năm 2019, địa chỉ tại phường 14, quận 10, TP HCM. Doanh nghiệp có vốn điều lệ 7,6 tỷ đồng và tổng tài sản 9,7 tỷ đồng tính đến cuối năm 2019.

“Phần vốn công ty Bình Hà thực hiện góp bằng tài sản hợp pháp khoảng 700 tỷ đồng, còn lại khoảng 1.100 tỷ là vốn góp của các đối tác thông qua hình thức góp bằng tiền, giống cây trồng, phân bón, nhân công, chịu trách nhiệm đầu tư của sản phẩm”, văn bản của Sở KH-ĐT Hà Tĩnh nêu.

Theo dự kiến, đối tác hợp tác trồng dứa với công ty Bình Hà sẽ đầu tư khoảng 500 triệu đồng/ha để chi phí cho việc mua giống trồng khoảng 300 ha; chi phí đầu tư hệ thống nước tưới, hàng rào bảo vệ; đầu tư máy móc, thiết bị sản xuất; chi phí tiền lương nhân công, lao động, quản lý (khoảng 50 người).

Đối với hợp tác trồng cỏ, nuôi bò, theo nhà đầu tư, nguồn vốn được tính toán để đầu tư chăn nuôi khoảng 35.000 con bò; đầu tư trồng cỏ trên khoảng 600 ha; đầu tư hệ thống tưới nước, hàng rào bảo vệ cho diện tích khoảng 600 ha; chi phí tiền lương nhân công, lao động, quản lý (khoảng 200 người); đầu tư máy móc, thiết bị sản xuất.

Thế nhưng dự án cũng 'khai tử' sau một thời gian ngắn. Ảnh: Thanh Nga.

Thế nhưng dự án cũng "khai tử" sau một thời gian ngắn. Ảnh: Thanh Nga.

Theo tính toán của Công ty Bình Hà, chi phí đầu tư nhập 1 con bò thịt vỗ béo nặng từ 250 - 350kg/con khoảng 17,5 triệu - 24,5 triệu đồng/con, chi phí trồng cỏ là 25 triệu đồng/ha với thời tiết thuận lợi có thể thu hoạch 60 - 80 tấn cỏ/ha/lần; 45 - 50 ngày thu hoạch/lần.

Đến thời điểm hiện tại, việc thẩm định năng lực của Công ty cổ phần Đỗ Lạng Sơn và Do Holdings phụ thuộc hoàn toàn vào Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và chủ đầu tư dự án là Công ty Bình Hà.

Đại diện Sở KH-ĐT Hà Tĩnh cho biết, báo cáo giải trình mới nhất của Công ty Bình Hà chưa cung cấp thêm được các tài liệu làm rõ hơn về năng lực của các đối tác như báo cáo tài chính, doanh số tiêu thụ… Vì vậy, Công ty Bình Hà và BIDV phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về năng lực, kinh nghiệp của các đối tác nhằm đảm bảo phương án hợp tác kinh doanh khả thi, có hiệu quả.

Hiện doanh nghiệp này đang huy động vốn của các doanh nghiệp khác để chuyển sang trồng dứa, ngô và tiếp tục nuôi bò. Ảnh: Thanh Nga.

Hiện doanh nghiệp này đang huy động vốn của các doanh nghiệp khác để chuyển sang trồng dứa, ngô và tiếp tục nuôi bò. Ảnh: Thanh Nga.

Riêng phương án hợp tác kinh doanh nuôi bò, Công ty Bình Hà cho biết đang tìm kiếm các đối tác phù hợp để hợp tác nên việc xác định hiệu quả của việc chăn nuôi bò sẽ được tính toán khi các bên ký kết hợp đồng hợp tác.

Mới đây tỉnh Hà Tĩnh đã đồng ý chủ trương về đề xuất tái cơ cấu toàn bộ dự án chăn nuôi bò của Công ty Bình Hà đặt tại huyện Kỳ Anh và Cẩm Xuyên. Theo đó, dự án “Nuôi bò giống và bò thịt tại Hà Tĩnh” được đổi tên thành “Chăn nuôi bò và trồng cây nguyên liệu tại Hà Tĩnh”; điều chỉnh giảm quy mô nuôi bò từ hơn 254.000 con/năm xuống 35.000 con/năm; trồng thêm cây nguyên liệu như chuối, ngô, cây ăn quả, cỏ, dược liệu...

Ngoài ra, công ty cũng được điều chỉnh tổng mức đầu tư từ hơn 4.000 tỷ đồng xuống còn 1.800 tỷ đồng, giảm quy mô diện tích dự án ở các khu đất thuộc 2 huyện Cẩm Xuyên và Kỳ Anh từ hơn 2.000 ha xuống còn hơn 1.000 ha.

Xem thêm
Ông Đinh Thế Huynh nhận huy hiệu 50 năm tuổi Đảng

Trao quyết định và tặng hoa, ông Trần Cẩm Tú chúc mừng ông Đinh Thế Huynh đón nhận Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng - phần thưởng cao quý của Đảng.

Trang bị kỹ năng tận dụng phụ phẩm nông nghiệp cho nông dân

Trung tâm Khuyến nông Tây Ninh vừa tổ chức lớp tập huấn về 'Quy trình sản xuất sản phẩm có giá trị gia tăng từ phụ phẩm nông nghiệp địa phương'.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Xúc tiến, quảng bá, kết nối du lịch Đồng bằng sông Cửu Long

Đồng bằng sông Cửu Long từ lâu đã nổi tiếng là vùng đất bình yên của những người dân chất phác, thân thiện với phong cảnh thiên nhiên hữu tình, thơ mộng.