| Hotline: 0983.970.780

Tâm sự của người dân đất Chín Rồng về 1 triệu ha lúa chất lượng cao

Thứ Sáu 15/12/2023 , 14:01 (GMT+7)

Từ thực tế đã triển khai ở các tỉnh ĐBSCL, người dân sẽ một đồn mười, mười đồn trăm, tự học hỏi lẫn nhau, tự bảo ban nhau tham gia vào các chuỗi liên kết. 

Bên lề Festival Quốc tế ngành hàng lúa gạo Việt Nam - Hậu Giang 2023, ông Cao Minh Hùng, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại phát triển nông nghiệp sạch Tháp Mười trao đổi những tâm tư, nguyện vọng về Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao vừa được bấm nút khởi động tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Báo Nông nghiệp Việt Nam lược đăng chia sẻ của vị giám đốc, từng là một lão nông và có nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực này.

Ông Cao Minh Hùng trả lời phỏng vấn Báo Nông nghiệp Việt Nam. Ảnh: Thanh Thủy.

Ông Cao Minh Hùng trả lời phỏng vấn Báo Nông nghiệp Việt Nam. Ảnh: Thanh Thủy.

Đi chân trần để cảm nhận nông nghiệp hữu cơ

Tôi từng làm chủ một doanh nghiệp thi công, lắp đặt điện. Trong thời gian ấy, tôi thỉnh thoảng vẫn tham gia sản xuất cùng bà con nông dân và thấy rất thích. 

Tuy nhiên, cách đây vài chục năm, người dân vẫn chạy theo nông nghiệp sản lượng. Lượng giống, lượng phân bón và thuốc BVTV sử dụng khá nhiều. Đặc biệt, bà con hầu như chưa nhận thức được một cách đầy đủ về lương thực, thực phẩm sạch có ý nghĩa như thế nào với sức khỏe. Thực phẩm có giấy chứng nhận an toàn thực phẩm lại càng ít.

Nhiều lần tôi đi cày với người dân và nhận thấy một điều, đất bón nhiều phân hóa học rất chai và cứng, khiến bà con gần như không thể cày sâu. Một điều nữa, là do sử dụng nhiều phân bón dạng hạt nên cách làm chủ yếu là bơm nước vào ruộng, rải phân để phân tự tan.

Những điều ấy không đúng với quy trình canh tác của những nước tiên tiến thời bấy giờ. Họ đã chủ trương sản xuất theo hướng hữu cơ, ở đó, đất được cày tơi, xốp, giúp phân bón ngấm sâu xuống lòng đất, tạo điều kiện cho bộ rễ cây lan rộng và phát triển.

Từ những năm đầu thập niên 2010, tôi bắt đầu liên kết với một số đối tác ở Hoa Kỳ để mày mò, nghiên cứu sản xuất lúa sạch. Sau khi tỉnh Đồng Tháp phát động tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tôi thử nghiệm đưa phân bón, thuốc BVTV cùng các quy trình canh tác mới về để chuyển giao cho người dân. Khoảng năm 2016, công ty chúng tôi nhập những lô vật tư đầu tiên về, rồi bắt đầu đi thuyết phục người dân theo hướng này.

Vừa kiên trì phía bà con, tôi vừa liên hệ với nhiều nhà khoa học, nhờ họ đến thực địa để cho thêm ý kiến. Những ngày đầu khá khó khăn. Bởi bà con đã có nếp nghĩ, cách làm cũ rồi, mình thuyết phục người ta theo quy trình mới, rủi nếu có vấn đề gì thì mình sao ăn nói được. 

Không chỉ có vậy. Ai làm nông nghiệp hữu cơ cũng hiểu, là khi theo quy trình này, sản lượng nhiều khả năng sẽ giảm. Đó cũng là một vấn đề khiến nhiều người nông dân tâm tư. Họ từng nói với tôi rằng "Lúa đang bán 5.000 đồng/kg, tự dưng tăng lên 7.000 - 8.000 đồng/kg thì thương lái sao mua". Một số còn nghi ngại, là "Nay ông Hùng cần thì tìm đến, rủi mai ông Hùng chán thì tìm ở đâu".

Ông Hùng chụp ảnh cùng các đại biểu quốc tế dự Lễ phát động triển khai 1 triệu ha lúa chất lượng cao. Ảnh: Minh Hùng.

Ông Hùng chụp ảnh cùng các đại biểu quốc tế dự Lễ phát động triển khai 1 triệu ha lúa chất lượng cao. Ảnh: Minh Hùng.

Nhờ quyết tâm của cả hệ thống chính trị tỉnh Đồng Tháp, giai đoạn ông Lê Minh Hoan làm Chủ tịch rồi Bí thư, dần dà có những bà con chịu "rủi ro" cùng tôi. Cũng phải nói thêm, rằng Đồng Tháp cũng như nhiều tỉnh ĐBSCL khi ấy chịu áp lực không nhỏ từ việc thế hệ thanh niên chủ yếu đi xí nghiệp, nhà máy làm. Một số hộ gặp vấn đề về thuê nhân công. Bỏ ruộng thì họ không đành nên tôi may mắn đưa thêm được cả cơ giới hóa, tự động hóa vào canh tác, giúp giảm áp lực mỗi khi gieo trồng, thu hoạch cho người dân.

Từng chút một, số hộ dân cũng như diện tích liên kết của Công ty Nông nghiệp sạch Tháp Mười lớn dần. Tới lúc ấy tôi khỏe hơn. Ai muốn tham gia liên kết, tôi chỉ cần dẫn họ tới những thửa ruộng cũ rồi mời họ đi chân trần trên nền đất được canh tác hữu cơ. Họ sẽ tự cảm nhận được, rằng đất có độ lún. Khi làm đất, máy bừa đi tới đâu là đất tơi đến đó.

Sản phẩm gạo của chúng tôi giờ được liên kết gần như khắp các tỉnh miền Tây như Đồng Tháp, Kiên Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau… Cùng với thời gian, có lẽ người dân giờ đã hiểu nhiều hơn về lúa chất lượng cao. Cùng một thửa ruộng đó, nhưng mình bỏ công ít hơn vì đỡ được công làm đất, sạ, thu hoạch, mà vẫn đảm bảo thu nhập, thậm chí cao hơn thì tội gì không theo.

Cái hay của nông nghiệp hữu cơ là những chỗ được canh tác theo đúng quy trình cứ thế tốt dần cùng năm tháng. Hồi mới thực hiện, có những vùng, năng suất bà con giảm tới 20 - 30%, nhưng giờ đa số đã về lại mức cũ, thậm chí nhỉnh hơn. 

Nhân rộng những mô hình thành công

Vừa qua, Việt Nam mình tự hào khi có giống ST 25 của ông Hồ Quang Cua được công nhận là ngon nhất thế giới. Đó là một cú hích lớn về tinh thần cho những người trồng lúa vùng ĐBSCL, bởi ai cũng biết làm thương hiệu, nhất là về ngành hàng lúa gạo trên thế giới, là khá khó.

Cộng hưởng với đó là Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, giảm phát thải. Thú thực là tôi đã nghe về đề án này từ cách đây ít lâu, giai đoạn ông Lê Minh Hoan mới được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Bộ NN-PTNT. Có thể nói, việc triển khai đề án vào thời điểm này, khi giá lúa gạo chạm ngưỡng 600 USD/tấn và ngành nông nghiệp tiếp tục thể hiện là trụ đỡ của nền kinh tế, nhất là trong những giai đoạn khó khăn như Covid-19 và lạm phát toàn cầu gia tăng, là rất kịp thời, đúng lúc.

Đề án được chia làm hai giai đoạn, trong đó từ nay đến năm 2025 là tập trung phát triển gần 200.000ha lúa kế thừa từ Dự án VnSAT. Tôi chỉ có một chút băn khoăn ở những diện tích triển khai mới. Họ cần được tuyên truyền, nâng cao nhận thức về việc: Lúa chất lượng cao không phải là lúa cao sản, không phải là lúa năng suất. Lúa chất lượng cao cũng không có nghĩa là lúa bán được giá cao, dù rằng hai khái niệm này thường đi đôi với nhau.

Nghe có vẻ đơn giản nhưng trong giai đoạn giá lúa gạo neo cao như hiện tại, việc thuyết phục người dân cần có sự kiên trì theo kiểu cầm tay chỉ việc. Cán bộ khuyến nông cần bám sát đồng ruộng tránh ảnh hưởng những thiệt hại không đáng có cho bà con.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan và Chủ tịch IRRI Cao Đức Phát tại lễ phát động 1 triệu ha lúa chất lượng cao. Ảnh: Tùng Đinh.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan và Chủ tịch IRRI Cao Đức Phát tại lễ phát động 1 triệu ha lúa chất lượng cao. Ảnh: Tùng Đinh.

Tôi nghĩ rằng, để triển khai có hiệu quả Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao cần nhân rộng những mô hình đã thành công, mà cụ thể chính là từ những diện tích lúa được bao tiêu, hoặc đạt tiêu chuẩn xuất khẩu ra nước ngoài, hoặc từ chính Dự án VnSAT. Làm được như vậy, người dân mới đảm bảo và duy trì được các quy trình sản xuất.

Chúng ta từng mất nhiều năm để cải tạo vùng Đồng Tháp Mười thành vựa lúa chính của cả nước. Ở đó, các công trình thủy lợi giữ một vai trò vô cùng quan trọng, giúp thau chua, rửa phèn. Vì thế, khi thực hiện 1 triệu ha lúa chất lượng cao, tôi cho rằng cần đảm bảo các hệ thống tưới tiêu cho những diện tích mới, tạo thành những ô bao, thuận lợi cho cả việc xây dựng cơ sở hạ tầng, đường sá sau này. Cùng với đó, người dân chắc chắn cũng rất cần sự quan tâm, đầu tư về những trạm bơm nhỏ và vừa để hạ giá thành, chi phí sản xuất. 

Gần gũi với bà con, tôi đã hỏi nhiều bà con về đề án. Rất mừng là họ đều đồng thuận việc cải tạo, thay đổi thói quen, tập quán canh tác để nương theo quy trình mới. Từ thực tế đã triển khai ở các tỉnh ĐBSCL, tôi tin người dân sẽ một đồn mười, mười đồn trăm, tự học hỏi lẫn nhau, tự bảo ban nhau tham gia vào các chuỗi liên kết. Thương lái khi thu mua cũng giảm được chi phí vận chuyển.

Lợi ích lâu dài của 1 triệu  ha lúa chất lượng cao, ngoài môi trường xanh cho con em trong tương lai, còn là việc người nông dân có cơ hội tận dụng được các phế phụ phẩm nông nghiệp như rơm rạ, vỏ trấu... Chẳng hạn, rơm rạ từ lúa chất lượng cao sẽ còn tồn dư dinh dưỡng, rất thích hợp cho việc trồng nấm rơm, hoặc vỏ trấu từ các loại lúa chất lượng cao sẽ cho năng suất sinh khối tốt hơn. Đặc biệt, vỏ trấu, qua công nghệ xử lý, hoàn toàn có thể thay thế cho gas tự nhiên, giúp ích trực tiếp cho bà con. 

Xem thêm
1.900 người tham gia Ngày hội việc làm huyện Đại Từ năm 2024

Thái Nguyên Sáng 28/11, huyện Đại Từ tổ chức Ngày hội việc làm kết nối cung cầu lao động, Tư vấn hướng nghiệp năm 2024.

Tập đoàn Mavin 20 năm 'Kiến tạo - Nâng tầm - Bứt phá'

HÀ NỘI Đây là dịp đặc biệt và ý nghĩa để nhìn lại hành trình phát triển vinh quang của Mavin trong 2 thập kỷ qua, khơi dậy niềm tự hào, động lực hướng tới tương lai.