Những quán nhậu ở khu dân cư mới Kim Châu, phường Bình Định (TX An Nhơn, Bình Định) vốn thường rất đông khách, nhưng trong những ngày này cả vào giờ nhậu cao điểm vẫn vắng khách. |
Nào là quần áo mới cho con trẻ, bánh mức để dọn đãi khách đến thăm xuân. Riêng các đấng mày râu thì háo hức kiếm các món mồi khô để làm đồ nhắm đưa cay ngày tết với 1 món không thể thiếu là rượu hoặc bia.
Nhưng đó là chuyện của những năm trước, năm nay hầu hết các đấng mày râu đều lơ là chuyện sắm rượu sắm mồi. Cũng dễ hiểu thôi, bởi Nghị định 100 có hiệu lực từ ngày 1/1/2020 về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt có những điều, khoản xử phạt “khủng” đã làm nhụt lòng các đấng mày râu khi nghĩ đến rượu bia.
“Những năm trước, mỗi cái tết nhà tôi “tiêu thụ” ít nhất là 5 - 7 thùng bia. Từ mùng Một đến mùng Năm khách đến thăm xuân, ngồi trò chuyện ngâm nga mỗi người uống ít nhất cũng 2 lon. Đó là chỉ mới nói đến khách đi thăm xuân, chứ nếu 7 anh em cọc chèo nhà tôi hội tụ lại vui vẻ đầu xuân, tàn cuộc này cũng phải “tiêu thụ” hết 3 thùng bia là ít.
Từ đầu năm nay, Nhà nước áp dụng mức phạt “khủng” đối với người đã uống rượu bia mà còn tham gia giao thông, tôi đắn đo không biết sắm bia về có ai uống không”, anh Nguyễn Thiệp (60 tuổi) ở khu vực Kim Châu, phường Bình Định (TX An Nhơn, Bình Định), bộc bạch.
Ở xóm nhà tôi có anh Lộc, năm nay đã hơn 55 tuổi nhưng chưa 1 lần đi xe máy. Đi đến đâu anh cũng cọc cạch chiếc xe đạp cà tàng. Lộc được xem là “tửu thánh” trong làng. Bởi, cứ mỗi sáng sớm là anh giắt chai trà xanh rỗng ruột vào túi, đạp xe đến quán rượu mua 10 ngàn. Bạn rượu của anh lúc nào cũng sẵn, thế là vào cuộc bù khú.
Xong cuộc rượu “rô đa” buổi sáng, Lộc lại cọc cạch chiếc xe đạp đi lên xã Nhơn Khánh hoặc xuống xã Phước Hưng (huyện Tuy Phước) để gặp bạn rượu bày ra cuộc khác. Đều đều ngày nào cũng vậy. Lộc thường “tự sướng” rằng: “Uống như tui đi xe đạp là chắc ăn nhất. Lỡ có té cũng hổng sao, nhất là không sợ bị công an phạt nồng độ cồn”. Thế nhưng bây giờ trông anh cũng đã có vẻ cũng đã nao núng.
“Kiểu này chắc tui bỏ rượu quá, đi xe đạp uống rượu cũng bị phạt từ 80 ngàn đồng đến 100 ngàn đồng nếu uống ít, uống như tui chắc mẩm sẽ bị phạt mức cao nhất là từ 400 ngàn đồng đến 600 ngàn đồng. Như tui cả ngày làm không ra đồng nào, lâu lâu thằng con cho 5 – 3 trăm để dành uống rượu thì lấy đâu ra tiền mà phạt”.
Những ngày cuối năm âm lịch, người làm ăn xa phương lục tục kéo nhau về quê để tảo mộ, ăn tết sum họp với gia đình. Mọi năm, thời điểm này các quán nhậu đều đông nghìn nghịt. Bởi, anh em bè bạn xóm giềng 1 năm mới gặp nhau 1 lần, có bao nhiêu chuyện để nói nhau nghe. Gặp nhau bên ly cà phê trò chuyện không mấy hứng thú, thế là cứ kéo nhau vào quán nhậu. Những người làm ăn có tiền thì vào quán sang, người làm ăn ít tiền thì vào quán bình dân. Thế nhưng năm nay không khí ấy không còn, hầu hết các quán nhậu đều lèo tèo khách.
Chị Linh, chủ 1 quán nhậu đắt khách nhất ở khu dân cư mới Kim Châu, phường Bình Định (TX An Nhơn), than thở: “Mọi năm, những ngày gần Tết Nguyên đán quán của tôi khách vô nườm nượp, hầu hết là thanh niên đi làm ăn trong miền Nam về quê ăn tết, thỉnh thoảng cũng có những nhóm khách sinh viên. Cả 1 năm xa quê làm ăn nên ai nấy cũng rủng rỉnh tiền trong túi, với lại cái không khí tết khiến mọi người đều hào phóng.
Do đó, cuộc nhậu nào cũng “hoành tráng”, bia khui suốt buổi, cả chục nhân viên phục vụ trong quán đều làm việc hết công suất. Những ngày cuối tháng Chạp năm nay ngồi ngóng cả ngày mới có vài người khách, lại kêu bia rất dè sẻn. Cũng phải thôi, đi xe máy mà uống rượu bia thì bị phạt thấp nhất từ 2 – 3 triệu đồng đến 6 – 8 triệu thì còn ai dám uống”.
Anh Nguyễn Văn Tú, 1 thợ hồ theo công trình làm tận ở TP HCM cả năm vừa về quê ăn tết, mấy ngày nay cứ thẩn thờ đi ra đi vào. Trong khi những năm trước, vào những ngày này, anh cùng nhóm thợ hồ đi làm ở TP HCM và nhóm thợ ở quê thường tập trung lại đến mấy chục người kéo nhau đi quán. Mặc dù làm công việc lao động cực nhọc, nhưng mỗi năm gặp nhau 1 lần nên nhóm thợ của anh ai nấy đều hào phóng, cuộc nhậu nào cũng bia ê hề, mà là tiger hẳn hoi.
“Mấy hôm nay anh em bức xúc lắm, nhưng cứ nghĩ nhậu xong khi về lỡ bị thổi độ cồn bị phạt từ 2 – 3 triệu đến 6 – 8 triệu thì coi như cả nhà mất ăn tết. Cứ nghĩ vậy mà mấy hôm nay anh em thợ chúng tôi cứ nhìn qua nhìn lại không dám bày cuộc nhậu”, anh Tú bộc bạch.
Bạn bè tôi, nhiều người làm ăn khấm khá và hầu hết ai cũng có xe ô tô và lúc nào cũng sẵn sàng với những cuộc nhậu, thế nhưng trong thời gian này bỗng “lành” hẳn.
Đây là những quán nhậu bình dân cả những ngày thường xe máy của khách dựng đầy trước quán, thế nhưng nay cả những ngày cận tết vẫn vắng khách. |
Trước đây, những lúc cao hứng, chúng bạn thường bảo nhau: “Nhậu ở An Nhơn hoài cạn hứng, xuống Quy Nhơn ra đường Xuân Diệu vừa nhậu vừa ngắm biển đổi gió”, thế là kéo nhau đi cả đoàn ô tô. Thế nhưng bây giờ ai cũng “tịt”. Bởi, với mức phạt từ 6 - 8 triệu đồng đến 30 - 40 triệu đồng tùy mức nồng độ cồn có trong người đã khiến ai cũng chờn. Khi nào hứng lắm thì kéo nhau đi nhậu quán gần nhà, nếu say lắm thì gọi taxi chở về để vừa an toàn vừa không lo mất tiền phạt đến mấy chục triệu đồng.
Riêng tôi, với đặc thù công việc là suốt ngày rong ruổi ngoài đường, thường xuyên “dính” vào những cuộc nhậu. Với cái tính “cháy hết mình”, sau cuộc nhậu nào tôi cũng “đứt nhớ”, thế nhưng theo quán tính vẫn chạy xe máy về nhà. Có rất nhiều hôm về đến nhà rồi là “tê liệt” luôn đến sáng.
Sáng hôm sau thức dậy, nằm cố nghĩ mãi mà không nhớ mình về nhà bằng cách nào, chạy xe kiểu gì, lúc ấy mới thấy giật mình. Nhưng rồi tính nào tật nấy, chuyện ấy cứ thường xuyên tái diễn. Bây giờ, với Nghị định 100/2019/NĐ – CP, chắc hẳn những cuộc nhậu sẽ thưa dần. Nghĩ lại, có khi ấy là điều tốt!