| Hotline: 0983.970.780

Thứ Ba 04/06/2019 , 13:29 (GMT+7)

13:29 - 04/06/2019

Tăng độ tuổi nghỉ hưu có giải được bài toán nguồn nhân lực?

Việc điều chỉnh tăng độ tuổi nghỉ hưu trong dự thảo Luật Lao động (sửa đổi) không chỉ được bàn luận sôi nổi tại nghị trường Quốc hội, mà còn là đề tài nóng bỏng tại các diễn đàn.

Ảnh minh họa.

Tăng độ tuổi nghỉ hưu lên 60 tuổi đối với nữ và 62 tuổi đối với nam, có cần thiết không? Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho rằng, đây là điều "không thể trì hoãn, không có chuyện người già tranh chấp chỗ của người trẻ, quan chức giữ ghế để làm việc, và nếu không tăng tuổi nghỉ hưu, thì sẽ truyền gánh nặng cho thế hệ sau".

Để người lao động khỏi bất ngờ, hai phương án tăng độ tuổi nghỉ hưu được kiến thiết theo lộ trình từng bước. Phương án 1: Từ đầu năm 2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 3 tháng đối với nam và đủ 55 tuổi 4 tháng với nữ. Sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng với nam và 4 tháng với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi và nữ đủ 60 tuổi.

Phương án 2: Cũng tăng từ đầu năm 2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 4 tháng đối với nam và đủ 55 tuổi 6 tháng đối với nữ. Sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 4 tháng đối với nam và 6 tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi và nữ đủ 60 tuổi.

Hai phương án chỉ khác nhau chút ít về thời gian, chứ chưa tính toán đến giá trị thực tế của mỗi công việc vốn rất khác nhau. Khảo sát của Hội Liên hiệp Phụ nữ VN cho kết quả đáng tham khảo, hầu hết công nhân ở khu công nghiệp dệt may và khu khai thác hầm mỏ đều muốn được nghỉ hưu sớm.

Bên cạnh đó, những nghề nghiệp đặc thù như giáo viên mầm non hoặc phóng viên báo chí cũng thừa nhận gánh nặng tuổi tác ảnh hưởng lớn đến năng lực cống hiến của họ cho lĩnh vực công tác.

Thử phân tích 3 lý do để đề xuất tăng tuổi hưu. Thứ nhất, dân số đang già hóa. Thứ hai, bảo đảm cân bằng ổn định của quỹ bảo hiểm xã hội. Thứ ba, lực lượng lao động sau tuổi nghỉ hưu của người Việt Nam được đánh giá rất tốt. 

Cả 3 lý do đều có sức thuyết phục nhất định, nhưng lại không giải quyết yếu tố cốt lõi là chất lượng nguồn nhân lực. Xu hướng chung của thế giới là hạ độ tuổi nghỉ hưu, còn nước ta đang thúc đẩy ý nguyện ngược lại. Dù tuổi thọ trung bình của người Việt Nam đã cao hơn, song cơ cấu lao động và nhu cầu hưởng thụ trong thời hội nhập đã khác xưa rồi.

Bây giờ, lao động không còn dựa vào thói quen và kinh nghiệm, mà phải tính đến khả năng thích nghi và sáng tạo. Bây giờ, người già không còn ru rú góc nhà để bồng con và giữ cháu, mà còn có thú vui du ngoạn và theo đuổi sở thích cá nhân. Chỉ cần soi xét hai khía cạnh ấy thì sẽ thấy rằng, việc tăng độ tuổi nghỉ hưu không dễ tạo được sự đồng thuận của lực lượng tiến bộ trong cộng đồng.

Người nghỉ hưu, nếu vẫn khát khao làm việc thì cơ hội ở khắp nơi, mà không phải trông đợi vào định chế thêm bớt vài ba năm lưu lại nhiệm sở cũ.