Ngày 7/11, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến làm việc với Ban Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam (VAAS) cùng 19 viện, trung tâm trực thuộc.
Tại đây, Thứ trưởng đánh giá những thành tựu thời gian qua của ngành nông nghiệp như giảm diện tích tăng sản lượng, xuất khẩu 10 tháng đầu năm 2022 đạt gần 45 tỷ USD có phần đóng góp lớn từ những tiến bộ kỹ thuật, khoa học công nghệ của các khối viện, trường, các trung tâm nghiên cứu.
Với quan điểm, tạo môi trường thông thoáng để "cởi trói cho các nhà khoa học", lãnh đạo Bộ NN-PTNT đề nghị lãnh đạo VAAS, các nhà khoa học chia sẻ và làm rõ thực trạng, kể cả những tồn tại, vướng mắc trên 3 khía cạnh: hạ tầng kỹ thuật, chất lượng nhân sự và môi trường làm việc. "Chúng ta cần đồng hành và tháo gỡ sớm những nút thắt, nhằm nâng tầm khoa học công nghệ, thúc đẩy hơn nữa quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp", Thứ trưởng nói.
GS.TS. Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc VAAS cho biết, trong giai đoạn 2016-2022, tổng giá trị gia tăng nhờ các giống cây trồng mới của VAAS ước khoảng 55.000 tỷ đồng/năm. Song song đó, Viện tổ chức sản xuất, cung cấp cho thị trường 15.000 tấn giống lúa, 900 tấn giống ngô, 100 tấn giống đậu đỏ, 400 tấn giống cây có củ, hơn 500.000 cây giống hoa và hơn 10 triệu bầu giống chè, cà phê, hồ tiêu, bơ và cây ăn quả.
Cùng với chuyển nhượng quyền phân phối 45 giống cây trồng, 30 quy trình công nghệ sản xuất phân bón, 470 hợp đồng tư vấn chuyển giao cho doanh nghiệp, VAAS tăng doanh thu từ 16,8 tỷ đồng năm 2016 lên trên 50 tỷ đồng năm 2022.
Đạt những thành tựu trên, nhưng ông Sơn thừa nhận năng lực nghiên cứu của viện còn chậm cải thiện so với nhu cầu thị trường, sự thiếu hụt các nhà khoa học trình độ cao vẫn diễn ra do hiện tượng "chảy máu chất xám" ngày càng mạnh, hiệu quả thực hiện cơ chế tự chủ tự chịu trách nhiệm còn hạn chế.
Nguyên nhân được lãnh đạo VAAS chỉ ra, là do Viện được thành lập dựa trên cơ sở sáp nhập cơ học các viện, trung tâm. Việc phối hợp, liên kết thực hiện nhiệm vụ chính trị, khai thác sử dụng cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật và chuyển giao tiến bộ còn chưa tương xứng với tiềm năng, chưa tạo được sức mạnh tổng hợp của toàn hệ thống.
Việc chuyển đổi sang cơ chế tự chủ cũng là một thách thức với các đơn vị sự nghiệp công lập, theo GS.TS. Nguyễn Hồng Sơn. Lý do sâu xa là bởi thiếu cơ chế hoặc cơ chế không đồng bộ trong việc xác định vị trí việc làm đối với tổ chức khoa học công nghệ trong tình hình mới.
Dựa trên định hướng nghiên cứu có trọng tâm, trọng điểm tạo kết quả trọn gói công nghệ gắn với từng đối tượng sản phẩm; nghiên cứu theo chuỗi giá trị; nghiên cứu đáp ứng nhu cầu thị trường, VAAS kiến nghị Bộ NN-PTNT phân cấp, ủy quyền cho Viện chủ động thực hiện việc sắp xếp, điều chỉnh các đơn vị trực thuộc trên cơ sở tinh gọn, nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động. Bên cạnh đó, VAAS đề xuất hỗ trợ nâng cao chất lượng và củng cố số lượng nguồn nhân lực khoa học công nghệ, thông qua việc ban hành các cơ chế chính sách đặc thù về sử dụng, tuyển dụng thời gian tới.
Lắng nghe ý kiến của VAAS cùng 19 đơn vị thành viên, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến hứa sau buổi làm việc hôm 7/11 sẽ tiếp tục có từng buổi làm việc riêng với các viện, trung tâm trực thuộc VAAS. Ông cũng gợi ý một số giải pháp trước mắt cho công tác nghiên cứu khoa học. Đó là, chủ động khai thác thêm nguồn ngân sách từ địa phương để có thêm kinh phí hoạt động, bên cạnh nguồn ngân sách Trung ương.
Do đối tượng thụ hưởng chính của các tiến bộ kỹ thuật, chuyển giao công nghệ trong nông nghiệp là bà con nông dân, thành phần yếu thế trong xã hội, nên lãnh đạo Bộ NN-PTNT cho rằng cần "cởi trói" nghiên cứu khoa học từ gốc. Cụ thể, là phản ánh khó khăn lên Quốc hội, hoặc những diễn đàn vĩ mô, mang tầm hoạch định chiến lược.
"Nghiên cứu khoa học không ra sản phẩm cụ thể cũng giống như doanh nghiệp không thể đưa sản phẩm ra thị trường. Dù thế nào, chúng ta cần luôn luôn lạc quan, tin tưởng vào tương lai ngành nông nghiệp, trụ đỡ lớn của nền kinh tế đất nước", Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.