| Hotline: 0983.970.780

Cứ áp dụng Nghị định 70, dễ làm nhà khoa học nhụt chí

Thứ Hai 08/11/2021 , 09:03 (GMT+7)

VAAS có 19 đơn vị thành viên, vừa rồi đều rất băn khoăn khi triển khai Nghị định 70 và đã có văn bản kiến nghị phải điều chỉnh hoặc hướng dẫn phù hợp.

GS.TS Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam. Ảnh: NVCC. 

GS.TS Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam. Ảnh: NVCC. 

Chuyện “lọt sàng xuống nia”

"Cứ áp dụng Nghị định này (Nghị định 70/2018/NĐ-CP) dễ làm cho anh em nản chí, không ra được những sản phẩm tốt", GS.TS Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam (VAAS) mở đầu cuộc trò chuyện.

Bài liên quan

"Tôi từng hỏi nhóm tác giả xây dựng nên Nghị định rằng loại tài sản này là gì? Tài sản cố định, tài sản trí tuệ, tài sản đào tạo hay là các loại tài sản khác nữa, phải thật cụ thể. Và được họ trả lời phải chờ thông tư hướng dẫn của Bộ Khoa học và Công nghệ (KH-CN) để định dạng cho rõ", GS.TS Nguyễn Hồng Sơn kể.

Theo hướng dẫn thực hiện Nghị định số 08/2014/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật KH-CN, sản phẩm KH-CN gồm dạng I (mẫu, model, maket), sản phẩm, vật liệu, thiết bị, máy móc, dây chuyền công nghệ, giống cây trồng, giống vật nuôi và các loại khác; dạng II (nguyên lý ứng dụng, phương pháp, tiêu chuẩn, quy phạm, phần mềm máy tính, bản vẽ, báo cáo…và dạng III (bài báo; sách chuyên khảo…).

Như vậy, vì chưa có thông tư hướng dẫn nên việc tổ chức triển khai thực hiện Nghị định 70 này còn nhiều vướng mắc, trong đó quan trọng là xác định loại sản phẩm và định giá tài sản. Các nhiệm vụ khoa học mà Nhà nước hiện hỗ trợ cho các viện nghiên cứu công lập thực hiện thường là các nhiệm vụ mà các doanh nghiệp chưa thể thay thế được.

Hiện có nhiều doanh nghiệp hiện đã hình thành bộ phận nghiên cứu, phát triển giống nhưng thực tế số thành công không nhiều, vẫn phải liên kết với các viện nghiên cứu của Nhà nước để mua bản quyền hay sử dụng giống nhập ngoại.

Ngoại trừ các giống rau lai ta chưa làm chủ được công nghệ nên phần lớn vẫn phải dựa vào nhập ngoại, còn các giống cây trồng khác phần lớn đã làm chủ được, đều do các viện nghiên cứu tạo ra như các giống lúa thuần, cà phê, tiêu, điều và đa số các giống cây ăn quả.

GS.TS Nguyễn Hồng Sơn lội ruộng kiểm tra lúa. Ảnh: NVCC.

GS.TS Nguyễn Hồng Sơn lội ruộng kiểm tra lúa. Ảnh: NVCC.

"Liên quan đến thực tiễn xác định giá trị của tài sản là kết quả nhiệm vụ KH-CN được ngân sách cấp, hỗ trợ, chúng tôi nhận thấy: Đối với kết quả dạng I mới dừng ở quy mô phòng thí nghiệm, hoặc đánh giá, khảo nghiệm, thử nghiệm ở quy mô hẹp, chưa đáp ứng điều kiện sản xuất, thương mại theo quy định của pháp luật.

Bài liên quan

Việc xác định giá trị thương mại của chúng không đơn giản vì không đủ cơ sở dữ liệu, ngoại trừ các một số sản phẩm như giống cây trồng đã được công nhận lưu hành hoặc công bố lưu hành. Hơn nữa, để thương mại hóa cần thiết phải tiếp tục đầu tư thời gian, công sức, trí tuệ và kinh phí cho việc phát triển thị trường, sản xuất sản phẩm ở quy mô hàng hóa", GS.TS Nguyễn Hồng Sơn nêu vấn đề.

Theo ông, trên thực tế, việc định giá các sản phẩm khoa học không thực sự dễ. Cùng mức kinh phí hỗ trợ gần giống nhau nhưng có những giống cây trồng tạo ra được ứng dụng rộng rãi, quy mô có thể tới hàng triệu ha như giống lúa OM5451, có giống chỉ được vài chục ngàn ha. Vậy cái gì tạo nên sự khác biệt đó?

Rõ ràng, bên cạnh nguồn vốn của Nhà nước, còn có sự đầu tư chất xám, sự lao động miệt mài của các nhà khoa học nữa. Như vậy, việc định giá tài sản để giao cho các đơn vị nghiên cứu hay đơn vị nhận chuyển giao khác không đơn giản vì với chu kỳ nghiên cứu của một đề tài từ 3 - 4 năm, chưa đủ để biết được mức độ chấp nhận của sản xuất với một sản phẩm KH-CN, trong đó có sự đầu tư nguồn vốn của Nhà nước và sự đầu tư trí tuệ, công sức của nhà khoa học.

Phòng thí nghiệm của Viện nghiên cứu Ngô. Ảnh: Dương Đình Tường.

Phòng thí nghiệm của Viện nghiên cứu Ngô. Ảnh: Dương Đình Tường.

Hiện nay, đã có nhiều mô hình liên kết chuyển nhượng, chia sẻ bản quyền tác giả đối với một số giống cây trồng giữa viện nghiên cứu và doanh nghiệp nhưng rất khó định giá, bản thân tác giả và doanh nghiệp đều không biết hết được giá trị đích thực của sản phẩm. Mặt khác, nếu các sản phẩm được tính toán đầy đủ theo đúng giá trị của nó thì nó sẽ được kết tinh vào giá thành, và giá bán sản phẩm sẽ cao, nông dân không được hưởng lợi.

Quay trở lại ví dụ với giống lúa OM5451, nếu cả Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long (đơn vị nghiên cứu ra giống) và Tập đoàn Lộc Trời (đơn vị nhận chuyển giao) khai thác được hết bản quyền thì khoản tiền thu được sẽ rất lớn, có thể tương đương kinh phí nghiên cứu của toàn bộ Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam. Nhưng thực tế, cả viện và doanh nghiệp đều chỉ thu được một khoản kinh phí rất nhỏ, phần lớn giống do các hợp tác xã, nông dân tự để, tự sản xuất đều không thu được tác quyền.

"Trước kia, Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long có thu tác quyền 100 - 200 đ/kg thóc giống, cũng không đáng kể so với lợi ích mang lại cho xã hội. Tương tự như vậy, hiện nay phần lớn các giống cây ăn quả, cây công nghiệp được nhân giống theo hình thức vô tính đều chưa có đơn vị nhận chuyển giao bản quyền giống vì nó dễ mất bản quyền. Dĩ nhiên trong trường hợp này, nông dân sẽ được lợi.

Như vậy, nếu Nhà nước không thu lại được vốn đã đầu tư thì người được hưởng lợi đầu tiên là nông dân, có thể coi đó là “lọt sàng xuống nia”.

Có lẽ đến lúc này, chức năng, bổn phận của các cơ quan nghiên cứu công lập vẫn còn rất lớn. Nhà nước vẫn nên tiếp tục đặt hàng các nhiệm vụ KH-CN để giúp cho dân nhanh chóng tiếp cận và áp dụng chúng vào sản xuất".

GS.TS Nguyễn Hồng Sơn.

Để nhà khoa học chỉ việc bước chân vào phòng thí nghiệm

Theo quy định hiện nay, khi các tổ chức khoa học chuyển giao được sản phẩm hình thành từ nguồn ngân sách do Nhà nước hỗ trợ, đều phải nộp một khoản thuế thu nhập doanh nghiệp. Do đó, Nhà nước nên tiếp tục giao sản phẩm khoa học cho các tổ chức khoa học quản lý, khai thác, sử dụng. Nếu cần, có thể bổ sung thêm các khoản trích quỹ phát triển của đơn vị để bù vào phần ngân sách hỗ trợ hằng năm hoặc nâng cao năng lực cho các tổ chức khoa học công lập.

Bài liên quan

Đối với trường hợp kết quả nghiên cứu ở dạng II và dạng III thì không thể xác định được giá trị thương mại. Trong lĩnh vực nông nghiệp, các quy trình công nghệ, quy trình kỹ thuật phần lớn đang được chuyển giao miễn phí cho nông dân, hợp tác xã nên hầu như không thu hồi được kinh phí.

Như vậy, qua ý kiến của nhiều tổ chức và cá nhân, cần nghiên cứu lại các quy định tại Nghị định 70 để đảm bảo tính khả thi, đồng thời tạo động lực để các tổ chức, các nhà khoa học có nhiều sản phẩm có chất lượng cao hơn.

Cần có những cơ chế, càng tạo thông thoáng, cởi mở càng tốt để động viên cán bộ nghiên cứu tạo ra nhiều giống xuất sắc hơn nữa mới đúng, chứ không phải làm nhụt chí của anh em. Thậm chí họ làm ra nhiều con lai tốt nhưng lại giấu bớt đi, chuyển lén cho tư nhân thì Nhà nước lại càng thiệt hơn. Như vậy, Nhà nước có muốn quản các sản phẩm khoa học cũng khó nếu không nhờ sự tự giác và cái tâm của các nhà khoa học.

Đi cấy ở Viện Cây Lương thực và Cây thực phẩm. Ảnh: Dương Đình Tường.

Đi cấy ở Viện Cây Lương thực và Cây thực phẩm. Ảnh: Dương Đình Tường.

Trong thời gian qua, nhiều cán bộ khoa học đã không thể thích ứng được với chính sách đãi ngộ và cơ chế quản lý nên đã rời các viện nghiên cứu, mặc dù “chất xám” có chảy thì cũng chảy từ trong ra ngoài, từ đơn vị công lập sang doanh nghiệp tư nhân.

Nhưng dù sao, đây cũng là hồi chuông cảnh báo về chính sách trọng dụng cán bộ khoa học có trình độ tốt, đặc biệt là những người được đào tạo ở nước ngoài. Bởi được đào tạo rất cơ bản nên họ cần có điều kiện làm việc tốt, những phòng thí nghiệm tiêu chuẩn, những chế tài, cơ chế cởi mở để chỉ còn việc bước chân vào phòng thí nghiệm làm việc mà đầu óc không phải suy nghĩ đến những chứng từ tài chính nọ kia.

Phải công bằng đánh giá, hơn ba thập kỷ qua, KH-CN, đặc biệt là khoa học trong nông nghiệp đã có một giai đoạn phát triển rất nhanh, góp phần tạo ra lượng sản phẩm dồi dào, giúp chúng ta thoát đói, giảm nghèo.

Bây giờ, nghiên cứu khoa học trong nông nghiệp đang có nhịp trễ để chuyển sang giai đoạn nghiên cứu về chất lượng, hiệu quả kinh tế thì không thể tiếp tục duy trì tốc độ phát triển nhanh như giai đoạn trước đây được.

Cấy lúa thí nghiệm ở Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm. Ảnh: Dương Đình Tường.

Cấy lúa thí nghiệm ở Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm. Ảnh: Dương Đình Tường.

Bởi để tăng trưởng về số lượng, có thể chúng ta chỉ mất một chục năm, nhưng để thay đổi về chất lượng có khi mất cả vài chục, thậm chí hàng trăm năm. Vì vậy, Nhà nước cần tiếp tục tin tưởng, tạo điều kiện và có cơ chế đãi ngộ phù hợp để tiếp sức cho các cán bộ khoa học, giúp họ có cơ hội phát triển để tạo ra sản phẩm đột phá, có chất lượng tốt hơn.

"Hiện mỗi năm, các thành viên của Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam có thể nghiên cứu được vài ba chục giống cây trồng các loại nhưng cũng chỉ có một số giống có thể nhân rộng được trong sản xuất. Phải chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu, mặc dù các sản phẩm giống cây trồng được phát triển và đạt tiêu chuẩn quốc gia nhưng không nhân rộng được trong sản xuất". 

GS.TS Nguyễn Hồng Sơn.

Xem thêm
Nghề đón 'lộc trời': [Bài 2] Đưa yến sào thành mặt hàng xuất khẩu chủ lực

Yến sào được kỳ vọng là sản phẩm xuất khẩu mang lại nguồn thu lớn cho Bình Phước, sau hạt điều, cao su và sầu riêng.

Truy tố những trường hợp để chó, mèo gây hậu quả nghiêm trọng

Đắk Lắk sẽ điều tra, truy tố, xử lý nghiêm những trường hợp không tuân thủ quy định trong việc nuôi, quản lý chó, mèo để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.

Thủ phủ cam Cao Phong tái canh để cứu cây đặc sản

Cao Phong, Hòa Bình từng là thủ phủ cam nổi tiếng của miền Bắc nhưng khi giá bán hạ, bệnh phát sinh khiến địa phương này phải tính đến bài toán tái canh.