Hải Dương có nhiều mặt hàng nông sản có tiềm năng xuất khẩu lớn, có thế mạnh và lợi thế cạnh tranh so với các quốc gia xuất khẩu khác. Điển hình như vải thiều Thanh Hà, cà rốt, bắp cải, tỏi Kinh Môn...
Điển hình như trong vụ xuất khẩu đầu năm 2022, cà rốt Hải Dương đã xuất khẩu vào thị trường Hàn Quốc ngay từ đầu, thay vì chờ khi sản lượng cà rốt của Trung Quốc giảm. Doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã có những đơn hàng lớn được ký kết và triển khai ngay khi cà rốt Hải Dương đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.
Đánh giá về kết quả này tại Hội nghị Tổng kết ngành nông nghiệp tỉnh Hải Dương, ông Nguyễn Khắc Tiến, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Ameii Việt Nam cho rằng, nguyên nhân nằm ở chất lượng sản phẩm, cũng như sự phân tích và chiến lược giá phù hợp của doanh nghiệp trong việc thích nghi và đáp ứng tốt nhu cầu xuất khẩu trên “thế giới phẳng”.
"Chủ trương đẩy mạnh tích tụ ruộng đất tạo ra những vùng sản xuất lớn, chuyên canh và ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp đã tạo ra những sản phẩm có chất lượng tốt, đáp ứng được nhu cầu xuất khẩu (như VietGap, GlobalGap, Organic...). Nông sản Hải Dương đã và đang khẳng định thương hiệu và chất lượng nông sản trên thị trường trong và ngoài nước", ông Tiến nói.
Hướng tới một nền sản xuất nông nghiệp cao, bền vững, lãnh đạo Ameii cho rằng các doanh nghiệp và địa phương cần phối hợp để tạo ra những sản phẩm chất lượng cao, mẫu mã đẹp, đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của khách hàng trong và ngoài nước.
Với Ameii Việt Nam, công ty chủ động liên kết, thu mua và bao tiêu sản phẩm với nhiều địa phương trong cả nước. Tại Hải Dương, hiện công ty tham gia 5 chuỗi liên kết hỗ trợ tiêu thụ nông sản xuất khẩu với bà con nông dân theo chủ trương của tỉnh và Sở NN-PTNT.
Qua vụ vải năm 2021, sản phẩm vải thiều Thanh Hà nằm trong chuỗi liên kết của Công ty với HTX đạt chất lượng cao, sau đó được sơ chế, đóng gói và cung cấp đến tay khách hàng trong nước theo đúng tiêu chuẩn xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản.
Công ty CP Ameii Việt Nam cũng đưa 8 kiến nghị nhằm nâng cao chất lượng, mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản. Đó là:
(1) Xây dựng những Trung tâm tư vấn hỗ trợ chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp hiện có sang sản xuất nông nghiệp chất lượng cao, giúp người dân về quy trình canh tác, đầu tư, và hệ thống phân phối.
(2) Xây dựng những kênh truyền thông, tuyên truyền quảng bá các sản phẩm chất lượng cao giúp HTX, người dân tiếp cận nhiều hơn tới người tiêu dùng. Đồng thời có những cam kết, đồng hành của địa phương, doanh nghiệp trong giai đoạn đầu.
(3) Xây dựng bộ phận hỗ trợ thông tin về thị trường, giá cả, mùa vụ, xu hướng và các mô hình canh tác mới... để truyền tải đến từng người dân, từng thôn, xã, HTX... thông qua các kênh như: mạng xã hội, website, truyền thanh... Đồng thời có sự tương tác, tư vấn, giải đáp thắc mắc khi cần thiết.
(4) Rà soát, đánh giá tổng thể hiện trạng các loại cây trồng trên địa bàn để lựa chọn những sản phẩm chính, chủ lực, có tính cạnh tranh cao với các vùng hoặc các quốc gia khác.
(5) Xây dựng đồng bộ hệ thống nhận diện thương hiệu cho nông sản, bao gồm các tài liệu in ấn, tài liệu số hiển thị trên các nền tảng web, mạng xã hội, các video clip và đặc biệt là chọn linh vật đại diện cho nông sản tỉnh, qua đó giúp kể những câu chuyện về nông sản gắn liền với sản phẩm...
(6) Động viên, khuyến khích người dân, HTX tham gia vào chuỗi liên kết hoặc các tổ, nhóm sản xuất để cùng nhau tạo ra các sản phẩm chuyên biệt, đồng nhất về chủng loại và chất lượng. Các đơn vị quản lý Nhà nước hỗ trợ thông tin về quy trình kỹ thuật nhằm thống nhất từ khâu làm đất, chọn giống, trồng, chăm sóc, thu hoạch và có sự kết nối chặt chẽ với các đơn vị, cơ sở thu mua, chế biến.
(7) Nghiên cứu cơ chế chính sách về lãi suất và thời gian tính lãi để hỗ trợ cho doanh nghiệp đầu tư ứng trước cho bà con nông dân trong chuỗi liên kết.
(8) Tuyên truyền, hướng dẫn và đào tạo cho nông dân kiến thức, kỹ thuật, quy trình trồng, chăm sóc các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao để xuất khẩu vào nhiều thị trường, đặc biệt là các thị trường cao cấp.