Tham dự buổi lễ có Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh; Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang; Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định; cùng các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng là lãnh đạo các Bộ, Ban, ngành, đoàn thể của Trung ương và lãnh đạo của nhiều tỉnh, thành phố tham dự.
Diễn văn ôn lại truyền thống 190 năm ngày thành lập tỉnh Thái Nguyên do đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thanh Hải trình bày nêu rõ: Tỉnh Thái Nguyên thuộc vùng Đông Bắc của Tổ quốc, được gọi là tỉnh Thái Nguyên từ năm 1831, nằm ở vị trí trung tâm vùng Việt Bắc, là cửa ngõ liên thông giữa vùng trung du, miền núi phía Bắc với vùng đồng bằng Bắc Bộ, có vị trí chiến lược quan trọng đối với sự phát triển của vùng Việt Bắc và của cả nước; là phên dậu vững chắc bảo vệ kinh thành Thăng Long xưa và Thủ đô Hà Nội ngày nay. Thái Nguyên là quê hương của Lý Nam Đế (tức Lý Bí), vị hoàng đế đầu tiên của nước ta, người đã lãnh đạo nhân dân đứng lên khởi nghĩa lập nên Nhà nước Vạn Xuân.
Thời kỳ chống Pháp, Mỹ, tỉnh Thái Nguyên là thủ phủ của Khu tự trị Việt Bắc, là nơi ở và làm việc của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Chính phủ. Có thể khẳng định, An toàn khu Thái Nguyên trở thành cái nôi của cách mạng, do Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp chỉ đạo kháng chiến thành công, tạo tiền đề cho đất nước Việt Nam hoàn toàn độc lập và phát triển như ngày hôm nay.
Trong công cuộc đổi mới xây dựng đất nước, sau 25 năm tái lập với 5 kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh, Thái Nguyên luôn phát huy vị trí, thế mạnh của tỉnh là trung tâm kinh tế, công nghiệp, y tế, giáo dục và đào tạo với nhiều thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực.
Hiện nay giá trị xuất khẩu Thái Nguyên đứng thứ tư cả nước; thu ngân sách đứng trong tốp 20 cả nước; tốc độ tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2016 - 2020 đạt gần 11%; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ngày càng đồng bộ, hiện đại, môi trường đầu tư thông thoáng, thuận lợi, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI năm 2020 xếp thứ 11/63, chuyển đổi số đứng thứ 12/63 tỉnh, thành phố, trong đó chính quyền số đứng thứ ba toàn quốc...
Nhờ đó đã thu hút được 161 dự án FDI với tổng vốn đăng ký trên 8,6 tỷ USD, gần 8.000 doanh nghiệp trong nước; đời sống người dân ngày càng được nâng cao; GDP bình quân đầu người tăng từ 51 triệu đồng/người/năm năm 2015 lên gần 90 triệu năm 2020 và mục tiêu đến năm 2025 là 150 triệu, tốc độ tăng trưởng GRDP 8%; tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm mạnh, từ 11,21% năm 2016 xuống còn 2,82% năm 2020...
Ghi nhận và đánh giá cao những thành tích xuất sắc trong công tác, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc, Đảng và Nhà nước đã trao tặng tỉnh Thái Nguyên phần thưởng cao quý: Huân chương Độc lập hạng Nhất.
Đây là niềm vinh dự, tự hào, là nguồn cổ vũ to lớn để Thái Nguyên vững bước đi lên, giành nhiều thắng lợi hơn nữa trong công cuộc xây dựng và phát triển. Chính phủ cũng tặng Cờ thi đua cho Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Thái Nguyên vì đã hoàn thành xuất sắc toàn diện nhiệm vụ công tác, dẫn đầu phong trào thi đua toàn quốc năm 2020.
Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh chúc mừng, biểu dương và ghi nhận những thành tựu to lớn, đáng tự hào của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Thái Nguyên đã đạt được trong những năm qua. Đồng thời đề nghị, trong thời gian tới, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên tập trung quán triệt, triển khai thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, bám sát đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ; tập trung hoàn thiện Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 làm cơ sở để triển khai thực hiện các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới. Thái Nguyên phải tích cực phấn đấu trở thành tỉnh tự cân đối được ngân sách, xứng đáng với vai trò, vị thế, tiềm năng của tỉnh trung tâm vùng trung du và miền núi phía Bắc…