| Hotline: 0983.970.780

Thăm gia đình chú Tư Mao và anh Năm Gành

Thứ Hai 06/06/2022 , 15:29 (GMT+7)

Thật là dịp may cho tôi khi có một chuyến đi Rạch Giá, Kiên Giang trong các ngày 30, 31 tháng 5 và đầu ngày 1 tháng 6 năm 2022.

Bộ trưởng Bộ Thủy sản Tạ Quang Ngọc (giữa) cùng ông Lê Hồng Anh - Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang (bên phải) kiểm tra việc khảo sát luồng lạch để chuẩn bị khởi công cảng cá Tắc Cậu. Ảnh chụp năm 1996.

Bộ trưởng Bộ Thủy sản Tạ Quang Ngọc (giữa) cùng ông Lê Hồng Anh - Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang (bên phải) kiểm tra việc khảo sát luồng lạch để chuẩn bị khởi công cảng cá Tắc Cậu. Ảnh chụp năm 1996.

Tôi được mời dự Đại hội hội Hữu nghị Việt Nam - Thái Lan tỉnh Kiên Giang và là khách mời danh dự của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị của tỉnh.

Anh Trần Chí Dũng, Chủ tịch Liên hiệp, cùng anh em ở đây và anh Lê Văn Trung, Chủ tịch hội Hữu nghị Việt Thái gối đầu 2 đại hội đã thực sự nồng hậu và chu đáo lo cho tôi dự Đại hội vào hai ngày tôi lưu lại Rạch Giá, đón đưa tôi giữa Cần Thơ và nơi đây.

Biết tôi vào qua thông tin của anh Ba Tân (*), anh Út Anh (anh Lê Hồng Anh) đang có việc gia đình vừa về đến Rạch Giá nhưng vẫn đến dùng bữa tối với tôi do anh em Liên hiệp Hữu nghị tỉnh tổ chức, rồi kéo tôi cùng anh Ba Tân đến tiếp tục lai rai, chuyện trò với anh tối đó. Một buổi tối rất chân tình, ấm áp, làm tôi nhớ những kỷ niệm đã phần tư thế kỷ nơi đây, ở tỉnh Kiên Giang này.

Từ khi nghỉ làm (năm 2007), tôi chưa có dịp lui tới thắp hương chú Tư Mao và thăm gia đình chú. Ngoài ra, tôi còn mong có dịp về Rạch Giá thắp nén hương lên bàn thờ anh Năm Gành (anh Huỳnh Văn Gành) vì tôi đã không được thăm anh lúc anh đột quỵ, tiễn đưa anh khi anh mất.

Bộ trưởng Tạ Quang Ngọc (bên trái) trao đổi tình hình khai thác với ông Năm Gành sau khi khảo sát một tàu cá. Ảnh: Tư liệu.

Bộ trưởng Tạ Quang Ngọc (bên trái) trao đổi tình hình khai thác với ông Năm Gành sau khi khảo sát một tàu cá. Ảnh: Tư liệu.

Chú Tư Mao thì mọi người đều biết mỗi khi nhắc đến huyền thoại tàu không số với những chuyến đi nổi tiếng của  Anh hùng lực lượng vũ trang Phan Văn Nhờ - tên cúng cơm của chú.

Sau chiến tranh chú có thời gian làm Thứ trưởng Bộ Hải sản, rồi về Kiên Giang làm Trưởng ty Công an, Ủy viên ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh kiêm Trưởng ty Thủy sản. Cả tỉnh ai mà không biết chú.

Khi còn đi làm, năm nào tôi cũng vài lần đến thắp hương cho chú, thăm cô và gia đình. Đến nay, cô đã mất được 10 năm. Với cô, tôi là người rất gần gũi. Các anh chị con cô chú kể lại rằng, cho đến tận những ngày trước khi cô mất, cô vẫn hay nhắc đến tôi và những lần tôi tới thăm.

Cô chú có 3 người con thì anh trai đầu đã mất, còn lại chị Ba Yến có chồng tên là Quân làm công an đã nghỉ hưu, và chị Út Thậm có chồng là anh Kha. Cháu nội ngoại, trai gái cô chú có đủ cả. Hôm tôi đến thắp hương cô chú, cả vợ chồng chị Ba và chị Út đều đón tiếp tôi cùng các anh ở Liên hiệp Hữu nghị và Chi cục Thủy sản, chuyện trò cởi mở, chân tình (ảnh dưới).

Cả vợ chồng ông Ba và bà Út đón tiếp nguyên Bộ trưởng Thủy sản Tạ Quang Ngọc cùng các anh ở Liên hiệp hữu nghị và Chi cục Thủy sản, chuyện trò cởi mở, chân tình. Ảnh: NVCC.

Cả vợ chồng ông Ba và bà Út đón tiếp nguyên Bộ trưởng Thủy sản Tạ Quang Ngọc cùng các anh ở Liên hiệp hữu nghị và Chi cục Thủy sản, chuyện trò cởi mở, chân tình. Ảnh: NVCC.

Còn chuyện anh Năm Gành. Mấy năm trước, tôi bùi ngùi xúc động được tin anh ngã bệnh, nằm đó rồi ít lâu sau ra đi. Anh mất đã hơn 2 năm (hôm 3 tháng 4 Âm lịch vừa rồi là giỗ lần thứ hai của anh).

Tôi có nhiều gắn bó với anh trong suốt những năm làm Bộ trưởng. Khi tôi bắt đầu “ngồi ghế nóng” này thì anh cũng vừa từ huyện Kiên Hải với chức Bí thư về làm Giám đốc Sở Thủy sản Kiên Giang. Khi tôi nghỉ và nhập bộ ở Trung ương, thì ở tỉnh cũng nhập sở và anh Năm được điều về làm Bí thư một huyện mới - huyện Giang Thành.

Tức là chúng tôi có 11 năm gắn bó trong công việc, chung nỗi vất vả và tình đồng chí đồng nghiệp với anh và những anh lãnh đạo thủy sản khác ở khắp miệt Đồng bằng. Bão số 5 năm 1997 gần như là khởi đầu ở sự quen biết. Còn cái sự “nhập bộ” là kết thúc các quan hệ công việc. Tình cờ cũng có mấy năm anh Năm Gành làm Chủ tịch hội Hữu nghị Việt Thái tỉnh Kiên Giang, còn tôi, khi đó đã một nhiệm kỳ là Chủ tịch Hội này ở cấp Trung ương.

Trước khi lên lầu thắp nén hương trên bàn thờ anh Năm, tôi ngồi lâu với cháu Huỳnh Tha, con trai anh (người mặc áo màu đỏ trong ảnh), và biết ít chuyện về anh chị sau này.

Nguyên Bộ trưởng Bộ Thủy sản Tạ Quang Ngọc (giữa) nói chuyện với anh Huỳnh Văn Tha con ông Năm Gành. Ảnh: NNVC.

Nguyên Bộ trưởng Bộ Thủy sản Tạ Quang Ngọc (giữa) nói chuyện với anh Huỳnh Văn Tha con ông Năm Gành. Ảnh: NNVC.

Anh chị đã thôi việc nuôi tôm với mấy chục ao, chuyển vốn sang sắm tàu khai thác chủ yếu từ 7, 8 năm nay. Nuôi tôm đã vất vả nhưng làm chủ mấy con tàu chắc còn vất vả hơn.

Khi tôi đến chị không ở nhà đón tôi được, vì lo chạy “bữa” cho 3 cặp tàu to hiện nay vất vả lắm: vốn, thợ, giá cả và trăm thứ phải lo. Tàu đi cũng khổ mà nằm bờ còn khổ và vất hơn…

Ban đầu anh chị tậu 5 cặp tàu, đều lắp máy Comin công suất 1.300 CV làm nghề kéo đôi đi dài ngày (thường là 3 tháng mỗi chuyến). Khi anh bệnh đã phải bán đi 2 cặp. Mỗi con tàu hiện phải chạy đủ 22 ngư phủ lao động trên đó. Để có lao động trên tàu rất vất vả, trước mỗi chuyến đi (khoảng 3 tháng) phải ứng cho mỗi người 15 triệu đồng. Tiền dầu mỗi chuyến gần đây tăng đến chóng mặt, tiền trả ngân hàng sau đầu tư những cặp tàu đó ít gì đâu. Anh mất rồi, tôi hiểu sự căng thẳng lo toan của chị.

Cháu Tha làm trong bộ phận Quản lý thị trường của tỉnh cũng chỉ đỡ đần mẹ mình phần nào. Thời anh chị còn nuôi tôm trước đây, nhớ có lần sau thu hoạch, lại đúng dịp tôi vào công tác, anh chân tình dúi cho tôi mấy đồng và tươi cười nói rằng chút đỉnh từ lãi của vụ đó. Ai chẳng biết cái đồng lãi ấy giá trị biết bao sau những tháng ngày mất ăn mất ngủ và chạy vạy đôn đáo của anh chị.

Kiên Giang, một tỉnh cận kề với biển Tây Nam bộ, với bờ biển dài và hơn trăm hòn đảo lớn nhỏ mà Phú Quốc giàu lên, thay da đổi thịt từng ngày bởi những công trình đồ sộ phục vụ du lịch, trở thành một khu công nghiệp không khói khổng lồ và nhiều điểm vui chơi nổi tiếng.

Nhiều năm lấn biển đã tạo cho thành phố Rạch Giá một mặt bằng mới rộng lớn và trên đó là một diện mạo mới, mang dáng dấp của một đô thị hiện đại sôi động hàng ngày. Sau mười năm, tôi trở thành lạ lẫm khi tới đây. Tuy nhiên, vẫn còn đó cái quen thuộc đến từ con người nơi đây.

Chiều hôm trước khi rời Kiên Giang, trước khi ra nhà hàng Gió Biển ăn tối cùng với anh Thao - Phó giám đốc Sở NN-PTNT, phụ trách Thủy sản, anh Thanh - Chủ tịch Hội nghề cá của tỉnh và anh em Chi cục Thủy sản, tôi được các anh ở Liên hiệp Hữu nghị đưa đi một lượt qua các khu mới của thành phố, đến thăm công trình thủy lợi đồ sộ - Cống Cái Lớn, ngay kề cảng Tắc Cậu mà tôi đã cùng các anh chị lãnh đạo tỉnh đào xẻng đất khởi công cách đây hơn 25 năm. Cống mới cũng khác cái cảng cá đã lâu năm!

Nguyên Bộ trưởng Bộ Thủy sản (bên trái) thăm công trình thủy lợi Cống Cái Lớn. Ảnh: NNVC.

Nguyên Bộ trưởng Bộ Thủy sản (bên trái) thăm công trình thủy lợi Cống Cái Lớn. Ảnh: NNVC.

Tôi đi công tác lần này tham gia một hoạt động khác, nhưng đến Kiên Giang, khi xong việc đã định thì mọi hình tượng và suy nghĩ về nghề biển của một tỉnh nghề cá trọng điểm cứ tự nhiên lại thấy chiếm lấy đầu óc và cảm xúc của mình. Vui buồn lẫn lộn.

Trong cái mừng vui về sự đổi thay của đô thị và mức độ thịnh vượng về kinh tế lại thấy như thủy sản cứ vẫn lối cũ bươn trải, dù có những con tàu to hơn trước, những vùng nuôi tôm công nghiệp rộng khắp trong tỉnh và có khu công nghiệp tập trung trên nền Cảng Tắc Cậu. Với sự phát triển du lịch của Phú Quốc, chắc chắn mấy cái cảng cá ở đó sẽ khó khăn nhiều để tồn tại.

Cái cảng An Thới hồi hơn 20 năm trước, nay lọt thỏm trong những công trình du lịch đồ sộ ở Nam Đảo nối qua Hòn Thơm. Những nghề truyền thống nổi tiếng nơi đây sẽ tính sao? Thủy sản Kiên Giang lâu nay trước tiên phải nói đến đội tàu cá lớn thiện nghệ và nước mắm Phú Quốc nổi tiếng.

Riêng với tàu cá, tôi được biết những đoàn thanh kiểm tra, rồi chỉ đạo của nhà nước liên quan đến "thẻ vàng" EC và thực hiện IUU. Chắc chắn đối tượng thực hiện chủ trương này chủ yếu là chủ của những con tàu lớn.

Tôi cảm thấy điều gì không ổn và thậm chí có phần khó gỡ khi xem xét đến yếu tố quy hoạch nghề biển, ý chí vươn lên làm giàu, tư duy và kỹ năng quản lý với các chủ trương có phần bị động của chính người làm quản lý, một sự không ổn xét trên tổng thể đối với nghề biển cả nước nói chung. Không nhìn thẳng và tìm cách tháo gỡ mắc mớ đó Thủy sản nói chung của nhiều địa phương ven biển, kể cả Kiên Giang chắc còn nhiều khó khăn.

Chắc tôi sẽ có dịp quay lại viết về nỗi băn khoăn này trong một dịp sau và đề cập tỉ mỉ hơn mà rộng hơn.

Tiềm năng vốn có và trải nghiệm phát triển của nghề biển nước ta gắn nhiều với các tỉnh Nam bộ và Nam Trung bộ. Bắt đầu từ những năm làm việc ở Bộ Thủy sản tôi có một tên gọi thật ấm lòng: Anh Ba Ngọc hay Anh Ba.

Danh xưng đặc phía Nam đó của tôi, tôi nhớ, bắt đầu từ Kiên Giang với những người gọi đầu tiên là anh Ba Tân, anh Năm Gành, rồi quen gọi như thế trong tỉnh tại mỗi cuộc họp hay mỗi lần gặp gỡ, rồi tự nhiên cũng thành quen ở một số địa phương khác ra đến Bình Thuận. Nó đọng lại đến hiện nay như một giá trị để tôi vui, tôi tự hào và tự tin trong công việc và giữ cho tôi một tình cảm sâu đậm với đồng nghiệp, đồng chí cùng không ít những người lao động nơi đây, đặc biệt là ở tỉnh Kiên Giang này. Với chuyến đi này tôi gặp lại giá trị đó, cách gọi đó với cảm xúc khó quên!

(*) Anh có họ tên đầy đủ là Nguyễn Văn Tân, trước đây là Giám đốc Quốc doanh đánh cá Kiên Giang, đơn vị Anh hùng dược phong năm 1996. Bản thân anh cũng là Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới, được phong năm 2000. Anh từng là Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang. Hiện anh là Chủ tịch Hội khuyến học của tỉnh.

Xem thêm
Sở NN-PTNT 13 tỉnh, thành phố vùng Trung bộ ký giao ước thi đua năm 2025

Ninh Thuận Khối thi đua Sở NN-PTNT 13 tỉnh, thành phố vùng Trung bộ đã tổ chức hội nghị tổng kết công tác thi đua, khen thưởng năm 2024 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2025.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Đảm bảo an toàn cho ngư dân mùa mưa bão: [Bài 1] Tính mạng trên hết

Phần lớn quãng đời của ngư dân gắn với biển. Biển cả mênh mông, trong khi bão tố rất bất thường, sinh mạng và tài sản của ngư dân luôn bị thiên tai đe dọa…

Hơi ấm cộng đồng giúp người dân Lục Yên gượng dậy sau bão

Yên Bái Vượt qua những đau thương, mất mát do thiên tai càn quét, những ngày này chính quyền và người dân ở huyện Lục Yên đang gượng dậy khôi phục sản xuất, dựng lại nhà ở.