Tháng 9 năm 1959, khóa Đại học Thủy sản đầu tiên, với các lớp khai thác, nuôi trồng, chế biến được mở ra đào tạo tại trường Đại học Nông Lâm. Trong hoàn cảnh thiếu thốn về cơ sở vật chất, thiếu thầy chuyên môn, không những thế, trong số sinh viên lúc đó không ít anh chị trước khi vào trường còn phải trải qua các lớp bổ túc ngắn hạn để có đủ kiến thức theo học đại học.
Lớp đánh cá khóa I Khoa Thủy sản thực tập tại Xí nghiệp đánh cá Hạ Long ngày 17/12/1960. Ảnh tư liệu |
Nhưng rồi những thầy cô giáo và sinh viên khoa thủy sản lúc đó dạy vẫn tốt, học vẫn tốt. Sự nghiệp xây dựng đất nước, kể cả Miền Bắc lúc đất nước còn chia cắt, và lo cho một đất nước Việt Nam thống nhất sau này cần rốt ráo cán bộ chuyên môn về Thủy sản là như vậy. Và lớp sinh viên thủy sản đầu tiên đã vượt qua khó khăn, trở thành lớp kỹ sư thủy sản đông đảo sớm nhất được đào tạo trong nước.
Đã 60 năm, dòng chảy liên tục cán bộ kỹ thuật và nghiệp vụ thủy sản có trình độ đại học đã được đào tạo nhiều năm tại mái trường đại học sau này. Họ ra công tác mọi ngả dù chiến tranh hay trong thời bình, đóng góp thật đáng kể cho đất nước nói chung cũng như riêng cho ngành Thủy sản nước ta trong mọi giai đoạn lịch sử vẻ vang của dân tộc.
Nhìn về 60 năm trước, tôi nghĩ rằng đó là khởi đầu mạch sống của ngôi trường Đại học Nha Trang hiện nay và cũng là niềm vinh hạnh cho tất cả những ai đã từng học tập và làm việc dưới mái trường đã từng có tên là Đại học Thủy sản thân yêu của chúng ta.
Cảm xúc đó giờ vẫn vậy, dù hiện thời trường đã có những đổi khác về tên gọi, về kết cấu đa dạng các ngành học nhằm hợp với cơ cấu phát triển kinh tế xã hội và nhịp sống hiện nay. Dẫu vậy, tôi cũng muốn nhắc lại một ý mà không chỉ tôi, nhiều anh chị khác nữa đã từng nghĩ và nói đến: hãy giữ mạch sống Thủy sản và coi mạch sống đó như là một “thương hiệu” mạnh của trường, tiếp lửa cho chúng ta đi tiếp vào tương lai trong sự phát triển và cống hiến của nhà trường vào sự phồn vinh của đất nước, có vị trí xứng đáng với cái ngành Thủy sản không bao giờ hết quan trọng này, một khi ta nói đến và phải làm được: Đất nước phải mạnh về biển và giàu lên từ biển.
Thông tin về các mốc lịch sử 60 năm qua cũng như thành tích và kết quả công tác của trường đã được nêu tỷ mỉ trên chuyên trang của Trường nhân dịp kỷ niệm 60 năm này. Nhân đây tôi cũng muốn được nói đôi điều về mạch sống Thủy sản và sứ mệnh tiếp theo của trường.
Họp Thường vụ Đoàn trường tháng 3/1970. Ảnh tư liệu: Tạ Quang Ngọc. |
Với 60 năm tồn tại và phát triển, trường đã trải qua những cột mốc quan trọng mà điểm khởi đầu đã lùi xa về 60 năm trước. Điều tôi muốn nói ở đây là: Sau lưng mỗi một điểm nhấn, mỗi mốc lịch sử được điểm ra trên sơ đồ phát triển nhà trường là cả những bài học về lý do, về bối cảnh, về mức phát triển và mọi vấn đề khác liên quan gốc rễ xuất thân và sự tồn tại hiện nay của mái trường đại học này, về sự thăng trầm trong tương tác của nhà trường và xã hội mọi giai đoạn. Khai thác những điểm nhấn thời gian tiến triển của trường cho ta những bài học bổ ích cho phát triển về sau. Đây là vấn đề liên quan tới những chuyên môn khác nhau đòi hỏi phải phân tích kỹ lưỡng khi chạm đến. Tuy nhiên ở đây cũng có đôi điều cần nêu.
Trên thế giới, chắc chắn rằng trong hơn trăm năm qua số trường đại học chuyên về thủy sản không nhiều, nhưng một khi nó tồn tại thì vai trò của nó là thực sự lớn và hoạt động của nó thực sự có hiệu quả. Ở ta đã có thời như vậy.
Có lẽ, các trường đại học đầu tiên dành riêng cho công nghiệp cá được tổ chức ở Nhật Bản, do viện Thủy sản Hoàng gia Nhật bản ở Tokyo xây dựng năm 1897.
Ở Nga, từ Trường cao đẳng Nghề cá ở Moskva đã nâng thành đại học năm 1913 do công của ngài Vladimir Brazhnikov, Thứ trưởng nông nghiệp lúc đó. Ở trường này, ngay từ đầu đã có mỗi khóa 4 năm nghiên cứu, chia ba phân ngành - khai thác, chế biến và kinh tế - với sinh học, hóa học và vật lý nằm trong chương trình đào tạo. Hệ thống giáo dục như thế được thiết kế cho chủ yếu người trẻ bước vào ngành cá sau khi rời trường phổ thông.
Ở Mỹ, năm 1921, Trường Cao đẳng Nghề cá Washington được lập nên ở Seattle do sự nỗ lực của ngài Hugh M. Smith, cao ủy về Nghề cá của Hoa Kỳ với John N. Cobb nổi tiếng làm hiệu trưởng và là giáo sư của trường.
Điều quan trọng đối với những trường đầu tiên này là: Đào tạo người cho công nghiệp khai thác cần phải ở trong tay của những người hiểu sâu về nó (như Vladimir Brzhnikov ở Nga,, John N. Cobb ở Hoa Kỳ), nếu không các chương trình sẽ bị méo mó, sai lầm và vô dụng.
Ta cũng biết những trường đại học nghề cá ở Liên Xô cũ, như Astrakhan, Kaliningrad, Vladivostok, hoặc Đại học Thủy sản Thượng Hải ở Trung Quốc. Các trường này chủ yếu thành lập giữa thế kỷ XX. Đây là những trường có đông đảo sinh viên Việt Nam theo học.
Gần đây nhất, tháng tư năm 1995 Khoa khoa học Thủy sản được lập ra ở Đại học Tromso, Na Uy. Ý đồ là nhằm hòa hợp sinh học, công nghệ, kinh tế và quản trị trong một chương trình cử nhân 4 năm, trong số những người tham dự buổi khai trương có Thủ tướng Na Uy lúc này, bà Gro Harlem Bruntlan, đó là sự kiện mong đợi vì công nghiệp cá là ngành xuất khẩu quan trọng thứ hai của nước này sau dầu khí.
Tuy không nhiều nhưng các trường, hoặc khoa, như nêu trên có danh tiếng, không chỉ trong ngành mà còn có tầm cỡ so với cả các trường khác. Cái để phân biệt ở đây là hai điểm quan trọng: Đội ngũ giáo sư, giảng viên là những chuyên gia hàng đầu và danh tiếng, và điểu thứ hai - họ tham gia thực sự vào phát triển tiềm lực khoa học cũng như đào tạo ra nguồn nhân lực trình độ vừa cao vừa thích ứng với thủy sản trong phát triển của đất nước mình. Điển hình trong số đó là Feodor Ilyich Baranov - Nhà cải cách khoa học nghề cá.
Ông Tạ Quang Ngọc (thứ 2 từ trái sang) nhận bằng tiến sĩ khoa học danh dự của Đại học Tp Plovdiv. 2006. Ảnh tư liệu |
Xét trên tiếp cận đó tôi có mấy suy nghĩ sau về Đại học NhaTrang hiện tại.
1. Bất cứ trong hoàn cảnh nào, một khi thủy sản vẫn là ngành mà trường theo đuổi, thì cần luôn chăm lo cho việc xây dựng đội ngũ giảng viên thủy sản, đặc biệt trong đó là về các khoa học liên quan khai thác biển và sinh học hải dương. Đội ngũ này cần đủ năng lực chuyên môn để đi trước và vượt trên những khúc mắc hiện tại liên quan nghề cá biển. Trong số đó phấn đấu một thời gian ngắn có các nhà khoa học tầm cỡ lĩnh vực này không những trong nước, mà còn vượt xa hơn thế
2. Cần có sự tham gia thực sự của nhà trường vào các công trình chuyên môn sâu và có vai trò dẫn dắt cho phát triển thủy sản, đồng thời chủ động tham gia các đề án phát tiển cũng như việc hoạch định các chính sách phát triển nghề cá nước ta.
Hai nội dung trên có liên quan trực tiếp với nhau, và hơn nữa tạo uy tín cho việc đào tạo chuyên môn quan trọng này của trường.
Trên thế giới thủy sản đang trải qua một bước ngoặt mà không ít chuyên gia đã gọi giai đoạn hiện nay của nghề cá toàn cầu là giai đoạn khủng hoảng. Và chắc bước ngoặt hay sự khủng hoảng đó cũng có quan hệ qua lại giữa phát triển và xây dựng nguồn nhân lực cho nghề cá, trong đó có việc đào tạo của chúng ta. Sự suy giảm nguồn lợi và suy thoái môi trường sinh thái cộng với suất đầu tư ngày một cao trong bối cảnh giá dầu đắt đỏ làm nghề cá nhiều nơi điêu đứng.
Như Jemes R. MCGoodwin, một chuyên gia nghề cá đã viết (năm 2000): Ngày nay, hầu hết các nghề khai thác chủ yếu trên thế giới đều rất khó khăn. Gần như toàn bộ khoảng 200 nghề mà FAO theo dõi đã khai thác đến trần, với 2/3 đang là cạn kiệt hoặc khai thác quá mức nghiêm trọng, và thật không may, đa số các nghề này lại nằm trong các vùng ven bờ, nơi mưu sinh của hầu hết người dân đánh cá thế giới.
Từ đó, cần tìm ra các tiếp cận mới trong quản lý nghề cá, chứ không chỉ đơn thuần là từng tiến bộ về công nghệ riêng rẽ và chỉ giải quyết các việc cấp thời.
Theo tôi, do nghề cá là một hệ phức hợp gồm nhiều thành phần, với mức độ khác nhau và theo tình hình cụ thể, mọi yếu tố trong hệ thống đó đều có tác động đến sự phát triển bền vững của nghề cá, nhưng đã là một hệ thống thì sự tác động đó không đơn tuyến mà có cơ chế tác động tổng hợp và phức tạp hơn nhiều.
Chỉ làm việc theo một tiếp cận mang tính hệ thống mới đưa nghề cá thoát ra khỏi cách làm chắp vá và quá ư hành chính khi muốn vượt qua khó khăn, nhằm loại bỏ những tổn thương do định chế cứng nhắc, do những bất lợi về thương mại, kể cả các chính sách thương mại cực đoan.
Ở ta, làm được như vậy sẽ sớm hội nhập với nghề cá thế giới cũng như khu vực, sử dụng cao nhất lợi thế về quyền chủ quyền, chủ động thực hiện nghĩa vụ một quốc gia ven biển sau khi có Công ước quốc tế về Luật Biển 1982.
Thuật ngữ Hệ thống nghề cá tôi đã có dịp nhắc tới hơn 10 năm trước. Nó đã được sử dụng khoảng cuối thế XX. Có lẽ nó có quan hệ mật thiết với thương mại và không tách rời với quản lý nhà nước mỗi nơi nhưng không quá lệ thuộc vào hai phạm trù quan trọng này.
Trong bối cảnh nghề cá biển Việt Nam bị chi phối khá rõ bởi nhiều yếu tố liên quan. Đó không những là những yếu tố nội tại của nghề cá mà còn cả các yếu tố khác liên quan đến đặc thù địa chính trị của khu vực gắn với các diễn biến phức tạp trên biển như gần đây, những ảnh hưởng của thiên tai và biến đổi khí hậu, những sự cố môi trường từ phát triển không kiểm soát được của công nghiệp và đô thị hóa… Hơn nữa chúng ta muốn thoát nghèo, thoát lạc hậu cho ngư dân do một số đặc điểm đi kèm với nghề cá truyền thống, nhưng mô hình nghề cá biển Việt Nam hiện đại cụ thể là thế nào vẫn còn chưa rõ.
Không giải quyết bài toán quản lý nghề cá theo tiếp cận hệ thống (FS) thì chỉ luôn chạy theo những việc cấp thời, thậm chí chắp vá trong đổi mới và hội nhập.
Rõ ràng ở tầm vĩ mô đây là một ý chúng ta phải xem xét, và nếu có thể, nó gắn thực sự với đào tạo và nghiên cứu của nhà trường, cho việc xây dựng một đội ngũ chuyên gia mạnh về thủy sản tới đây.
Chế biến khóa 4, 50 năm gặp lại tại Hà Nội. Ảnh tư liệu: Tạ Quang Ngọc |
Tôi muốn nói thêm một chút để kết thúc bài viết này.
Đầu tháng 10/2006, Đại học Thủy sản chính thức mang tên mới: Đại học Nha Trang. Đây là một việc khó khăn, vì cùng với tên gọi này, thực sự phần thủy sản không thể không co lại để giành phần cho những ngành mới.
Hơn nữa, hai chữ Thủy sản, mạch sống của trường, tình cảm của bao thế hệ giáo viên, sinh viên giờ chỉ còn ẩn trong mọi cung cách hoạt động của nó, và điều này tùy thuộc vào trách nhiệm và bản lĩnh lãnh đạo nhà trường.
Thật nhiều suy nghĩ bung lung xung quanh thời điểm đó. Hiểu được khó khăn này, trước khi Thủ tướng ra quyết định đổi tên trường, Phó Thủ tướng lúc đó, đồng chí Phạm Gia Khiêm trong một thư ngắn (đề ngày 21/7/2006) có viết cho tôi: “Mong rằng, trong thời gian tới Bộ Thủy sản cùng với Bộ Giáo dục đào tạo chỉ đạo Trường Đại học Nha Trang hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đào tạo và nghiên cứu trong giai đoạn phát triển mới của trường”.
Tôi nghĩ rằng, trong giai đoạn hiện nay, Đại học Nha Trang sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ bằng sức mình, đồng thời có sự lãnh đạo và hậu thuẫn rất quan trọng của Bộ Giáo dục - Đào tạo, và cả Bộ NN-PTNT.