"Tour trải nghiệm xanh" đầu tiên này là một trong những hoạt động nhằm hướng đến Diễn đàn kinh tế Mekong Connect 2023 sẽ diễn ra vào ngày 15-16/11 với chủ đề “Kết nối chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị giữa vùng kinh tế TP. HCM và ĐBSCL hướng tới nền kinh tế xanh và bền vững”.
Sự kiện này sẽ được tổ chức tại TP. HCM với sự chủ trì của UBND TP. HCM, Bộ NN-PTNT và Bộ Khoa học và Công nghệ, cùng với sự đồng hành của 4 tỉnh ABCD Mekong (An Giang - Bến Tre - Cần Thơ - Đồng Tháp).
Theo bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao, tới đây, trong các nội dung của Mekong Connect 2023, sẽ có nhiều thành phần tham dự gồm các doanh nghiệp của 13 tỉnh đồng bằng, các doanh nông trẻ toàn quốc…
Ngoài ra, còn có các doanh nghiệp hiện đang làm trong lĩnh vực năng lượng mới, như xe điện, điện áp mái, điện gió ở các địa phương; các doanh nghiệp sản xuất và chế biến nông sản thuộc Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao.
Đặc biệt, có sự tham gia của các chuyên gia quốc tế, chia sẻ những kiến thức mới, những cơ hội, thị trường mới. Song song đó, có một loạt các cuộc hội thảo để phân tích về kinh tế xanh, chia sẻ kinh nghiệm, cơ hội thị trường từ khai thác nền kinh tế xanh.
Điểm đến đầu tiên "Tour trải nghiệm xanh", đoàn đến tham quan Công ty sản xuất mật dừa nước Vietnipa (xã Bình Khánh, huyện Cần Giờ). Có thể nói, đây là một ví dụ mẫu mực về sử dụng tài nguyên tự nhiên một cách bền vững để sản xuất mật dừa và đóng góp vào nguyên tắc kinh tế tuần hoàn.
Dẫn chúng tôi đi tham quan khu vực trồng dừa nước, anh Phan Minh Tiến, CEO Vietnipa cho biết, công ty đã liên kết với hơn 10 hộ nông dân trên địa bàn để có vùng canh tác hữu cơ theo tiêu chuẩn quốc tế (USDA, EU & JAS).
Vietnipa đầu tư nhà máy đạt chuẩn ISO 22000, HACCP, cùng với công nghệ tiên tiến, hiện đại, từ mật dừa nước đã nghiên cứu, phát triển thành công các sản phẩm đường ăn kiêng hữu cơ, có chỉ số đường huyết thấp để đáp ứng xu hướng sử dụng thực phẩm tự nhiên, tốt cho sức khỏe.
Từ đó, tạo thêm nhiều công việc, thu nhập ổn định cho bà con nông dân, mang lại sản phẩm có chất lượng cao cho người tiêu dùng và góp phần bảo vệ hệ sinh thái ven sông.
Phan Minh Tiến cho biết, việc khai thác dự án liên kết với bà con trồng dừa nước tại huyện Cần Giờ, góp phần hấp thụ khí carbon.
"Theo thống kê của chúng tôi, 1ha dừa nước sẽ hấp thụ khoảng 137 tấn carbon, nhưng nếu khai thác tốt mật dừa nước này, sẽ góp phần lượng hấp thụ tăng lên nhiều hơn nữa. Trong 1 tháng, một cuống dừa nước sẽ cho ra khoảng 30 lít mật, trong mật này có hàm lượng carbohydrate, thành phần này được chuyển đổi từ CO2 mà thành, để tạo ra loại đường. Cây dừa nước như một "cỗ máy hấp thụ CO2”, Tiến nói.
Điểm đến tiếp theo của đoàn là Công ty Yến Đảo Cần Giờ. Đây là một doanh nghiệp tiên phong trong việc thúc đẩy các giải pháp kinh tế xanh và bền vững liên quan đến sản xuất và thương mại của sản phẩm yến đảo.
Theo chị Phan Ngọc Diệu, Giám đốc Quản lý nhà máy công ty, với diện tích rừng ngập mặn ven biển rộng lớn, môi trường trong lành và khí hậu ôn hòa, Cần Giờ cung cấp nguồn thức ăn dồi dào và chất lượng cho chim yến, là nơi thuận tiện cho chim yến làm tổ.
Hiện nay, Cần Giờ có hơn 500 nhà nuôi yến, với sản lượng bình quân gần 14 tấn/năm với nguồn yến xanh, yến sạch từ rừng sinh quyển nên chất lượng được đảm bảo, được nghiên cứu và kiểm định từ các chuyên gia Trường Đại học Công Thương TP. HCM.
Theo bà Vũ Kim Hạnh, thông qua “Tour trải nghiệm xanh”, BTC mong muốn cung cấp cho các cơ quan truyền thông, người tiêu dùng, nhà đầu tư, các đối tác, khách hàng và những người có mối quan tâm về kinh tế xanh, tuần hoàn, bền vững những thông tin, hình ảnh thực tế nhất tại các doanh nghiệp và cộng đồng địa phương về các mô hình hay, sáng tạo, cùng cách làm hiệu quả, đóng góp vào mục tiêu phát triển bền vững.
Ngoài trải nghiệm, nắm bắt thông tin, chương trình cũng kỳ vọng mang đến cơ hội để xây dựng mạng lưới với những người có cùng quan tâm và tinh thần đổi mới trong lĩnh vực kinh tế xanh.