Tại Diễn đàn Kinh tế TP.HCM lần thứ 4 (HEF 2023) với chủ đề “Tăng trưởng xanh - Hành trình hướng tới giảm phát thải ròng bằng không”, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan thay mặt lãnh đạo thành phố và ông Jeremy Jurgens, Giám đốc điều hành Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) trao bản Tuyên bố chung đã được ký giữa Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi và Giáo sư Klaus Schwab, Nhà Sáng lập kiêm Chủ tịch WEF.
Để cụ thể hóa quyết tâm của lãnh đạo TP.HCM trong việc chuyển đổi nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, triển khai biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Thủ tướng Chính phủ và WEF, trong thời gian qua TP.HCM đã có những cuộc gặp, trao đổi và làm việc với WEF. Hai bên cùng thống nhất hợp tác trong việc thành lập Trung tâm Cách mạng Công nghiệp 4.0 tại TP.HCM, Diễn đàn Kinh tế TP.HCM tham gia vào hệ sinh thái của WEF.
Phát biểu trực tuyến tại Diễn đàn, Giáo sư Klaus Schwab, Nhà Sáng lập kiêm Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế Thế giới cho biết, WEF hợp tác với TP.HCM thiết lập một Trung tâm Cách mạng Công nghiệp 4.0 của Việt Nam.
"Trung tâm này sẽ tập hợp những người làm chính sách, lãnh đạo doanh nghiệp, các chuyên gia và những người đổi mới sáng tạo để thúc đẩy việc áp dụng công nghệ cách mạng 4.0, lấy con người làm trung tâm phục vụ cho xã hội", Giáo sư Klaus Schwab nói và cho biết thêm, WEF tham gia sâu sắc vào những hỗ trợ hướng đến phát thải ròng bằng 0 bằng cách hợp tác chặt chẽ với quy trình triển khai các hội nghị, và tham gia nhiều diễn đàn cả công và tư để thúc đẩy tác động và hành động.
Xã hội ngày nay đòi hỏi chúng ta phải cân đối giữa phát triển kinh tế với bảo vệ hành tinh cho các thế hệ tương lai.
"Chỉ khi các nền kinh tế, các doanh nghiệp giảm được phát thải khí các bon thì nền kinh tế toàn cầu mới phát triển dài hạn.
Việt Nam đã có những tiến bộ quan trọng trong định hướng này bằng việc đầu tư vào đổi mới sáng tạo trong hệ thống, thực phẩm cũng như năng lượng tái tạo. Đó là một trong những điểm nhấn lớn của Việt Nam.
TP.HCM là một động lực phát triển vô cùng mạnh mẽ của cả nước, bằng cách tạo ra những điều kiện phù hợp và tốt cho doanh nghiệp cũng như đổi mới sáng tạo, khai thác các công nghệ của cuộc cách mạng 4.0. Đây sẽ là mấu chốt để có thể hiện thức hóa lời hứa của việc thúc đẩy một nền kinh tế phát thải ròng bằng 0.
Vì vậy, các lãnh đạo doanh nghiệp và các nhà làm chính sách cần dự báo, đoán định được các công nghệ mới nổi lên và áp dụng nó. Điều này đòi hỏi chúng ta cần phải có chiến lược đổi mới sáng tạo, cũng như những quy tắc, quy định cho công nghệ này để công nghệ này sử dụng một cách an toàn, có trách nhiệm", Giáo sư Klaus Schwab nhấn mạnh và đánh giá cao quyết tâm của Thủ tướng Chính phủ và UBND TP.HCM trong việc chuyển đổi giảm phát thải khí nhà kính bằng 0 vào năm 2050.
Ông Jeremy Jurgens, Giám đốc điều hành kiêm Giám đốc Trung tâm Cách mạng công nghiệp lần thứ tư của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), cho rằng, thế giới ngày nay đang đối mặt với rất nhiều thách thức từ những xung đột, thiên tai xuất hiện ngày một nhiều.
Song song đó, những thành tựu, công nghệ đột phá, làm thay đổi những phương thức vận hành, kinh doanh truyền thống. Tuy nhiên, những công nghệ, thành tựu này cần được áp dụng một cách có trách nhiệm để tạo ra sự phát triển bền vững.
"Vai trò của các thành phố, gọi các thành phố là “trung tâm phát thải” với hơn 50% dân số thế giới đang sống ở các thành phố và lượng phát thải chiếm 70%. Những con số này sẽ còn tăng lên trong tương lai. Do vậy, cần phải có giải pháp giảm tác động tiêu cực từ việc này", ông Jeremy Jurgens nhấn mạnh.
Ông Jeremy Jurgens nêu ra một số sáng kiến mà WEF đang áp dụng trong mạng lưới của mình. Đó là các sáng kiến về "Thành phố Net Zero" (Net-zero carbon cities) - nơi mà Chính phủ và doanh nghiệp hợp tác hướng đến tương lai xanh hơn. Đó cũng là sáng kiến về "Nông nghiệp chính xác" (Precision Agriculture), giúp nông dân tiếp tục canh tác bền vững, góp phần xanh hóa kinh tế, với những số liệu ấn tượng về lượng phát thải giảm, tiết kiệm nước sạch 5 - 10% trong khi năng suất tăng 10%.
Bên cạnh đó, sáng kiến "Sản xuất tiên tiến" (Advanced Manufacturing) - sáng kiến rất quan trọng bởi ngành công nghiệp đang tham gia 30% vào phát thải khí CO2.
“Mạng lưới của chúng tôi sẽ giúp các quốc gia học tập lẫn nhau để áp dụng công nghệ chuyển đổi một cách có trách nhiệm, để đối mặt với những thách thức về kinh tế”, đại diện WEF nói và khẳng định sẵn sàng hợp tác với TP.HCM để mở rộng mạng lưới, cùng TP.HCM bước đi vững chắc trên hành trình xanh hóa.
Hiện WEF có 18 Trung tâm Cách mạng Công nghiệp 4.0 đang làm việc cho các Chính phủ, doanh nghiệp và các chuyên gia về công nghệ, áp dụng và quản trị trên toàn thế giới. Các trung tâm này cũng là đầu mối cho việc hợp tác, hỗ trợ, xây dựng các chiến lược, quy định để tối đa hóa lợi ích của những công nghệ mới theo cách có trách nhiệm.
Trung tâm Cách mạng Công nghiệp 4.0 tại TP.HCM sẽ là một phần trong mạng lưới toàn cầu của WEF. Trung tâm này sẽ đề xuất giải pháp, kiến nghị chính sách, nghiên cứu trên các lĩnh vực ưu tiên đột phá của thành phố phù hợp với định hướng quốc gia và xu thế quốc tế. Qua đó, huy động nguồn lực, vốn, hỗ trợ Chính phủ và doanh nghiệp áp dụng các công nghệ mới phù hợp với xu hướng của Cách mạng công nghiệp 4.0 tại TP.HCM nói riêng, Việt Nam nói chung.