Tháng ba ngày tám

Đặng Quỳnh Lê - Thứ Sáu, 07/04/2023 , 06:29 (GMT+7)

Cái đói đã ám ảnh dân tộc chúng ta qua nhiều thế kỷ, nhưng may mắn thay, dân tộc này đã không gục ngã.

Lực lượng Việt Minh - Việt Nam Độc lập Đồng minh hỗ trợ người dân Việt Nam phá kho thóc nhằm cứu đói vào khoảng năm 1945, một trong những chính sách thành công bậc nhất do Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo.

Chúng ta đang sống vào một thời đại mà người phương Tây định danh nó là “Late modern period” (thời kì hậu hiện đại), tức từ khoảng thế kỉ 19 tới ngày nay. Thời đại mà nhân loại nói chung đạt được nhiều thành tựu về khoa học, kĩ thuật, từ đó áp dụng vào sản xuất để tạo ra được nhiều của cải, vật chất hơn bất kì thời nào.

Đối với ngành nông nghiệp không phải là ngoại lệ, năm 1930 năng suất lúa của đồng bằng sông Hồng khoảng hơn 1 tấn/ha, sau khoảng gần 100 năm, năng suất gấp 5,6 lần, khoảng 5,6 tấn/ha (2020), cao nhất khu vực Đông Nam Á. Con số đó là một phần cho phép Việt Nam tự hào là quốc gia có thể đảm bảo tốt “an ninh lương thực” điều mà trong quá khứ cha ông chúng ta không dám mơ đến.

Tại sao tôi lại nói như vậy? Vào thời phong kiến việc sản xuất nhờ cậy hoàn toàn vào tự nhiên như câu ca dao:

Trông trời, trông đất, trông mây,

Trông mưa, trông nắng, trông ngày, trông đêm.

Cộng với các yếu tố khác như phương tiện sản xuất thô sơ, giống lúa, lối canh tác còn lạc hậu khiến cho sản lượng lúa thu được rất thấp. Đến nỗi nhiều học giả cho rằng một vị vua anh minh hay không là nhờ phần lớn vào các vụ mùa bội thu. Nếu mùa màng tốt, dân có lương thực dư dả thì vua đó là tốt, anh minh; còn nếu gặp thiên tai như lũ lụt, hạn hán khiến mùa màng thất bát thì đó là hôn quân.

Ví dụ những vị vua anh minh như Lê Thái Tổ, Lê Thái Tông thì sử sách đều chép trùng với các thời kì khí hậu tốt lành, dân cày cấy được mùa. Việc mất mùa khiến cho dân đói đã đành mà còn là thời điểm cho các cuộc khởi nghĩa với danh nghĩa “lấy của nhà giàu chia cho người nghèo” xuất hiện như nấm sau mưa, như các khảo sát lịch sử vào thời Nguyễn ở Bắc bộ.

Đến thời Pháp thuộc, người Pháp đã tìm cách để các nạn đói không lặp lại bằng cách xây hệ thống đường sắt nhằm có thể chở lương thực từ miền Nam ra Bắc mà theo viên toàn quyền P. Doumer nói rằng hệ thống đường sắt không mang lại lợi nhuận.

Nhưng các nỗ lực của người Pháp lúc đó, như xây dựng hệ thống vận tải, nâng cấp tuyến đường cái quan, đường thủy và xây mới hệ thống đường sắt hoặc trong nông nghiệp, họ tìm cách tăng năng suất sản xuất lương thực nhưng vẫn chưa thể mang lại cuộc sống no đủ cho người Việt.

Trong các tác phẩm của những nhà văn thời kì đầu thế kỉ 20, chúng ta thấy chủ đề của họ thường là “đói”. Ví dụ như Nam Cao, chúng ta thấy cái đói xuất hiện rất nhiều trong các câu chuyện như Lão Hạc, nhân vật đã bán cả con chó cưng để lấy cái ăn, cuối cùng khi hết cái ăn phải ăn bả chó cho chết đi để khỏi phải bán nương vườn nhằm để lại cho con trai.

Nạn đói Ất Dậu (khoảng tháng 10/1944 tới tháng 5/1945) là một trong những kí ức khủng khiếp nhất về đói với dân tộc Việt. Thời điểm ấy đã có các trận lụt vào tháng 9, đến các tháng tiếp theo lại vào mùa đông rét mướt, dịch tả lây lan, quân Nhật cấm vận chuyển lương thực ra Bắc, trước đó quân Nhật bắt nông dân nhổ lúa trồng đay vì vậy mùa màng mất trắng đã đành, mùa lạnh lại khiến tình hình càng trầm trọng hơn với người dân.

Theo các cụ bô lão kể lại, ở làng tôi là làng Bảo Hạ (nay là xã Thanh Liên, Thanh Chương, Nghệ An, nằm cách thành phố Vinh khoảng 50km về phía Tây Bắc) trong nạn đói Ất Dậu nhiều gia đình chết đói cả nhà, người dân phải ăn củ chuối, đu đủ; trời rét làm cho trâu chết, nhiều người dân ăn phải thịt trâu gây phù thũng.

Nhiều gia đình đông con, khi hết lương thực, để con cái không phải chết đói nên họ đem con ra chợ bỏ đấy, nên mới có câu là “đem con bỏ chợ”. Nhiều trẻ em thời đấy do bị “bỏ chợ” nên thất lạc gia đình, như nhiều trường hợp trong chương trình “Như chưa hề có cuộc chia ly”, đó cũng là tình cảnh chung của các vùng khác thời ấy.

Trong thành ngữ, tục ngữ, thứ có thể đã được đúc kết qua hàng nghìn năm, như thành ngữ “tháng ba ngày tám” hoặc thành ngữ “mùa giáp hạt” hầu như thế hệ cha anh chúng ta đều hiểu. Tháng ba ngày tám tức là khoảng thời gian vào tháng ba và tháng tám âm lịch hàng năm, thời điểm tháng ba lúc đó lúa chưa tới vụ thu hoạch (tháng năm), rau màu mùa lạnh đã tàn mà mùa hạ chưa tới, cây trái chỉ mới ú nụ, gạo trong nhà ăn đã hết; thời điểm tháng tám cũng tương tự, gạo ăn đã hết mà vụ thu hoạch tới tận tháng mười một.

Ý là thời điểm đói kém, cũng như người ta hay nói là “giáp hạt” để chỉ thời điểm này, giáp nghĩa là kề nhau, đụng nhau, gặp nhau, hiệp lại. Ví dụ như giáp ranh nghĩa là kề ranh nhau. Hạt hay là hột như trong từ hạt lúa. Vậy giáp hạt nghĩa là chỉ một giai đoạn mà sắp tới vụ thu hoạch, có hạt thóc, hạt lúa.

Dân gian cũng có câu tục ngữ khác là “Muốn ăn no thì chờ sang hạ”, bởi vì thời điểm sang mùa hạ (hè) không những là vụ thu hoạch lúa mà còn là giai đoạn các loại cây trái có thể ăn được.

Một nhà nhà thơ, nhà giáo ở quê tôi là Phan Bá Tiến (về hưu năm 2019) có thơ rằng:

Tháng Tám hay qua, tháng Ba hay lại

Câu ca xưa ám ảnh một đời

Mẹ cha sấp ngửa ngược xuôi

Đàn con mặt xanh tàu lá, trụi trọc vồng khoai

(Trích từ bài thơ "Mùa giáp hạt")

Theo lời tác giả, trong bài thơ nói “trụi trọc vồng khoai” bởi vì không có gạo nên người ta phải tìm mọi thứ ăn được, trong đó có rau lang (rau khoai), nhà nào cũng hái lá khoai cho trụi, trọc lóc đi. Một thế hệ đã đói đến như thế, mà mới đây chứ đâu.

Chúng ta thấy cái đói đã ám ảnh dân tộc chúng ta qua nhiều thế kỷ nhưng may mắn thay, dân tộc này đã không gục ngã. Chúng ta đã vượt lên, để rồi nay là quốc gia có dân số hơn 97 triệu người, còn hơn cả các nước được coi là đại quốc như Đức, Anh, Thổ Nhĩ Kỳ, đó là biến nguy thành cơ vậy, may mắn thay.

Thời nay, báo chí đã đưa tin nhiều về tình trạng không tiết kiệm thức ăn của giới trẻ hay lối sống xa hoa ở một số bộ phận. Thiết nghĩ, chúng ta nên dành một ngày để tưởng niệm về Nạn đói Ất Dậu 1944 - 1945 chăng? Một ngày để nhắc nhở cho mọi người dân và giáo dục cho thế hệ trẻ rằng cái đói đã luôn đeo bám cha ông ta trong quá khứ và hoàn toàn có thể lặp lại bất cứ lúc nào.

Đặng Quỳnh Lê
Tin khác
Tác giả trẻ có tiểu thuyết lịch sử được xuất bản tại Ý
Tác giả trẻ có tiểu thuyết lịch sử được xuất bản tại Ý

Tác giả trẻ Võ Chí Nhất vừa có tiểu thuyết lịch sử ‘Hoàng cung’ được Nhà xuất bản Fiori D'asia Editrice dịch và in tại Ý, với nhan đề ‘Palazzo reale di Thang Long’.

Có một người tu hành như thế
Có một người tu hành như thế

Nhà văn Hồ Thị Ngọc Hoài: 'Có một người đã tu hành như thế và đã truyền cảm hứng sống tốt lành đến nhiều người'.

Lục bát thiền trong miền đồng điệu và đồng cảm thi ca
Lục bát thiền trong miền đồng điệu và đồng cảm thi ca

Lục bát thiền là nét đặc trưng cơ bản được tác giả Trần Lê Khánh chắt chiu thể hiện qua tập thơ ‘Đồng’ do Nhà xuất bản Văn Học ấn hành.

Hai người họ Tô giữa tiếng chim rừng và đất lửa Tây Ninh
Hai người họ Tô giữa tiếng chim rừng và đất lửa Tây Ninh

Hai người họ Tô là Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Tô Quyền và Nghệ sĩ Nhân dân Tô Lan Phương xuất hiện trong ‘Tiếng chim rừng và đất lửa Tây Ninh’.

Nhà văn Y Ban đã thấy gì trên đỉnh giời?
Nhà văn Y Ban đã thấy gì trên đỉnh giời?

Nhà văn Y Ban tiếp tục khẳng định một giọng nữ đặc sắc trong đời sống văn chương Việt Nam, bằng tập truyện ngắn có tên gọi ‘Trên đỉnh giời’.   

Cựu chiến binh hồi tưởng mặt trận gần phía trước
Cựu chiến binh hồi tưởng mặt trận gần phía trước

Cựu chiến binh Trần Trí Thông gửi gắm niềm riêng qua trường ca ‘Mặt trận gần phía trước’ phát hành đúng dịp kỷ niệm 80 năm thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam.

Nhà văn Anh Đức trong ký ức đồng nghiệp thế hệ sau
Nhà văn Anh Đức trong ký ức đồng nghiệp thế hệ sau

Nhà văn Anh Đức được hậu sinh nhắc đến một cách trân trọng tại hội thảo kỷ niệm 10 năm ông qua đời, vừa tổ chức sáng 18/12 ở TP.HCM.

Tác giả trẻ My Tiên và vùng da thiêng nhiều cảm xúc
Tác giả trẻ My Tiên và vùng da thiêng nhiều cảm xúc

Tác giả trẻ My Tiên ở đất võ Bình Định vừa ra mắt tập thơ ‘Vùng da thiêng’ với nhiều cảm xúc nồng nàn về quê hương và con người Nam Trung bộ.

Mạch nha Thi Phổ
Mạch nha Thi Phổ

Làng Thi Phổ thuộc huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi, là nơi sản xuất loại mạch nha thơm ngon nổi tiếng trong cả nước, gọi là 'mạch nha Thi Phổ'.

Tác phẩm Hồ Biểu Chánh vẫn được công chúng đón nhận
Tác phẩm Hồ Biểu Chánh vẫn được công chúng đón nhận

Tác phẩm Hồ Biểu Chánh không chỉ được chuyển thể thành phim truyền hình và phim điện ảnh, mà còn liên tục tái bản với số lượng lớn để phục vụ độc giả.

Khảo cứu: Bài thơ 'Bán than' không phải của Trần Khánh Dư
Khảo cứu: Bài thơ 'Bán than' không phải của Trần Khánh Dư

Trong 'Quốc văn trích diễm', giáo sư Dương Quảng Hàm trích bài thơ 'Bán than' và cho là của Trần Khánh Dư. Tuy nhiên, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng tác giả là người khác.

Nhà văn Nguyễn Quang Sáng đậm đà cốt cách Nam bộ
Nhà văn Nguyễn Quang Sáng đậm đà cốt cách Nam bộ

Nhà văn Nguyễn Quang Sáng, tác giả được giải thưởng Hồ Chí Minh, được hậu sinh kỷ niệm 10 năm ông đi xa, bằng một hội thảo tổ chức tại TP.HCM sáng 6/12.