Nhà văn Anh Đức không chỉ thành đạt khá sớm trên con đường văn chương, mà ông còn là một nhân vật quản lý văn nghệ mực thước và tận tụy. Nhà văn Anh Đức từng là Đại biểu Quốc hội khóa 7, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Tổng Biên tập tạp chí Văn. Con người và sự nghiệp của nhà văn Anh Đức đọng lại nhiều ký ức đẹp đẽ đối với đồng nghiệp đi sau như Lê Quang Trang, Trầm Hương, Châu La Việt, Cao Chiến, Kim Quyên, Phạm Ngọc Hiền…
Nhà văn Anh Đức tên thật Bùi Đức Ái (1935-2014). Ông sinh ra tại xã Bình Hòa, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang. 13 tuổi, cậu thiếu niên Bùi Đức Ái đã đi theo kháng chiến, giúp việc cho tạp chí Lá Lúa, tạp chí Văn Nghệ Nam bộ. Trong những ngày gian khổ chống Pháp, Bùi Đức Ái được sự hướng dẫn của nhà văn Đoàn Giỏi đã tập tành sáng tác văn chương. Với tập truyện đầu tay “Biển động”, Bùi Đức Ái đã được giải thưởng văn học Cửu Long năm 1952 và chuyển sang làm phóng viên báo Cứu Quốc Nam bộ.
Nhà văn Anh Đức có hai giai đoạn sáng tác, lấy cột mốc năm 1962, khi ông từ miền Bắc quay vào Căn cứ Trung ương Cục miền Nam. Trước 1962, ông sáng tác với tên thật Bùi Đức Ái. Sau năm 1962, ông sáng tác với bút danh Anh Đức. Mỗi giai đoạn, ông tạo dựng được một hình ảnh phụ nữ Nam bộ kháng chiến tiêu biểu: chị Tư Hậu trong tác phẩm “Một chuyện chép ở bệnh viện” và chị Sứ trong tác phẩm “Hòn Đất”.
Tập kết ra Bắc năm 1954, anh cán bộ Bùi Đức Ái nhận công tác ở Đài tiếng nói Việt Nam. Năm 1957, Bùi Đức Ái gặp nhân vật Nguyễn Thị Huỳnh. Câu chuyện về những mất mát âm thầm và những hy sinh lặng lẽ của người phụ nữ miền Nam ấy, đã khiến Bùi Đức Ái xúc động viết truyện ngắn “Người chị”. Sau khi “Người chị” được phát trong chương trình “Đọc truyện đêm khuya”, nhiều người góp ý rằng một hình tượng như vậy mà chỉ phản ánh trong dung lượng khoảng hai ngàn chữ thì hơi lãng phí. Cảm thấy có lý, Bùi Đức Ái bằng nhiệt huyết tuổi thanh niên, đã bỏ ra ba tháng để chuyển truyện ngắn “Người chị” thành tiểu thuyết “Một chuyện chép ở bệnh viện”.
Tất nhiên, nhân vật Tư Hậu trong tiểu thuyết “Một chuyện chép ở bệnh viện” được nhấn nhá nhiều chi tiết không còn giống như nguyên mẫu Nguyễn Thị Huỳnh nữa. Năm 1958, tiểu thuyết “Một chuyện chép ở bệnh viện” được ấn hành rồi được dàn dựng thành bộ phim “Chị Tư Hậu” gây tiếng vang rất lớn, đã nhanh chóng đưa tên tuổi Bùi Đức Ái vào hàng ngũ những gương mặt văn chương Nam bộ nổi tiếng trên đất Bắc.
Trên mảnh đất Nam bộ những ngày khói lửa, Bùi Đức Ái với bút danh Anh Đức viết được một tiểu thuyết quan trọng nữa trong sự nghiệp là “Hòn Đất”. Từ nguyên mẫu nữ anh hùng Phan Thị Ràng, nhà văn Anh Đức đã xây dựng thành nhân vật chị Sứ.
So với tiểu thuyết “Một chuyện chép ở bệnh viện” thì chất văn chương của tiểu thuyết “Hòn Đất” bay bổng hơn, điêu luyện hơn. Tiểu thuyết “Hòn Đất” là tác phẩm đầu tiên miêu tả trực diện cuộc chiến đấu chống Mỹ của quân dân miền Nam. Ngoài chị Sứ là người mà nhà văn Anh Đức khẳng định “tôi đã rút ra từ nhiều mẫu người con gái miền Nam anh hùng bất khuất trung hậu đảm đang để đúc lại thành một người” thì những con người nhỏ bé và lẫm lũi khác trong “Hòn Đất” như Quyên, Hai Thép, Ba Rèn, Má Sáu… đều kiên cường đối mặt với kẻ thù hung tợn.
Năm 1966, tiểu thuyết “Hòn Đất” được in tại Hà Nội như một huyền thoại chiến trường miền Nam. Đến hôm nay, “Hòn Đất” vẫn là tác phẩm của Anh Đức được in nhiều lần nhất trong nước và được dịch ra nhiều ngôn ngữ trên thế giới như Anh, Pháp, Đức, Trung Quốc, Nhật Bản…
Ngoài các nhân vật có tên tuổi cụ thể, những người phụ nữ ít rõ danh tính hơn cũng được nhà văn Anh Đức chấm phá chân dung khá ấn tượng, như trưởng trạm giao lưu vùng Tháp Mười mà bộ đội quen gọi là “chị Ba tương lai” qua truyện ngắn “Xôn xao đồng nước”. Cho nên, có thể khẳng định sự thành công của nhà văn Anh Đức khi xây dựng hình tượng phụ nữ Nam bộ trong sự nghiệp giải phóng dân tộc. Nói cách khác, nhà văn Anh Đức đã thực hiện được ý nguyện cầm bút như ông mong muốn “điều quan trọng nhất bậc nhất trong đời văn, theo tôi, là phải cố khắc họa cho được nhân vật, để lại nhân vật giữa lòng người với độ bền trước thời gian”.
Phó Giáo sư - Tiến sĩ Võ Văn Nhơn cho rằng: Dù miêu tả về ta hay địch, Anh Đức đều tuyệt đối hóa. Thế giới trong truyện Anh Đức phân đôi, một bên là nhân dân và cách mạng, một bên là kẻ thù. Truyện của ông không có chỗ cho thành phần đứng giữa, lần khân, hoang mang. Người anh hùng trong truyện của Anh Đức hầu như không có nhược điểm. Họ gan dạ, thông minh, và kiên định trước những đe dọa, uy hiếp của quân thù. Ông Tám Xẻo Đước khi bị giặc lùa khỏi nhà thì ung dung cúng bái từ tạ tổ tiên rồi tử chiến với giặc. Chị Tư Hậu dù đau xé lòng khi chứng kiến hai đứa con thơ bị bắt làm con tin vẫn kiên quyết không đầu hàng giặc. Chị Sứ bị tra tấn dã man đến mức hy sinh vẫn bảo vệ những chiến sĩ kẹt trong hang Hòn…
Ngược lại, kẻ thù thì chỉ rặt những kẻ xấu xa, tàn ác, hiểm độc, vô nhân tính. Khi quan sát kẻ thù, Anh Đức chỉ cho độc giả thấy diện mạo, đồng nhất diện mạo với bản chất, chứ không khai thác động cơ và thế giới bên trong. Giặc là những tên lính Mỹ to lớn, thô lỗ, với dã tâm cướp nước. Nhưng giặc xuất hiện nhiều hơn cả trong hình hài của những tên “ác ôn”, là người mình, lớn lên với cây đất củ khoai của mình, nhưng lại quay lại tàn hại đồng bào. Bọn chúng có thể dễ dàng đốt nhà, giết người để truy đuổi “Việt Cộng”. Chúng có thể tra tấn, móc mắt một ông già trước mặt đứa cháu nội ba tuổi của ông ấy. Có những kẻ được miêu tả độc ác và thú tính một cách bản năng.
Tại hội thảo sáng 18/12, Chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM Bích Ngân chia sẻ: Nhà văn Anh Đức tâm niệm, không đưa ngòi bút theo sát một thứ phương pháp nào, một thứ trường phái nào, một hình thức chủ nghĩa nào. Ông luôn tự nhắc mình khi viết là “hình tượng, hình tượng, hình tượng” và “chi tiết, chi tiết, chi tiết”. Quả nhiên, nhìn lại sự nghiệp của nhà văn Anh Đức, dễ dàng thấy rằng, ông đã tuân thủ đúng điều ấy và ông đã có được thành tựu đáng nể trọng. Ngay cả những bút ký lấy chất liệu thực tế cuộc sống, nhà văn Anh Đức cũng chưng cất “hình tượng” và “chi tiết” để có được những trang viết lôi cuốn như “Gió đã thổi từ một cánh rừng” hoặc “Những câu chuyện xung quanh trận càn hình móng ngựa”.