Khảo cứu: Bài thơ 'Bán than' không phải của Trần Khánh Dư

Lí Học - Thứ Hai, 09/12/2024 , 10:20 (GMT+7)

Trong 'Quốc văn trích diễm', giáo sư Dương Quảng Hàm trích bài thơ 'Bán than' và cho là của Trần Khánh Dư. Tuy nhiên, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng tác giả là người khác.

Trong bài viết “Bài thơ Bán than của ai” in trên tờ Tân văn tuần báo, số 62, ngày 19/10/1935, tác giả Hoa Bằng trực tiếp khẳng định giáo sư Dương đã nhầm khi cho rằng bài "Bán than" của Trần Khánh Dư.

Người đầu tiên lên tiếng và trực tiếp tranh luận với giáo sư Dương Quảng Hàm là học giả Hoa Bằng Hoàng Thúc Trâm. Trong bài viết “Bài thơ Bán than của ai” in trên tờ Tân văn tuần báo, số 62, ngày 19/10/1935, tác giả Hoa Bằng một mặt khen cuốn "Quốc văn trích diễm", một mặt trực tiếp khẳng định giáo sư Dương đã nhầm khi cho rằng bài "Bán than" của Trần Khánh Dư.

Lập luận thứ nhất Hoa Bằng đưa ra là giáo sư Dương Quảng Hàm nhầm lẫn từ ngay trong lời tiểu dẫn: “Ông Trần Khánh Dư, làm quan phải cách chức, ra ở Chí Linh (thuộc Hải Dương) đốt củi, bán than. Khi ấy có giặc Nguyên sang xâm lấn, các vương hầu hội ở Lục Đầu Giang (Phả Lại) bàn việc binh. Ông nhân chở thuyền than qua đấy, vua Nhân Tông (1278 - 1285) ra ngay cho bài thơ tức cảnh. Ông làm bài trên nầy mượn việc bán than để tả chí khí mình. Vua khen, phục chức cho theo đi đánh giặc; có công, sau nên một bực danh tướng”.

Hoa Bằng khẳng định, đúng là có chuyện “Trần Khánh Dư bị cách chức, về ở Chí Linh, làm nghề bán than”, “còn khi Khánh Dư chở thuyền than đi qua, vua Nhân Tông sai gọi vào, thấy Khánh Dư bận áo ngắn, đội nón lá, thì ngài nói rằng: “Tài trai phải đến nước nầy là cùng”. Rồi ngài liền tha tội cũ, ban áo cho, biểu Khánh Dư ngồi đó bàn việc bình. Thấy “chú lái” bán than bàn nói nhiều điều hiệp ý, ngài lại cất dùng, cho làm chức phó tướng” và kết luận: “Chỉ có thôi, chứ không hề bắt Khánh Dư làm thơ tức cảnh chi hết”.

Đưa thêm một dữ liệu tương tự của một nhà chép sử khác về chuyện này, Hoa Bằng “cũng không thấy nói Khánh Dư làm thơ tức cảnh về việc bán than hay là vua Trần Nhân Tông khen thơ gì cả”, và tác giả Hoàng Thúc Trâm “chắc rằng ông Hàm được nghe bài thơ đó ở miệng người truyền tụng rồi ông thấy Khánh Dư làm nghề bán than, thì in trí là của Khánh Dư chớ không còn của ai vào đấy nữa. Vì vậy mới xảy ra cái nạn râu ông nọ cắm cằm bà kia”.

Vậy bài thơ đó của ai? Dựa trên cứ liệu văn học và những kiến giải lịch sử, Hoa Bằng khẳng định bài thơ đó không phải của Trần Khánh Dư và có thể là của một tác giả họ Nguyễn - di thần nhà Lê.

Thứ nhất, “Muốn biết của ai? Thì đây đã có ông Nguyễn Án, tên tự là Kính Phủ, ở đời Lê Cảnh Hưng (Hiển Tông) làm chứng. Hồi Lê mất, ông Nguyễn di thần (?) đi ẩn, không xuất chính, làm nghề bán than để sinh nhai. Khi đi đường ông gặp quốc lão họ Hoàng (?) kéo quân chảy. Ông Hoàng trông thấy làm lạ, bèn biểu làm một bài thơ bán than bằng Nôm. Ông Nguyễn liền ứng khẩu làm thơ đó. Ông Hoàng khen phục lắm, song ông Nguyễn không chịu nhận, lại quẩy gánh ra đi (Coi "Tang thương ngẫu lục", cuốn dưới). Như vậy, nay ta phải cải chánh: Bài thơ "Bán than" đó là của Nguyễn di thần, chớ không phải của Trần Khánh Dư.”

Thứ hai, “Thơ phú quốc ngữ của ta mới bắt đầu từ Hàn Thuyên. Mà Hàn Thuyên là người ở đời Trần Nhân Tông, đồng thời với Trần Khánh Dư. Xin ông Hàm thử nghĩ: Một thứ “thơ mới” mới phôi thai tất phải trải qua nhiều bước vụng về, nặng nề, rồi mới đến thời kì khéo léo, lẹ làng, chải chuốt được chứ. Một người mới xướng ra được mấy bữa, không có ai phản đối, là phước rồi, chớ đâu lại được người ta hưởng ứng ngay, mà lại hưởng ứng được một cách tài tình, mau chóng đến thế? Chứng cớ rõ là: Đến đời Lê rồi mà thơ Nôm vẫn còn nặng chình chịch và lủng củng những chữ Nho. Ta cứ đọc ngay những bài thơ của Lê Thánh Tông và của Nguyễn Bỉnh Khiêm thì đủ biết. Chứ có đâu nhẹ nhàng và ít chữ Nho được như bài "Bán than" đó. Nếu cho bài đó là của Trần Khánh Dư ở đời Trần thì thiệt trái ngược với trình tự tấn tới của văn học. Ông Nguyễn Án ở đời Lê Cảnh Hưng, tức là đời Lê Hiển Tông (1740 - 1786), mà nói chuyện ở đời gần đấy thì chắc rõ hơn ông Hàm là người ở đời bây giờ. Vả chính ông Án còn biết nhiều thơ của Nguyễn di thần, tác giả bài thơ "Bán than", nên mới thêm rằng: “Ông Nguyễn di thần có nhiều thơ lắm, nay không chép được đủ hết, xin hãy lục ra đây vài bài…”. Thế rồi ông Án kể luôn ra ba bài thơ chữ Nho của Nguyễn Di Thần. Vậy đủ chứng rằng, ông Án biết rõ Nguyễn di thần lắm".

Thứ ba, “Khi việc binh đang gấp rút, vua Trần Nhân Tông cần phải bàn tính lắm việc, chắc không hơi đâu mà làm những sự tủn mủn như hạng hủ nho: Bắt làm thơ tức cảnh để thử thách người. Vả ông Khánh Dư vốn là một tay tướng tài xưa nay: Hồi giặc Nguyên mới sang lần đầu đã bị ông nhân lúc họ hở cơ, đánh úp cho một trận xiểng liểng. Vì vậy, được vua Trần Nhân Tông khen là có trí khôn và chước khéo, lập làm con nuôi của nhà vua. Sau ông đi đánh giặc Sơn Man, lại đại thắng được phong làm chức Phiêu Kị đại tướng quân. Cái tài của Khánh Dư như vậy, chắc Trần Nhân Tông đã thừa biết rồi, chứ có phải xa lạ gì đâu mà còn phải thử thách bằng một bài thơ, rồi mới biết được chí khí? Như vậy tôi dám chắc rằng Khánh Dư vào yết kiến ở Lục Đầu Giang, không phải nhờ bài thơ đó làm tay giới thiệu cho vua biết đến chí khí và tài cán của mình”.

Với tất cả những lí cớ trên, tác giả Hoa Bằng quả quyết, tác giả Dương Quảng Hàm lầm. Bài thơ "Bán than" đó không phải của Trần Khánh Dư.

Theo dõi báo Tân văn các số sau, chúng tôi không thấy giáo sư Dương Quảng Hàm trả lời Hoa Bằng Hoàng Thúc Trâm.

Người bán than

Hồi họ Nguyễn cũ (họ Nguyễn cũ tức là chúa Nguyễn ở phương Nam, tiên tổ của bản triều, gọi thế để phân biệt vói họ Nguyễn mới là nhà Tây Sơn) mất, có kẻ di thần ẩn không chịu ra làm quan, lấy nghề bán than làm kế sống. Một hôm giữa đường gặp đám quan quân, ông họ Hoàng trông thấy lấy làm lạ, bảo làm bài thơ bán than bằng quốc ngữ, mỗ liền làm ngay rằng:

Một gánh kiền khôn ruổi xuống ngàn,

Hỏi chi bán đấy gửi rằng than

Chuốc mua miễn được đồng tiền tốt

Hơn thiệt nài bao gốc củi tàn.

Ở với lửa hương cho vẹn tiết,

Thử xem sắt đá có bền gan.

Hận vì nhem nhuốc mong nghề khác

Song lệ giời kia lắm kẻ hàn.

Ông Hoàng rất tán thưởng, tặng cho năm quan tiền, nhưng mỗ không nhận, liền quẩy gánh củi đi. Xét người di thần của họ Nguyễn cũ này có làm ra thơ rất nhiều, không thể chép hết ra đây được. Hãy xin lục một vài bài:

Thùy phân thùy hợp mạt chi hà

Nam bắc tòng lai thị nhất gia

Đãng tập quan quân ca cổ giốc

Bôn bô thần chúa khắp sơn hà

Ba ba bạch phát quy hà sở

Cảnh cảnh đan tâm thỉ mĩ tha

Kí ngữ Hoàng thiên như hối họa

Khẳng giao thương xích hãm binh qua.

Nghĩa là: Ai chia ra và hợp lại, chẳng biết làm sao, miền Nam miền Bắc nguyên xưa nay vẫn là một nhà. Quan quân miền Bắc đi đánh chác xong, thổi còi gióng trống hát khúc khải hoàn, trong khi ấy thì chúa tôi miền Nam chạy trốn long đong mà khóc nỗi nước non tan vỡ. Tóc bạc phơi phới biết về nơi nao. Lòng son lòi lọi thề không đổi khác. Nhắc với ông Hoàng thiên nếu có lòng băn khoăn về những tai nạn, há nỡ để cho dân chúng phải hãm vòng binh qua…

Trích "Tang thương ngẫu lục" - Nguyên tác của Phạm Đình Hổ và Nguyễn Án, Phổ thông chuyên san Tân Dân xuất bản phát hành, Trúc Khê dịch, 1943.

Người buôn than trên đê sông Hồng, khoảng 1914 - 1918.

Người thứ hai khẳng định trên báo chí là Vân Hạc Lê Văn Hòe (1911 - 1968). Trên báo Thời thế ngày 27/11/1940, Lê Văn Hòe có bài viết “Tác giả bài thơ "Bán than" không phải là Trần Khánh Dư đời Trần”. Theo đó, ông “lấy làm lạ rằng, tới nay nhiều người, trong số đó có cả ông Vệ Thạch Đào Duy Anh, một học giả trứ danh ở Trung Kì vẫn còn tin rằng bài thơ "Bán than" sau nầy là của Trần Khánh Dư đời Trần”.

Theo Lê Văn Hòe, “Trần Khánh Dư vị tất đã phải làm nghề bán than khi có tội phải giáng làm dân đen. Một trang thanh niên thuộc hoàng tộc, đã được phong vương tước, chẳng lẽ lại không có nghề gì hồ khẩu ngoài việc đốt than. Một khi bị sa cơ thất thế? Nói cho cùng, Nhân Huệ Vương mà tới cùng phải làm nghề đốt than thì ít ra cũng làm một ông chủ lò than, chớ không có lẽ gì phải tự quẩy gánh than đi bán”.

Lý lẽ thứ hai của Lê Văn Hòe cũng tương đồng với Hoa Bằng ở chỗ “Đời Trần thì quốc văn chưa thể tiến được đến trình độ bài thơ Bán than”. Lê Văn Hòe viết: “Khởi dùng chữ Nôm để làm thơ phú và riêng lối thơ tám câu luật Đường, là tự quan Hình bộ thượng thư đời vua Trần Nhân Tông là Nguyễn Thuyên, sau được vua đổi họ ra họ Hàn để tỏ ý kính trọng ngang với Hàn Dũ - danh sĩ đời Đường. Nghĩa là thơ phú quốc văn phôi thai tự đời Trần Nhân Tông với Hàn Thuyên. Khỏi phải nói, ai cũng đoán được và không sợ lầm rằng, tay cự phách thơ quốc văn bấy giờ là Hàn Thuyên và thơ tuy là Nôm nhưng tất có pha trộng nhiều từ ngữ chữ Hán.

Chứng cớ là các nhà thơ khác như Trần Quang Khải, Phạm Ngũ Lão, với những bài “Đoạt sáo” và “Hoàng sáo” đều làm thơ bằng Hán văn. Và sau Hàn Thuyên hơn một thế kỉ, Tao đàn nguyên soái là của Lê Thánh Tông làm thơ quốc văn, văn dùng rất nhiều chữ Nho. Kế đến đời Mạc, thì Nguyễn Bỉnh Khiêm tức Trạng Trình, văn nục nặc những chữ Hán là chữ Hán, và lời lẽ còn thô lỗ chất phác, cổ kính làm sao. Vậy một bài thơ nôm rất ít chữ Nho và lời lẽ thanh tao, chải chuốt như bài thơ "Bán than", không thể là một bài thơ hồi quốc văn mới phôi thai được. Bài thơ ấy, một tác phẩm nghệ thuật tinh vi cũng không thể là thơ của một người đồng thời với Hàn Thuyên được. Vì nếu thế, thì người ta đã phải quy cái danh dự khởi xướng làm chữ Nôm làm thơ luật Đường cho Trần Khánh Dư".

Cuối cùng Lê Văn Hòe hỏi để trả lời: “Nhưng tác giả bài thơ ấy là ai? Đến nay, người ta vẫn bảo là Trần Khánh Dư. Có lẽ thi sĩ Trần Khánh Dư là tác giả bài thơ ấy thật, nhưng là Trần Khánh Dư khác kia, chứ nhất định không phải Trần Khánh Dư danh tướng đời Trần, như người ta lầm tưởng. Hoặc thi sĩ người họ Trần, còn Khánh Dư là bút hiệu, nên trùng tên với Trần Khánh Dư đời Trần là người đồng thời với Hàn Thuyên. Hoặc chính Trần Khánh Dư là tên một thi gia nào đời Lê Mạc hoặc sau đời ấy, mà người ta lầm với Trần Khánh Dư đời Trần chăng?".

Năm 1941, khi viết “Thi văn bình chú”, nhà văn Ngô Tất Tố cho rằng, “Bài này các báo, các sách đều nói là của ông Trần Khánh Dư, tôn thất nhà Trần”, tuy nhiên “Riêng ở sách "Tang thương ngẫu lục" của hai ông Nguyễn Án và Phạm Đình Hổ thì chép như trên và nói là của một ông di thần nhà Lê. Sách ấy kể rằng: Trong lúc nhà Lê đã mất, vị di thần đó ở ẩn một nơi, không chịu làm quan và chỉ sống bằng nghề bán than. Một hôm, ông ta đi đường gặp đám quan quân, một vị quốc lão nọ trông thấy, lấy làm lạ liền bắt làm bài thơ than bằng quốc âm. Vị quốc lão ấy biếu năm quan tiền, ông đó không nhận và quảy gánh đi. Xét ra lời của "Tang thương ngẫu lục" nói có ngành ngọn rạch ròi, và bài thơ này hợp với tâm sự ông di thần nhà Lê nào đó hơn là tâm sự ông Trần Khánh Dư, có lẽ người chép chuyện ấy gần với nhà Lê, nên đã biết rõ. Vì vậy, nay theo sách "Tang thương ngẫu lục" để làm thơ của di thần nhà Lê". (theo Ngô Tất Tố, Thi văn bình chú, cuốn thứ nhất (Lê Mạc Tây Sơn từ giữa thế kỉ XV đến đầu thế kỉ XIX), Tủ sách Tao Đàn, NXB Tân Dân, Hà Nội, 1941).

Lí Học
Tin khác
Nợ đời - tập truyện và ký gây nhiều suy nghĩ
Nợ đời - tập truyện và ký gây nhiều suy nghĩ

Trong cuốn 'Nợ đời' Lê Chín còn in những bài viết chân dung, ca ngợi những người tài, những người giàu nhiệt huyết mà tác giả ngưỡng mộ, quý mến.

Tác giả trẻ có tiểu thuyết lịch sử được xuất bản tại Ý
Tác giả trẻ có tiểu thuyết lịch sử được xuất bản tại Ý

Tác giả trẻ Võ Chí Nhất vừa có tiểu thuyết lịch sử ‘Hoàng cung’ được Nhà xuất bản Fiori D'asia Editrice dịch và in tại Ý, với nhan đề ‘Palazzo reale di Thang Long’.

Có một người tu hành như thế
Có một người tu hành như thế

Nhà văn Hồ Thị Ngọc Hoài: 'Có một người đã tu hành như thế và đã truyền cảm hứng sống tốt lành đến nhiều người'.

Lục bát thiền trong miền đồng điệu và đồng cảm thi ca
Lục bát thiền trong miền đồng điệu và đồng cảm thi ca

Lục bát thiền là nét đặc trưng cơ bản được tác giả Trần Lê Khánh chắt chiu thể hiện qua tập thơ ‘Đồng’ do Nhà xuất bản Văn Học ấn hành.

Hai người họ Tô giữa tiếng chim rừng và đất lửa Tây Ninh
Hai người họ Tô giữa tiếng chim rừng và đất lửa Tây Ninh

Hai người họ Tô là Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Tô Quyền và Nghệ sĩ Nhân dân Tô Lan Phương xuất hiện trong ‘Tiếng chim rừng và đất lửa Tây Ninh’.

Nhà văn Y Ban đã thấy gì trên đỉnh giời?
Nhà văn Y Ban đã thấy gì trên đỉnh giời?

Nhà văn Y Ban tiếp tục khẳng định một giọng nữ đặc sắc trong đời sống văn chương Việt Nam, bằng tập truyện ngắn có tên gọi ‘Trên đỉnh giời’.   

Cựu chiến binh hồi tưởng mặt trận gần phía trước
Cựu chiến binh hồi tưởng mặt trận gần phía trước

Cựu chiến binh Trần Trí Thông gửi gắm niềm riêng qua trường ca ‘Mặt trận gần phía trước’ phát hành đúng dịp kỷ niệm 80 năm thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam.

Nhà văn Anh Đức trong ký ức đồng nghiệp thế hệ sau
Nhà văn Anh Đức trong ký ức đồng nghiệp thế hệ sau

Nhà văn Anh Đức được hậu sinh nhắc đến một cách trân trọng tại hội thảo kỷ niệm 10 năm ông qua đời, vừa tổ chức sáng 18/12 ở TP.HCM.

Tác giả trẻ My Tiên và vùng da thiêng nhiều cảm xúc
Tác giả trẻ My Tiên và vùng da thiêng nhiều cảm xúc

Tác giả trẻ My Tiên ở đất võ Bình Định vừa ra mắt tập thơ ‘Vùng da thiêng’ với nhiều cảm xúc nồng nàn về quê hương và con người Nam Trung bộ.

Mạch nha Thi Phổ
Mạch nha Thi Phổ

Làng Thi Phổ thuộc huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi, là nơi sản xuất loại mạch nha thơm ngon nổi tiếng trong cả nước, gọi là 'mạch nha Thi Phổ'.

Tác phẩm Hồ Biểu Chánh vẫn được công chúng đón nhận
Tác phẩm Hồ Biểu Chánh vẫn được công chúng đón nhận

Tác phẩm Hồ Biểu Chánh không chỉ được chuyển thể thành phim truyền hình và phim điện ảnh, mà còn liên tục tái bản với số lượng lớn để phục vụ độc giả.