| Hotline: 0983.970.780

Tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động nhập khẩu cá tầm

Thứ Tư 20/04/2022 , 22:22 (GMT+7)

Lãnh đạo Bộ NN-PTNT cam kết, không để những vấn đề trong thẩm quyền giải quyết tồn đọng quá lâu, gây ảnh hưởng đến người dân và doanh nghiệp.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan yêu cầu các đơn vị thuộc Bộ NN-PTNT tập trung tháo gỡ các vướng mắc liên quan đến hoạt động nhập khẩu cá tầm. Ảnh: Đức Minh.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan yêu cầu các đơn vị thuộc Bộ NN-PTNT tập trung tháo gỡ các vướng mắc liên quan đến hoạt động nhập khẩu cá tầm. Ảnh: Đức Minh.

Rốt ráo vào cuộc

Nghe báo cáo của Cơ Quan Quản Lý CITES Việt Nam về hoạt động nhập khẩu cá tầm ngày 20/4, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan yêu cầu các bên liên quan xem xét toàn bộ vấn đề và đưa ra kết luận cụ thể để hướng dẫn doanh nghiệp, đảm bảo hài hòa lợi ích cho cả đơn vị nhập khẩu lẫn đơn vị sản xuất, kinh doanh trong nước.

Bộ trưởng nhấn mạnh, không để những vấn đề trong tầm giải quyết tồn đọng quá lâu. Với riêng hoạt động nhập cá tầm, lãnh đạo Bộ NN-PTNT chỉ đạo các đơn vị trực thuộc dựa theo căn cứ là Nghị định số 06/2019/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý hiếm. Đây được xem là một bản nội địa hóa Công ước CITES, đồng thời là cơ sở pháp lý để các bên liên quan triển khai, thực hiện.

“Việc gì đúng, mang lại lợi ích cho người dân thì chúng ta cần ủng hộ. Các cơ quan, đơn vị không được né tránh vấn đề. Chậm một ngày là thiệt hại một ngày", Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói.

Từ những năm 2020, nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nuôi cá tầm phản ánh việc cá tầm Trung Quốc ồ ạt nhập khẩu vào Việt Nam. Theo ý kiến này, nguồn cá nhập từ Trung Quốc không chứng minh được nguồn gốc, và giá bán chỉ bằng phân nửa hoặc hai phần ba giá cá tầm trong nước.

Do khó truy xuất nguồn gốc, một số cá thể cá tầm nhập khẩu vào Việt Nam có thể là con lai. Điều này trái với Công ước CITES mà Việt Nam là một nước tham gia. Trong đó, CITES quy định rõ, cá tầm nhập khẩu, sản xuất thương mại phải là thuần chủng.

Lấy ví dụ về chuyện ốc bươu vàng trước đây, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho ý kiến, cần những đánh giá đầy đủ, chính xác về những cá thể lai, bởi chúng có thể xâm thực tự nhiên, phá hỏng hệ sinh thái, thậm chí gây nguy cơ dịch bệnh. 

Chia sẻ thêm, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến phân tích, cá tầm lai sẽ hưởng ưu thế lai, và phát sinh kích thước, trọng lượng nhỉnh hơn so với cá tầm thuần chủng. Quan điểm của Thứ trưởng là không cấp phép cho hoạt động nhập khẩu cá tầm lai.

Tại Việt Nam, Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật là cơ quan thường giám định cá tầm dựa trên gen ty thể. Tuy nhiên, viện này chỉ đưa ra kết quả giám định mà không kết luận mẫu vật giám định có phù hợp với giấy phép CITES hay không. Hai lý do được đưa ra, là giám định gen ty thể chỉ xác định di truyền theo dòng mẹ; và việc giám định ty thể chỉ trên một loại gen nên chưa đủ cơ sở kết luận.

Trong 246 kết quả giám định ADN ty thể cá tầm năm 2021, 24 mẫu tương đồng với trình tự gen của loài cá tầm Amur, 2 mẫu tương đồng với cá tầm Sterlet, nhưng có tới 220 mẫu vừa tương đồng với loài Siberi vừa tương đồng với trình tự gen của cá tầm Nga. Thống kê này lột tả một phần số lượng cá tầm lai trong thực tế.

Đề xuất giải pháp tháo gỡ vướng mắc trong việc nhập khẩu cá tầm từ Trung Quốc, ông Lê Thanh Hòa, Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam cho rằng hai nước có thể phối hợp triển khai một đơn vị thí nghiệm trung lập, nhằm đảm bảo lợi ích giữa bên xuất và nhập khẩu.

Ông Hòa nhận xét, nhập khẩu cá tầm với mục đích làm thực phẩm và sản xuất thương mại cần bộ tiêu chí đánh giá khác nhau, trong đó đặc biệt quan tâm đến những rủi ro về mất an toàn thực phẩm, thậm chí mang mầm bệnh cho cá tầm trong nước.

Về các vấn đề liên quan đến SPS trong nhập khẩu cá tầm, ông Hòa khuyến nghị, các bên cần hài hòa lợi ích với nhau theo quy định của WTO và thông lệ quốc tế. Lãnh đạo Văn phòng SPS Việt Nam nói thêm rằng tại một số tỉnh biên giới Trung Quốc, nghề nuôi cá tầm được xem là giải pháp xóa đói giảm nghèo cho người dân. 

Cá tầm được người dân nuôi nhiều tại khu vực Tây Nguyên và một số tỉnh Tây Bắc. Ảnh: Bảo Thắng.

Cá tầm được người dân nuôi nhiều tại khu vực Tây Nguyên và một số tỉnh Tây Bắc. Ảnh: Bảo Thắng.

Triển khai 3 nhiệm vụ

Trong bối cảnh chưa có cơ quan nào tại Việt Nam đưa ra kết luận về giám định cá tầm nhập khẩu, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến chỉ rõ, giấy phép CITES cấp cho cá tầm phải là cá thể thuần chủng. 

Dưới góc độ khoa học, ông cho rằng không thể "đưa kết quả chung chung". Giải pháp được Thứ trưởng đưa ra, là kiểm soát chặt chứng chỉ lấy mẫu, tăng tần suất lấy mẫu, tăng số lượng lấy mẫu. Nếu không thể kết luận bằng giải trình tự một gen, lãnh đạo Bộ NN-PTNT yêu cầu các bên liên quan phối hợp để giải trình tự nhiều gen, đến khi "ra câu trả lời cuối cùng".

"Mỗi kết luận đưa ra phải chuẩn, phải dựa trên cơ sở pháp lý và cơ sở khoa học. Kiểm soát nhập khẩu cá tầm không chỉ là nhiệm vụ của CITES, mà còn là trách nhiệm của ngành thủy sản, ngành thú y, ngành nông nghiệp", Thứ trưởng nhấn mạnh.

Ngay từ khi xuất hiện những quan ngại về vấn đề nhập khẩu cá tầm, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đã trực tiếp thị sát hoạt động nhập khẩu tại cửa khẩu, cũng như các cơ sở kiểm dịch động vật, cơ sở kinh doanh. Qua đó, ông nêu quan điểm: Muốn sản xuất cá tầm thì phải có khảo nghiệm, muốn đưa cá tầm vào kinh doanh thương mại thì phải kiểm định được chất lượng an toàn, vệ sinh thực phẩm.

Do thuộc Phụ lục II của Công ước CITES, cá tầm nhập khẩu không yêu cầu giấy phép CITES nhập khẩu, mà chỉ cần giấy phép xuất khẩu. Điều này tạo ra khó khăn cho cơ quan quản lý nếu đơn vị nhập khẩu không tuân thủ nghiêm các quy định.

Chia sẻ thách thức này, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến khẳng định, Bộ NN-PTNT sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an để xử lý nghiêm tình trạng nhập lậu. Ngoài ra, Thứ trưởng yêu cầu CITES Việt Nam làm ngay 3 việc: Gửi tờ trình xin ý kiến các cơ quan, đơn vị liên quan; Tổ chức nhiều chuyên kiểm tra thực tế; Chọn đơn vị đủ khả năng giải trình, hoặc tham chiếu quốc tế để giải quyết rốt ráo vấn đề.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến lắng nghe ý kiến các đơn vị về hoạt động nhập khẩu cá tầm. Ảnh: Đức Minh.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến lắng nghe ý kiến các đơn vị về hoạt động nhập khẩu cá tầm. Ảnh: Đức Minh.

Bà Hà Thị Tuyết Nga, Giám đốc Cơ quan quản lý CITES Việt Nam cho biết, thế giới có 27 loài cá tầm và tất cả đều được xếp vào danh mục quản lý theo Công ước CITES. Trong số này, chỉ có 2 loài thuộc Phụ lục II, còn lại là Phụ lục I (những loài bị đe dọa tuyệt chủng, và nghiêm cấm xuất khẩu, nhập khẩu, tái xuất khẩu, nhập nội từ biển, quá cảnh mẫu vật từ tự nhiên vì mục đích thương mại).

Hiện Việt Nam chỉ cho phép nhập khẩu mẫu vật cá tầm sống từ Trung Quốc; và trứng cá tầm thụ tinh từ Đức và Nga. Trung bình hàng năm, nước ta nhập khoảng 2.500 tấn cá sống, và 20kg trứng cá.

Với mẫu vật cá tầm sống, Việt Nam cho phép nhập 2 loài là cá tầm Siberi và cá tầm Nga. Trong năm 2021, CITES Việt Nam đã cấp giấy phép cho khoảng 3.000 tấn cá tầm sống nhập vào Việt Nam. 

Trước quan ngại từ Trung Quốc về vấn đề nhập khẩu cá tầm tại Việt Nam, Cơ quan CITES đã 3 lần gửi thư cho phía bạn trong vòng một tháng qua, đề nghị làm rõ chuyện cá tầm trong các trại nuôi của Trung Quốc có phải thuần chủng hay không. Tuy nhiên, đến nay CITES Việt Nam chưa nhận câu trả lời.

Song song với đó, CITES Việt Nam đã gửi thư đề nghị Ban Thư ký CITES quốc tế hỗ trợ giám định cá tầm, đồng thời phối hợp tìm các biện pháp tham chiếu, khảo nghiệm, ứng xử phù hợp. Cơ quan cũng liên tục tổ chức các đoàn kiểm tra cơ sở kinh doanh nhập khẩu cá tầm sống từ Trung Quốc để tham mưu, tư vấn kịp thời cho các cơ quan quản lý nhà nước.

Xem thêm
Kỷ luật ông Vương Đình Huệ, chưa xem xét kỷ luật ông Võ Văn Thưởng

Bộ Chính trị quyết định thi hành kỷ luật Cảnh cáo ông Vương Đình Huệ, chưa xem xét, xử lý kỷ luật ông Võ Văn Thưởng do đang điều trị bệnh.

Cập nhật bảng giá xe Mazda 6 mới nhất tháng 11/2024

Cập nhật bảng giá xe Mazda 6 mới nhất tháng 11/2024. Mazda6 cũng giống Mazda3, có kiểu dáng đẹp, nhiều trang bị, giá bán hợp lý trong phân khúc

Viện Cây ăn quả miền Nam đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất

Tiền Giang Viện Cây ăn quả miền Nam (Sofri) vừa tổ chức lễ đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất và kỷ niệm 30 năm thành lập Viện 1994 - 2024.

Hơi ấm cộng đồng giúp người dân Lục Yên gượng dậy sau bão

Yên Bái Vượt qua những đau thương, mất mát do thiên tai càn quét, những ngày này chính quyền và người dân ở huyện Lục Yên đang gượng dậy khôi phục sản xuất, dựng lại nhà ở.