| Hotline: 0983.970.780

Thắp sáng sinh kế cho người dân vùng cao

Thứ Bảy 16/12/2023 , 19:13 (GMT+7)

Từ phụ thuộc vào tự nhiên, dễ bị tổn thương trước các biến đổi thời tiết, người dân tại các huyện vùng cao của Hòa Bình, Quảng Trị đã làm chủ được cuộc sống.

Qua các lớp học chăn nuôi, người dân Đà Bắc đã biết thêm nhiều kiến thức phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi.

Qua các lớp học chăn nuôi, người dân Đà Bắc đã biết thêm nhiều kiến thức phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi.

Những lớp học từ thực tiễn

"Trước đây, trâu, bò ốm, bệnh, tôi chỉ biết trông chờ vào cán bộ thú y. Sau khi học lớp chăn nuôi, tôi biết thêm cách phòng bệnh cho gia súc, nên tỷ lệ bị bệnh giảm hẳn", ông Bàn Văn Lý ở xã Tân Minh, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình nói.

Ông Hà Văn Vững, một nông dân khác ở xã Tân Pheo, huyện Đà Bắc cho biết thêm, ông cùng bà con hàng xóm lâu nay chỉ nuôi lợn nhỏ lẻ, quy mô một vài con để sử dụng trong gia đình. Vì vậy, hầu như người dân tập trung nuôi giống lợn bản địa chân nhỏ, mõm nhỏ, thịt thơm, bụng thon, ít mỡ.

Chúng thích nghi với môi trường sống khắc nghiệt, khỏe mạnh, ít bệnh. Dù chậm lớn, giống lợn này lại tốn ít chi phí nuôi, giá thành ổn định. Đây là giống lợn truyền thống, đã có từ thời xa xưa ở Đà Bắc. Một người dân có thể chăm 10, 20 con lợn cùng lúc. Cái họ thiếu chỉ là quy trình chăm sóc và hỗ trợ về giống đầu vào.

Đà Bắc là huyện vùng cao, khó khăn nhất của tỉnh Hòa Bình. Địa hình nơi đây bị chia cắt mạnh, khiến phát triển đàn vật nuôi thường manh mún, nhỏ lẻ. 

Nhận thức được vấn đề, Trung tâm Giáo dục Nghề nghiệp - Giáo dục Thường xuyên huyện Đà Bắc đã tổ chức 35 lớp học đào tạo cho gần 1.000 học viên, chủ yếu là người dân địa phương, trong năm 2023. Các ngành nghề chủ yếu gồm chăn nuôi lợn, nuôi cá, nuôi gà, nuôi trâu bò, thêu thổ cẩm, dệt thổ cẩm, mây tre đan, sửa chữa máy nông nghiệp.

Một số khác còn theo học những ngành hiện đại như nấu ăn, hướng dẫn du lịch, sửa chữa điện tử, may túi siêu thị, may công nghiệp... Chị Lý Thị Quyết, xã Cao Sơn chia sẻ, sau khi học lớp nấu ăn, du lịch đã được tuyển dụng và có công việc ổn định tại một homestay trên địa bàn huyện Đà Bắc, với mức thu nhập 6 - 7 triệu đồng/tháng, đảm bảo được cuộc sống gia đình.

Ông Đinh Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Giáo dục Nghề nghiệp - Giáo dục Thường xuyên huyện Đà Bắc nhận xét, quá trình vận động học viên đi học thuận lợi vì hầu hết đều có nhu cầu có thêm kiến thức, tạo nguồn thu nhập ổn định hàng tháng.

"Người dân được miễn chi phí học tập và được hỗ trợ 30.000 đồng/ngày, cùng một số nguyên liệu, trang thiết bị để đảm bảo học đi đôi với hành. Mỗi khóa học kéo dài khoảng 3 tháng, đủ để học viên tiếp thu và vững tay nghề", ông bày tỏ.

Ngoài kiến thức, người dân còn được phổ biến, tuyên truyền về nhiều nội dung liên quan như xây dựng nông thôn mới. 

Ngoài kiến thức, người dân còn được phổ biến, tuyên truyền về nhiều nội dung liên quan như xây dựng nông thôn mới. 

Theo ông Tuấn, phần lớn học viên sau khi tốt nghiệp đều áp dụng được ngay vào trong công việc, thực tiễn sản xuất. Sang năm 2024. Trung tâm của ông dự kiến tiếp tục đào tạo các ngành nghề phù hợp với nhu cầu địa phương như du lịch cộng đồng, nghề thủ công mây tre đan, đồng thời tìm đầu ra thị trường cho các sản phẩm.

Để đảm bảo hơn nữa cuộc sống cho người dân trên địa bàn, huyện Đà Bắc đang triển khai 75 công trình đầu tư hạ tầng thiết yếu, trong đó có 36 công trình mới thực hiện trong năm 2023. Huyện tập trung vào các công trình giải quyết tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt phục vụ người dân...

Thêm cơ hội cho người dân vùng cao

Cùng với 6 xã của huyện Đakrông và Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị, 4 xã thuộc huyện Đà Bắc và Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình nằm trong vùng dự án của Chương trình “Tiến về phía trước”, do Đại sứ quán Ireland tại Việt Nam tài trợ.

Giai đoạn thí điểm của chương trình được thực hiện ở tỉnh Quảng Trị và Hòa Bình, từ tháng 6/2022 đến 8/2023. Kết quả, thành lập và củng cố hoạt động của 25 nhóm sinh kế, kinh doanh của phụ nữ, thực hiện xây dựng kế hoạch nâng cao năng lực và hỗ trợ các khoản vay phù hợp cho hơn 450 phụ nữ thực hiện các hoạt động sinh kế khác nhau. 

Ngoài ra, 11 trường học được hỗ trợ xây dựng mô hình trường học an toàn, 23 điểm trường được hỗ trợ can thiệp về cơ sở hạ tầng, mang lại lợi ích cho hơn 2500 trẻ em và 150 nhân viên giáo dục ở Quảng Trị.

15 nhóm phụ trách xây dựng, vận hành và bảo trì cơ sở hạ tầng vi mô. Cùng với đó, nâng cấp và xây dựng mới 16 công trình cơ sở hạ tầng như sân chơi công cộng, đường nội thôn, nhà thôn, hệ thống nước sinh hoạt, hệ thống chiếu sáng.

Người dân thu hoạch cây gai xanh tại tỉnh Hòa Bình.

Người dân thu hoạch cây gai xanh tại tỉnh Hòa Bình.

Trên cơ sở này, Giai đoạn 2 của chương trình được mở rộng thêm 5 xã của huyện Xín Mần và Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang; dự kiến triển khai từ tháng 9/2023 đến tháng 8/2028. Chương trình tiếp tục hướng tới cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn và áp dụng phương pháp tiếp cận lấy cộng đồng làm trung tâm.

Ông Trương Chí Hiếu, Phó Ban dân tộc tỉnh Quảng Trị (địa phương thụ hưởng kết quả ở giai đoạn thí điểm) nhận xét: Chương trình "Tiến về phía trước" đã hỗ trợ thiết thực cho sự phát triển bền vững của cộng đồng dân tộc thiểu số ở huyện Đakrông và Hướng Hóa.

"Chương trình đã góp phần thay đổi tư duy và điều kiện sống của bà con, hướng đến bình đẳng giới, tạo thêm sinh kế và góp phần đảm bảo trường học trở nên an toàn trước thiên tai cũng như biến đổi khí hậu”, ông nhấn mạnh.

Chị Lường Thị Loan ở xã Yên Hòa, huyện Đà Bắc, một người dân được chương trình hỗ trợ từ đầu năm 2023, bày tỏ niềm vui khi "Tiến về phái trước" khởi động giai đoạn 2. Chị bộc bạch: "Các thành viên trong tổ truyền thông cộng đồng đã sáng tạo nhiều hình thức tuyên truyền thu hút sự tham gia của dân làng, thúc đẩy các trao đổi trong nội bộ thôn".

Thời gian tới, chị Loan mong muốn được hướng dẫn, đào tạo sâu hơn nữa về các ngành nghề, có thể ứng dụng ngay vào tình hình thực tiễn ở Đà Bắc. Trong số đó có việc phát triển cây gai xanh, vốn đã phát triển trên địa bàn xã Yên Hòa.

Phòng NN-PTNT huyện Đà Bắc đánh giá, cây gai xanh là một trong số những giải pháp rất phù hợp với người dân trong việc tái cơ cấu cây trồng. Loài cây này phù hợp với thời tiết, khí hậu, thổ nhưỡng của huyện.

Tuy nhiên, đây là cây trồng mới nên một số người dân còn tâm lý e ngại về kỹ thuật canh tác cũng như liên kết, mở rộng diện tích gieo trồng. Đồng thời, các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển cho cây gai xanh phần lớn hiện do người dân và doanh nghiệp tự đầu tư, nên chưa thể đẩy mạnh cơ giới hóa.

Xem thêm
Bàn cách tận dụng hết dư địa cho tinh dầu quế

HÀ NỘI Thiếu hụt nhân lực có kỹ năng và chuyên môn, quy trình sản xuất chưa hoàn thiện và chưa có phương pháp tiếp cận thị trường toàn cầu là khó khăn chung của ngành quế.

Năm 2024, Bình Điền đặt mục tiêu sản xuất, tiêu thụ 568.000 tấn phân bón

TP. HCM Trong năm 2024, Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền đặt ra nhiều mục tiêu và nhiệm vụ, trong đó sản lượng và tiêu thụ đạt trên 568.000 tấn phân bón các loại.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm