| Hotline: 0983.970.780

Thay đổi nếp nghĩ 'lúa đẹp' của nông dân khi giá vật tư tăng cao

Thứ Ba 16/08/2022 , 11:25 (GMT+7)

Trước tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, công lao động, giá vật tư nông nghiệp tăng cao, giải pháp nào để giúp người trồng lúa có lời?

Giảm giống gieo sạ là khâu then chốt kéo theo giảm chi phí ở các khâu sau. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Giảm giống gieo sạ là khâu then chốt kéo theo giảm chi phí ở các khâu sau. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Áp dụng khoa học kỹ thuật để giảm chi phí

Trước những tác động bất lợi của biến đổi khí hậu, thời tiết diễn biến ngày càng phức tạp, tình trạng nhiễm mặn và khô hạn thường xuyên xảy ra và kéo dài khiến cho canh tác lúa ở ĐBSCL gặp rất nhiều khó khăn. Thời gian gần đây, nước từ thượng nguồn sông Mekong chảy về vùng châu thổ Cửu Long ngày càng ít dần nên lượng phù sa không còn dồi dào  như trước. Đặc biệt, gần 2 năm nay, nông dân trồng lúa ở ĐBSCL ngao ngán trước bối cảnh cái gì cũng tăng giá, nhất là giá vật tư nông nghiệp, trong đó giá phân bón, thuốc trừ sâu, xăng dầu tăng liên tục khiến người trồng lúa khó có lãi, thậm chí thua lỗ nếu nông dân thuê đất.

ĐBSCL đang vào cuối vụ thu hoạch lúa hè thu 2022. Ngành nông nghiệp ước tính trung bình năng suất lúa từ 5,6-6,2 tấn/ha, từ bằng đến thấp hơn so với cùng kỳ năm rồi. Theo điều tra của ngành nông nghiệp Kiên Giang, Hậu Giang và TP Cần Thơ, trong tình hình giá vật tư đầu vào tăng cao, các địa phương này đã có khoảng 70-80% nông dân áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật mới để giảm giá thành. Ngoài biện pháp canh tác như quản lý nước, sử dụng sản phẩm điều hòa sinh trưởng để kích rễ, khỏe chồi thì biện pháp giảm giống, đặc biệt là giảm lượng phân bón là yếu tố chính để giảm chi phí. Từ đó kỳ vọng đạt mức năng suất nhất định và có lời.

Để tìm hiểu chuyện lời lỗ của người trồng lúa ở ĐBSCL trước bối cảnh giá phân bón, thuốc BVTV, xăng dầu nằm ở mức quá cao như hiện nay. Chúng tôi đã đến xã Hòa Lợi, huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang, nơi đây có đến 90% nông dân áp dụng giảm phân, giảm giống đã mang lại kết quả cao trong vụ hè thu 2022, đây cũng được xem là mô hình điểm của tỉnh Kiên Giang.

Anh Đinh Văn Nhơn, xã Hòa Lợi đang canh tác 7ha lúa OM 5451. Vụ hè thu vừa rồi anh Nhơn áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong canh tác lúa, đặc biệt giảm giống, giảm phân được anh xem là khâu then chốt quan trọng. Anh Nhơn chia sẻ: Thay vì trước đây 1ha phải sạ từ 200-220 kg giống/ha, giờ chỉ còn 120-130 kg/ha, phân bón cũng giảm từ 25-30%. Còn số lần phun thuốc BVTV cũng giảm theo 1-2 cử… mà cuối vụ năng suất lúa vẫn đạt khá, giúp gia tăng lợi nhuận.

“Trong vụ hè thu 2022 vừa rồi tôi canh tác 7ha áp dụng giảm giống, giảm phân, giảm số lần phun thuốc BVTV không cần thiết và quản lý nước kỹ hơn nên chi phí cả vụ giảm từ 35 - 40% so với vụ hè thu năm 2021, dù lúa không xanh tốt như trước đây người trong gia đình có phần lo lắng cách làm này. Tuy nhiên cuối vụ kết quả mang lại khá khả quan, bên cạnh đó lúa ít đổ ngã, năng suất lúa đạt 650 -700kg/công tầm lớn, sau khi trừ chi phí lãi từ 1,4 -1,5 triệu đồng/công” anh Nhơn nói.

Cần thay đổi nếp nghĩ của nông dân 

Trong điều kiện thời tiết bất lợi, giá vật tư tăng cao, giải pháp nào để trồng lúa có lời đang là dấu hỏi lớn và là mong mỏi của người nông dân. Đây cũng là bài toán mà nhiều ngành chức năng đang quan tâm. Trong xu thế hiện nay, ngành nông nghiệp khuyến cáo nhà nông mạnh dạn chuyển đổi từ tư duy sản xuất nông nghiệp truyền thống sang tư duy kinh tế nông nghiệp để giảm chi phí, tăng hiệu quả kinh tế, mang lại thu nhập cao cho người nông dân.

Trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, giá vật tư nông nghiệp tăng cao, người trồng lúa cần thay đổi ' nếp nghĩ, cách làm', đặt biệt là trong sử dụng phân bón và thuốc BVTV phải thông minh. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, giá vật tư nông nghiệp tăng cao, người trồng lúa cần thay đổi “ nếp nghĩ, cách làm”, đặt biệt là trong sử dụng phân bón và thuốc BVTV phải thông minh. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Tuy nhiên, hiện nay ở ĐBSCL, không ít nông dân vẫn còn tập quán canh tác theo lối truyền thống, với suy nghĩ theo cách cũ như phải sạ dày cho ruộng lúa có nhiều cây sẽ cho nhiều bông (sạ từ 220-250kg giống/ha), bón phân tối đa và phun thuốc BVTV nhiều cữ… Làm như vậy cây lúa mới xanh đẹp, nhìn thật đã mắt và luôn muốn ruộng mình phải đẹp hơn ruộng các hộ xung quanh mới hài lòng. Vì ganh đua với nhau trong canh tác lúa, vô hình trung đã làm tăng chi phí sản xuất, mà cuối vụ năng suất chẳng được bao nhiêu và cuối cùng lợi nhuận kém, thậm chí còn bị thua lỗ.

Từ lâu, ngành nông nghiệp luôn khuyến cáo nhà nông nên ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong canh tác lúa như: “3 giảm 3 tăng”, “1 phải 5 giảm” và sử dụng thuốc BVTV theo nguyên tắc "4 đúng". Đây là các giải pháp giúp nông dân giảm chi phí, nhưng vẫn tối ưu năng suất (trong điều kiện tiết kiệm), đảm bảo chất lượng lúa hàng hóa. Mặt khác, trong điều kiện thời tiết ngày càng khắc nghiệt, giá vật tư nông nghiệp tăng cao, người trồng lúa cần thay đổi “nếp nghĩ, cách làm”, đặc biệt là trong sử dụng phân bón và thuốc BVTV phải thông minh, để tăng hiệu quả sản xuất, tiết kiệm chi phí, có lời sau mỗi vụ canh tác.

Tối ưu năng suất trong điều kiện khó khăn, nâng cao chất lượng lúa hàng hóa nhưng giảm giá thành sản xuất để làm lúa có lời, được xem là “tiền tiết kiệm bỏ túi” của người nông dân. Đây cũng được xem là tư duy phù hợp với xu thế mới. Cần có sự vào cuộc mạnh mẽ hơn từ nhiều phía, bên cạnh nhà quản lý, nhà khoa học đã làm trong thời gian vừa qua thì cần phải có sự chung tay, góp sức của doanh nghiệp và cả nông dân.

Xem thêm
Việt Nam chưa đủ thông tin đánh giá tác động của dự án Funan Techo

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng khẳng định Việt Nam chưa đủ thông tin để có thể đánh giá tác động của dự án Funan Techo.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Nông dân Quảng Trị ra đồng diệt chuột, bắt ốc bươu vàng

Hàng trăm nông dân huyện Vĩnh Linh đã ra đồng vệ sinh đồng ruộng, diệt chuột, ốc bươu vàng, vệ sinh đồng ruộng.

Cựu binh Đồi A1 & ký ức 'máu trộn bùn non'

Tròn 70 chiến thắng Điện Biên Phủ nhưng những đồng đội, những nắm cơm, những chiến hào 'máu trộn bùn non'… vẫn còn mãi trong tâm trí nhà giáo ưu tú Đỗ Ca Sơn.

Bình luận mới nhất

Trong bài này, tác giả (sau đây xưng là Nattoi) để cập chủ yếu 03 vấn đề, trong đó chủ yếu tập trung cho giải quyết vấn đề số 1, hai vấn đề còn lại chỉ được nhắc đến: Một: Phương pháp thiết kế điều tiết lũ hiện hành chưa đưa thông số mực nước an toàn ở hạ du vào tính toán nên yêu cầu phòng chống lũ cho hạ du chưa được đảm bảo và không có tiêu chí để xác định hiệu quả vận hành giảm lũ. Vấn đề này đã được Nattoi giải quyết cả về mặt lý thuyết và thực hành (trình bày ở mục 3.4). Hai: Tiêu chí xác định MNCNTL, MNTNĐL không được công khai, minh bạch, làm cho việc kiến nghị điều chỉnh hạ thấp 2 mực nước đối với các hồ chứa thủy điện nhằm tăng dung tích trống phòng lũ là điều bất khả. Về vấn đề này (trình bày tại Mục 3.1), Nattoi chưa nêu cụ thể phương án giải quyết là để tập trung nội dung vào vấn đề số 1 như đã nêu, nhưng hướng giải quyết là đã có. Ba: Vấn đề bán con trâu mà tiếc sợi dây thừng: Thiết kế xây dựng đập, hồ chứa nước được tính toán an toàn ổn định lật, trượt đến mực nước lớn nhất thiết kế và kiểm tra với mực nước lớn nhất kiểm tra, cho phép giữ mực nước hồ không vượt quá mực nước lớn nhất kiểm tra nhưng lại chỉ cho phép sử dụng dung tích trống phòng lũ đến mực nước dâng bình thường là sự lãng phí ghê gớm trong đầu tư xây dựng và quản lý an toàn đập, hồ chứa nước. Hướng giải quyết vấn đề số 3 (trình bày tại Mục 3.2) vốn là tự nhiên đã có nhưng không được sử dụng vì không nghĩ đến giảm lũ cho hạ du.
+ xem thêm