| Hotline: 0983.970.780

Giảm lệ thuộc nguyên liệu thức ăn chăn nuôi nhập khẩu

Thêm nhiều cây, cỏ giàu dinh dưỡng cho vật nuôi

Thứ Tư 20/07/2022 , 06:38 (GMT+7)

Ngoài ngô, sắn, khoai lang… là những cây trồng truyền thống, nhiều loài cây, cỏ ít phổ biến ở Việt Nam được nghiên cứu và chuyển giao vào sản xuất để phục vụ chăn nuôi.

Việt Nam ít có lợi thế sản xuất nguyên liệu ngũ cốc dùng trong chăn nuôi, nhưng việc phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu đã làm mất đi khả năng cạnh tranh của ngành chăn nuôi, gây lãng phí tiềm năng phát triển các cây trồng làm thức ăn chăn nuôi.

Linh lăng - thức ăn thô xanh giá trị

Theo Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, linh lăng là cây có hàm lượng protein cao thứ 2 sau đậu tương với hàm lượng protein từ 18 - 23%.

Cây linh lăng được sử dụng làm thức ăn thô xanh rất có giá trị cho tất cả các loại gia súc ở nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt là gia súc lấy sữa và vỗ béo và còn được chế biến làm thức ăn có giá trị cho gia cầm, thủy sản.

 Linh lăng là cây có hàm lượng protein cao thứ 2 sau đậu tương với hàm lượng protein từ 18 - 23%.

 Linh lăng là cây có hàm lượng protein cao thứ 2 sau đậu tương với hàm lượng protein từ 18 - 23%.

Linh lăng là cây chịu lạnh rất tốt (3 - 5oC) nên có thể phát triển được ở các vùng sinh thái thuộc các  tỉnh miền núi phía bắc, nơi rất cần thức ăn giầu dinh dưỡng trong mùa đông. Cây có thể trồng một lần thu hoạch 2 - 3 năm ở các vùng/vụ có điều kiện khí hậu lạnh/mát mẻ (nhiệt độ trung bình 15 - 28oC, nhưng cũng có thể chịu được nhiệt độ cao đến trên 37 - 38oC) hoặc có thể cơ cấu thành cây 1 năm trong vụ đông/đông xuân.

Năng suất trung bình đạt 16 - 20 tấn/ha/lần thu hoạch, thâm canh có thể đạt 25 - 30 tấn/ha/lần thu hoạch và có thể cho thu hoạch 5 - 6 lần/năm với sản lượng trên 60 tấn/ha/năm, là nguồn dinh dưỡng giàu protein cần được xem xét phát triển làm thức ăn chăn nuôi.

Hiện nay, giống cỏ linh lăng đã được nhập nội, thu thập và đánh giá 60 mẫu giống alfalfa và tuyển chọn được giống AF1, qui trình kỹ thuật canh tác cho năng suất >60 tấn chất xanh/ha/năm và 3 giống triển vọng AF2, AF3, AF4 có khả năng sinh trưởng tốt trong điều kiện vụ thu đông/đông xuân.

Các  giống là cây hàng năm nếu được trồng trong điều kiện nóng ẩm và là cây 2 - 3 năm trong điều kiện sinh thái mát mẻ. Tuy nhiên, hạn chế của việc phát triển alfalfa ở nước ta là chưa làm chủ được việc sản xuất hạt giống trong nước và công nghệ thu hoạch, sau thu hoạch, đặc biệt là làm khô để bảo quản lâu dài.

Cây lúa mì, đại mạch thích hợp phát triển ở vùng khô hạn

Lúa mì và đại mạch là 2 cây đã từng được trồng ở miền Bắc nước ta có khả năng sinh trưởng và phát triển tốt nhưng diện tích không lớn do trình độ, thói quen canh tác của nông dân. Lúa mì và đại mạch hiện nay được sử dụng nhiều làm nguồn cung cấp tinh bột trong chế biến thức ăn chăn nuôi và chế biến thực phẩm, rượu bia. Hàng năm nước ta phải nhập 100% lúa mì với khoảng 665 ngàn tấn (năm 2020) chỉ sử dụng cho mục tiêu chế biến thức ăn.

PGS.TS Nguyễn Thế Hùng (Khoa Nông học, Học viện Nông nghiệp Việt Nam) kiểm tra cánh đồng lúa mì tại huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái (tháng 4/2017). Ảnh: Lê Bền.

PGS.TS Nguyễn Thế Hùng (Khoa Nông học, Học viện Nông nghiệp Việt Nam) kiểm tra cánh đồng lúa mì tại huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái (tháng 4/2017). Ảnh: Lê Bền.

Đây là 2 cây chịu rét, chịu hạn tốt có thể trồng trồng vụ đông ở vùng Đồng bằng sông Hồng và Trung du miền núi phía Bắc để tăng khả năng thích ứng với các vùng khô hạn, chịu nhiều tác động của biến đổi khí hậu.

Lúa mì và đại mạch không chỉ cho thu hoạch hạt mà còn là nguồn thức ăn thô/thô xanh có giá trị cho gia súc trong mùa đông ở các tỉnh phía bắc nơi có tiền năng phát triển gia súc, song rất thiếu thức ăn xanh trong mùa đông lạnh.

Với năng suất hạt 2,5 - 3,5 tấn hạt/ha và 30 - 40 tấn phụ phẩm ở trên vùng đất hạn, rét thì lúa mì và đại mạch hoàn toàn có tiềm năng phát triển thành cây nguyên liệu chế biến thức ăn chăn nuôi có giá trị, góp phần giảm áp lực nhập khẩu nguyên liệu tương tự từ các quốc gia khác trên thế giới.

Cây cao lương có năng suất cao hơn ngô 2 - 3 lần

Cây cao lương có đặc điểm và yêu cầu canh tác tương tự như cây ngô nhưng năng suất cao hơn (gấp 2 - 3 lần, có khả năng tái sinh lần 2 nhưng chất lượng dinh dưỡng thấp hơn ngô). Đây cũng là cây có khả năng sinh trưởng phát triển tốt trong điều kiện thời tiết khí hậu nước ta.

Viện Nghiên cứu Bông và Phát triển nông nghiệp Nha Hố đã nghiên cứu, thử nghiệm và chọn ra giống cao lương chuyên dụng phục vụ trong chăn nuôi.

Viện Nghiên cứu Bông và Phát triển nông nghiệp Nha Hố đã nghiên cứu, thử nghiệm và chọn ra giống cao lương chuyên dụng phục vụ trong chăn nuôi.

Thời gian trước đây, cao lương được trồng rải rác tại các tỉnh Nam Trung bộ nhưng chủ yếu lấy hạt để phục vụ chăn nuôi gia cầm và chưa sử dụng sinh khối để chế biến thức ăn chăn nuôi. Trong 2 năm gần đây, với việc chuyển dần sang chăn nuôi quy mô trang trại tại các tỉnh Nam Trung bộ, diện tích trồng cây cao lương ngọt làm thức ăn chăn nuôi dần mở rộng, hiện cao lương đang được trồng chủ yếu tại huyện Tánh Linh (Bình Thuận).

Với việc quan tâm của các Bộ, ngành dự kiến cây cao lương làm thức ăn chăn nuôi sẽ được mở rộng và phát triển  mạnh trong thời gian tới, nhất là khi Bộ Khoa học Công nghệ đã phê duyệt chương trình nghiên cứu và phát triển cây cao lương tại Phú Yên, bắt đầu thực hiện từ 2021.

Nhận thấy tiềm năng của cây cao lương, Viện Môi trường Nông nghiệp đã tiến  hành  nhập nội 12 giống cao lương từ Ngân hàng gen cây trồng bán khô hạn (ICRISAT), kết hợp với 66 giống thu thập được từ  trong nước, đã tiến hành thử nghiệm và chọn được 2 giống 4a và 6a được Bộ NN-PTNT công nhận giống cây trồng mới. Các nghiên cứu về cao lương tập trung vào đánh giá giống, sản xuất ethanol từ dịch ép cao lương, chưa chú trọng đến sử dụng cao lương làm nguyên liệu cho sản xuất, chế biến thức ăn thô xanh.

Viện Nghiên cứu Bông và Phát triển nông nghiệp Nha Hố đã nghiên cứu, thử nghiệm và chọn ra giống cao lương Latte có khả năng chịu hạn tốt nhất, có khả năng thích ứng cao với điều kiện canh tác tại vùng khô hạn và xây dựng được chế độ canh tác phù hợp với sinh thái của vùng.

Yến mạch và tiềm năng nhân rộng

Yến  mạnh cũng là cây chịu rét tốt, có khả năng phát triển trong vụ thu đông/đông ở vùng Đồng bằng sông Hồng và Trung du miền núi phía Bắc, năng suất có thể đạt 45 - 60 tấn/ha, có khả năng cho thu hoạch 2 lần/năm.

Hiện yến mạch mới chỉ được trồng chủ yếu ở Mộc Châu (Sơn La) với quy mô còn khiêm tốn. Yến mạch hoàn toàn có thể phát triển và mở rộng nhằm cung cấp thức ăn thô xanh trong vụ đông ở các tỉnh Đồng bằng sông Hồng và Trung du miền núi phía Bắc - thời gian rất quan trọng ở mùa đông thiếu thức ăn chăn nuôi đối với vùng miền núi phía Bắc.

Xương rồng Nopal - cây dinh dưỡng dễ canh tác vùng khô hạn

Giống xương rồng Nopal thuộc chi opuntia họ cactaceae là loại cây trồng dễ canh tác, sinh trưởng phát triển tốt trên các vùng đất khô hạn (lượng mưa dưới 250 mm/năm) và bán khô hạn (lượng mưa từ  250 - 450 mm/năm), trên các loại đất nghèo dinh dưỡng, ở độ cao tuyệt đối từ 20 - 240m (đặc biệt có thể trồng ở độ cao gần 4.000m), nhiệt độ thích hợp để cây sinh trưởng phát triển tốt từ 20 - 32oC.

Giống xương rồng Nopal có ý nghĩa lớn về mặt môi trường đối với con người và phục vụ nhu cầu chăn nuôi gia súc.

Giống xương rồng Nopal có ý nghĩa lớn về mặt môi trường đối với con người và phục vụ nhu cầu chăn nuôi gia súc.

Mặt khác, nó là cây đa giá trị, được trồng để lấy quả và thân dùng vào nhiều mục đích khác nhau, mang lại nhiều công dụng thiết thực, có giá trị kinh tế, có ý nghĩa lớn về mặt môi trường đối với con người và phục vụ nhu cầu chăn nuôi gia súc. Đối với vật nuôi, các đoạn thân của xương rồng mọng nước, giàu dinh dưỡng khoáng và vitamin có thể sử dụng làm thức ăn tươi trực tiếp hoặc chế biến thành các loại thức ăn khô khác nhau (như băm nhỏ phơi khô, nghiền thành bột, ủ xi lô...).

Tuy nhiên, hiện nay việc nghiên cứu, phát triển các giống xương rồng Nopal để sử dụng cho mục tiêu làm thức ăn chăn nuôi chưa nhiều, chỉ mới dừng lại ở mức độ thử nghiệm chứ chưa phát triển đại trà trong sản xuất. Đây là cây trồng tiềm năng có thể phát triển để phục vụ ngành chăn nuôi trong tương lai.

Các giống cỏ khác (cỏ hòa thảo, cỏ đậu stylo...)

Trong thời gian qua, các giống cỏ hòa thảo như Mulato II, Ruzi, ghi-nê, cỏ lông para,... được trồng khá phổ biến tại các tỉnh Nam Trung bộ nhưng quy mô nhỏ lẻ, trồng bán thâm canh vì thế hiệu quả chưa cao. Tuy nhiên, với việc phát triển chăn nuôi trang trại như hiện nay thì diện tích trồng các loại cỏ trên bắt đầu mở rộng. Với việc các trang trại chăn nuôi chuyển dịch dần về các tỉnh Nam Trung bộ và Tây Nguyên thì dự báo tiềm năng phát triển của các giống cỏ này là tăng mạnh trong thời gian đến.

Xem thêm
Ông Trần Mạnh Dũng làm Bí thư Thành ủy Nha Trang

Ông Trần Mạnh Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Khánh Hòa được điều động, chỉ định giữ chức vụ Bí thư Thành ủy Nha Trang, nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Hải Phòng khởi công cầu Nguyễn Trãi hơn 6 nghìn tỷ đồng

Cầu Nguyễn Trãi là dự án trọng điểm, hứa hẹn thay đổi diện mạo đô thị và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Hải Phòng trong thời gian tới.

3 hộ dân Làng Nủ viết đơn xin... nhường nhà cho người khác

Thân nhân của 3 hộ dân thôn Làng Nủ viết đơn xin không nhận nhà tái định cư, nhường ngôi nhà khang trang cho các trường hợp có hoàn cảnh khó khăn hơn.