| Hotline: 0983.970.780

Giảm lệ thuộc nguyên liệu thức ăn chăn nuôi nhập khẩu

Để không bỏ phí 91 triệu tấn phụ phẩm nông nghiệp

Thứ Ba 19/07/2022 , 08:41 (GMT+7)

Ước tính, hàng năm cả nước có khoảng 91 triệu tấn phụ phẩm từ cây lương thực, cây thực phẩm. Đây là nguồn dinh dưỡng rất quý giá để phát triển ngành chăn nuôi.

Ngô sinh khối - lợi thế chưa được khai thác hiệu quả

Một trong những đối tượng cây trồng rất quan trọng phục vụ ngành chăn nuôi đó là cây ngô. Hiện nay, sản lượng ngô hạt sản xuất trong nước mới chỉ đáp ứng được 20% nhu cầu sử dụng làm thức ăn chăn nuôi, còn lại 80% phải nhập khẩu từ nước ngoài.

Ngô sinh khối - lợi thế cạnh tranh của Việt Nam. Ảnh: Bảo Thắng.

Ngô sinh khối - lợi thế cạnh tranh của Việt Nam. Ảnh: Bảo Thắng.

Đến nay, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam và các đơn vị của Viện đã chọn tạo được khoảng 180 giống ngô các loại, trong có có 69 giống phục vụ chính thức. Thực tế, rất nhiều giống ngô có tiềm năng năng suất từ 10 - 12 tấn/ha, tuy nhiên trên thực tế đồng ruộng, năng suất chỉ đạt từ 6,5 - 8 tấn/ha. Và trong quá trình nghiên cứu, Viện tập trung chọn tạo các giống ngô có khả năng chịu hạn, năng suất.

Cho đến nay, chúng ta đã tạo ra được các nhóm giống ngô chín sớm, nhóm giống ngô ngắn ngày, nhóm giống ngô dài ngày để phù hợp với điều kiện sản xuất và mục đích sản xuất khác nhau.

Một đối tượng khác cũng được Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam chú trọng nghiên cứu, đó là giống ngô sinh khối phục vụ chăn nuôi đại gia súc. Đến nay, có một số giống ngô sinh khối được lựa chọn để sản xuất, cho năng suất sinh khối từ 53 - 76 tấn/ha, riêng tại các vùng trồng thâm canh với mật độ cao thì năng suất có thể đạt tới 80 - 83 tấn/ha.

Tuy nhiên, năng suất ngô của Việt Nam mới chỉ đạt gần 5 tấn/ha, trong khi đó năng suất bình quân trên thế giới đang đạt từ 5,5 - 5,8 tấn/ha. Đặc biệt tại Mỹ, năng suất ngô bình quân đạt 10,5 - 10,7 tấn/ha; và tại Trung Quốc, nước bên cạnh chúng ta, năng suất ngô cũng đạt từ 5,9 - 6,3 tấn/ha. Do vậy, có thể khẳng định, năng suất ngô của Việt Nam mặc dù ngày càng được nâng cao nhưng chưa đáp ứng được mục tiêu đề ra.

Đây là lý do tại sao sản phẩm ngô hạt trong nước có tính cạnh tranh kém, không chỉ vì năng suất thấp mà chất lượng không cao. Nông dân sản xuất quy mô nhỏ, chất lượng hạt ngô không đồng đều, chưa đáp ứng được yêu cầu của ngành công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi.

Tuy nhiên, sản xuất ngô ở trong nước có một lợi thế so với sản phẩm nhập khẩu, đó là ngoài hạt ngô, bà con có thể thu hoạch phụ phẩm như thân, lá, lõi ngô. Chúng có thành phần dinh dưỡng tương đối cao, có thể sử dụng để làm thức ăn chăn nuôi. Tuy nhiên hiện nay, nông dân chủ yếu để lại thân, lá ngoài đồng sau đó cày lật làm phân bón bổ sung dinh dưỡng cho đất, chứ chưa sử dụng để làm thức ăn chăn nuôi.

Còn với lõi ngô, mặc dù chúng ta đã thu gom lại sau khi tách hạt nhưng bà con chủ yếu sử dụng để làm chất đốt, bởi giá bán rất cao và thị trường luôn luôn thiếu. Ở các vùng ngô tại Sơn La, lượng lõi ngô chủ yếu được vận chuyển về Hà Nội để tiêu thụ.

Nhìn chung, với giá thành sản xuất cao và năng lực sản xuất trong nước còn hạn chế, chắc chắn ngô từ nước ngoài nhập khẩu về Việt Nam với giá thành rẻ hơn, chất lượng đồng đều hơn sẽ thắng thế khi làm nguyên liệu đầu vào cho các nhà máy sản xuất thức ăn công nghiệp. Tuy nhiên, với quy mô sản xuất nông hộ, chúng ta vẫn có thể phát triển diện tích trồng ngô nếu tận dụng hết giá trị của cây ngô từ thân, lá, lõi đến hạt. Nhất là khi vụ đông ở các tỉnh phía Bắc hiện nay, tình trạng để trống ruộng khá phổ biến.

Tận dụng vụ đông để mở rộng diện tích cây đậu tương

Đối với cây đậu tương, hiện nay sản lượng còn rất nhỏ. Cây đậu tượng chủ yếu được trồng tại các tỉnh Đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung bộ và Tây Nguyên. Tuy nhiên, năng suất đến nay mới chỉ đạt từ 1,5 - 2 tấn/ha.

Nhiều hộ chăn nuôi chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang trồng cỏ voi để mở rộng quy mô chăn nuôi bò.

Nhiều hộ chăn nuôi chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang trồng cỏ voi để mở rộng quy mô chăn nuôi bò.

Trong những năm qua, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam đã tập trung nghiên cứu chọn tạo các giống năng suất cao, mặc dù các kết quả nghiên cứu đã góp phần nâng cao năng suất đậu tương nhưng sự thay đổi là không lớn. Về thời gian sinh trưởng, đa số giống đậu tương được trồng ở Việt Nam là cây ngắn ngày chứ không phải đậu tương dài ngày nên năng suất thua nước ngoài rất nhiều. Nhưng nhìn ở bình diện chung, chỉ trong 3 tháng mà năng suất đậu tương đạt được như vậy có nghĩa là hiệu suất sinh học tương đối cao.

Cho tới nay, có khoảng 10 giống đậu tương đã được công nhận và nhiều giống triển vọng khác tiếp tục được nghiên cứu. Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam đã nghiên cứu, thí điểm và đưa ra quy trình làm đất tối thiểu, nhất là đối với đậu tương vụ đông mang lại hiệu quả rất tốt, giảm chi phí cho nông dân. Riêng tại Hà Nội diện tích đậu tương vụ đông đã phát triển lên tới 30.000 - 40.000ha.

Hiện nay, cây đậu tương cũng đang được trồng thử nghiệm ở Đồng bằng sông Cửu Long và cho thấy triển vọng tốt nếu chúng ta cơ cấu lại cây trồng (1 vụ đậu tương, 2 vụ lúa). Hiện tại ở Đồng Tháp, An Giang đang triển khai theo hướng này, và nếu cơ giới hóa được thì chắc chắn lợi thế trồng đậu tương ở Đồng bằng sông Cửu Long sẽ phát huy được.

Theo số liệu được Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTTN) cung cấp, năm 2021 Việt Nam nhập khẩu khoảng 3 triệu tấn đậu tương hạt. Tuy nhiên, đậu tương hạt chủ yếu được dùng để chế biến thực phẩm và ép dầu. Bởi, chỉ tính riêng một nhà máy ép dầu tại Bà Rịa - Vũng Tàu đã có công suất 2 triệu tấn/năm. Còn khô dầu mới được sử dụng để sản xuất thức ăn chăn nuôi.

Một số doanh nghiệp trong nước đang phát triển rầm rộ diện tích cây đậu tương như Vinamilk và TH True Milk. Giống đậu tương của Việt Nam không phải là giống biến đổi gen nên có hương thơm, phù hợp để chế biến sữa đậu nành. Còn phụ phẩm của cây đậu tương gồm thân lá, người dân chủ yếu để lại trên ruộng làm phân bón, bởi hàm lượng ni-tơ rất cao, có thể tái tạo lại sức khỏe của đất.

Như vậy, với điều kiện sản xuất của các tỉnh phía Bắc, thời gian sinh trưởng cây đậu tương ngắn ngày rất phù hợp để trồng trong vụ đông, qua đó đáp ứng được một phần lượng đậu tương phục vụ chăn nuôi và chế biến thực phẩm. Tại một số tỉnh ở Đồng bằng sông Cửu Long, nếu áp dụng được cơ giới hóa thì chắc chắn sẽ phát triển được mô hình trồng xen 1 vụ đậu tương và 2 vụ lúa, nâng hiệu quả kinh tế cho nông dân.

Lúa mì, lúa mạch - tiềm năng bị bỏ ngỏ

Ngoài ngô và đậu tương, thời gian qua Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam cũng đã nghiên cứu về cây lúa mì, lúa mạch. Tuy nhiên kể từ khi được triển khai thử nghiệm từ năm 2006, đến nay gần như không có  công trình nào nghiên cứu về nó. Hiện tại Viện chỉ lưu giữ gen. Nếu cây lúa mì, lúa mạch được sản xuất tại các tỉnh phía Bắc trong vụ đông thì có thể đáp ứng được một phần nhu cầu thức ăn chăn nuôi.

Viện cũng có một đơn vị chuyên nghiên cứu về cây cỏ phục vụ chăn nuôi và đã đạt được thành tựu nhất định. Đặc biệt là giống cỏ giàu hàm lượng protein thô và bắt đầu trồng thử nghiệm tại một số vùng khô hạn ở miền Trung và Ninh Thuận. Tương tự như vậy, cây cỏ voi xanh cũng đang được nghiên cứu để phát triển.

Ông Nguyễn Như Cường – Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) cho biết, năm 2020, tổng diện tích trồng cỏ cả nước khoảng 172.000ha, diện tích trồng ngô sinh khối khoảng 50.000ha. Còn cây sắn, tổng diện tích trồng hàng năm khoảng 500.000ha, sản lượng 10,5 triệu tấn củ tươi. Hiện nay, năng suất trồng sắn bình quân cả nước chỉ đạt 20 tấn/ha, chúng ta hoàn toàn có thể nâng năng suất sắn lên 25 - 30 tấn/ha, bởi ở Tây Ninh năng suất sắn đã đạt 40 tấn/ha. Tuy nhiên, để sắn có thể trở thành nguyên liệu đầu vào cho chăn nuôi thì cần phải nghiên cứu công thức chế biến sản phẩm.

Ngoài ra, chúng ta có thể trồng khoai lang để làm thức ăn chăn nuôi. Hiện nay, tổng diện tích trồng khoai lang khoảng 110.00ha, với sản lượng khoảng 1,3 triệu tấn củ và 1,3 triệu tấn thân lá để làm thức ăn.

Theo ông Nguyễn Như Cường, vấn đề rất quan trọng là chúng ta phải nghiên cứu và ứng dụng các công nghệ chế biến, bảo quản thức ăn để có thể sử dụng thời gian dài hơn và giữ được hàm lượng dinh dưỡng phù hợp với từng quy mô sản xuất (nông hộ, trang trại, hợp tác xã, doanh nghiệp lớn…). Đây là khâu yếu của chúng ta, vì thế hàng năm Việt Nam phải nhập khẩu một lượng rất lớn thức ăn xanh, thức ăn ủ khô từ một số nước.

Đồng Thái - Phạm Hiếu (Ghi)

Xem thêm
Phú Thọ dự kiến giảm 48 đơn vị hành chính cấp xã

Trong giai đoạn 2023-2025 tỉnh Phú Thọ dự kiến sắp xếp 80 đơn vị hành chính cấp xã để thành lập 32 đơn vị hành chính, sau sắp xếp giảm 48 đơn vị.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Hơn 300 cơ sở ở Thái Nguyên vi phạm quy định vệ sinh an toàn thực phẩm

Qua công tác thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm, tỉnh Thái Nguyên đã phát hiện hơn 320 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh vi phạm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Cò đã trắng trên miền cát mặn

Một bầy cò trắng tranh nhau dầm những đôi chân khẳng khiu trong hồ nước hiếm hoi giữa miền cát trắng. Nghe tiếng động, chúng nháo nhác bay lên, sải những đôi cánh trắng muốt...

Bình luận mới nhất