| Hotline: 0983.970.780

Giảm lệ thuộc nguyên liệu thức ăn chăn nuôi nhập khẩu

Thứ Hai 18/07/2022 , 08:02 (GMT+7)

Trong tổng số 35 triệu tấn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi sử dụng trong nước hàng năm, Việt Nam chỉ tự chủ được khoảng 13,1 triệu tấn (chiếm 37%), còn lại phải nhập khẩu.

Bài 1: Phụ thuộc quá lớn vào nguồn cung nước ngoài

Ông Dương Tất Thắng - Cục trưởng Cục Chăn nuôi.

Ông Dương Tất Thắng - Cục trưởng Cục Chăn nuôi.

Chi phí thức ăn chăn nuôi chiếm 60 - 70% giá thành sản phẩm

Từ tháng 7/2020, khi giá nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi (chủ yếu nhập khẩu) liên tục tăng cao, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT đã chỉ đạo các đơn vị liên quan nghiên cứu, đưa ra giải pháp góp phần nâng cao tính tự chủ nguồn cung thức ăn chăn nuôi trong nước, giảm lệ thuộc vào nguồn nguyên liệu từ nước ngoài.

Có thể nói, chăn nuôi là một ngành kinh tế và kỹ thuật, có mối quan hệ hữu cơ với ngành trồng trọt, thủy sản và công nghiệp chế biến. Sản phẩm đầu ra của ngành trồng trọt và thủy sản là đầu vào của ngành chăn nuôi (ngô, sắn, thóc, đậu tương, đầu tôm, đầu, ruột cá…) còn sản phẩm đầu ra của ngành chăn nuôi được tái sử dụng để làm phân bón.

Hiện nay, thức ăn chăn nuôi chiếm từ 60 - 70% giá thành sản phẩm. Trong cơ cấu giá thành sản phẩm thịt lợn, thức ăn chăn nuôi chiếm từ 59 - 65%, chi phí giống chiếm 22 - 24%, còn lại là các chi phí khác (khấu hao thiết bị, chuồng trại, điện, nhân công, thuốc thú y…).

Đối với sản phẩm gia cầm, chi phí thức ăn chăn nuôi chiếm từ 69 - 75% giá thành. Do đó, đối với lợn và gia cầm, thức ăn chăn nuôi có vai trò quyết định đến hiệu quả sản xuất.

Hiện nay, trong tổng số 35 triệu tấn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi sử dụng trong nước hàng năm, Việt Nam chỉ tự chủ được khoảng 13,1 triệu tấn (chiếm 37%), 21,9 triệu tấn còn lại phải nhập khẩu từ nước ngoài (chiếm 63%). Do đó, ngành chăn nuôi phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu rất lớn.

Đặc biệt, trong tổng số 21,9 triệu tấn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi nhập khẩu vào Việt Nam năm 2021 chủ yếu để phục vụ chăn nuôi lợn (chiếm 55,7%) và gia cầm (40,6%), còn lại là các vật nuôi khác.

Trong cơ cấu sản lượng thịt sử dụng trong bữa ăn của người Việt Nam, tỷ lệ thịt lợn chiếm 62% (trong khi bình quân của thế giới chỉ khoảng 38%); Như vậy, thông qua việc cơ cấu lại giỏ thực phẩm theo hướng giảm tỷ lệ sử dụng thịt lợn, tăng tỷ lệ sử dụng thịt gia cầm và động vật nhai lại, chúng ta sẽ từng bước giảm lệ thuộc vào nguyên liệu thức ăn nhập khẩu.

Nguồn cung trong nước hạn chế

Về nguồn cung nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trong nước có 4 nhóm sản phẩm chính là lúa, ngô, đậu tương và sắn. Chúng ta có khoảng 42,8 triệu tấn lúa (trong đó khoảng 4 - 5 triệu tấn cám gạo dùng cho chăn nuôi và xuất khẩu). Song song với đó, chúng ta có 43 triệu tấn rơm. Đối với nguyên liệu từ cây ngô, chúng ta có khoảng 942.000ha sản xuất với sản lượng khoảng 4,8 triệu tấn/năm, chủ yếu dùng cho chăn nuôi nông hộ nhỏ lẻ.

Chi phí thức ăn chăn nuôi chiếm 69 - 75% giá thành sản phẩm gia cầm. Ảnh: Minh Phúc.

Chi phí thức ăn chăn nuôi chiếm 69 - 75% giá thành sản phẩm gia cầm. Ảnh: Minh Phúc.

Để phát triển chăn nuôi theo mô hình kinh tế tuần hoàn, tới đây Cục Trồng trọt, Cục Bảo vệ thực vật, Cục Chế biến, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, các cơ sở nghiên cứu, các địa phương sẽ tiếp tục nguyên cứu và triển khai nhân rộng mô hình (ví dụ như mô hình của Tập đoàn Quế Lâm, Công ty Cổ phần T&T 159 và một số doanh nghiệp trong nước)…

Đối với cây sắn, diện tích trồng hiện nay hơn 500.000ha, tạo ra sản lượng khoảng 10,5 triệu tấn củ tươi. Tuy nhiên, năm 2021, chúng ta xuất khẩu 1,2 tỷ USD đối với sản phẩm từ củ sắn. Còn đối với nhóm nguyên liệu từ đậu tương, chúng ta không xác định đây là lợi thế vì tổng diện tích trồng cả nước chỉ khoảng 42.000ha, chiếm tỷ trọng rất ít.

Về nguồn cung nguyên liệu thức ăn chăn nuôi có nguồn gốc động vật gồm có hai nhóm. Nhóm thứ nhất là từ phụ phẩm thủy sản (sản lượng hơn 1 triệu tấn), chúng ta cơ bản đã tận dụng hết để chế biến làm thực phẩm chức năng và sản xuất nguyên liệu thức ăn chăn nuôi (như đầu tôm, đầu cá…).

Đối với nhóm phụ phẩm giết mổ gia súc, gia cầm (gồm nội tạng và máu), ở các nước phát triển thường sử dụng để chế biến thức ăn chăn nuôi, nhưng người Việt Nam vẫn có nhu cầu sử dụng trong bữa ăn hàng ngày, do đó việc thu mua các nguyên liệu này gặp phải khó khăn vì giá thành rất cao.

Hiện nay, ngành chăn nuôi có hệ thống văn bản pháp luật khá đầy đủ, tạo hành lang pháp lý phát triển. Việt Nam là quốc gia có ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi công nghiệp đứng thứ nhất Đông Nam Á và thứ 2 của châu Á. Thiết bị, công nghệ áp dụng trong ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi ngày càng hiện đại và sớm tự động hóa cao.

Tuy nhiên, ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi công nghiệp trong nước còn phụ thuộc quá nhiều vào nhập khẩu, nhất là thức ăn tinh chịu tác động trực tiếp từ nguyên liệu thức ăn trên thế giới. Năng lực sản xuất nhiều nguyên liệu thức ăn vẫn còn hạn chế như ngũ cốc và phụ phẩm để sản xuất một số loại thức ăn bổ sung. Hiện nay, doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này không nhiều, vì thị trường của chúng ta khá nhỏ và phải chịu sự cạnh tranh gay gắt từ thức ăn bổ sung sản xuất tại Trung Quốc, EU. Không những thế, chi phí sản xuất và thương mại thức ăn chăn nuôi còn lớn do nhiều khâu trung gian từ nhà máy đến các trang trại.

Từ tháng 10/2020, khi giá thức ăn chăn nuôi thế giới và trong nước biến động, Bộ NN-PTNT phối hợp với Bộ Tài chính kiến nghị với Chính phủ giảm mức thuế xuất thuế nhập khẩu MFN đối với lúa mỳ và ngô.

Cụ thể, đối với mặt hàng lúa mỳ, giảm mức thuế suất thuế nhập khẩu từ 3% xuống 0%. Đối với mặt hàng ngô, giảm mức thuế suất thuế nhập khẩu từ 5% xuống 3%. Qua đó góp phần giảm chi phí trong chăn nuôi.

Giải pháp giảm phụ thuộc vào nguồn cung nước ngoài

Từ thực tiễn trên, Cục Chăn nuôi đề xuất một số giải pháp mang tính tổng thể. Thứ nhất, cần cơ cấu lại sản lượng thịt tiêu dung trong nước để cân đối lại sản phẩm thức ăn chăn nuôi. Trong đó, cần giảm tỷ trọng sử dụng thịt lợn và tăng tỷ trọng sử dụng thịt gia cầm và gia súc nhai lại; nâng cao năng suất của lợn để sử dụng hiệu quả thức ăn chăn nuôi thông qua cải thiện giống; hệ thống chuồng nuôi, quản trị chuyên nghiệp và chuyển đổi số trong ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi.

Thứ hai, cần nghiên cứu, khảo sát và đánh giá lại hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp để đưa ra các định hướng chuyển đổi sử dụng đất nông nghiệp hiệu quả, nhất là các vùng đất bãi ven song có thể trồng ngô sinh khối để phục vụ chăn nuôi.

Thứ ba, cần đầu tư dây chuyền và liên kết đa chủ thể để xây dựng vùng nguyên liệu để phục vụ sản xuất thức ăn chăn nuôi. Nhiều năm qua, các doanh nghiệp lớn như Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam, Japfa Comfeed Việt Nam đã triển khai mô hình này rất hiệu quả tại các địa phương.

Để làm được điều đó, Nhà nước cần có chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư công nghệ cao; nâng cao năng lực để đẩy mạnh sản xuất thức ăn bổ sung như Biotech, thức ăn thảo dược… Bên cạnh đó, cần tạo hành lang pháp lý để đẩy mạnh sử dụng protein côn trùng làm thức ăn chăn nuôi. Đây là một trong những dư địa lớn để ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi trong nước giảm lệ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu.

Để nâng cao giá trị sản phẩm chăn nuôi, cần từng bước phát triển các mô hình chăn nuôi khép kín, chăn nuôi theo hướng hữu cơ, chăn nuôi tuần hoàn, chăn nuôi sinh thái, chăn nuôi du lịch. Vừa qua, một doanh nghiệp trong nước như Công ty Cổ phần Tập đoàn Quế lâm, Công ty Cổ phần T&T 159 đã phát triển mô hình chăn nuôi tuần hoàn để tái sử dụng phụ phẩm ngành trồng trọt rất hiệu quả.

Tới đây, Cục Chăn nuôi sẽ phối hợp chặt chẽ hơn với ngành trồng trọt, ngành chế biến thực phẩm, các viện nghiên cứu, địa phương và doanh nghiệp để thực hiện một số giải pháp. Thứ nhất là tận dụng và sử dụng hiệu quả phụ phẩm công nông nghiệp.

Thứ hai là nghiên cứu tiềm năng, năng lực sản xuất, nhu cầu thị trường, xu hướng tiêu dùng thực phẩm để từng bước chuyển đổi cơ cấu chăn nuôi sang các vật nuôi ít cạnh tranh nguyên liệu thô, giàu năng lượng protein nhập khẩu (như bò, dê, cừu). Tuy nhiên, để làm được điều này thì phải cần rất nhiều thời gian chứ không thể chuyển biến ngay và luôn được.

Thứ ba, khuyến khích doanh nghiệp đẩy mạnh chăn nuôi vật nuôi bản địa, đặc hữu để tận dụng phụ phẩm và nguyên liệu tại chỗ, qua đó giảm sử dụng thức ăn công nghiệp. Đây cũng là các sản phẩm tạo ra giá trị cao vì sản lượng thấp, ít bị cạnh tranh và tích hợp đa giá trị từ văn hóa, thương hiệu đến tính khác biệt.

Đồng Thái - Phạm Hiếu (Ghi)

Xem thêm
Trao tặng 500 cuốn sách về biển đảo cho Bộ Tư lệnh Vùng 3 Hải quân

500 cuốn sách về biển đảo Việt Nam, khoa học quân sự... được Bộ Thông tin và Truyền thông đồng hành với các đơn vị trao tặng Bộ Tư lệnh Vùng 3 Hải quân.

Đề xuất kéo dài miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp, khoảng 7.500 tỷ đồng/năm

Trong công văn số 13900/BTC-CST, Bộ Tài chính kiến nghị Chính phủ trình Quốc hội ban hành Nghị quyết mới, kéo dài thời gian miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp từ ngày 1/1/2026.

Xây cầu Kênh Trực Thăng nối đôi bờ Vĩnh Viễn

HẬU GIANG Cầu Kênh Trực Thăng (huyện Long Mỹ) được đầu tư gần 2,5 tỷ đồng để xây dựng, nâng cấp, thúc đẩy phát triển hạ tầng giao thông và cải thiện đời sống người dân.