| Hotline: 0983.970.780

Tập huấn, xây dựng hồ sơ để doanh nghiệp đáp ứng với Lệnh 248, 249

Thứ Bảy 06/11/2021 , 08:25 (GMT+7)

Ngoài ra, ông Lê Thanh Hòa, Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam, cam kết sẽ tổ chức nhiều buổi tập huấn, diễn đàn từ giờ đến cuối năm 2021 để hỗ trợ doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Ngọc Thạch, Tổng Biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam, phát biểu tại đầu cầu 14 Ngô Quyền, Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Ông Nguyễn Ngọc Thạch, Tổng Biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam, phát biểu tại đầu cầu 14 Ngô Quyền, Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Diễn đàn trực tuyến Chia sẻ thông tin, thích ứng với quy định mới trong xuất khẩu nông sản, thực phẩm vào thị trường Trung Quốc (Lệnh 248 & 249) do Tổ Điều hành Diễn đàn Thông tin kết nối sản xuất và tiêu thụ nông sản (Diễn đàn Kết nối nông sản 970), Bộ NN-PTNT phối hợp tổ chức, diễn ra trong sáng 6/11.

Tham gia diễn đàn tại đầu cầu Báo Nông nghiệp Việt Nam có đại diện lãnh đạo Bộ NN-PTNT; đại diện Tổ Điều hành Diễn đàn kết nông sản 970, Cục Bảo vệ thực vật, Cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản, Văn phòng SPS Việt Nam…

Bên cạnh đó còn có sự tham gia của Hiệp hội rau quả Bằng Tường, Quảng Tây (Trung Quốc) và Đại diện các hiệp hội, doanh nghiệp xuất nhập khẩu, logistic trong và ngoài nước, doanh nghiệp thương mại điện tử và các doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại, cơ sở sản xuất nông sản…

Sản phẩm mít xuất khẩu sang Trung Quốc tại cửa khẩu ở tỉnh Lạng Sơn. Ảnh: Tùng Đinh.

Sản phẩm mít xuất khẩu sang Trung Quốc tại cửa khẩu ở tỉnh Lạng Sơn. Ảnh: Tùng Đinh.

Tất cảTổng thuật

11h30

Tập huấn, xây dựng hồ sơ để doanh nghiệp đáp ứng với Lệnh 248, 249

Ông Lê Thanh Hòa, Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam khẳng định, sẽ phối hợp chặt chẽ với Báo Nông nghiệp Việt Nam và các đơn vị của Bộ NN-PTNT trong việc hướng dẫn, cung cấp thông tin cho doanh nghiệp để thích ứng với Lệnh 248, 249 của Trung Quốc.

Theo ông Hòa, một trong những nội dung chính của việc hợp tác, sẽ là kết hợp Trung tâm Khuyến nông Quốc gia triển khai các mô hình nông nghiệp tốt. Trên cơ sở tiêu chuẩn AseanGAP, các doanh nghiệp sẽ phát triển và xây dựng vùng trồng, vùng nuôi, đáp ứng những tiêu chuẩn mới.

Ngoài ra, Văn phòng SPS Việt Nam sẽ liên kết với Cục Bảo vệ thực vật trong việc triển khai tập huấn về các tiêu chuẩn kỹ thuật, xây dựng hồ sơ để doanh nghiệp đáp ứng với Lệnh 248, 249.

Thay mặt Văn phòng, ông Hòa cam kết sẽ tổ chức nhiều buổi tập huấn, diễn đàn từ giờ đến cuối năm 2021, để các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu thực phẩm lớn nắm rõ mọi quy cách từ sản xuất, thu hoạch, đóng gói, cho tới vận chuyển, lưu thông.

“Phụ trách kỹ thuật của doanh nghiệp cần phải nắm chắc quy định, và tiêu chuẩn kỹ thuật trong việc giám sát chất lượng. Phía Trung Quốc có thể kiểm tra trực tuyến bất cứ lúc nào, theo tinh thần Lệnh 248, 249”, ông Hòa nhấn mạnh.

Ông Hòa cũng nêu thực tế, rằng các doanh nghiệp lớn, hoặc FDI thường “chuẩn hóa” tốt hơn các doanh nghiệp trong nước. Vì thế, không riêng gì việc thích ứng với Lệnh 248, 249, doanh nghiệp cần phải tìm hiểu kỹ thông tin về thị trường các nước xuất khẩu.

Sau khi hướng dẫn các quy định, thủ tục xuất khẩu sang Trung Quốc, ông Hòa hứa sẽ phối hợp cùng báo Nông nghiệp Việt Nam thông tin cụ thể về từng thị trường riêng lẻ, như EU, CPTPP, hay Đông Bắc Á, tránh những vướng mắc không đáng có về hàng rào kỹ thuật.

11h10

Lệnh 248 và 249 là cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam thể hiện mình

ba lan huong

Bà Nguyễn Lan Hương (ảnh) – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Nông nghiệp Quốc tế Hoa Việt chia sẻ: “Hôm nay chúng tôi mới biết nếu trong cơ sở kinh doanh có nuôi chó thì vi phạm quy định về an toàn thực phẩm của Trung Quốc. Tôi thấy hầu như tất cả các nhà máy đều nuôi chó hết, thậm chí có chỗ đông nhất hơn 20 con làm nhiệm vụ bảo vệ. Cho nên tới đây, khi chúng tôi xin phép Tổng cục Hải quan Trung Quốc kiểm tra online thì cũng phải chú ý vấn đề này”.

Hiện nay, Công ty Hoa Việt đang đặt mục tiêu xuất khẩu sầu riêng, khoai lang, ớt theo đường chính ngạch sang Trung Quốc. Bà Hương cho rằng, “Trung Quốc là thị trường cả thế giới thèm muốn chứ không chỉ riêng chúng ta”. Đặc biệt, với Lệnh 248, Lệnh 249 và các yêu cầu mới mà Tổng cục Hải quan Trung Quốc đưa ra là hoàn toàn xác đáng.

Theo lời bà Hương: “Công ty chúng tôi xuất khẩu chuối sang thị trường Trung Quốc từ năm 2013 nhưng chắc chắn không ai biết chúng tôi kinh doanh chuối. Bởi, chúng tôi chỉ làm trung gian xuất khẩu cho các nhà nhập khẩu Trung Quốc. Pháp lệnh này tạo điều kiện để các doanh nghiệp Việt Nam được thể hiện mình trên bao bì đóng gói”.

Bà Hương cũng chia sẻ, chúng ta cần có chiến lược cụ thể để làm thương hiệu cho nông sản Việt Nam tại thị trường Trung Quốc. Muốn xây dựng thương hiệu thì phải bắt đầu từ quản lý chất lượng nông sản, từ quy trình canh tác, thu hoạch, chế biến, đóng gói và vận chuyển.

“Các cơ quan Nhà nước cần thành lập Trung tâm, Tổ công tác để hướng dẫn các doanh nghiệp, HTX, cơ quan chuyên trách của địa phương thực hiện các thủ tục theo yêu cầu của thị trường Trung Quốc. Chúng tôi sẵn sàng trả tiền để được hướng dẫn cụ thể vấn đề này”, bà Hương chia sẻ thêm.

"Trước mắt, Văn phòng SPS, Cục Bảo vệ Thực vật và các cơ quan liên quan cần ban hành bộ tài liệu tiêu chuẩn để hướng dẫn thực hiện từng bước các thủ tục theo yêu cầu của các thị trường, từng sản phẩm cụ thể.

Muốn xây dựng thương hiệu thì phải bắt đầu từ quản lý chất lượng nông sản, từ quy trình canh tác từ trồng, thu hoạch, chế biến và đóng gói, vận chuyển...", bà Hương kiến nghị.

11h00

Bà Ngô Tường Vy, Phó Tổng Giám đốc Công ty Chánh Thu cho rằng, những quy định mới của thị trường Trung Quốc là tín hiệu khiến tư duy sản xuất nông sản của Việt Nam thay đổi.

Tuy nhiên, điều bà Vy lo lắng hiện tại là thực trạng của các doanh nghiệp xuất khẩu sang Trung Quốc vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu. Do đó, đại diện Công ty Chánh Thu đề xuất các cơ quan quản lý nên điều phối, thông báo cho Sở NN-PTNT các tỉnh để khảo sát các doanh nghiệp, các cơ sở đã có mã số trước khi phía Trung Quốc thực hiện kiểm tra trực tuyến.

“Điều này sẽ giúp cho các doanh nghiệp, cơ sở đảm bảo được các tiêu chuẩn mà phía đối tác đưa ra một cách thực sự”, bà Ngô Tường Vy nhấn mạnh.

10h50

"Vua chuối" Võ Quan Huy mong có định hướng, chính sách với hàng xuất qua đường tiểu ngạch

Ông Võ Quan Huy, Giám đốc Công ty TNHH An Huy, Long An cho biết, thị trường Trung Quốc ngày càng khó tính hơn trong thời gian qua. Đây cũng là xu thế chung của thế giới.

“Trung Quốc – Việt Nam có giao thương phát triển. Vấn đề là làm thế nào để chúng ta hài hòa các quy định giữa hai bên, để hướng đến một nền sản xuất hàng hóa”, ông Huy nói.

Theo chủ doanh nghiệp được mệnh danh là “vua chuối”, việc thành lập một trung tâm chuyên trách thông tin những thị trường lớn là cần thiết, và cần “làm sớm” để hỗ trợ doanh nghiệp. Bên cạnh đó, ông cũng kiến nghị Diễn đàn kết nối nông sản 970 duy trì được những kênh thông tin để doanh nghiệp giữ đầu mối liên lạc.

Với thị trường Trung Quốc, ông Huy lưu ý những mặt hàng có truyền thống xuất qua phương thức biên mậu (tiểu ngạch), ngành nông nghiệp cần có định hướng, chính sách để hỗ trợ bà con nông dân, tránh rơi tình trạng “được mùa mất giá”.

10h40

Sản phẩm sạch, thân thiện môi trường là xu hướng tất yếu

than van hung

Ông Thân Văn Hùng (ảnh), Phó Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam cho biết, qua diễn đàn hôm nay có thể giúp doanh nghiệp hiểu hơn về các quy định mới của Trung Quốc.

“Về phía doanh nghiệp, chúng tôi đã thay đổi được nhận thức về sản xuất, chế biến và chuẩn bị tinh thần để đáp ứng các điều kiện cho thị trường Trung Quốc”, ông Thân Văn Hùng khẳng định.

Cũng theo ông Thân Văn Hùng, hiện nay, xu hướng sử dụng các sản phẩm sạch, thân thiện môi trường ngày càng cao, trong đó có thị trường Trung Quốc. Do đó, các tiêu chí, tiêu chuẩn ngày càng được Trung Quốc áp dụng nên các doanh nghiệp cần xác định đây là xu hướng tất yếu.

Cũng tại diễn đàn hôm nay, đại diện Hiệp hội nông nghiệp số bày tỏ mong muốn các cơ quan quản lý nhà nước tăng cường hỗ trợ cho doanh nghiệp để đáp ứng được yêu cầu của các thị trường, trong đó có Trung Quốc.

10h30

Long An xác định chuẩn hóa vùng nguyên liệu

Ảnh chụp Màn hình 2021-11-06 lúc 10.51.24

Bà Đinh Thị Phương Khanh (ảnh), Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Long An cho biết, từ năm 2015, tỉnh đã nhận thức phải chuẩn hóa vùng nguyên liệu. Hiện tỉnh đã cấp nhiều mã số vùng trồng (217 mã số) và chuẩn hóa cơ sở dữ liệu.

Riêng Trung Quốc, Long An cấp được 69 mã số. Long An chủ trương xây dựng vùng nguyên liệu có thể truy xuất được nguồn gốc, gắn với trách nhiệm của người dân, doanh nghiệp. Tuy nhiên, tỉnh vẫn trăn trở một vấn đề là nông sản hiện chưa quan tâm đúng mức đến thị trường nội địa.

“Hiện tượng rau hai luống, lợn hai chuồng vẫn tồn tại. Cơ quan chuyên môn của địa phương vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc quản lý, định hướng tập quán canh tác của bà con”, bà Khanh nói.

Sở NN-PTNT đã tham mưu cho UBND tỉnh Long An về việc xây dựng bộ quy chế thích ứng với Lệnh 248, 249. Bà Khanh khẳng định, Long An sẽ thay đổi triệt để nhận thức của người dân về thị trường Trung Quốc. Tỉnh đã tập hợp 26 doanh nghiệp trên địa bàn để đăng ký.

Ngoài ra, tỉnh cũng rà soát các mặt hàng xuất khẩu, và tổ chức nhiều hội nghị phổ biến cho doanh nghiệp xuất khẩu thanh long. Khó khăn của Long An, là việc cập nhật khi cơ sở thay đổi mã số vùng trồng. Trên cơ sở ấy, Long An kiến nghị Bộ NN-PTNT có những hướng dẫn cụ thể, chi tiết hơn về thủ tục, quy cách kiểm tra trực tuyến, kiểm tra tại nguồn của Trung Quốc.

“Mặt hàng thanh long của Long An chủ yếu hướng đến xuất khẩu. Vì vậy, tỉnh rất mong muốn có tài liệu, hình ảnh minh họa để phổ biến chi tiết đến doanh nghiệp”, bà Khanh nói.

Lãnh đạo Sở NN-PTNT Long An cũng đề nghị Cục Bảo vệ thực vật có thêm nhiều buổi hướng dẫn trực tiếp, từ giờ đến cuối năm, để chuẩn hóa quy trình. Bên cạnh đó, bà cũng muốn thông tin thông suốt từ các bên, như cửa khẩu, doanh nghiệp đối tác cũng như cơ quan quản lý phía Trung Quốc.

10h20

Trung Quốc kiểm tra 100% hoa quả nhập khẩu từ Việt Nam

tin-11-1623936800638976694654

Một cơ sở thu mua vải thiều ở Bắc Giang đang chuẩn bị hàng để xuất sang Trung Quốc Ảnh: Ngô Nhung/Báo Người lao động.

Ông Thang Thành Vỹ, Chủ tịch Hiệp hội hoa quả quốc tế Bằng Tường, Quảng Tây, Trung Quốc cho biết, hiện nay có nhiều hoa quả, nông sản Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc và được thị trường nước này ưa chuộng.

Do tình hình Covid-19, doanh nghiệp cả Trung Quốc và Việt Nam đều bị ảnh hưởng, nông sản khi thông quan phải khử trùng ở cả 2 phía nên tốc độ xuất khẩu giảm mạnh so với trước.

Thêm vào đó, hoa quả Việt Nam khi nhập khẩu vào Trung Quốc đang phải kiểm tra 100%, điều này khác với hoa quả nhập từ Thái Lan, nguồn hàng này chỉ phải kiểm tra trực tiếp 30%.

“Qua diễn đàn hôm nay, tôi hy vọng Bộ NN-PTNT Việt Nam có thể ký kết các thủ tục với cơ quan chức năng Trung Quốc để có thể chỉ kiểm tra 30%, đẩy nhanh tốc độ thông quan qua cửa khẩu, hỗ trợ cho cả doanh nghiệp Việt Nam và Trung Quốc”, ông Thang Thành Vỹ nêu ý kiến.

Đại diện Hiệp hội hoa quả quốc tế Bằng Tường cũng nhấn mạnh mong mong các doanh nghiệp Việt Nam cần làm tốt công tác truy xuất nguồn gốc và đóng gói, giúp quá trình thông thương, buôn bán giữa 2 bên.

9h50

Ông Phan Văn Tấn, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Thuận, chia sẻ, sản lượng trái thanh long của Bình Thuận khoảng 600 – 700 nghìn tấn/năm, với tổng diện tích 34 – 35 nghìn ha. Trong đó, khoảng 70 – 80% sản lượng được xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.

Từ năm 2018 đến nay, Cục Bảo vệ Thực vật đã cấp 68 mã số vùng trồng và 268 cơ sở chế biến, đóng gói sản phẩm thanh long xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, đây là điều thuận lợi.

Tuy nhiên, hiện nay các doanh nghiệp mới xuất khẩu sản phẩm vào thị trường Trung Quốc vẫn còn lúng túng với các quy định mới của Lệnh 248, Lệnh 248. Cán bộ tiếp nhận hồ sơ và hướng dẫn các thủ tục theo quy định của 2 Lệnh này cũng còn lúng túng.

Do đó, "chúng tôi đề nghị Văn phòng SPS, các cơ quan liên quan của Bộ NN-PTNT ra văn bản hoặc hướng dẫn kỹ hơn để các địa phương, doanh nghiệp và HTX… triển khai thuận lợi", ông Tấn nói.

9h40

Doanh nghiệp cần tuân thủ nghiêm ngặt các quy định trong hai Lệnh 248, 249

ong le thanh hoa

Ông Lê Thanh Hòa, Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam, Phó Cục trưởng Cục Chế biến & Phát triển thị trường nông sản phát biểu tại diễn đàn.

Ông Lê Thanh Hòa, Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam, Phó Cục trưởng Cục Chế biến & Phát triển thị trường nông sản cho biết, Lệnh 248 chỉ yêu cầu đăng ký với những doanh nghiệp xuất khẩu thực phẩm vào Trung Quốc. Những doanh nghiệp xuất khẩu nguyên liệu đầu vào không chịu áp dụng này.

“Xét tổng thể, hai Lệnh 248, 249 không tác động nhiều đến các doanh nghiệp nông nghiệp. Tuy nhiên, ngành nông nghiệp phải chú ý và có những chính sách điều chỉnh sớm từ bây giờ”, ông Hòa nói.

Lãnh đạo Văn phòng SPS Việt Nam thông tin thêm, rằng những doanh nghiệp chưa kịp đăng ký trước ngày 1/11/2021, thì sẽ đăng ký theo quy định có liên quan tại Điều 8 của Lệnh 248. Ông cũng khuyên các doanh nghiệp, nếu có nhu cầu xuất khẩu thực phẩm sang Trung Quốc trong tương lai, cũng nên sớm đăng ký để các cơ quan có thẩm quyền tổng hợp, gửi danh sách sang Tổng cục Hải quan Trung Quốc.

Với Lệnh 249, ông Hòa phân tích, rằng doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm về an toàn thực phẩm ngay cả khi sản phẩm đã xuất khẩu sang Trung Quốc. Do đó, ông lưu ý các doanh nghiệp lựa chọn những đối tác đảm bảo, tin cậy nhằm giúp việc lưu trữ hồ sơ (tối thiểu 6 tháng), bên cạnh các yếu tố như kho bãi, vận chuyển.

Một yếu tố nữa, ông Hòa khuyên doanh nghiệp là các vấn đề về vệ sinh khi chế biến, đóng gói thực phẩm như: đi găng tay lúc sản xuất, có quy định rõ ràng với kho, nhà xưởng, chọn các nhà cung cấp nguyên liệu rõ ràng, minh bạch, có thể truy xuất được nguồn gốc.

“Những yêu cầu từ phía Trung Quốc đang dần tiệm cận với những nước phát triển. Vì thế, doanh nghiệp cần lưu ý tuân thủ nghiêm ngặt các quy định trong Lệnh 248, 249, tránh bị ngưng trệ việc xuất khẩu”, ông Hòa nhấn mạnh.

9h20

Trung Quốc duy trì kiểm soát Covid-19 trên bao bì, phương tiện vận chuyển thủy sản

che bien tom

Chế biến tôm xuất khẩu.

TS Lê Bá Anh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông, thuỷ sản (Bộ NN-PTNT), cho biết: Đến nay Trung Quốc đã công nhận danh sách 748 cơ sở chế biến thuỷ sản, 20 cơ sở xuất khẩu thuỷ sản sống (tôm sú, tôm thẻ, tôm hùm, cua) Việt Nam xuất khẩu vào thị trường tỷ dân; 48 loài thuỷ sản và 128 loại sản phẩm thuỷ sản được phép xuất khẩu vào nước này.

Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là Trung Quốc đang duy trì việc kiểm soát Covid-19 trên bao bì, phương tiện vận chuyển thủy sản đông lạnh, thuỷ sản sống. Điều này gây khó khăn rất nhiều cho các đơn vị xuất khẩu, vì phải mất một thời gian chờ tại cảng.

“Một số lô hàng đã có cảnh báo từ phía bạn về việc xuất hiện dấu vết của Covid-19 trên bao bì hoặc phương tiện vận chuyển, chúng tôi đã trao đổi trực tiếp với Tổng cục Hải quan Trung Quốc để giải thích rõ ràng”, ông Lê Bá Anh thông tin.

Bên cạnh đó, theo Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông, thuỷ sản: Từ năm 2020 đến năm 2021, tốc độ kiểm tra, bổ sung danh sách doanh nghiệp rất chậm. Ở chiều ngược lại, cơ quan chức năng của Việt Nam cũng chậm bổ sung danh sách doanh nghiệp Trung Quốc đăng ký xuất khẩu thuỷ sản vào Việt Nam để đảm bảo tính công bằng.

Tuy nhiên, ông Lê Bá Anh nhấn mạnh: “Số lô hàng thuỷ sản của Việt Nam sang Trung Quốc bị cảnh báo tăng khá nhanh. Đây là điều đáng lưu ý đối với các doanh nghiệp chế biến thuỷ sản xuất khẩu, đặc biệt là các chỉ tiêu phụ gia thực phẩm, chỉ tiêu về bệnh thuỷ sản”.

“Hiện nay Cục Quản lý chất lượng nông, thuỷ sản (Bộ NN-PTNT) đang đề nghị Trung Quốc bổ sung thêm 92 doanh nghiệp chế biến thuỷ sản đã đăng ký bổ sung đến thời điểm hiện nay vào danh sách theo quy định tại Lệnh 248”, ông Anh cho biết.

9h00

Trung Quốc đưa danh mục 500 loài sinh vật gây hại thực vật

ong dat

Ông Huỳnh Tấn Đạt, Cục phó Cục BVTV, chia sẻ thông tin tại diễn đàn.

Ông Huỳnh Tấn Đạt, Cục phó Cục BVTV trình bày thông tin liên quan cấp mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói. Trong đó nêu ra các căn cứ để cấp mã và những nội dung đang thực hiện hiện nay.

Về quy định về kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm của Trung Quốc, đại diện Cục BVTV đã nêu ra những quy định chung của phía Trung Quốc và các thay đổi của thị trường này trong thời gian vừa qua.

Cụ thể, phía Trung Quốc đang ngày càng kiểm soát chặt chẽ hàng hóa qua biên giới, đặc biệt là giao thương tiểu ngạch cùng với đó là yêu cầu đàm phán mở cửa đối với từng loại sản phẩm. Ngoài ra, phía Trung Quốc đang quản lý sản phẩm nhập khẩu theo hình thức nghị định thư và yêu cầu khai báo mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói.

Đáng chú ý, danh mục sinh vật gây hại thực vật của Trung Quốc đưa ra có 500 loài, trong đó có nhiều loài sinh vật gây hại phổ biến, thường đi theo các loại quả xuất khẩu tươi của Việt Nam.

“Do đó, các doanh nghiệp cần chú ý để thực hiện biện pháp loại bỏ trước khi xuất khẩu”, ông Huỳnh Tấn Đạt nhấn mạnh. Đến nay, Cục BVTV đã phối hợp với Hải quan Trung Quốc phê duyệt gần 2.000 mã số vùng trồng và gần 1.800 cơ sở đóng gói.

“Bên cạnh đó, đơn vị tiếp tục đẩy mạnh công tác đào tạo và phối hợp với các địa phương và xây dựng cơ sở dữ liệu để đẩy mạnh công tác cấp mã số vùng trồng”, Cục phó Cục BVTV cho biết.

Về khó khăn, ông Huỳnh Tấn Đạt cho biết phương thức đăng ký trực tuyến với Hải quan Trung Quốc đang gặp nhiều khó khăn, nhiều doanh nghiệp không thể hoàn thiện được hồ sơ. Ngoài ra, về thời gian đăng ký còn rất ngắn do đó nếu không có hướng dẫn cụ thể thì doanh nghiệp sẽ không hoàn thành được.

Do đó, đại diện Cục BVTV đưa ra một số nội dung cần thực hiện ngay. Trước tiên là xây dựng đội ngũ giảng viên ToT, sau đó đẩy mạnh triển khai chương trình xây dựng mã số vùng trồng và tổ chức các lớp tập huấn cho doanh nghiệp, địa phương.

Nội dung tiếp theo là làm việc với quốc gia nhập khẩu để khắc phục khó khăn, ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động quản lý và hoàn thiện các tiêu chuẩn Việt Nam về thiết lập và quản lý vùng trồng.

8h50

Trung Quốc không còn là thị trường dễ tính

Nhập chú thích ảnh

Chế biến thanh long trước khi xuất sang Trung Quốc (Ảnh minh họa).

TS. Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam cho biết, ASEAN là thị trường xuất khẩu lớn nhất và nguồn nhập khẩu thứ hai với Trung Quốc, sau Brazil. Tuy nhiên, xuất nhập khẩu giữa Việt Nam – Trung Quốc có xu hướng giảm. Nguyên nhân lớn nhất là bởi dịch bệnh Covid-19.

Theo ông Nam, mặt hàng xuất khẩu chủ yếu sang Trung Quốc là trái cây nhiệt đới, thủy sản, dầu cọ. Với riêng thị trường Việt Nam, 4 nhóm nông sản có xu hướng tăng trong thời gian qua là: ngũ cốc, sản phẩm chăn nuôi, thủy sản, trái cây.

“Để xuất khẩu sang Trung Quốc, doanh nghiệp cần tìm hiểu kỹ về các quy trình kiểm soát, và những tiêu chuẩn để mở cửa thị trường, cũng như các thông báo SPS”, ông Nam chia sẻ. Đại diện Văn phòng SPS Việt Nam thông tin, rằng quy trình kiểm tra nông sản xuất khẩu sang nước bạn cần một số bước chính như: đăng ký với Tổng cục Hải quan Trung Quốc theo biểu mẫu, thông tin cụ thể về cửa khẩu nhập khẩu nông sản, quy cách đóng gói bao bì…

Bên cạnh đó, doanh nghiệp trong nước phải tuân thủ chặt chẽ các quy định của WTO, và các Hiệp định song phương với Trung Quốc, nhằm đáp ứng những thay đổi liên tục của thị trường này. Trong 10 tháng đầu năm 2021, Trung Quốc có tổng cộng 42 thông báo về những thay đổi SPS, trong đó có 4 thông báo sửa đổi.

Gần nhất, Bộ Nông nghiệp Nông thôn, Ủy ban Y tế Quốc gia và Tổng cục Quản lý giám sát thị trường Trung Quốc thống nhất ban hành Tiêu chuẩn mới GB 2763-2021, quy định 10.092 mức giới hạn dư lượng tối đa, với 564 loại thuốc bảo vệ thực vật, trong danh mục 376 thực phẩm. So với tiêu chuẩn GB2763-2019, số lượng loại thuốc bảo vệ thực vật trong tiêu chuẩn mới tăng 81 loại, tăng 16,7%; giới hạn dư lượng thuốc bảo vệ thực vật tăng 2.985 loại, tăng 42%.

Nhận xét "Trung Quốc không còn là thị trường dễ tính", TS. Ngô Xuân Nam kiến nghị một số vấn đề.

Đó là: doanh nghiệp cần thay đổi nhận thức, cách tiếp cận trong việc xuất khẩu nông sản. Ngoài ra, doanh nghiệp cần phối hợp chặt chẽ với ngành nông nghiệp để chuẩn bị tốt các điều kiện về vùng trồng, vùng nuôi, tăng cường các công tác thanh, kiểm tra, đồng thời chủ động nắm bắt thông tin từ các đầu mối như Văn phòng SPS Việt Nam.

8h40

TS Lê Thanh Hoà – Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam cho biết: Trong những năm vừa qua có rất nhiều thay đổi trong việc quản lý an toàn thực phẩm và an toàn sinh học đối với thực phẩm và nông sản nhập khẩu vào thị trường Trung Quốc.

Theo đó, các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản, thực phẩm vào thị trường Trung Quốc phải tuân thủ Luật An toàn thực phẩm và Luật An toàn sinh học.

Trước đây, sau khi nhận được hồ sơ đăng ký xuất khẩu nông sản của các doanh nghiệp thông qua đầu mối là Bộ NN-PTNT, Tổng cục Hải quan Trung Quốc sang Việt Nam để kiểm tra thực địa tại doanh nghiệp, tuy nhiên, hiện nay cơ quan này có thể xem xét, đánh giá hồ sơ trước, sau đó kiểm tra online.

Đây là vấn đề mà các doanh nghiệp đang vướng. Bởi vậy, trong Diễn đàn hôm nay, chúng tôi không chỉ giới thiệu các quy định của Lệnh 248, 249 của Trung Quốc mà còn thông tin về các quy định ghi nhãn mác sản phẩm, nông sản vào thị trường Trung Quốc,... để tạo thuận lợi cho hoạt động thương nông sản giữa hai quốc gia.

  • Tags:
Xem thêm
Thường vụ Tỉnh ủy Lạng Sơn, Vĩnh Long có vi phạm, khuyết điểm

Đó là kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, sau Kỳ họp thứ 52, tổ chức từ ngày 9 đến 11/12, do ông Trần Cẩm Tú chủ trì tại Hà Nội

Gượng dậy sau bão Yagi: Nơi bảo tồn nguồn gen 15 loài cá biển quý hiếm

Anh Phạm Văn Thìn - Trưởng phòng Nuôi giữ và Bảo tồn nguồn gen của Trung tâm Quốc gia Giống hải sản miền Bắc lái cano chở tôi ra khu Tai Kéo vịnh Lan Hạ.

Ô tô kinh doanh chở trẻ mầm non, học sinh phải sơn vàng đậm

Bắt đầu từ 1/1/2025, Nghị định 151/2024/NĐ-CP bắt buộc thi hành điều này đối với xe ô tô kinh doanh vận tải, căn cứ Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.