Đánh giá của Thiếu tướng Cương cho thấy những bài học sâu sắc trong nhận thức và hành động của Đảng ta để có đối sách chiến lược bảo vệ Tổ quốc mà không lãng quên xương máu của cha, anh ngã xuống vì giang sơn gấm vóc này!
Thiếu tướng Lê Văn Cương |
Nhìn lại sự kiện Gạc Ma 30 năm, Thiếu tướng Lê Văn Cương khẳng định đây là một cuộc đột kích xâm lược của nhà cầm quyền Trung Quốc. Họ đã dùng lực lượng hải quân để đánh chiếm đảo ở Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Về bản chất, đây là cuộc xâm lược chủ quyền của Việt nam trên Biển Đông.
Thưa Thiếu tướng vì sao Trung Quốc lại chọn thời điểm 14/3/1988 để xâm chiếm Gạc Ma của Việt Nam và đó có phải là hành động bột phát không?
Ý đồ độc chiếm biển đông của Trung Quốc đã có âm mưu từ ngay sau khi họ thành lập nước Trung Hoa 1949. Cho nên hành động 14/3/1988 không phải là đơn lẻ mà họ đã hiện thực hóa nhiều việc. Năm 1954 họ ký xác nhận Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam vào Hiệp định Giơ ne vơ; năm 1956 họ dùng vũ lực hải quân đánh chiếm đảo Phú Lâm do Việt Nam cộng hòa quản lý.
Ngày 19/1/1974, Trung Quốc dùng vũ lực đánh chiếm Hoàng Sa từ tay Việt Nam cộng hòa. Trận đánh đó 74 binh sỹ Việt Nam cộng hòa đã chiến đấu đến cùng để bảo vệ Hoàng Sa. Như vậy là lần thứ 2, Trung Quốc chiếm biển đảo của Việt Nam. Đến 14/3/1988 Trung Quốc một lần nữa dùng vũ lực xâm chiếm 6 đảo trong đó có Gạc Ma của Việt Nam, hiện thực hóa âm mưu độc chiếm biển đông.
Bối cảnh lịch sử thì tháng 3/1988 Việt Nam rơi vào tình cảnh khó khăn nhất kể từ sau 1975. Trong nước, sau giải pháp giá lương tiền, rơi vào đáy khủng hoảng của xã hội, lạm phát có lúc lên đến 700%, tội phạm phát triển, đời sống nhân dân cực kỳ gian khổ. Ngoài nước, người bạn lớn nhất là Liên Xô rơi vào khủng hoảng chính trị, kinh tế; Mỹ cấm vận, Trung Quốc cô lập Việt Nam. Việt Nam lúc đó chưa là thành viên của ASEAN. Khó khăn chồng chất khó khăn.
Còn giới lãnh đạo Trung Quốc lúc đó dự đoán việc này xảy ra sẽ không có ai phản đối và sự thực Mỹ không phản đối, ngay cả hạm đội Thái Bình dương của Liên Xô đóng tại Cam Ranh cũng không có phản ứng gì.
Về không gian, Trung Quốc đánh 6 đảo đá là nhằm tạo thành một thế liên hoàn về quốc phòng. Trên sa bàn thì điểm cực bắc, cực nam, cực đông, cực tây họ đánh chiếm hết. Có những đảo dễ đánh nhưng họ không đánh, trong khi có những đảo rất khó như đảo Châu Viên họ vẫn quyết tâm đánh chiếm cho bằng được vì nó chốt chặn cực Nam đảo Trường Sa. Bởi lẽ, 6 đảo này sẽ khống chế toàn bộ quần đảo Trường Sa và ngăn chặn toàn bộ tàu thuyền, máy bay từ ngoài vào biển đông.
Trung Quốc đã làm những gì sau khi chiếm Gạc Ma, thưa Thiếu tướng?
Xâm chiếm Gạc Ma nằm trong ý đồ quân sự hóa Biển Đông của Trung Quốc. Sau 1988 họ để yên, họ không làm gì cả vì thập niên 1990 họ rất muốn ổn định để nhận được sự ủng hộ từ Hoa Kỳ. Tuy nhiên từ 2013 Philippines gửi đơn kiện thì Trung Quốc lo ngại sẽ bị thua nên họ ra sức cải tạo 6 đảo chìm thành đảo nổi một cách rầm rộ và cả đảo Vành Khăn nữa với tổng diện tích 1.300ha (theo tài liệu của Mỹ) xây dựng 3 sân bay.
Tại Gạc Ma cải tạo thành đảo nổi rộng 100.000m2, đường băng sân bay khoảng 2,5km phục vụ máy bay tiêm kích; một sân bay ở đảo Vành Khăn đường bang 3,4km phục vụ máy bay ném bom chiến lược H6, H6K có tính năng tác dụng như B52 trên mình mang 9 quả tên lửa đạn đạo tầm trung, tầm bắn 1.800km. Từ Gạc Ma đến căn cứ quân sự phía bắc Australia của Mỹ là 3.200km trong khi hoạt động vùng bay, hiệu lực chiến đấu của H6 và H6K có khả năng khống chế được 3.600km.
Ở Gạc Ma phía đông là cảng quân sự, Trung Quốc đã xây dựng 3 nhà để máy bay, có nhà chứa được 40 máy bay (lớn nhất thế giới) và 3 tầng hầm chứa tên lửa. Trên đảo lắp đặt các hệ thống ra đa tần số cao phục vụ mục đích quân sự.
Đặc biệt là ra đa ở đảo Châu Viên cực nam Trường Sa thì Trung Quốc đã kiểm soát, giám sát toàn bộ mọi hoạt động tàu thuyền, máy bay đi ngoài vào biển đông. Như vậy về cơ bản đến giờ Trung Quốc đã quân sự hóa xong biển đông.
Thiếu tướng Lê Văn Cương và PV NNVN trong cuộc trò chuyện Gạc Ma 30 năm nhìn lại |
Thưa Thiếu tướng, qua sự kiện Gạc Ma, Việt Nam cần rút ra bài học gì?
Một là về nhận thức. Đảng ta đã có nhận thức đúng thông qua 2 Nghị quyết của Trung ương (năm 2003 và 2013) về chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Hai Nghị quyết chỉ ra rõ đối tượng, đối tác. Chúng ta không xếp ai là đối tượng, ai là đối tác mà trong đối tượng có đối tác, trong đối tác có đối tượng.
Tinh thần chiến đấu của 64 binh sỹ Hải quân Việt Nam hy sinh bảo vệ đảo Gạc Ma là những người con quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh. Đấy là nốt son lịch sử dân tộc mà thế hệ trẻ hôm nay phải khắc cốt ghi tâm để phát huy truyền thống anh hùng bất khuất trong bảo vệ Tổ quốc. Máu của 64 liệt sỹ Hải quân Việt Nam tô thắm thêm lá cờ Tổ quốc. |
Chẳng hạn với Trung Quốc trên lĩnh vực kinh tế, xã hội họ là đối tác nhưng trên biển Đông, họ là đối tượng của ta. Với Mỹ cũng vậy, vấn đề kinh tế, quốc phòng là đối tác nhưng vấn đề nhân quyền lại là đối tượng đấu tranh của Việt Nam.
Hai là không được để Việt Nam bị cô lập như năm 1988. Nên nhớ, chừng nào Việt Nam còn bị cô lập thì chừng ấy Việt Nam còn bị nước ngoài xâm chiếm. Cho nên Việt Nam phải trở thành một bộ phận hưu cơ của cộng đồng quốc tế.
Với quan điểm kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, Đảng ta có chiến lược đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế, Việt Nam sẵn sàng là bạn, là đối tác với tất cả các nước trên thế giới. Chính sách đường lối đúng đắn đó đã giúp Việt Nam tham gia vào ASEAN, quan hệ với 5 nước thường trực Hội đồng Bảo an LHQ, là đối tác chiến lược với Trung Quốc, Nga, đối tác toàn diện với Hoa Kỳ, Anh, Pháp. Việt Nam từng là Chủ tịch luân phiên Hội đồng bảo an LHQ, tham gia với tất cả các định chế quốc tế.
Ba là đoàn kết dân tộc. Năm 1300, Vua Trần đến bên giường bệnh Trần Hưng Đạo và hỏi, nếu chẳng may tiên sinh có mệnh hệ gì thì kế sách giữ nước thế nào, Trần Hưng Đạo nói rằng, trên dưới đồng lòng, anh em hòa thuận, khoan thứ sức dân. Đấy là kế sách trăm năm giữ nước.
Câu nói đó đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Việt Nam gần 100 triệu người, chừng ấy con người mà đoàn kết nhất trí tạo nên khối sắt đá thì không có một thế lực nào khuất phục được.
Bốn là, từ sự kiện Gạc Ma phải đưa vào sách giáo khoa để giáo dục truyền thống. Điều này hoàn toàn khác với suy luận là kích động chủ nghĩa dân tộc. Ai có suy nghĩ ấy là ngụy biện là dối trá. Tôi cho rằng, người dân phải được giáo dục để biết lịch sử cha ông ta đã hy sinh như thế nào.
Nhật Bản đồng minh ruột của Mỹ nhưng sách giáo khoa Nhật Bản có hẳn một chương đậm đặc nói về tội ác của Mỹ về hai quả bom nguyên tử thả xuống Nhật Bản năm 1945. Không có Mỹ làm gì có Hàn Quốc hôm nay nhưng sách giáo khoa của Hàn Quốc vẫn có một chương về tội ác của Mỹ, Nhật với Triều Tiên. Vậy thì tại sao Gạc Ma, biên giới 1979 lại không được nhắc một cách thấu đáo, đúng sự thực trong sách giáo khoa của Việt Nam?
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Chúng ta phải luôn luôn tỉnh táo Thiếu tướng Lê Văn Cương nói, đối với Trung Quốc từ xưa đến nay khi nói với Việt Nam họ luôn bảo rằng, chúng ta là XHCN. Song thực tế lại khác. Những hành động của Trung Quốc ở đảo Phú Lâm, Gạc Ma, Hoàng Sa, Trường Sa và xâm lăng biên giới Việt Nam năm 1979 là phi cộng sản. Do đó chúng ta không được mơ hồ. Lãnh thổ quốc gia là tối thượng. Ý thức hệ phải đặt dưới tối thượng chủ quyền lãnh thổ quốc gia. Bác Hồ từng căn dặn, các Vua Hùng đã có công dựng nước, bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước. Chúng ta đừng quên lời căn dặn ấy mà hổ thẹn với tiền nhân! |