| Hotline: 0983.970.780

Thỏa thuận khép lại vụ điều tra 301 của Hoa Kỳ có ý nghĩa quan trọng

Thứ Hai 04/10/2021 , 11:09 (GMT+7)

Theo Thứ trưởng Lê Quốc Doanh, Bộ NN-PTNT sẽ phối hợp chặt chẽ với phía Hoa Kỳ để cương quyết loại bỏ gỗ bất hợp pháp ra khỏi chuỗi cung ứng gỗ của Việt Nam. 

Ngày  1/10/2021, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan thay mặt Chính phủ Việt Nam ký thỏa thuận với Trưởng đại diện thương mại (USTR) của Chính phủ Hoa Kỳ Katherine Tai về kiểm soát khai thác và thương mại gỗ bất hợp pháp.

Nhân dịp này, phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam đã phỏng vấn Thứ trưởng Lê Quốc Doanh, phụ trách lĩnh vực lâm nghiệp của NN- PTNT.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT trao đổi với phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam. Ảnh: Minh Phúc.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT trao đổi với phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam. Ảnh: Minh Phúc.

Đầu tiên xin chúc mừng Thứ trưởng và Bộ NN-PTNT đã ký được thỏa thuận, khép lại vụ điều tra 301 của Chính phủ Hoa Kỳ về khai thác và thương mại gỗ bất hợp pháp của Việt Nam. Thứ trưởng đánh giá thế nào về ý nghĩa của Thỏa thuận này?

Việc ký Thỏa thuận khép lại vụ điều tra 301 của Chính phủ Hoa Kỳ có ý nghĩa cực kỳ quan trọng cho ngành lâm nghiệp nói riêng và nông nghiệp, nông thôn nói chung của Việt Nam, cả trong ngắn và dài hạn.

Thứ nhất, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu gỗ lớn nhất và tăng trưởng nhanh nhất của Việt Nam. Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ từ Việt Nam sang Hoa Kỳ năm 2020 đạt mức 7,4 tỷ USD, chiếm 57% tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam.

Ngay trong bối cảnh khó khăn của đại dịch Covid-19, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ từ Việt Nam sang Hoa Kỳ trong 9 tháng đầu năm 2021 ước đạt 7,1 tỷ USD, tăng trưởng 43,4% so với cùng kỳ 2020.

Việc ký Thỏa thuận là cơ sở để Chính phủ Hoa Kỳ khép lại vụ điều tra theo hướng không áp thuế đối với xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam vào thị trường Hoa Kỳ.

Thứ hai, cùng với Hiệp định Đối tác tự nguyện về Thực thi lâm luật, quản trị  và thương mại lâm sản (VPA/FLEGT) ký với EU, Thỏa thuận với Hoa Kỳ thể hiện cam kết của Việt Nam trong phát triển ngành lâm nghiệp bền vững, đảm bảo tính minh bạch trong hệ thống quản lý, đáp ứng thông lệ quốc tế, qua đó nâng cao uy tín của ngành nông nghiệp Việt Nam.

Theo tôi được biết, phía Hoa Kỳ đánh giá cao Thỏa thuận này vì đây là Thỏa thuận thương mại đầu tiên của Hoa Kỳ nhằm thúc đẩy môi trường bền vững, và là hình mẫu cho Hoa Kỳ hợp tác với các nước trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và toàn cầu.

Thứ ba, điều quan trọng nhất là việc triển khai Thỏa thuận này và VPA/FLEGT tạo ra cơ hội cho ngành lâm nghiệp Việt Nam chuyển đổi một cách căn cơ, bài bản, đạt được giá trị gia tăng cao hơn, bền vững hơn.

Ông có thể cho biết những nội dung chính của Thỏa thuận này?

Thỏa thuận bao gồm 20 điều, thể hiện cam kết của Chính phủ Việt Nam nhằm tăng cường kiểm soát nguồn gốc và chuỗi cung ứng gỗ, mở rộng thị trường xuất khẩu, cải thiện thể chế quản lý rừng, giải quyết tình trạng khai thác và thương mại gỗ trái phép.

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh (thứ 2 dưới lên, hàng ghế bên trái) và đoàn đại biểu Bộ NN-PTNT Việt Nam làm việc với Cơ quan đại diện thương mại Hoa Kỳ (USTR). Ảnh: VHTQT.

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh (thứ 2 dưới lên, hàng ghế bên trái) và đoàn đại biểu Bộ NN-PTNT Việt Nam làm việc với Cơ quan đại diện thương mại Hoa Kỳ (USTR). Ảnh: VHTQT.

Những nội dung cụ thể bao gồm: Cải thiện hệ thống đảm bảo tính hợp pháp của gỗ; xử lý gỗ bị tịch thu (gỗ bị thu giữ do vi phạm luật pháp trong nước hoặc quốc tế) ra khỏi chuỗi cung ứng thương mại; xác minh tính hợp pháp của gỗ khai thác trong nước bất kể nơi xuất khẩu; làm việc với các quốc gia có nguy cơ cao để cải thiện việc kiểm tra hải quan tại biên giới và hợp tác thực thi pháp luật.

Đồng thời, hai bên sẽ thành lập Nhóm Công tác về Gỗ trong khuôn khổ Hiệp định hợp tác thương mại và đầu tư (TIFA) giữa 2 nước để triển khai Thỏa thuận về khai thác và thương mại gỗ.

Nhân dịp này, tôi xin chân thành cám ơn sự chỉ đạo sâu sát của Chính phủ, sự hợp tác và hỗ trợ hiệu quả của các Bộ ngành trong quá trình đàm phán và trao đổi với phía Hoa Kỳ để ký được Thỏa thuận này, khép lại vụ điều tra 301 của Chính phủ Hoa Kỳ về khai thác và thương mại gỗ của Việt Nam.

Xin ông cho biết những công việc cần thiết để triển khai Thỏa thuận này trong thời gian tới?

Với kinh nghiệm trong đàm phán và triển khai Hiệp định VPA/FLEGT, tôi hoàn toàn tin tưởng vào năng lực của các cơ quan, doanh nghiệp và nông dân Việt Nam trong triển khai Thỏa thuận về kiểm soát khai thác và thương mại gỗ với Hoa Kỳ.

Có 3 nhóm vấn đề lớn cần xử lý trong thời gian tới. Thứ nhất, Bộ NN-PTNT sẽ phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành liên quan và xin chỉ đạo của Chính phủ để sửa đổi một số văn bản pháp lý cho phù hợp để xử lý gỗ bất hợp pháp bị tịch thu, quản lý chuỗi cung ứng gỗ minh bạch hơn.

Thứ hai, cần tiếp tục tăng cường năng lực cho hệ thống quản lý nhà nước, đảm bảo kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc gỗ. Đồng thời, Bộ cũng sẽ phối hợp chặt chẽ với Hiệp hội gỗ và các doanh nghiệp để triển khai mạnh mẽ hơn Chương trình nói không với gỗ bất hợp pháp.

Thứ ba, Bộ sẽ phối hợp chặt chẽ với phía Hoa Kỳ trong trao đổi thông tin, triển khai các dự án hỗ trợ kỹ thuật, và phối hợp với các nước khác để cương quyết loại bỏ gỗ bất hợp pháp ra khỏi chuỗi cung ứng gỗ của Việt Nam. 

Xin chân thành cám ơn Thứ trưởng. Chúc ông và ngành nông nghiệp không ngừng phát triển và ngày càng bền vững!

(thực hiện)

Xem thêm
Sóc Trăng thay đổi từ tư duy ứng phó sang thích ứng với hạn mặn

ĐBSCL Dù hạn mặn trong mùa khô 2023 -2024 cao hơn trung bình nhiều năm, Sóc Trăng chưa ghi nhận thiệt hại nghiêm trọng đến sản xuất, kinh doanh do hạn mặn gây ra.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Cơn mưa bất chợt 'giải nhiệt' ở Bình Dương

Sau nhiều ngày nắng nóng liên tục, cơn mưa bất chợt xuất hiện đã làm dịu đi cái nóng gay gắt cho người dân ở Bình Dương.

Khát vọng Huổi Khon

13 năm trước, bản vùng cao này là một điểm nóng về trật tự xã hội, nhưng giờ thay da đổi thịt như một lời hứa nguyện theo Đảng, theo chính quyền của bà con.