| Hotline: 0983.970.780

“Thủ phủ” nuôi thủy sản lồng bè khẩn trương di dời tránh bão số 6

Thứ Bảy 09/11/2019 , 10:43 (GMT+7)

Trước dự báo bão số 6 có khả năng đổ bộ, các tỉnh Khánh Hòa và Phú Yên đang triển khai đồng bộ các giải pháp ứng phó. Trong đó, việc đảm bảo an toàn cho người và tài sản trên các vùng nuôi lồng bè được các địa phương hết sức quan tâm.  

Tại “thủ phủ” nuôi trồng thủy sản các tỉnh Khánh Hòa và Phú Yên đang khẩn trương di dời lồng bè để ứng phó bão số 6.

Các vùng nuôi thủy sản lồng bè đang khẩn trương ứng phó bão số 6.

Ông Lê Tấn Bản, Giám đốc Sở NN-PTNT Khánh Hòa, cho biết toàn tỉnh có 2.462 bè/54.049 ô lồng, với gần 6.000 lao động, trong đó chủ yếu tập trung tại huyện Vạn Ninh. Để đảm bảo an toàn về người và lồng bè, trước bão số 5 và hiện nay bà con nơi đây đã di dời lồng bè đến nơi tránh trú an toàn.

Ghi nhận PV tại vùng nuôi thủy sản thị trấn Vạn Giã (Vạn Ninh) hiện công tác di dời lồng bè được bà con triển khai hết sức khẩn trương. Hầu hết lồng bè nuôi tại Hòn Vung đã được bà con di dời đến nơi tránh trú bão.

Vùng nuôi khu vực Hòn Vung hiện gần như tất cả lồng bè đã di dời ra Bãi Tranh (Vạn Thạnh) để tránh trú.

Anh Trần Văn Thành, một người nuôi ở thị trấn Vạn Giã cho biết: Trước dự báo cơn bão số 6 có khả năng đổ bộ vào Khánh Hòa, người nuôi thủy sản lồng bè nơi đây đều lo lắng. Bởi tất cả vốn liếng đều “thả” xuống biển nuôi con tôm, con cá. Vì vậy để ứng phó hầu hết các bè nằm ở vùng biển hở đều được bà con di dời đến các vùng kín gió, được che chắn các đảo.

Như gia đình tôi hiện có 28 ô lồng đang thả nuôi khoảng 7.000 con cá mú, bóp, bè, giá trị hơn 1 tỷ đồng. Trước cơn bão số 5, bè nuôi được thả ở khu vực Hòn Vung đã di dời ra bãi Tranh, thuộc xã Vạn Thạnh.

Một bè nuôi được lai dắt di dời đến nơi tránh trú an toàn.

Tương tự, bè nuôi hơn 10.000 con cá các loại, trị giá gần 3 tỷ đồng của  anh Nguyễn Thanh Sáng ở Vạn Giã cũng đã di dời đến gần khu vực Sủng Ké (thuộc Vạn Thạnh). Theo anh Sáng, đây vùng bao quanh núi và kín gió. Hiện hầu hết các lồng bè ở Vạn Ninh đều lai dắt nơi đây để đảm bảo an toàn.

“Về đảm bảo an toàn về người, chúng tôi sẽ chấp hành theo chỉ đạo của chính quyền. Rời khỏi bè trước khi bão vào”, anh Sáng nói.

Ông Võ Lục Phẩm, Phó Chủ tịch UBND huyện Vạn Ninh, cho biết, toàn huyện có 40.000 ô lồng, với hơn 2.600 lao động. Từ hôm qua đến nay địa phương đã đi kiểm tra, vận động di dời lồng bè để tránh trú bão số 6.

“Hiện nay hầu hết các lồng bè đã được di dời đến vùng nằm trong quy hoạch tránh trú an toàn. Chỉ còn vài chục hộ nuôi lồng bè nằm ngoài khơi đang được người dân di dời. Theo chỉ đạo của huyện vào 8 giờ sáng ngày mai 10/11, tất cả lồng bè của huyện sẽ được di dời đến nơi an toàn, gia cố chặt chẽ. Còn về người sẽ vào bờ tránh trú an toàn trước 10 giờ ngày 10/11”, ông Phẩm nói.

Còn tại Phú Yên từ hôm qua đến nay địa phương này cũng đã hướng dẫn người nuôi lồng bè di dời, chằng chống lồng bè để tránh trú bão có khả năng đổ bộ. Đồng thời thực hiện các biện pháp thu hoạch đối với lứa tôm đã đến ngày thu hoạch, để hạn chế thiệt hại thấp nhất do bão gây ra.

Vùng nuôi tại TX Sông Cầu (Phú Yên) người nuôi đang khẩn trương gia cố lồng bè.

Ông Nguyễn Trọng Tùng, phó Ban chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh Phú Yên, cho biết, toàn tỉnh gần 120.000 lồng, với khoảng 3.600 lao động, chủ yếu tại TX Sông Cầu. Nếu như dự kiến bão đổ bộ vào tối 10/11, thì trước 14 giờ cùng ngày tỉnh sẽ hoàn tất việc di dời người trên lồng bè đến nơi tránh trú an toàn.

“Nếu người nuôi không di dời chúng tôi sẽ thực hiện cưỡng chế”, ông Tùng nói.

Xem thêm
Chính phủ sẽ nghiên cứu làm đường sắt tốc độ cao đến Cần Thơ, Cà Mau

Tuyến đường sắt tốc độ cao không chỉ dừng lại ở TP Hồ Chí Minh, Chính phủ và các cơ quan đang nghiên cứu kéo dài về Cần Thơ và đến tận Cà Mau.

Thủy lợi nội đồng cho vùng ngọt - nhiệm vụ cấp thiết

Cà Mau Giữ vùng ngọt, điều tiết nước hợp lý, đầu tư đồng bộ hệ thống thủy lợi để đáp ứng sản xuất là nhiệm vụ quan trọng với tỉnh Cà Mau.

Rà soát khu vực có nguy cơ ngập lụt, sạt lở đất để di dời dân

KHÁNH HÒA Các địa phương khẩn trương kiểm tra khu vực có nguy cơ xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất… để chủ động sơ tán người dân đến nơi an toàn.