Thứ Bảy, 14/12/2024 23:48 (GMT +7)

| Hotline: 0983.970.780

Phú Yên, Khánh Hòa dự kiến di dời hơn 30.000 dân tránh bão số 6

Thứ Sáu 08/11/2019 , 12:29 (GMT+7)

Để ứng phó bão số 6 có khả năng đổ bộ, các tỉnh Khánh Hòa và Phú Yên đang chủ động kế hoạch di dời dân đến nơi an toàn.

Chủ động di dời dân đến nơi an toàn

Để ứng phó bão số 6, chiều 7/11, tỉnh Phú Yên đã tổ chức cuộc họp triển khai các giải pháp ứng phó. Theo đó, UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương kiểm tra, rà soát, phương án sẵn sàng ứng phó với cơn bão số 6 và mưa lũ sau bão với phương châm “4 tại chỗ”. Đồng thời chủ động di dời dân, sơ tán dân tại các khu vực trọng điểm, nguy hiểm, khu vực bị chia cắt, nhất là trên lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy sản, vùng ven biển, ven sông, vùng bị triều cường uy hiếp…

Các tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa lên phương án di dời dân các vùng nguy hiểm đến nơi toàn.

Ông Phạm Đại Dương, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, cho biết, để đảm bảo an toàn lao động trên lồng bè, tỉnh cần di dời khoảng 3.600 người. Nếu như tình hình cơn bão dự kiến sẽ đổ vào đất liền vào tối 10/11, thì muộn nhất từ 14 giờ cùng ngày, tỉnh sẽ đưa toàn bộ lao động này đến nơi tránh trú an toàn. Ngoài ra, 162 hộ dân kèm 669 con bò chăn nuôi dọc sông Ba nằm trong vùng nguy hiểm khi tiến hành xả lũ hiện cũng được địa phương di dời đến nơi an toàn.

“Chúng tôi sẽ chủ động tối đa phòng chống bão số 6, cũng như triển khai các biện pháp khắc phục sau bão”, ông Dương nói.

Còn ông Lê Tấn Bản, Giám đốc Sở NN-PTNT Khánh Hòa, cho biết, toàn tỉnh hiện có 2.462 bè/54.049 ô lồng, với gần 6.000 lao động. Số hộ dân tại các khu vực xung yếu, nguy hiểm dự kiến cần sơ tán đến nơi an toàn khoảng 33.698 dân/7.916 hộ. Bên cạnh đó, toàn tỉnh có hơn 174 điểm ngầm, cầu tràn cần huy động lực lượng chốt chặn khi có tình huống mưa lũ xảy ra.

“Để đảm bảo an toàn lồng bè hiện các địa phương đã và đang di dời đến nơi an toàn. Còn đối với lao động trên lồng bè, trước 15 giờ ngày 10/11, nếu người nuôi trồng thủy sản không lên bờ tránh trú bão, chúng tôi sẽ thực hiện cưỡng chế. Việc di dời dân tại các vùng xung yếu, vùng trũng, vùng có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất, chúng tôi cũng sẽ dự kiến di dời trước 12 giờ ngày 10/11", ông Bản chia sẻ.
 

Khẩn trương kêu gọi tàu thuyền

Theo BCH Bộ đội Biên phòng Khánh Hòa, tính đến sáng 8/11, toàn tỉnh có 588 tàu/2.968 thuyền viên đang hoạt động đánh bắt ở các vùng biển.

Cụ thể, khu vực Khánh Hòa có 277 tàu/937 thuyền viên; khu vực Ninh Thuận, Bình Thuận có 30 tàu/242 thuyền viên. Khu vực Trường Sa có 35 tàu/250 thuyền viên; khu vực biển Vùng Tàu đến Kiên Giang có 246 tàu/1.539 thuyền viên.

Hiện nay Bộ đội Biên phòng đã chỉ đạo các đơn vị các đài canh hướng dẫn các tàu cá hoạt động trên biển nắm được thông tin bão và chủ động di chuyển đến nơi neo đậu an toàn.

Các tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa khẩn trương kêu gọi tàu thuyền đến nơi an toàn.

Còn tại Phú Yên, theo BCH PCTT-TKCN tỉnh, tính đến 7 giờ 30 sáng nay,  có 291 tàu cá/1.731 thuyền viên đang hoạt động trên các vùng biển. Trong đó, có 242 tàu/1.502 thuyền viên đang neo động tại các đảo và hoạt động dưới vùng biển Vĩ độ 11,5 kinh Đông, tức nằm ngoài vùng nguy hiểm và 49 tàu/229 thuyền viên hoạt động các vùng biển từ Bình Định đến Bình Thuận. Hiện các tàu này hiện đã nắm được thông tin về diễn biến cơn bão và chủ động neo đậu tránh trú an toàn.

Theo Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Trung bộ, hồi 4 giờ sáng 8/11, vị trí tâm bão ở vào khoảng 13 độ Vĩ Bắc; 116,8 độ Kinh Đông, cách đảo Song Tử Tây (quần đảo Trường Sa) khoảng 330 km về phía Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 11 (100-115 km/h), giật cấp 14.

Dự báo đến 4 giờ ngày 10/11, vị trí tâm bão ở khoảng 13 độ Vĩ Bắc, 111,7 kinh Đông, cách bờ biển các tỉnh Quảng Ngãi đến Khánh Hòa khoảng 260km về phía Tây Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 12 (115-135km/h), giật cấp 15.

Dự kiến tối 10/11, bão sẽ đổ bộ vào đất liền các tỉnh Quảng Ngãi đến Khánh Hòa.

Xem thêm
Bình Phước sẽ là cực tăng trưởng vùng Đông Nam bộ

Đó là kỳ vọng của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại lễ công bố Quy hoạch tỉnh Bình Phước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Hậu Giang hưởng lợi lớn từ thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé

Hậu Giang Hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé phục vụ hơn 384.120ha sản xuất nông nghiệp vùng ĐBSCL, trong đó Hậu Giang là địa phương hưởng lợi lớn thứ hai với diện tích 48.500ha.

Làng Nủ trước ngày khánh thành

40 ngôi nhà mới sẽ được bàn giao cho các hộ dân thôn Làng Nủ (xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, Lào Cai) vào ngày 15/12 sau gần 3 tháng thi công.