| Hotline: 0983.970.780

Thủ tướng chỉ đạo quyết liệt xử lý vấn đề biển Đông

Thứ Sáu 30/05/2014 , 11:11 (GMT+7)

Trong phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5 diễn ra hôm qua 29/5, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đặc biệt nhấn mạnh vấn đề căng thẳng trên biển Đông hiện nay.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo ba nhóm giải pháp đấu tranh kiên quyết trước sự ngoan cố của Trung Quốc.

Theo đó, Việt Nam sẽ sử dụng các lực lượng thực thi pháp luật trên thực địa để bảo vệ và khẳng định chủ quyền biển đảo của Việt Nam.

Trên con đường chính trị, ngoại giao, Việt Nam kiên quyết yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan Hải Dương 981 ra khỏi vùng biển Việt Nam.

Biện pháp thứ ba là đấu tranh bằng dư luận, thông tin trung thực cho nhân dân và cộng đồng quốc tế hiểu rõ hành vi xâm phạm của Trung Quốc cũng như các biện pháp đấu tranh hòa bình của Việt Nam; kêu gọi cộng đồng quốc tế lên án mạnh mẽ hành vi vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế của Trung Quốc.

30 cuộc giao thiệp với Trung Quốc

Theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Việt Nam đã hết sức kiềm chế, chân thành bày tỏ mọi thiện chí, sử dụng mọi kênh đối thoại; đến nay đã có hơn 30 cuộc giao thiệp với các cấp khác nhau của Trung Quốc để phản đối và yêu cầu Trung Quốc rút ngay giàn khoan và các tàu vũ trang, tàu quân sự ra khỏi vùng biển của Việt Nam.

Tuy nhiên, Trung Quốc không những không đáp ứng yêu cầu chính đáng của Việt Nam mà còn vu khống, đổ lỗi cho Việt Nam và tiếp tục dùng sức mạnh, gia tăng các hành động uy hiếp, xâm phạm ngày càng nguy hiểm và nghiêm trọng hơn.

Từ ngày 1/5/2014 đến nay, Trung Quốc đã ngang nhiên đưa giàn khoan nước sâu cùng nhiều tàu vũ trang, tàu quân sự và máy bay hộ tống đi vào vùng biển Việt Nam và đã hạ đặt giàn khoan này tại vị trí nằm sâu trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982.

Các tàu hộ tống bảo vệ giàn khoan của Trung Quốc đã rất hung hăng bắn vòi nước có cường độ mạnh và đâm húc thẳng vào các tàu công vụ, tàu dân sự của Việt Nam, gây hư hại nhiều tàu và làm nhiều người bị thương.

Liên quan đến một số vụ việc an ninh trật tự trong tháng 5, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các ban ngành, địa phương tăng cường bảo đảm an ninh trật tự; kiên quyết ngăn chặn và không để xảy ra biểu tình trái pháp luật, xử lý nghiêm minh những người có hành vi vi phạm; tuyên truyền, vận động nhân dân không tham gia biểu tình trái pháp luật; kịp thời thực hiện các giải pháp giúp đỡ, hỗ trợ các DN bị thiệt hại, nhất là DN đầu tư nước ngoài.

Đến thời điểm này, hầu hết các DN đã trở lại hoạt động sản xuất kinh doanh bình thường.

Về các biện pháp trong thời gian tới, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: “Việt Nam tiếp tục kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của mình bằng biện pháp hòa bình”.

Thủ tướng cũng cho biết: “Nhất quán sử dụng các biện pháp hòa bình, lãnh đạo Việt Nam sẽ cân nhắc và quyết định việc sử dụng các biện pháp pháp lý theo luật pháp quốc tế nhằm bảo vệ chủ quyền thiêng liêng và lợi ích chính đáng của mình”.

Mở rộng, đa dạng hóa thị trường

Người đứng đầu Chính phủ chỉ đạo, Việt Nam chủ trương tăng cường hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư bình đẳng, cùng có lợi với Trung Quốc; đồng thời Việt Nam đang triển khai thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế, mở rộng thị trường, đàm phán và tham gia nhiều khuôn khổ hợp tác tác mới, trong đó có nhiều hiệp định thương mại tự do với các đối tác lớn trên thế giới.

Việc mở rộng và đa dạng hóa thị trường, tăng cường hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư với tất cả các đối tác trên thế giới nhằm giảm rủi ro, lệ thuộc của Việt Nam vào một thị trường nhất định, giúp nền kinh tế Việt Nam phát triển ổn định, bền vững.

Bắc Kinh sợ bị chỉ trích ở Shangri-La

Hội nghị thường niên diễn đàn an ninh châu Á - Thái Bình Dương (Đối thoại Shangri-La) sẽ khai mạc tại Singapore sáng nay, 30/5). Dự kiến Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe là khách mời đặc biệt và có bài phát biểu quan trọng.

Dư luận báo chí Trung Quốc đang cho thấy sự lo sợ trước khả năng Bắc Kinh sẽ bị các nước chỉ trích vì những hành động gây hấn từ biển Đông đến biển Hoa Đông.

Trang điện tử của tờ Nhân dân nhật báo của Trung Quốc, đăng bài viết có tựa đề “Trung – Nhật sẽ đối đầu tại Shangri-La”, nội dung nói bài phát biểu của Thủ tướng Nhật Abe sẽ khiến hình ảnh Trung Quốc xấu đi.

“Thủ tướng Nhật sẽ đề cập chính sách an ninh của Nhật Bản, bày tỏ lập trường ủng hộ các nước ASEAN trong việc bảo vệ chủ quyền ở biển Đông”, tờ báo này dự đoán.

Một người khác khiến báo giới Trung Quốc e sợ là Thượng nghị sỹ Mỹ Benjamin Cardin, ông này từng công khai chỉ trích Trung Quốc và khẳng định Bắc Kinh “hành xử không thể chấp nhận” trên biển Đông.

Tờ Đại Công báo (Hong Kong, Trung Quốc) loan tin Bắc Kinh sẽ cử bà Phó Doanh, cựu Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc đến Shangri-La với hy vọng đây là “đối thủ” với chính khách Nhật, Mỹ.

Báo chí Trung Quốc mô tả bà Phó Doanh nhà ngoại giao lão luyện, từng công khai phê phán chủ nghĩa quân phiệt Nhật.

LÝ SƠN

 

Xem thêm
Nghị quyết về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia

Tổng Bí thư Tô Lâm vừa ký ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Báo Nông nghiệp Việt Nam xin trân trọng giới thiệu toàn văn Nghị quyết.

Hỗ trợ Sơn La phục hồi hơn 15.000ha đất nông lâm nghiệp

Dự án RESTORE Sơn La,dự kiến hỗ trợ phục hồi 6.994ha đất trồng cây ăn quả và 8.239ha đất lâm nghiệp; trồng hơn 13 triệu cây đa mục đích.

Tình nguyện hiến đất làm kè chống sạt lở bờ sông

Hà Tĩnh Hơn 30 hộ dân ở huyện Hương Khê đã tình nguyện hiến hàng nghìn m2 đất làm dự án kè chống sạt lở bờ sông Ngàn Sâu, góp phần phòng chống thiên tai hiệu quả.