
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump trình bày sắc lệnh hành pháp về 'thuế đối ứng' tại Vườn Hồng của Nhà Trắng ở Washington, DC, Mỹ ngày 2/4, Ảnh: Xinhua.
China Daily – tờ báo tiếng Anh cấp quốc gia đầu tiên của Trung Quốc, cho rằng với thương hiệu chính trị đặt trọng tâm vào chủ nghĩa dân tộc kinh tế, Mỹ đang “nhiệt tình sử dụng thuế quan như một công cụ chính trị”, ngay cả khi điều đó mâu thuẫn với hệ thống thương mại toàn cầu dựa trên luật lệ mà chính Mỹ từng đóng vai trò sáng lập.
Bài viết đăng tải sau khi Mỹ công bố các mức thuế từ 10-50% đối với nhiều quốc gia. Trong đó, Trung Quốc đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ, sẽ bị áp thuế 54% (bổ sung 34% vào mức thuế hiện hành 20%, tổng là 54%).
Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố ngày 2/4 là “Ngày Giải phóng” khi áp đặt thuế đối ứng với các quốc gia đối tác thương mại.
“Nhưng bước đi mang tính đối đầu này sẽ không giúp Mỹ thoát khỏi sự lệ thuộc vào hàng ngoại như ông Trump dự đoán. Trái lại, nó sẽ càng siết chặt “chiếc lồng” mà Mỹ tự dựng quanh nền kinh tế của chính mình”, China Daily dự báo.
Các mức thuế đối ứng được công bố trong bối cảnh trước đó chính quyền Mỹ đã tuyên bố áp thuế bổ sung 25% đối với xe hơi nhập khẩu, các khoản thuế trừng phạt nhắm vào hàng hóa từ Trung Quốc, Canada và Mexico, cùng với loạt thuế mới mạnh tay đánh vào thép và nhôm nhập khẩu. Tính đến thời điểm bài viết được công bố, vẫn chưa rõ các biện pháp thuế mới sẽ được triển khai cụ thể ra sao.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia kinh tế đã cảnh báo rằng các mức thuế này có thể đẩy nước Mỹ vào suy thoái, do áp lực lạm phát, niềm tin tiêu dùng sụt giảm và thị trường chứng khoán biến động mạnh.
Trong khi tổng thống Mỹ cho rằng thuế quan như một “liều thuốc nhiệm màu” cho mọi vấn đề của nước Mỹ, thì những tác động tiêu cực là không hề nhỏ. Tổng thống cho rằng thuế quan sẽ giúp tăng nguồn thu cho ngân sách liên bang, thậm chí tuyên bố rằng: “Chúng ta sẽ chứng kiến hàng tỷ, thậm chí hàng nghìn tỷ USD chảy vào đất nước thông qua thuế quan.” Tuy nhiên, nhiều nhà kinh tế cho rằng các con số đó đã bị phóng đại, và rằng thuế quan thực chất là “một loại thuế ẩn” đánh vào chính người tiêu dùng Mỹ.
Dù Nhà Trắng vẫn khẳng định rằng chính sách thuế sẽ giúp phục hồi ngành công nghiệp trong nước và đưa sản xuất trở lại Mỹ, hiệu quả thực tế của biện pháp này vẫn còn bỏ ngỏ, đặc biệt là khi xét đến mức độ sẵn sàng của các doanh nghiệp trong việc chuyển chuỗi cung ứng về nội địa để tránh bị đánh thuế. Chưa kể đến câu hỏi lớn hơn: Liệu Mỹ có sẵn sàng đánh đổi tác động môi trường để khôi phục ngành công nghiệp nặng quy mô lớn?
Việc sử dụng thuế quan một cách bừa bãi cũng có thể làm trầm trọng thêm những điểm yếu sẵn có. Nhiều công ty Mỹ đã báo cáo lợi nhuận sụt giảm do nhu cầu tiêu dùng yếu hơn, thời gian giao hàng kéo dài và chi phí tăng cao vì thuế quan. Chỉ số sản xuất của Viện Quản lý Cung ứng (ISM) đã giảm 1,3 điểm trong tháng trước, xuống còn 49 điểm, thấp hơn kỳ vọng và dưới ngưỡng 50 điểm, vốn đánh dấu sự thu hẹp trong sản xuất.
“Giá cả leo thang do thuế quan đã gây tồn đọng đơn hàng mới, làm chậm tốc độ giao hàng từ nhà cung cấp và khiến hàng tồn kho tăng lên,” ông Timothy Fiore, Chủ tịch Ủy ban khảo sát ngành sản xuất của ISM cho biết.
Một số người có thể cho rằng chính quyền Mỹ chỉ đang sử dụng thuế quan như một công cụ thương lượng, nhằm tối đa hóa lợi ích trong các thỏa thuận. Tuy nhiên, bước đi này có nguy cơ gây tổn hại lâu dài đến uy tín của Mỹ với tư cách một cường quốc có trách nhiệm, nhất là khi thế giới chứng kiến tổng thống Mỹ dễ dàng phớt lờ các quy tắc của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) cũng như các hiệp định thương mại mà chính Mỹ đã ký kết.
Trung Quốc đã nhiều lần cảnh báo rằng sẽ không có bên nào thắng trong một cuộc chiến thương mại. Bộ Ngoại giao nước này tuyên bố sẽ tiếp tục thực hiện các biện pháp cần thiết để kiên quyết bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp, đồng thời kêu gọi Mỹ giải quyết tranh chấp thương mại thông qua tham vấn bình đẳng trên tinh thần tôn trọng lẫn nhau. Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang thay đổi nhanh chóng, việc tìm ra điểm cân bằng giữa bảo hộ lợi ích trong nước và hợp tác thương mại quốc tế vẫn là một thách thức trọng yếu đối với mọi quốc gia.