Tân Hoa Xã cho biết, trong phát biểu sáng nay 3/4, ít giờ sau khi Tổng thống Donald Trump công bố sắc lệnh thuế đối ứng với các đối tác thương mại, người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc Hà Á Đông nhấn mạnh: Trung Quốc kiên quyết phản đối và sẽ có biện pháp đối phó cứng rắn để bảo vệ quyền và lợi ích của mình.

Người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc Hà Á Đông. Ảnh: Mingpao.
“Hoa Kỳ tuyên bố, rằng họ đã chịu tổn thất trong thương mại quốc tế và đã tăng thuế đối với tất cả các đối tác thương mại của mình với lý do được gọi là "có đi có lại". Thực tiễn này không tính đến sự cân bằng lợi ích đạt được qua nhiều năm đàm phán thương mại đa phương", ông Hà nói.
Theo đại diện Bộ Thương mại Trung Quốc, cái gọi là "thuế đối ứng" do Hoa Kỳ đưa ra dựa trên những đánh giá chủ quan và đơn phương, không phù hợp với các quy tắc thương mại quốc tế và gây tổn hại nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các bên liên quan.
Nhiều đối tác thương mại trên thế giới, bao gồm châu Á, EU, một số quốc gia châu Mỹ... đã bày tỏ sự bất bình mạnh mẽ và phản đối rõ ràng đối với điều này.
Nhấn mạnh rằng, việc tăng thuế không thể giải quyết được vấn đề gốc rễ thâm hụt thương mại của chính Hoa Kỳ, phía Trung Quốc còn khẳng định: Hoa Kỳ từ lâu đã hưởng lợi rất nhiều từ thương mại quốc tế.
"Trung Quốc kêu gọi Hoa Kỳ ngay lập tức hủy bỏ các biện pháp thuế quan đơn phương và giải quyết thỏa đáng những bất đồng với các đối tác thương mại thông qua đối thoại bình đẳng", người phát ngôn Hà Á Đông nói tiếp.
Việc này không chỉ gây tổn hại đến lợi ích của Hoa Kỳ mà còn gây nguy hiểm cho sự phát triển kinh tế toàn cầu và sự ổn định của chuỗi sản xuất và cung ứng. Không có bên nào chiến thắng trong một cuộc chiến thương mại và không có lối thoát cho chủ nghĩa bảo hộ.
Gần như cùng lúc với thông điệp phát đi từ Bộ Thương mại, trang Sina bình luận: Cách tính thuế đối ứng của Tổng thống Trump "nực cười".
Theo rà soát từ Sina, thuật toán của Trump là: Chia thâm hụt thương mại của Hoa Kỳ với một quốc gia cho lượng xuất khẩu của quốc gia đó sang Hoa Kỳ. Kết quả được gọi là "chênh lệch thuế quan".
Ví dụ, thâm hụt thương mại giữa Hoa Kỳ và Indonesia là 17,9 tỷ USD, trong khi xuất khẩu của Indonesia sang Hoa Kỳ là 28 tỷ USD. Cách tính của chính quyền Trump, là lấy 17,9 chia cho 28 được 64%. Đây chính là "chênh lệch thuế quan".
Sau đó, với từng đối tác thương mại, mức chênh lệch thuế quan sẽ được cho 2. Con số cuối là tỷ lệ tăng thuế quan mà ông Trump sẽ áp dụng.
Phương pháp này cũng được tờ New York Times ủng hộ và nhắc tới, trong bài bình luận ngay sau khi ông Trump công bố sắc lệnh thuế mới.
Dù ông Trump tuyên bố, rằng việc áp thuế sẽ giúp mang lại doanh thu cho Chính phủ Hoa Kỳ và phục hồi ngành sản xuất trong nước, các nhà kinh tế và doanh nhân đã cảnh báo nguy cơ hàng hóa bị đẩy giá lên cao, gây tổn hại đến lợi ích của người tiêu dùng, làm gián đoạn thương mại toàn cầu và gây bất lợi cho sự phát triển kinh tế toàn cầu.
Thị trường chứng khoán và giao dịch quốc tế phản ứng tiêu cực với chính sách thuế mới. Hợp đồng tương lai Nasdaq mở rộng mức lỗ lên tới 4% trong phiên giao dịch đầu ngày hôm nay, trong khi hợp đồng tương lai S&P 500 giảm hơn 3%.
Cổ phiếu của Apple giảm hơn 7% sau khi thị trường đóng cửa, Nvidia giảm hơn 5% sau khi thị trường đóng cửa, và Tesla cũng giảm hơn 6% sau khi thị trường đóng cửa.
Ngoài ra, giá Bitcoin giảm xuống dưới 83.000 USD một đồng. Giá vàng giao ngay tiếp tục thiết lập mức cao kỷ lục, đạt gần 3.150 USD/ounce.
Ngày 2/4 (giờ Hoa Kỳ), Tổng thống Donald Trump công bố mức thuế nhập khẩu với hơn 180 nền kinh tế. Trong đó, Trung Quốc và Việt Nam nằm trong nhóm các nước bị áp mức thuế cao nhất, lần lượt là 34% và 46%. Liên minh châu Âu (EU), Malaysia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ chịu 20-26%.