| Hotline: 0983.970.780

Thủ tướng: 'Kết nối giữa các tỉnh miền Trung còn rời rạc'

Chủ Nhật 05/02/2023 , 15:33 (GMT+7)

Mục tiêu của Nghị quyết số 26-NQ/TW của Bộ Chính trị là đến 2030, vùng Bắc Trung bộ - Duyên hải Trung bộ là vùng phát triển năng động, bền vững, mạnh về kinh tế biển…

Đột phá trong đột phá

Sáng 5/2, Hội nghị Triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW của Bộ Chính trị với chủ đề “Liên kết - Đột phá từ kinh tế biển - Phát triển nhanh và bền vững” diễn ra tại Bình Định, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị.

Khai mạc hội nghị, Thủ tướng đặt những câu hỏi gợi ý: Vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung bộ có rất nhiều tiềm năng, nhiều tài nguyên nên được Bộ Chính trị rất quan tâm. Tài nguyên về con người thì các tỉnh trong khu vực có nhiều danh nhân trên mọi lĩnh vực, tài nguyên thiên nhiên thì có rừng vàng biển bạc.

Thế nhưng vì sao vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung bộ có GRDP bình quân đầu người thấp, tăng trưởng kinh tế chưa bền vững, chất lượng và năng lực cạnh tranh chưa cao, cơ cấu kinh tế chuyển dịch còn chậm, chưa có đột phá.

“Tại hội nghị này, các địa phương trong vùng phải khơi thông những vướng mắc, đề ra giải pháp để khắc phục để phát triển. Mỗi địa phương cần chọn ra những vấn đề trọng tâm, trọng điểm, chọn 1 vài việc để đặt toàn tâm toàn ý vào đó để có những bước đột phá. Trung ương đã xác định những đột phát về thể chế, về hạ tầng để phát triển đất nước, vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung bộ cũng cần dựa vào đó để đột phát trong đột phá”, Thủ tướng gợi ý.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị. Ảnh: Đ.T.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị. Ảnh: Đ.T.

Mục tiêu Nghị quyết số 26-NQ/TW của Bộ Chính trị là đến năm 2030, vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung bộ sẽ là vùng phát triển năng động, nhanh, bền vững, mạnh về kinh tế biển. Có kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội đồng bộ, hiện đại; có khả năng chống chịu cao với thiên tai, dịch bệnh và thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu.

Là vùng có 1 số trung tâm công nghiệp, dịch vụ, hợp tác quốc tế lớn của cả nước, với những khu kinh tế ven biển và hệ thống đô thị ven biển đạt chuẩn quốc gia và khu vực. Là cửa ngõ ra biển của vùng Tây Nguyên và nước bạn Lào.

Theo đó, đời sống của người dân được nâng cao; quốc phòng, an ninh và chủ quyền biển, đảo được đảm bảo vững chắc; các tổ chức Đảng, hệ thống chính trị vững mạnh; khối đại đoàn kết toàn dân được tăng cường.

Tầm nhìn đến năm 2045, vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ sẽ phấn đấu phát triển ngang tầm khu vực châu Á với các khu kinh tế ven biển hiện đại, đô thị ven biển thông minh, có bản sắc riêng; đời sống vật chất và tinh thần của người dân đạt mức cao.

Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW theo nguyên tắc bám sát quan điểm, mục tiêu; đồng thời cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp. Trong đó, xác định rõ các nhiệm vụ chủ yếu, các giải pháp cụ thể gắn với kế hoạch theo lộ trình phù hợp nhằm đạt được các mục tiêu của Nghị quyết.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Đ.T.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Đ.T.

Để thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW, Chính phủ đề ra 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm; 34 nhiệm vụ cụ thể và 11 dự án đầu tư hạ tầng giao thông kết nối và phân công cho các Bộ, ngành triển khai thực hiện, có lộ trình thời gian cụ thể.

Chương trình hành động của Chính phủ đã đưa ra nhiều điểm mới, có tính đột phá trong phát triển của vùng, nhất là về định hướng phát triển, mục tiêu cụ thể, nhiệm vụ cụ thể với những giải pháp rõ ràng.

Nhận diện khó khăn để khắc phục

Để đạt được những mục tiêu nói trên, Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng các Bộ, thủ trưởng các cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, lãnh đạo các địa phương trong vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung bộ tăng cường công tác tuyên truyền, tạo sự đồng thuận trong xây dựng, tổ chức thực hiện các chương trình, kế hoạch hành động thực hiện.

Tại hội nghị, sau khi nghe các đề xuất, giải pháp rất thiết thực của các Bộ trưởng, các địa phương và các tổ chức quốc tế, Thủ tướng có ý kiến kết luận: Vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung bộ có nhiều tiềm năng khác biệt, nhiều cơ hội cạnh tranh so cả nước và trong khu vực. Chính phủ đề nghị lãnh đạo các Bộ, ngành và các địa phương nghiên cứu thêm, căn cứ vào thẩm quyền, chức năng, nhiệm vụ được quy định để tổ chức, thực hiện những bước đột phá.

Về thực trạng của vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu boăn khoăn là vùng đất có tiềm năng lớn như vậy mà lại chưa phát triển tương xứng. Phải chăng do cơ chế, chính sách còn hạn hẹp so với tiềm năng? Hoặc do những khó khăn, thách thức và những hạn chế yếu kém chưa được nhận diện?

Thủ tướng Phạm Minh Chính tham quan khu gian hàng trưng bày nông sản của các tỉnh trong khu vực. Ảnh: Đ.T.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tham quan khu gian hàng trưng bày nông sản của các tỉnh trong khu vực. Ảnh: Đ.T.

“Tôi đề nghị lãnh đạo các Bộ, ngành và chính quyền các địa phương phải nghiên cứu, nhận ra những tồn tại, khó khăn, thách thức của khu vực này là những gì, để các Bộ và địa phương tiếp tục suy nghĩ, đóng góp ý tưởng, hành động để phát triển vùng”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nói.

Thủ tướng Chính phủ còn nêu băn khoăn phải làm sao đẻ để phát huy hết tiềm năng của vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung bộ, đặc biệt là tiềm năng về con người. Về kết nối giữa các tỉnh với nhau hiện còn quá rời rạc, kết nối giữa vùng với khu vực chưa chặt chẽ, kết nối giữa đất nước với thế giới chưa đầy đủ.

Thủ tướng xác định những mối kết nối nói trên còn rời rạc là do giao lưu con người với nhau chưa tương xứng với tiềm năng. Thứ đến là kết nối về thể chế, về ý tưởng, về sáng tạo và đổi mới. Đặc biệt là sự kết nối lỏng lẻo về hệ thống giao thông chiến lược, trong khi đất nước có đầy đủ hệ thống giao thông cả đường sắt, đường bộ, đường thủy, đường hàng không.

“Nghị quyết số 26-NQ/TW của Bộ Chính trị và Chương trình hành động cũng đã cho thấy việc kết nối là vấn đề trung tâm cần đột phá. Về nguồn lực, trong thời gian tới chúng ta cần khai thác để phát huy hết năng lực sáng tạo, sự tự lực, tự cường. Con người miền Trung khát vọng có, trí tuệ có, phẩm chất có, lại chịu thương chịu khó, giờ phải làm sao để phát huy hết tiềm năng này để phát triển. Vấn đề thể chế là vấn đề vẫn còn vướng mắc chưa tháo gỡ hết. Do đó, phải có tiếng nói chung để quyết tâm tháo gỡ cho được”, Thủ tướng tâm tư.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan tham quan khu gian hàng trưng bày nông sản của các tỉnh trong khu vực tại Hội nghị Triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW của Bộ Chính trị. Ảnh: Đ.T.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan tham quan khu gian hàng trưng bày nông sản của các tỉnh trong khu vực tại Hội nghị Triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW của Bộ Chính trị. Ảnh: Đ.T.

Về chuyển dịch cơ cấu kinh tế đột phá từ biển, theo Thủ tướng, cần phải tập trung vào cơ cấu và chuyển đổi số; phải phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn theo xu thế. Về phát triển kinh tế nông nghiệp cần phải tập trung đẩy mạnh tiêu dùng nội địa; tiếp đến là phải đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa sản phẩm để hướng đến xuất khẩu.

“Về phát triển kinh tế biển cần phải có cảng biển, cảng du lịch biển, cảng cá và cần phải có hướng phát triển cụ thể và quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên biển”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nói.

“Ngoài những mục tiêu mang tính pháp lệnh trong Nghị quyết số 26-NQ/TW của Bộ Chính trị, trước mắt, chúng ta cần hướng đến mục tiêu phải biến vùng đất này thành vùng đất giàu có, có bản sắc văn hóa, có nhiều đột phá hơn nữa. Chúng ta phải lấy thực tiễn làm thước đo, để nắm bắt những diễn biến trong khu vực để có đối sách kịp thời, phù hợp để điều hành. Thứ đến, phải có tư duy phương pháp luận để giải quyết những vấn đề ách tắc trong 3 đột phá chiến lược, có phương pháp tiếp cận để giải quyết từng vấn đề một cách phù hợp, hiệu quả. Được thế, tôi tin rằng vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung bộ sẽ có những bước phát triển đột phá trong những năm tới, sẽ có được sự hội nhập sâu rộng để Nghị quyết số 26-NQ/TW của Bộ Chính trị đạt thành công”, Thủ tướng  nhấn mạnh.

Xem thêm
Nông nghiệp dẫn lối, tương lai rộng mở trên vùng đất Si Ma Cai

LÀO CAI Si Ma Cai đổi thay từng ngày từ nông nghiệp, nơi những mùa quả ngọt không chỉ mang lại thu nhập mà còn thắp sáng hy vọng về một tương lai no đủ, bền vững.

Giáp pháp kỹ thuật nào giúp vận hành thủy điện, thủy lợi hiệu quả?

Hiện nay liên danh KIV - Weatherplus đã cung cấp các dịch vụ dự báo thời tiết có độ chính xác cao bằng việc ứng dụng công nghệ Nhật Bản tại một số hồ chứa.

Nậm Tông hồi sinh giữa lòng núi rừng

Lào Cai Giữa sương mai bồng bềnh, Nậm Tông thức giấc trong ánh vàng dịu nhẹ, những mái nhà mới khoác màu đất ấm áp vẽ nên bức tranh hồi sinh kỳ diệu.