| Hotline: 0983.970.780

Thương lái Trung Quốc thao túng thị trường thanh long: Mạng lưới chân rết

Thứ Ba 10/11/2015 , 09:15 (GMT+7)

Sau nhiều ngày thâm nhập thực tế, PV NNVN đã tìm ra những “chiêu trò” ép giá của thương lái Trung Quốc (TQ) cũng như những bất ổn trong việc tổ chức sản xuất thanh long của ta hiện nay.

Vài năm trở lại đây, giá thanh long trên thị trường có nhiều diễn biến bất thường, với xu hướng giảm dần qua từng năm. Sự bất bình thường này làm điêu đứng cả người trồng và người mua, bán thanh long. 

Không phải đến bây giờ thương lái Trung Quốc mới có mặt tại các vùng trồng chuyên canh thanh long như Long An, Tiền Giang, Bình Thuận để thu mua thanh long xuất khẩu. Từ 5 năm trước, họ đã đến những vùng này để thiết lập mạng lưới chân rết nhằm thao túng thị trường thanh long của ta…

17-04-28_nh-1-bi-1
Thương nhân TQ thông qua Visa du lịch dễ dàng tiếp cận, đặt quan hệ làm ăn với thương lái địa phương

Nở rộ vựa thu mua

Chúng tôi về huyện Châu Thành (Long An), địa phương có diện tích trồng thanh long lên đến hơn 6.500 ha, lớn nhất các tỉnh phía Nam.

Những ngày này, đi đến đâu chúng tôi cũng dễ dàng bắt gặp không khí nhộn nhịp, tấp nập cảnh mua, bán thanh long giữa nhà vườn với thương lái, giữa thương lái và chủ vựa.

Trên khắp các nẻo đường, xe container chở thanh long xuất khẩu chạy ngược xuôi cả ngày đêm.

Theo số liệu thống kê của Phòng Nông nghiệp huyện Châu Thành, hiện trên địa bàn huyện có 66 cơ sở thu mua, sơ chế thanh long XK đang hoạt động, con số này tăng gấp 10 lần so với thời điểm năm 2000.

Bên cạnh đó, có hơn chục cơ sở khác đang được khẩn trương xây dựng. Là một trong những người đầu tiên XK thanh long sang thị trường TQ, ông Trương Quang An, chủ doanh nghiệp XK thanh long lớn tại thị trấn Tầm Vu (Châu Thành) vẫn còn nhớ “cách chơi đẹp” của thương lái TQ vào những năm 2008 - 2009.

Ông An cho hay, thời điểm đó, trên địa bàn huyện chỉ có khoảng hơn 20 cơ sở thu mua, sơ chế thanh long XK chứ không nở rộ như bây giờ. Khi đó, một số thương nhân Trung Quốc từ tỉnh Bình Thuận tìm đến địa phương khảo sát tình hình SX và tìm hiểu thị trường tiêu thụ thanh long tương đối kỹ.

Sau đó họ đề xuất hợp tác với một số chủ vựa địa phương để tìm nguồn cung cấp thanh long nhưng được đóng bao bì nhãn mác với thương hiệu “thanh long Bình Thuận”.

Những lần giao dịch sau đó, hai bên liên hệ buôn bán với nhau qua điện thoại. “Muốn mua bao nhiêu thì thương lái TQ gọi điện báo cho mình và chuyển một phần tiền qua gọi là đặt cọc. Vào mùa chong đèn, tiền cọc mà đối tác phía TQ chuyển qua có khi đến 2/3 giá trị đơn hàng.

Khi đó đóng thanh long xuất khẩu sang thị trường TQ không sợ bị ép như hiện nay. Chính vì vậy, người làm xuất khẩu thanh long phất lên rất nhanh”, ông An tâm sự.

Nhận thấy nhiều cơ sở thu mua, XK thanh long làm ăn với thương nhân TQ phất lên quá nhanh, nhiều thương lái vốn dĩ trước đây chỉ đóng vai trò trung gian mua bán giữa nông dân và chủ vựa cũng liều lĩnh đứng ra mở vựa.

Từ đó dẫn đến tình trạng tranh mua, giành bán khá rầm rộ, phức tạp. Các thương lái TQ trước đây bắt đầu “tung chiêu” thâu tóm các vựa thanh long.

17-04-28_nh-2-bi-1
Thương nhân TQ ký hợp đồng thuê mặt bằng với giá “khủng” 720 triệu đồng/300 m2/3 năm

Theo ghi nhận, vài năm trở lại đây phong trào mở vựa thu mua thanh long XK trên địa bàn huyện Châu Thành đang phát triển ồ ạt. Thậm chí có những nông dân trúng vài vụ thanh long chong đèn có vốn nên họ bắt đầu mở vựa thu mua.

Có người xuất thân là “cò” thanh long, còn non kinh nghiệm buôn bán nhưng cũng liều mở vựa. Vốn ít, họ chấp nhận mang tài sản thế chấp ngân hàng để đầu tư nhà xưởng, kho lạnh hàng tỉ đồng thu mua thanh long XK sang TQ.

“Theo người dân xã Dương Xuân Hội và Long Trì, trên địa bàn hiện chỉ còn 2 vựa thanh long là người Việt tự đóng hàng, còn hầu hết các vựa đã cho thuê lại nhà xưởng hoặc bán cho thương lái TQ. Để qua mặt các cơ quan chức năng, thương lái TQ sau khi mua vựa vẫn để nguyên tên cũ và cũng không làm thủ tục thay đổi tên doanh nghiệp”.

Do vốn ít, không có bạn hàng bên kia biên giới nên một số chủ vựa thanh long liều lĩnh đưa hàng qua TQ rồi tự tìm mối tiêu thụ. Nếu hôm nào hàng ít, giá cao thì có lời, còn gặp buổi chợ ế, giá thấp thì chấp nhận lỗ, thậm chí đổ hàng đánh xe về tay không.

Sau một vài chuyến lỗ vốn, các chủ vựa nhỏ đã “sức cùng lực kiệt” phải chấp nhận phá sản hoặc buông xuôi cho thương lái TQ thâu tóm.

Chân rết khắp nơi

Theo chân ông H, một cán bộ an ninh địa phương, chúng tôi tiếp cận một cơ sở thu mua, sơ chế thanh long xuất khẩu sang Trung Quốc có địa điểm đóng ngay sát trụ sở UBND xã Dương Xuân Hội (Châu Thành, Long An).

Cơ sở  này do một người TQ có tên A Lương trực tiếp đứng ra quản lý. Khác biệt với nhiều cơ sở thu mua thanh long trong vùng khác, cơ sở của A Lương không hề treo biển ghi tên cơ sở cũng như chỉ dẫn nào.

A Lương năm nay 24 tuổi, mới qua Việt Nam tiếp nhận công việc quản lý, thay thế cho một quản lý khác cũng người TQ hồi hương được hơn 3 tháng nay.

Do chưa thành thạo tiếng Việt nên việc trao đổi thông tin thị trường, phương thức mua bán với thương lái địa phương của A Lương luôn phải thông qua phiên dịch tên Hưng, là người gốc Hoa quốc tịch Việt Nam, hộ khẩu thường trú tại quận 5 (TP.HCM).

Theo A Lương, hiện nay trên địa bàn huyện Châu Thành có khoảng từ 15 - 20 cơ sở thu mua thanh long đang có người đồng hương TQ đứng ra trực tiếp quản lý. Thông thường những người này chia thành 2 - 3 nhóm nhỏ, họ thường xuyên có những cuộc gặp gỡ tại TP.HCM, TP.Tân An, thị trấn Tầm Vu để trao đổi thông tin thị trường.

Ngoài những cơ sở có người TQ đứng ra quản lý, mạng lưới thu mua thanh long do người địa phương đứng ra làm chủ cũng bị thương nhân TQ từng bước thao túng, đặt chân rết cho họ.

17-04-28_nh-3-bi-1
Một cơ sở chân rết do người TQ trực tiếp đứng ra điều hành thu mua thanh long

Theo ông H, để nhanh chóng “hạ gục” hay biến một vựa thanh long nào đó thành “sân sau”, thương lái TQ thường áp dụng chiêu đặt hàng với số lượng lớn, liên tục trong một thời gian.

Số lượng đặt hàng bao giờ cũng vượt khả năng của vựa đó dẫn đến tâm lý muốn mở rộng nhà xưởng, đầu tư mua xe để đáp ứng nhu cầu bạn hàng. Khi chủ vựa đã “dốc toàn lực” mở rộng quy mô SX thì cũng là lúc thương lái TQ dừng mua, hạ giá với hàng loạt lý do như hàng kém chất lượng, trái cây vào mùa nhiều…

Điều này khiến không ít chủ vựa điêu đứng, nếu đóng cửa thì mắc nợ ngân hàng, còn tiếp tục thì không biết bán cho ai. Khi đó, chủ vựa chỉ còn hai lựa chọn hoặc bán vựa cho chính thương lái TQ đã đặt hàng trước đây hoặc chấp nhận làm “vệ tinh” gom hàng.

Phải thuyết phục mãi, một tay cò thanh long tên Cường mới bật mí cho chúng tôi cách hoạt động của các vựa đã bị thương lái TQ mua lại. Đó là, sau khi mua vựa, thương lái TQ sẽ thuê luôn những chủ vựa trước đây quản lý kho. Một mặt để đối phó khi lực lượng chức năng kiểm tra, mặt khác là tận dụng các mối bán thanh long mà các vựa đang có.

“Thực chất, họ không khác gì người làm thuê, chân rết cho thương lái TQ. Muốn mua thanh long ở vườn nào đó, họ phải đưa những ông chủ người TQ đến tận nơi xem hàng, ra giá. Bề ngoài, bảng hiệu, nhà xưởng, công nhân, xe cộ vẫn tấp nập, nhưng thực chất họ không có một chút quyền hành nào trong định giá thanh long, cứ như cái xác không hồn…!”, Cường chua chát.

Xem thêm
Làng nghề làm khô cá đồng Tân Châu tất bật vào vụ Tết

An Giang Sản phẩm từ làng nghề làm khô cá đồng tại Tân Châu ngày càng được mở rộng kênh tiêu thụ thông qua thương mại điện tử, giúp nâng cao giá trị sản phẩm.

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cảnh báo lừa đảo tuyển dụng

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đưa ra cảnh báo người dân về hiện tượng mạo danh Tập đoàn lừa đảo tuyển dụng nhân sự trên mạng xã hội.

Quỹ Vì Tầm Vóc Việt: Mục tiêu trở thành quỹ xã hội hàng đầu

Trong giai đoạn 2025-2034, Quỹ Vì Tầm Vóc Việt (VTVV) đặt mục tiêu dẫn đầu về chăm sóc sức khỏe học đường, bảo vệ trẻ em và phát triển phụ nữ.

Hà Nội sắp đưa vào sử dụng gần 6.000 căn nhà ở xã hội

Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, gần 6.000 căn hộ tại 11 dự án nhà ở xã hội dự kiến sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng trong giai đoạn 2024 - 2025.