Việc Chính quyền của Tổng thống Donald Trump áp thuế bổ sung 10% lên hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, trong đó có thủy sản, được dự báo sẽ mở ra những cơ hội mới cho thủy sản Việt Nam.
Trung Quốc hiện đang nằm trong 10 thị trường cung cấp thủy sản lớn nhất cho Mỹ. Thống kê của Cơ quan Nghề cá biển quốc gia Mỹ (NMFS) cho thấy, 11 tháng năm 2024, có 315 nghìn tấn thủy sản từ Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ, trị giá gần 1,4 tỷ USD.
Tính về lượng, thủy sản từ Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ chỉ đứng sau Việt Nam. Vì vậy, khi thuế với thủy sản Trung Quốc tăng lên, các doanh nghiệp Mỹ có thể chuyển hướng sang Việt Nam tìm đối tác cung ứng thủy sản thay thế cho nguồn cung thiếu hụt từ Trung Quốc.
![che-bien-ca-tra-xuat-khau-o-dbscl-anh-huu-duc-070946_14.jpg Cá tra Việt Nam có cơ hội gia tăng thị phần tại Mỹ.](https://i.ex-cdn.com/nongnghiep.vn/files/content/2025/02/12/che-bien-ca-tra-xuat-khau-o-dbscl-anh-huu-duc-070946_14-133744.jpg)
Cá tra Việt Nam có cơ hội gia tăng thị phần tại Mỹ.
Mặt khác, các doanh nghiệp Mỹ và cả các thị trường khác như Nhật Bản, Canada… cũng sẽ tìm kiếm đối tác gia công chế biến thủy sản ở Việt Nam thay thế cho đối tác Trung Quốc để xuất khẩu sang Mỹ. Đây là cơ hội tốt để thủy sản Việt Nam gia tăng thị phần tại thị trường Mỹ.
Mặt hàng cá tra nói riêng cũng đang có cơ hội để gia tăng thị phần trên thị trường Mỹ. Theo bà Lê Hằng, Giám đốc Truyền thông của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), hàng năm Mỹ nhập khẩu thủy sản từ Trung Quốc với trị giá từ 1,6 - 2 tỷ USD. Trong đó, tập trung nhiều vào các sản phẩm cá phile tươi/đông lạnh với giá trị từ 1-1,4 tỷ USD (chiếm khoảng 70%). Trong nhóm cá phile tươi/đông lạnh nhập khẩu từ Trung Quốc vào Mỹ, cá rô phi chiếm khối lượng và giá trị lớn nhất, tiếp đến là cá tuyết, cá hồi …
Việc Mỹ áp thuế bổ sung 10% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc có thế khiến giá cá rô phi của Trung Quốc tại thị trường Mỹ tăng lên, qua đó, có thể dẫn tới người tiêu dùng Mỹ giảm sử dụng cá rô phi Trung Quốc mà chuyển sang các loại cá thị trắng khác, trong đó có cá tra Việt Nam. Vì vậy, việc Mỹ áp thuế bổ sung với hàng hóa Trung Quốc dự báo sẽ tạo nhiều cơ hội hơn cho cá tra trên thị trường này.
Trong những năm gần đây, cá tra đã liên tục giành được thị phần so với cá rô phi tại Mỹ, với tỷ lệ dự báo là 60:40 vào năm 2024. Báo cáo chuyên sâu của Viện Thủy sản quốc gia Mỹ (NFI) dự đoán rằng cá tra có thể sẽ thay thế phần lớn thị phần cá rô phi vào năm 2025.
Không chỉ có cơ hội tại thị trường Mỹ, thủy sản Việt Nam được dự báo cũng sẽ có thêm cơ hội tại thị trường Trung Quốc. Việc Mỹ áp thuế bổ sung 10% với hàng hóa Trung Quốc sẽ dẫn tới hành động trả đũa tương tự từ Trung Quốc.
Trung Quốc hiện đang nhập khẩu các sản phẩm thủy sản từ Mỹ như cá hồi, cá tuyết, cá minh thái, tôm hùm, cua huỳnh đế …, chủ yếu nhằm phục vụ cho phân khúc tiêu thụ thủy sản cao cấp như nhà hàng, khách sạn. Khi Trung Quốc trả đũa Mỹ về thuế quan, những mặt hàng thủy sản cao cấp của Mỹ nhập khẩu vào Trung Quốc sẽ bị ảnh hưởng, qua đó mở thêm cơ hội cho thủy sản cao cấp Việt Nam.
Hai năm gần đây, nhất là năm 2024, Trung Quốc tăng mạnh nhập khẩu các mặt hàng thủy sản tươi/sống từ Việt Nam như cua, ngao, tôm hùm, ốc..., để phục vụ cho nhóm khách hàng cao cấp tại thị trường này. Nhu cầu tiêu thụ thủy sản cao cấp ở Trung Quốc được dự báo là tiếp tục tăng, trong khi nguồn cung cấp từ Mỹ bị sụt giảm, do đó, tạo cơ hội cho Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu thủy sản tươi/sống cao cấp sang Trung Quốc.
Tuy nhiên, cuộc chiến thuế quan giữa Mỹ với Trung Quốc, Canada... cũng đặt ra những thách thức không nhỏ cho thủy sản Việt Nam. Khi gặp khó tại thị trường Mỹ về thuế quan, các doanh nghiệp xuất khẩu cá rô phi Trung Quốc sẽ đẩy mạnh tiêu thụ nội địa, qua đó ảnh hưởng tới việc xuất khẩu cá tra Việt Nam sang Trung Quốc.
Mỹ hiện là thị trường lớn nhất của thủy sản Canada khi chiếm 70% xuất khẩu thủy sản của nước này, với giá trị từ 3,5 - 5 tỷ USD/năm, với các sản phẩm chính là tôm hùm, cá tuyết, cua tuyết... Khi gặp khó tại thị trường Mỹ do mức thuế 25%, Canada sẽ đẩy mạnh xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc, qua đó cạnh tranh mạnh mẽ với thủy sản cao cấp từ các nguồn cung khác, trong đó có Việt Nam. Mặt khác, các doanh nghiệp Canada cũng sẽ đẩy mạnh tiêu thụ nội địa, khiến cho thủy sản Việt Nam nhập khẩu vào Canada bị ảnh hưởng ít nhiều.
Tuy có những thách thức không nhỏ, nhưng theo nhận định của bà Lê Hằng, cơ hội dường như vẫn nhiều hơn thác thức. Ngành thủy sản Việt có thể nắm bắt cơ hội và bứt phá nếu nguồn cung ứng nguyên liệu tốt về cả khối lượng và chất lượng.
Theo bà Lê Hằng, trong bối cảnh tình hình thương mại quốc tế thay đổi liên tục, doanh nghiệp thủy sản cần xây dựng các kế hoạch dự phòng, tránh tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng; xây dựng các kênh cung ứng bền vững và linh hoạt, bao gồm nguồn nguyên liệu trong nước và nhập khẩu nguyên liệu khi cần thiết để tránh tình trạng thiếu hụt.
Doanh nghiệp cần cập nhật và nắm bắt kịp thời thông tin thị trường, điều chỉnh cơ cấu sản phẩm - thị trường linh hoạt trong bối cảnh mới. Chẳng hạn, có thể tăng thị phần cá tra tại Mỹ, thúc đẩy xuất khẩu thủy sản tươi sống sang Trung Quốc, cân đối để có sản phẩm cạnh tranh tại ASEAN, mở rộng thị phần tại thị trường Trung Đông…
Các doanh nghiệp phải luôn đảm bảo chất lượng thủy sản xuất khẩu, tính minh bạch, khả năng truy xuất nguồn gốc hiệu quả để giữ uy tín và tăng thị phần tại các thị trường tiềm năng trong năm 2025. Doanh nghiệp thủy sản cần đầu tư hơn cho chế biến sâu để tăng giá trị gia tăng và mở rộng thị phần tại các thị trường, đồng thời tránh bị áp thuế chống bán phá giá và các rào cản thuế khác trong bối cảnh mới này.