Chuẩn bị nguồn nước cho mùa khô 2024
Vụ lúa đông xuân 2023-2024, ngành Nông nghiệp tỉnh Vĩnh Long có kế hoạch xuống giống 40.000ha, chia làm 3 đợt. Mấy ngày nay, bà con nông dân ở hầu hết các địa phương trong tỉnh đã bắt đầu đợt xuống giống chính vụ vụ lúa này. Đến nay, toàn tỉnh đã xuống giống 8.300 ha (đang tập trung giai đoạn mạ đến đẻ nhánh).
Ông Nguyễn Vĩnh Phúc, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật thông tin về sản xuất rau màu vụ đông xuân 2023-2024, đến giữa tháng 11/2023, bà con đã xuống giống được gần 3.200ha trong kế hoạch khoảng 23.800ha. Ngoài ra, vườn cây ăn trái của tỉnh đã đạt trên 70.000ha. Hiện, các vườn cây đang phát triển tốt và đang vào vụ cho trái chuẩn bị cho Tết Nguyên đán 2024.
Ngay từ đầu tháng 6/2023, Sở NN-PTNT đã tham mưu UBND tỉnh Vĩnh Long ban hành Chỉ thị số 10 về việc chủ động triển khai các biện pháp cấp bách ứng phó với nguy cơ nắng nóng, xâm nhập mặn, hạn hán, thiếu nước do hiện tượng El Nino. Đến ngày 27/9, Sở NN-PTNT đề xuất UBND tỉnh xem xét ban hành kế hoạch phòng chống hạn mặn giai đoạn 2023-2025.
Nhằm chủ động nguồn nước, phòng chống xâm nhập mặn, Sở NN-PTNT trình UBND tỉnh Vĩnh Long xem xét 3 kịch bản có thể xảy ra trong mùa khô tới. Trong đó, Chi cục Thủy lợi tỉnh kiến nghị lãnh đạo ngành NN-PTNT xem xét các giải pháp để vận hành công trình và đưa ra khuyến cáo để ứng phó tình huống xấu nhất, tương ứng kịch bản số 3: “Trường hợp xâm nhập mặn rất sâu, độ mặn lên rất cao tương đương mùa khô năm 2019-2020”.
Tuy nhiên, ông Trần Nguyễn Anh Tú, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Vĩnh Long thông tin thêm: “Hạn mặn có khả năng cao hơn năm 2025-2016, bằng năm 2022 nhưng không khắc nghiệt bằng 2019-2020, có một số thời điểm có khả năng cao như 2020 tuy nhiên nếu xảy ra kịch bản này thì thời gian mặn xuất hiện sẽ không kéo dài”.
Ngoài ra, hàng năm tỉnh đều chuẩn bị các giải pháp ứng phó, nhất là công tác nạo vét kênh rạch và vận hành cống đập tích trữ nước ngọt. Bên cạnh đó là công tác sửa chữa, gia cố một số cống bọng, công trình thủy lợi kém an toàn.
Bà con yên tâm sản xuất
Tại huyện Tam Bình, địa phương có 2 tuyến sông chính (sông Măng Thít và sông Hậu) với tổng chiều dài 11,5km đi qua địa bàn các xã Hòa Thạnh, Hòa Hiệp, Tường Lộc, Loan Mỹ, Bình Ninh, Ngãi Tứ và thị trấn Tam Bình. Cùng với đó, có 1.118 tuyến kênh với tổng chiều dài trên 1.150km. Bên cạnh, có 36 cống và 77 đập kiên cố đảm bảo điều tiết nước nội đồng phục vụ sản xuất và dân sinh.
Phòng NN-PTNT huyện Tam Bình cho biết, hàng năm, UBND huyện và các xã đều có kế hoạch nạo vét, trục vớt lục bình, khai thông dòng chảy đảm bảo thông thoáng lòng sông kênh, rạch. Giai đoạn từ năm 2011 đến nay, từ các nguồn vốn huyện đã đầu tư 182 công trình thủy lợi.
Hiện, hệ thống công trình thủy lợi của huyện cơ bản hoàn chỉnh, đồng bộ gắn với mục tiêu cơ cấu lại ngành nông nghiệp. Các dự án thủy lợi đảm bảo phục vụ tưới và tiêu nước chủ động cho gần 24.590ha đất sản xuất nông nghiệp, đạt 100%. Đến nay, 16/16 xã trong huyện đều đạt chuẩn tiêu chí thủy lợi và phòng chống thiên tai theo quy định của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM giai đoạn 2021-2025.
Ông Nguyễn Hữu Phước, Chủ tịch HĐQT HTX Tân Tiến (xã Mỹ Lộc, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long) nêu cảm nhận: Nhìn chung, vấn đề thủy lợi được chính quyền quan tâm, đảm bảo bà con gieo sạ 3 vụ lúa trong năm cũng như tiêu thoát nước mùa mưa. “Hai ngày nay, bà con trong xã đã xuống giống rồi. Riêng thành viên của HTX đã xuống được gần 13ha. Thời tiết thuận lợi, không bị nắng nóng, mưa lớn gây chết giống”, ông Phước nói về việc xuống giống lúa đông xuân.
Còn tại huyện Bình Tân, năm 2023, huyện Bình Tân có kế hoạch thi công 17 công trình cơ giới, với tổng chiều dài gần 26.400m, khối lượng đất đào đắp trên 104.000m3, tổng nguồn vốn khoảng 3,75 tỷ đồng, đến đầu mùa lũ đã có 11 công trình hoàn thành và vận hành, phát huy hiệu quả.
Bên cạnh đó, từ nguồn vốn sự nghiệp thủy lợi 180 triệu đồng, huyện đã thực hiện hoàn thành 5 công trình với tổng chiều dài trên 3.200m, khối lượng đất đào đắp gần 9.800m3. Ngoài ra, huyện Bình Tân còn thực hiện hoàn thành 9 công trình thủy lợi nội đồng, tổng chiều dài gần 4.400m, khối lượng đất đào đắp trên 6.600m3, tổng kinh phí 137 triệu đồng.
Nhờ đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình thủy lợi đã giúp người dân chủ động trong việc trữ nước tưới tiêu trong mùa hạn và bảo vệ sản xuất trong mùa lũ, từ đó có kế hoạch trồng các loại rau màu phù hợp, nhằm nâng cao thu nhập cho gia đình.
Xã Tân Thành (huyện Bình Tân) có diện tích trồng lúa luân canh khoai lang 789ha và 326ha cây ăn trái. Ông Trần Văn Sáu, Chủ tịch UBND xã cũng cho hay: “Các công trình đê bao đã được khép kín, tuy nhiên đa số kết hợp với giao thông bộ nên qua mùa khô đất sẽ bị xốp và dễ bị xói mòn, lún dẫn đến các kênh rạch dễ bị bồi lắng. Hàng năm, xã đều triển khai nạo vét các kênh rạch, đặc biệt gia cố những điểm xung yếu cũng là để phòng chống triều cường gây ngập lụt vào mùa mưa”.
Nhờ quan tâm công tác thủy lợi nên sản xuất nông nghiệp đạt hiệu quả cao về năng suất và chất lượng. Công ty Nông nghiệp 620 đang đầu tư 15ha khoai lang tím Nhật tại xã Tân Thành, phục vụ xuất khẩu tại thị trường Trung Quốc. Anh Luân, một kỹ sư làm việc cho doanh nghiệp này đánh giá công tác thủy lợi được chính quyền địa phương thực hiện rất tốt. Cây phát triển tốt, năng suất khoai thu được dao động từ 60 – 70 tạ/công.
Đẩy nhanh tiến độ thi công công trình năm 2023
Năm 2023, Sở NN-PTNT tập trung nguồn lực đầu tư hoàn thành các dự án chuyển tiếp từ năm 2022, đồng thời triển khai thực hiện các dự án thủy lợi mới, như: “Hệ thống thủy lợi phục vụ nuôi trồng thủy sản huyện Tam Bình – huyện Long Hồ. Hệ thống thủy lợi các xã Song Phú, Phú Lộc, Hậu Lộc, Hòa Lộc, Mỹ Lộc (huyện Tam Bình). Hệ thống thủy lợi cồn Lục Sĩ - huyện Trà Ôn (giai đoạn 2)”.
Cùng với đó, nâng cấp hệ các công trình thủy lợi: Hệ thống thủy lợi Mỹ Lộc - Mỹ Thạnh Trung - Long Phú - Song Phú (huyện Tam Bình). Hệ thống thủy lợi Thanh Đức - Long Mỹ (huyện Long Hồ - huyện Mang Thít). Kè chống sạt lở sông Tắc Từ Tải, khu vực phường Cái Vồn và phường Thành Phước (TX Bình Minh). Kè chống sạt lở bờ sông Cái Vồn Lớn và sông Cái Vồn Nhỏ, xã Mỹ Hòa (TX Bình Minh). Kè chống sạt lở bờ sông Cổ Chiên (đoạn từ đầu cù lao An Bình đến phà An Bình) - xã An Bình (huyện Long Hồ)…
Ông Nguyễn Văn Liêm, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Vĩnh Long cho biết, địa phương đang khẩn trương hoàn thành các công trình, đê bao thủy lợi phục vụ cho sản xuất nông nghiệp thuộc nguồn vốn tỉnh, vốn Trung ương đầu tư đồng thời đề nghị các địa phương rà soát lại hệ thống đê bao, thủy lợi nhanh chóng tu sửa những nơi xung yếu, xuống cấp để bảo vệ sản xuất.
Đến nay, toàn tỉnh đã hình thành hệ thống công trình thủy lợi với số lượng rất lớn với trên 400 tuyến đê bao dài hơn 3.600km, trên 6.000 cống, đập, 19 trạm bơm điện, 16 tuyến kè bảo vệ bờ các sông, kênh, rạch lớn dài gần 14km và gần 4.400 tuyến kênh, rạch dài trên 5.300km. Hệ thống thủy lợi hiện có đã khép kín chủ động tưới, tiêu trên 94% diện tích canh tác đồng thời vừa tạo nền cho hệ thống giao thông bộ phát triển.