Hiện nay, ĐBSCL đang bước vào mùa khô, mặn tại các cửa sông đã bắt đầu xâm nhập sâu. Nhiều địa phương đang tích cực các giải pháp ứng phó. Tại Vĩnh Long, địa phương được dự báo có khả năng sẽ bị nước mặn xâm nhập, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn bảo vệ sản xuất và dân sinh trong mùa khô năm 2021 - 2022 trên địa bàn tỉnh.
3 kịch bản ứng phó
Theo kế hoạch, có 3 kịch bản xâm nhập mặn xảy ra. Trong đó, tỉnh chọn kịch bản 3 (mặn xâm nhập rất sâu, độ mặn lên rất cao như xảy ra trong mùa khô năm 2019 - 2020) để đề ra các biện pháp công trình và phi công trình ứng phó.
Với kịch bản này, dự báo trên sông Hậu, ranh giới mặn 4‰ lấn sâu vào khoảng 60km. Trên sông Cổ Chiên, ranh mặn 4‰ ảnh hưởng tới xã Mỹ Phước (Mang Thít), cách cửa biển 70km. Phía sông Tiền, ranh giới mặn trên 4‰ xuất hiện tại xã Bình Hòa Phước (Long Hồ), cách cửa biển khoảng 90km. Xâm nhập mặn dự báo kéo dài đến tận tháng 5. Số huyện bị ảnh hưởng là 6 huyện, thị. Diện tích tự nhiên bị nhiễm mặn gần 67.300 ha, diện tích cây trồng bị hạn, thiếu nước gần 95.000 ha. Bên cạnh đó, có khả năng có hơn 75.700 hộ bị thiếu nước sinh hoạt, 51 trạm cấp nước sạch có thời đoạn đã sử dụng nguồn nước bị nhiễm mặn và 55 xã có nguy cơ thiếu nước sinh hoạt...
Về giải pháp công trình ứng phó xâm nhập mặn xảy ra với kịch bản 3, kế hoạch dự kiến triển khai thực hiện 26 công trình, dự án thủy lợi, cấp nước sạch, mô hình sản xuất nông nghiệp thích ứng hạn, mặn và hỗ trợ nước tưới cho vườn cây ăn trái; hỗ trợ nhiên liệu, phương tiện huy động cấp nước ngọt cho sản xuất và sinh hoạt với kinh phí cần đầu tư trên 1.150 tỷ đồng.
Theo ông Văn Hữu Huệ, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Vĩnh Long, thời gian qua, nhờ Bộ NN-PTNT kết hợp với vốn đối ứng của địa phương, một số cống lớn có diện tích phục vụ từ vài ngàn đến vài chục ngàn ha, trữ được lượng nước khá lớn đã được đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh, phần lớn tập trung ở vùng Nam Măng Thít.
Tuy nhiên, việc trữ nước của các cống lớn này cũng chưa kín, vì một số đầu kinh đối diện còn chưa có cống. Vùng Nam sông Măng Thít vẫn còn hở, nên nước mặn vẫn còn thâm nhập vào nội vùng. Hiện tại, việc trữ nước trên địa bàn tỉnh chỉ nhờ vào những kinh, rạch nội đồng trong vùng ô đê bao, kinh nhỏ nên lượng nước ngọt trữ rất hạn chế…
Ông Văn Hữu Huệ đề nghị Bộ NN-PTNT sớm triển khai dự án Công trình thủy lợi vùng Nam Măng Thít (thuộc tỉnh Vĩnh Long và Trà Vinh). Đồng thời xem xét hỗ trợ tỉnh 1.096 tỷ đồng vốn ngân sách trung ương để thực hiện 5 dự án thủy lợi tạo nguồn cấp nước tưới phục vụ phòng chống hạn, mặn, 4 công trình nâng cấp, mở rộng trạm cấp nước và xây dựng 2 mô hình sản xuất nông nghiệp thích ứng với hạn mặn tại kế hoạch phòng, chống hạn, mặn của tỉnh Vĩnh Long đã phê duyệt.
Nhằm chủ động ứng phó với mùa hạn, mặn năm 2022, từ cuối năm 2021, Sở NN-PTNT tỉnh Vĩnh Long đã sớm chỉ đạo các đơn vị trực thuộc chủ động thực hiện các giải pháp phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn mùa khô năm nay. Tỉnh cũng chú trọng công tác thông tin, truyền thông hỗ trợ các địa phương, người dân và chỉ đạo vận hành công trình thủy lợi đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh.
Ông Nguyễn Vĩnh Phúc, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV Vĩnh Long cho hay: Theo kế hoạch, Chi cục sẽ tổ chức các cuộc tuyên truyền và tập huấn tại các huyện có nguy cơ cao chịu ảnh hưởng hạn, mặn như Vũng Liêm, Trà Ôn, Mang Thít, Long Hồ và Thị xã Bình Minh về chuyển đổi cơ cấu cây trồng thích ứng hạn, mặn. Bên cạnh đó, in ấn tờ bướm tuyên truyền về quản lý dịch hại và phòng chống thiệt hại do thiên tai trên cây trồng.
Văn phòng thường trực Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh thường xuyên thông báo về mực nước, độ mặn hàng ngày qua hệ thống tin nhắn SMS đến 204 đầu số tới các cán bộ lãnh đạo, quản lý của sở, ngành tỉnh và các huyện, thị, thành phố.
Bên cạnh đó, UBND huyện, thị xã, thành phố dự kiến đầu tư thực hiện 53 công trình thủy lợi với chiều dài gần 120.000m, kinh phí trên 24 tỷ đồng, phục vụ cho 6.230 ha đất canh tác. Ngoài ra, khi cần thiết các huyện sẽ huy động số máy bơm, trạm bơm tưới hiện có, gồm: 5 trạm bơm điện tưới, 165 máy bơm dầu và trên 24.000 máy bơm nhỏ trong dân để bơm tát chống hạn, thiếu nước.
Tại huyện Mang Thít, ông Nguyễn Chí Quyết, Phó Chủ tịch UBND huyện cho hay: Huyện đã ban hành Kế hoạch phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn bảo vệ sản xuất và dân sinh trong mùa khô năm 2021-2022 trên địa bàn huyện. Huyện dự kiến sử dụng nguồn kinh phí cấp bù miễn thủy lợi phí năm 2022 để đầu tư 8 công trình thủy lợi với tổng chiều dài trên 15.000m, kinh phí gần 4 tỷ đồng.
Có phương án cấp đủ nước sinh hoạt
Ông Nguyễn Tấn Phát, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Cấp nước Vĩnh Long cho biết: Từ cuối năm 2021, Công ty đã xây dựng kế hoạch đảm bảo cung cấp đủ nhu cầu nước sinh hoạt trong mùa khô, phòng chống xâm nhập mặn cho khách hàng tại các chi nhánh cấp nước, đặc biệt là khách hàng ở các huyện bị mặn như Vũng Liêm, Trà Ôn, Tam Bình.
Ông Phát cho biết thêm, để ứng phó với xâm nhập mặn xảy ra theo kịch bản tương đương hay vượt mùa khô năm 2019 - 2020, khi độ mặn sông, rạch vượt 3‰, Công ty sẽ cung cấp nước đảm bảo sinh hoạt cho người dân trong vùng phục vụ với lượng nước 1.000 m3/ngày. Đồng thời dự kiến thuê xà lan, xe bồn để chở nước ngọt cấp cho các chi nhánh cấp nước Vũng Liêm, Trà Ôn, Tam Bình và Cái Ngang trong vòng 10 - 15 ngày.
Đơn vị cấp nước sạch nông thôn của Vĩnh Long là Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh cũng đang tập trung vận hành 94 trạm, liên trạm cấp nước nông thôn và phân tuyến cấp nước trên 27 trạm cấp nước theo giờ nhằm đảm bảo cấp nước trong thời gian bị hạn, mặn.