| Hotline: 0983.970.780

Tiền Giang chi gần 48 tỷ đồng xử lý 34 điểm sạt lở

Thứ Năm 27/07/2023 , 14:59 (GMT+7)

Tình hình sạt lở ở Tiền Giang đang diễn biến phức tạp. Tỉnh đang cần được hỗ trợ vốn Trung ương để triển khai các dự án xử lý sạt lở khẩn cấp.

Sạt lở bờ sông Phú An, xã Phú An, huyện Cai Lậy, Tiền Giang. Ảnh: Sơn Trang.

Sạt lở bờ sông Phú An, xã Phú An, huyện Cai Lậy, Tiền Giang. Ảnh: Sơn Trang.

Đường giao thông trôi tuột xuống sông

Hiện nay, tình hình sạt lở ở Tiền Giang diễn biến rất phức tạp. Theo Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Tiền Giang, từ đầu năm đến tháng 7, trên địa bàn tỉnh này đã xảy ra 66 điểm sạt lở với chiều dài 11.755m.

Vụ sạt lở mới đây nhất xảy ra vào ngày 15/7 tại bờ sông Phú An (xã Phú An, huyện Cai Lậy) với chiều dài sạt lở hơn 120m và rộng hơn 6m. Vụ sạt lở đã làm ảnh hưởng trực tiếp đến 6 ngôi nhà với 31 nhân khẩu ở ấp 6 xã Phú An.

Cũng ở huyện Cai Lậy, chỉ trong 20 ngày đầu tháng 7, đã xảy ra 2 vụ sạt lở quy mô lớn ở bờ sông Ba Rài thuộc xã Hội Xuân, làm một đoạn đường giao thông liên xã bằng nhựa rộng hơn 5m bị sụp hoàn toàn xuống sông, khiến cho việc đi lại và vận chuyển nông sản, hàng hóa của nhân dân trên địa bàn bị ách tắc.

Đoạn bờ sông Phú Phong thuộc huyện Châu Thành trong thời gian qua đã xảy ra 3 điểm sạt lở nặng. Trong đó, điểm sạt lở gần đây ở ấp Phú Hòa (xã Phú Phong) có mức độ rất trầm trọng với chiều dài 60m và chiều rộng 7m.

Tính từ đầu năm đến nay, riêng ở huyện Châu Thành đã có 24 điểm sạt lở, với tổng chiều dài hơn 750 m. Các điểm sạt lở đều có tính chất phức tạp hơn so với cùng kỳ năm trước, ảnh hưởng lớn đến sản xuất và sinh hoạt của người dân địa phương.

Đề xuất Trung ương hỗ trợ 2.900 tỷ đồng

Trước tình hình sạt lở diễn biến ngày càng nghiêm trọng và phức tạp, UBND tỉnh Tiền Giang đã chỉ đạo các địa phương chủ động tiến hành xử lý ngay các điểm sạt lở mà không phân biệt điểm lớn, điểm nhỏ. Khi xảy ra sạt lở, địa phương phải chủ động kiểm tra, rà soát, phân loại, sắp xếp thứ tự ưu tiên theo mức độ sạt lở để tiến hành xử lý bằng các giải pháp công trình.

Trong đó, các điểm sạt lở nặng cần được ưu tiên bố trí nguồn vốn khẩn cấp để triển khai thực hiện xử lý càng nhanh càng tốt, với mục tiêu hàng đầu là bảo đảm an toàn tài sản, tính mạng cho nhân dân.

Đồng thời, chính quyền cơ sở cần đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân về sự nguy hiểm của sạt lở, hướng dẫn người dân cách tự bảo vệ an toàn trước diễn biến phức tạp của sạt lở.

Để khắc phục các điểm sạt lở ở Tiền Giang từ đầu năm đến nay, cần nguồn kinh phí vào khoảng gần 134 tỷ đồng. Đến nay, Sở NN-PTNT và Sở Tài chính đã thống nhất trình UBND tỉnh Tiền Giang phê duyệt kinh phí xử lý, khắc phục 34 điểm sạt lở với tổng chiều dài ước tính là 8.843m, tổng kinh phí tạm tính là gần 48 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh Tiền Giang tiếp tục kiến nghị các Bộ, ngành xem xét trình Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ nguồn vốn đầu tư để triển khai thực hiện 9 dự án xử lý sạt lở khẩn cấp, với tổng kinh phí khoảng 2.900 tỷ đồng.

Theo ông Nguyễn Văn Mẫn, Giám đốc Sở NN-PTNT Tiền Giang, về lâu dài, phải tiến hành quy hoạch các tuyến dân cư ven sông, ven đê biển có nguy cơ sạt lở, xây dựng bản đồ dự báo nguy cơ sạt lở trên địa bàn tỉnh để làm cơ sở bố trí dân cư và sản xuất; lập dự án đầu tư các ô bao bảo vệ dân cư, cây ăn trái, lúa trên địa bàn các huyện phía Tây. Đồng thời quy hoạch tuyến, luồng chạy tàu và quy định vận tốc tối đa của tàu, thuyền trên một số trục giao thông chính để hạn chế sạt lở.

Xem thêm
Thủ tướng chỉ đạo đẩy mạnh chính sách tín dụng đối với lâm sản, thủy sản

Thủ tướng yêu cầu Bộ NN-PTNT chủ động chỉ đạo các giải pháp linh hoạt tháo gỡ khó khăn, bảo đảm sản xuất, thúc đẩy, tiêu thụ, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản.

Siết chặt khai thác nước ngầm, bảo vệ 'túi' nước ngọt ở ĐBSCL

Nước ngầm - nguồn nước ngọt dự trữ lớn cho ĐBSCL đang đứng trước nguy cơ bị nhiễm mặn. Giải pháp lâu dài kiểm soát, ngăn chặn khai thác nước ngầm cần được tính toán.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).