Bộ máy hành chính do Chính phủ tạo ra. Nhưng khi nó đã phình to vượt tầm kiểm soát của cơ quan tổ chức ra nó thì không biết bao nhiêu là nghị quyết, văn bản, nghị định được ban hành để bóp gọn lại. Tất cả chìm nghỉm.
Bộ máy hành chính không những không gọn lại, mà càng ngày càng phình to. Năm 2014 này, trước nguy cơ không có tiền để tăng lương cho bộ máy theo lộ trình, việc tinh giản bộ máy lại được đặt ra.
Khi Chính phủ giao cho Bộ Nội vụ soạn thảo đề án giảm 100.000 công chức, viên chức, cả xã hội nghển cổ chờ, để rồi lại thất vọng não nề trước báo cáo nói trên của cơ quan chủ trì việc cải cách hành chính.
Về cơ bản là giữ nguyên. Điều đó cho thấy, hiện tại Bộ Nội vụ chưa có cách nào đụng được đến cái khối công chức khổng lồ, lớn gấp 4 lần bộ máy hành chính của Mỹ, nếu xét về số lượng công chức cho mỗi 100 triệu dân (315 triệu dân của Mỹ, có 2,1 triệu công chức.
Tức là 100 triệu dân của họ chỉ có chưa đầy 700 ngàn công chức. Còn ta có 90 triệu dân nhưng có 2,8 triệu công chức. Nghĩa là 700 ngàn công chức của ta chỉ phục vụ được cho 22,5 triệu dân).
Vì sao bộ máy hành chính của ta càng ngày càng phình to như vậy? Cả xã hội đều biết. Đó là nạn chạy chỗ làm, chạy chức, chạy quyền. Không một người dân nào còn lạ cái giá của một chỗ làm trong bộ máy hành chính cấp huyện bao nhiêu triệu, cấp tỉnh, cấp bộ bao nhiêu triệu.
Chuyện những ông bà lãnh đạo trước lúc về hưu còn làm một “mẻ lưới vét” bằng cách tuyển hay bổ nhiệm hàng chục biên chế, chức danh, để lèn thêm vào cái hầu bao của mình… bị báo chí phơi bày nhan nhản. Trong khi cơ quan chức năng thì bất lực.
Không biết bao nhiêu cuộc thanh tra, kiểm tra đã được mở ra vì những đơn thư tố cáo những chuyện đó. Nhưng cuối cùng thì kết luận nào cũng giống hệt nhau, đó là “không có dấu hiệu…”.
Còn các đại biểu Quốc hội, kỳ họp nào cũng chỉ kêu gọi phải nâng cao chất lượng, trách nhiệm, đánh thức lương tâm của đội ngũ công chức…
Mới đây nhất, ngày 27/10, một vị còn có câu trả lời báo chí khiến dư luận bất ngờ hơn cả cái báo cáo trên của Bộ Nội vụ: “Cho nên số lượng (công chức) tôi nghĩ là không quan trọng bằng việc mỗi người ngồi ở vị trí của mình đã hoàn thành nhiệm vụ, phục vụ tốt cho người dân hay chưa…”.
Trời ơi, một số lượng công chức khổng lồ, khiến ngân sách phải dùng đến 72% để chi thường xuyên, tức trả lương cho họ, vẫn còn… không quan trọng hay sao?
Bộ máy phình to thì lương ắt phải thấp. Lương thấp, thì tất yếu là những công chức của ta phải tìm mọi cách để… tự cứu. Cái vòng luẩn quẩn ấy sẽ còn không biết đến bao giờ. Và nếu không được tinh giản một cách quyết liệt, thì chính cái đội ngũ công chức khổng lồ, cồng kềnh nhưng rất yếu này sẽ kéo nền kinh tế đất nước xuống.