Việt Nam có thể coi là quốc gia sản xuất và xuất khẩu dừa hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, tại thị trường trong nước, giá dừa có lúc xuống rất thấp, chỉ khoảng 1.000 đồng/quả, khiến người nông dân còn nhiều trăn trở, băn khoản về loại cây này.
Không chỉ có vậy, bà Nguyễn Thị Kim Thanh, Chủ tịch Hiệp hội dừa Việt Nam chia sẻ, ngành công nghiệp chế biến dừa đang đứng trước nguy cơ thiếu nguyên liệu nghiêm trọng. Nhiều doanh nghiệp đã đầu tư cơ sở vật chất, nhà máy tại Bến Tre (thủ phủ dừa cả nước) nhưng lượng cung của tỉnh không đủ. Nhiều doanh nghiệp đã phải ngừng hoặc hoạt động cầm chừng, với công suất chỉ đạt 10-15%.
Những năm gần đây, nguyên liệu dừa khô có thuế suất 0%, dẫn đến tình trạng nhiều doanh nghiệp đặt cơ sở sơ chế dừa khô rồi xuất sang Trung Quốc để chế biến sâu.
Ngoài ra, từ ngày 1/1/2025, Indonesia, thị trường xuất khẩu dừa khô hàng đầu, đã áp thuế xuất khẩu dừa lên tới 80% để bảo vệ nguyên liệu trong nước và kêu gọi đầu tư. Chính bởi những nguyên nhân này, nguyên liệu dừa khô phục vụ xuất khẩu cho doanh nghiệp Việt càng bị đe dọa nghiêm trọng.
"Nếu không sớm có chính sách thuế, tạo hàng rào thuế quan để giữ lại nguồn nguyên liệu dừa cho ngành công nghiệp chế biến trong nước thì ngành dừa của chúng ta chắc chắn sẽ lao dốc", bà Thanh dự báo.
Chủ tịch Hiệp hội dừa Việt Nam cũng chỉ ra, rằng tại các vùng cơ sở hạ tầng tốt như Bến Tre, giá dừa ở mức 7.000-10.000 đồng/quả. Nhưng ở các vùng cơ sở hạ tầng yếu kém, giá dừa ở mức thấp hơn nhiều. Rõ ràng, cần phải có sự điều chỉnh kịp thời với vấn đề này.
Chia sẻ thêm về việc triển khai sản xuất dừa tươi tại Tiền Giang, ông Nguyễn Thế Phương, Phó giám đốc Công ty Thực phẩm Kết nối Toàn cầu nhấn mạnh về mối liên kết giữa 3 đối tượng chính: nông dân trong sản xuất, doanh nghiệp trong tiêu thụ và chính quyền trong hỗ trợ. Ông tin rằng, để ngành dừa phát triển, cần đảm bảo tính bền vững, minh bạch và hài hòa giữa các bên.
"Tính bền vững là nền tảng, nhằm đảm bảo sự phát triển ổn định, hướng đi lên cho tất cả các thành phần tham gia", ông phân tích.
Về minh bạch, ông Phương cho rằng cần có cơ chế chính sách rõ ràng, với sự tham gia của chính quyền, hiệp hội và các tổ chức phi chính phủ để đảm bảo quyền lợi cho tất cả các bên liên quan. Tuy nhiên, các diễn đàn hiện nay chủ yếu tập trung vào hỗ trợ kỹ thuật mà thiếu các chính sách cụ thể.
Ông đề xuất xây dựng các chính sách dựa trên đặc tính của dừa (tươi hoặc khô) và theo từng giai đoạn cung ứng để tối ưu hóa năng lực thu mua và tiêu thụ của doanh nghiệp. Ví dụ, trong thời điểm nguồn cung ít, chính sách cần hướng đến việc tận thu và sử dụng tại chỗ. Đến thời điểm nguồn cung dồi dào như tháng 6-7, địa phương và doanh nghiệp nên đẩy mạnh xuất khẩu.
Sự hài hòa là yếu tố không thể thiếu trong chuỗi liên kết này, theo ông Phương. Người nông dân cần hiểu rõ lợi ích và vai trò của mình để tham gia hiệu quả. Lãnh đạo Công ty Thực phẩm Kết nối Toàn cầu lấy ví dụ từ ngành sầu riêng, nơi mỗi nông dân đều đóng vai trò như một thương lái, đảm bảo giao dịch minh bạch và bình đẳng.
Cơ chế chia sẻ thông tin từ nguồn hàng trực tiếp, từ Trung Quốc hay Hoa Kỳ… giúp nông dân không bị thiệt thòi khi tham gia vào chuỗi cung ứng xuất khẩu. Doanh nghiệp luôn ổn định và thu mua với giá hợp lý, tạo sự tin tưởng giữa các bên.
Ông Đặng Đình Long, Chủ tịch HĐQT Công ty Mega A Logistics nhìn nhận, những năm qua các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực logistics đã phối hợp rất chặt chẽ với ngành nông nghiệp để hạ giá logistics xuống mức thấp, góp phần tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm dừa Việt.
Hiện nay, ngoài vận chuyển dừa xuất khẩu bằng đường bộ qua các cửa khẩu, loại hình vận chuyển đường biển đang chứng minh cho hiệu quả kinh tế tốt nhất. Bên cạnh đó, các chuỗi cấp lạnh (cơ sở bảo quản, công lạnh…) xuất khẩu đi thị trường Trung Quốc cũng được cải thiện, nâng cấp hơn, giúp dừa có thể thâm nhập sâu hơn vào thị trường tỷ dân, thậm chí đến với các tỉnh phía Bắc.
Thông qua chuỗi này, chi phí logistics (toàn thời gian) chỉ tiêu tốn khoảng 3.000 đồng/trái. Bù lại, các mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói được cơ quan kiểm dịch của Tổng cục Hải quan Trung Quốc kiểm tra và thông quan nhanh (chưa đầy 12 tiếng).
Khi tham gia xuất khẩu bằng đường biển, sản phẩm chế biến từ dừa khi xuất khẩu đều sẽ có mã số, biểu thuế, tiêu chuẩn kỹ thuật khác nhau. Vì vậy, doanh nghiệp phải tìm hiểu kỹ quy định nước nhập khẩu để định hướng sản xuất phù hợp.