Thực hiện nhiệm vụ của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT, Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường phối hợp Báo Nông nghiệp Việt Nam cùng các đơn vị liên quan tổ chức Diễn đàn “Kết nối sản xuất và tiêu thụ sản phẩm dừa” tại tỉnh Bến Tre, từ 8h30 sáng nay (13/12).
Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường (Bộ NN-PTNT) Nguyễn Thị Thanh Thủy phát biểu khai mạc. Tiếp đó, dự kiến diễn đàn được nghe tham luận chính của các diễn giả: Ông Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam về quy định về an toàn thực phẩm và kiểm dịch đối với sản phẩm dừa xuất khẩu vào các thị trường;
Bà Phan Thị Thu Hiền, Giám đốc Trung tâm Kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu 2 về hướng dẫn đăng ký xuất khẩu dừa tươi sang Trung Quốc; bà Trần Thị Mỹ Hạnh, Trưởng Bộ môn Bảo vệ thực vật, Viện Cây ăn quả miền Nam về Quản lý dịch hại tổng hợp một số sâu bệnh phổ biến trên cây dừa... cùng các diễn giả khác.
Phiên thảo luận, các đại biểu và đầu cầu dự trực tiếp sẽ được nghe những chia sẻ từ Hiệp hội Dừa Bến Tre, một số doanh nghiệp Trung Quốc, các doanh nghiệp sản xuất dừa trong nước, cùng các tổ chức, cá nhân liên quan.
Ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường, kiêm Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam, sẽ kết luận diễn đàn.
Dừa là 1 trong 6 đối tượng nằm trong Đề án phát triển cây công nghiệp chủ lực đến năm 2030 đã được Bộ NN-PTNT ban hành theo Quyết định 431/QĐ-BNN-TT năm 2024. Đề án đặt mục tiêu, đến năm 2030, diện tích dừa khoảng 195.000 - 210.000ha, trong đó vùng trồng dừa trọng điểm ĐBSCL khoảng 170.000 - 175.000ha.
Đồng thời, trên 30% diện tích dừa được sản xuất theo quy trình GAP, hoặc tương đương. Diện tích dừa được cấp mã số vùng trồng khoảng 30%.
Từ con số khiêm tốn 180 triệu USD kim ngạch xuất khẩu năm 2010, ngành dừa phát triển mạnh mẽ, đạt hơn 900 triệu USD vào năm 2023 và kỳ vọng vượt mốc 1 tỷ USD trong năm 2024.
Trong nhóm thị trường trọng điểm, Trung Quốc có nhu cầu lớn nhất. Vừa qua, Bộ NN-PTNT và Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã ký Nghị định thư cho phép dừa tươi xuất khẩu chính ngạch, mở ra cơ hội to lớn cho dừa tươi Việt Nam
Diễn đàn tại Bến Tre sáng 13/12, vì thế, đặt mục tiêu thúc đẩy kết nối giữa các bên trong chuỗi giá trị dừa, từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ; qua đó, hỗ trợ doanh nghiệp, HTX và nông dân nắm bắt các yêu cầu về chất lượng, an toàn thực phẩm. Đồng thời hướng tới tăng cường hợp tác, minh bạch thông tin và phát triển bền vững ngành dừa Việt Nam.
9 giờ 30 phút
4 lưu ý khi dập dịch sâu đầu đen hại dừa
TS Trần Thị Mỹ Hạnh, Trưởng Bộ môn BVTV, Viện Cây ăn quả Miền Nam, thông tin, có 8 loài sâu bệnh hại phổ biến trên cây dừa gồm: sâu đầu đen, bọ cánh cứng, kiến vương 1 sừng, đuông dừa, bọ vòi voi, sâu nái, bọ xít quả và nhện.
Ngoài ra còn 4 bệnh hại phổ biến, là bệnh đốm xám lá, bệnh thối nõn, bệnh nứt thân, bệnh đốm nâu, bệnh thối rễ, bệnh thối ngọn và nứt, rụng quả.
Tại diễn đàn, bà Hạnh đã trình bày một số đặc điểm sâu bệnh gây hại chính, trong đó nhấn mạnh rằng, sâu đầu đen thường gây hại nặng từ tháng 11. Việc thiếu giám sát và phòng trừ kịp thời, cũng như thiếu thiên địch ngoài tự nhiên khiến sâu đầu đen có thể bộc phát thành dịch.
Bên cạnh một số biện pháp kỹ thuật như vệ sinh vườn thường xuyên, trồng xen... bà Hạnh khuyến nghị giải pháp về giống có tính chống chịu. Nếu mật độ sâu hại lớn, người dân có thể tiến hành đặt bẫy đèn, hoặc phun một số chế phẩm sinh học.
“Nhân nuôi và phóng thích bọ rùa, bọ cánh lưới, bọ đuôi kìm, kiến vàng có tác dụng tốt trong việc bảo vệ dừa”, bà Hạnh nói và gợi ý mật độ có thể là 4.000 con/ha.
4 lưu ý của đại diện Viện Cây ăn quả Miền Nam, đó là: Lựa chọn thuốc sinh học, ít độc, đặc trị đối với sâu đầu đen; Chọn dạng thuốc và cách sử dụng thích hợp để đạt hiệu quả cao, giảm tối thiểu ô nhiễm môi trường; Chọn giai đoạn dịch hại mẫn cảm với thuốc nhiều nhất để giảm bớt lượng thuốc và số lần phun ít nhất; Bảo đảm thời gian cách ly an toàn, dư lượng thấp nhất.
9 giờ 20 phút
Mỗi năm, xuất khẩu dừa mang về cho Bến Tre hơn 350 triệu USD
Ông Huỳnh Quang Đức, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bến Tre, cho biết, tỉnh được mệnh danh “thủ phủ dừa” của cả nước với diện tích trồng trên 80.000ha, chiếm 88% diện tích dừa vùng Đồng bằng sông Cửu Long và gần 42% diện tích dừa cả nước. Cây dừa được xác định là cây trồng chủ lực và nguồn thu nhập của hơn 200.000 hộ dân khu vực nông thôn của tỉnh.
Sản phẩm dừa xiêm xanh Bến Tre đã được cấp giấy đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa và chứng chỉ quốc gia về chỉ dẫn địa lý. Đến nay, toàn tỉnh Bến Tre có 133 vùng trồng dừa được cấp 133 mã số với diện tích hơn 8.300ha. Toàn tỉnh có 14 doanh nghiệp được cấp mã số cơ sở đóng gói xuất khẩu dừa tươi xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Mỗi năm, xuất khẩu dừa mang về cho tỉnh Bến Tre hơn 350 triệu USD.
Sở NN-PTNT đã phối hợp với các ban ngành đoàn thể, chính quyền địa phương xây dựng vùng nguyên liệu dừa hữu cơ đạt trên 20.700ha. Hình thành chuỗi giá trị liên kết chặt chẽ với 8 doanh nghiệp lớn, có công nghệ chế biến hiện đại, chế biến và xuất khẩu các sản phẩm dừa hữu cơ vào nhiều thị trường như: Mỹ, EU, Nhật, Trung Quốc, Canada, Hàn Quốc…
Theo ông Đức, để trồng dừa hữu cơ và quản lý hiệu quả việc cấp mã số vùng trồng, Bến Tre đã quyết liệt đưa việc phát triển dừa vào các Nghị quyết của Tỉnh ủy, kế hoạch của UBND tỉnh. Bên cạnh đó, lấy việc xây dựng chuỗi liên kết sản xuất làm nền tảng để phát triển cây dừa. Bởi lẽ, khi chuỗi liên kết lớn mạnh mới huy động được sự vào cuộc của hệ thống chính trị, doanh nghiệp, nông dân.
Ngoài ra, đẩy mạnh công tác chuyển giao quy trình kỹ thuật. Tăng cường tập huấn nâng cao năng lực về quy định cũng như các giải pháp kỹ thuật liên quan để bảo đảm thực hiện đúng các quy định của nước nhập khẩu cho người dân, doanh nghiệp trên địa bàn khi đăng ký xây dựng mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói.
Triển khai hướng dẫn các vùng trồng, cơ sở đóng gói cập nhật đầy đủ thông tin trên cơ sở dữ liệu quốc gia về vùng trồng, cơ sở đóng gói xuất khẩu, hướng dẫn người dân, doanh nghiệp sử dụng phần mềm "Nhật ký đồng ruộng", phần mềm "Quản lý cơ sở đóng gói" để cập nhật đầy đủ các thông tin theo yêu cầu của nước nhập khẩu.
9 giờ 10 phút
Các quy định quan trọng khi xuất khẩu dừa tươi sang Trung Quốc
TS. Phan Thị Thu Hiền, Giám đốc Trung tâm Kiểm dịch Thực vật Sau nhập khẩu 2, Cục Bảo vệ Thực vật, chia sẻ các hướng dẫn xuất khẩu dừa tươi sang Trung Quốc.
Theo bà, để đáp ứng quy định về vùng trồng và cơ sở đóng gói, cần tuân thủ bốn nguyên tắc cơ bản: (1) bảo đảm việc tuân thủ các yêu cầu của nước nhập khẩu; (2) việc đăng ký mã số thực hiện trên cơ sở tự nguyện; (3) việc kiểm tra và đánh giá là căn cứ để cấp, duy trì hoặc phục hồi mã số; và (4) mã số phải được công nhận bởi nước nhập khẩu và giám sát bởi cơ quan quản lý. Việc triển khai cấp mã số thực hiện theo Công văn 1776/BNN-BVTV ngày 23/3/2023.
Nghị định thư về xuất khẩu dừa tươi sang Trung Quốc quy định, dừa phải có vỏ xanh và cuống ngắn ≤ 5cm, không lẫn đất và tàn dư thực vật. Sản phẩm xuất khẩu cần tuân thủ các luật, quy định về kiểm dịch thực vật, vệ sinh an toàn thực phẩm, và các yêu cầu của nghị định thư. Các vùng trồng và cơ sở đóng gói phải đăng ký với Cục Bảo vệ Thực vật (PPD) và được Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC) phê duyệt. Thông tin đăng ký bao gồm tên, địa chỉ và mã số, được công khai trên website của GACC.
Quản lý vùng trồng yêu cầu xây dựng hệ thống quản lý chất lượng và truy xuất nguồn gốc, áp dụng thực hành nông nghiệp tốt (GAP), quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), và giám sát đối tượng kiểm dịch thực vật (KDTV) theo tiêu chuẩn ISPM 6. Hồ sơ giám sát và kiểm soát sinh vật gây hại phải được lưu trữ đầy đủ.
Quá trình đóng gói và sơ chế phải bảo đảm hệ thống truy xuất nguồn gốc, các cơ sở có nền cứng và vệ sinh sạch sẽ, cùng khu chế biến và bảo quản riêng biệt. Dừa phải được phân loại, làm sạch, loại bỏ lá và mảnh vụn thực vật. Vật liệu đóng gói tuân thủ tiêu chuẩn ISPM 15 và container phải được làm sạch trước khi sử dụng.
Trước khi xuất khẩu, MARD (PPD) sẽ lấy mẫu 2% từ mỗi lô hàng để kiểm tra kiểm dịch thực vật. Các lô hàng không đạt yêu cầu, như phát hiện sinh vật gây hại còn sống, có tàn dư thực vật, hoặc không tuân thủ tiêu chuẩn, sẽ bị từ chối xuất khẩu. Chứng nhận kiểm dịch thực vật được cấp theo tiêu chuẩn ISPM 12 với nội dung ghi rõ mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói đã được phê duyệt.
Tại cửa khẩu, GACC kiểm tra hồ sơ và giấy tờ để hoàn tất quy trình kiểm dịch. Các lô hàng không đạt tiêu chuẩn sẽ bị từ chối nhập khẩu hoặc tiêu hủy. GACC cũng có thể tiến hành đánh giá bổ sung, kiểm tra vùng trồng và cơ sở đóng gói, hoặc cử chuyên gia sang Việt Nam để giám sát. Phía Việt Nam sẽ hợp tác và chịu mọi chi phí liên quan.
Đây là những hướng dẫn quan trọng để đáp ứng yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với dừa tươi xuất khẩu sang Trung Quốc.
9 giờ 00 phút
Xuất khẩu dừa sang Trung Quốc chịu tần suất lấy mẫu 2%
Ông Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam, lưu ý doanh nghiệp xuất khẩu dừa và các sản phẩm chế biến từ dừa sang thị trường Trung Quốc.
Theo đó, dừa tươi xuất khẩu gồm dừa có vỏ xanh và dừa đã gọt vỏ, phải tuân thủ các quy định về kiểm dịch thực vật, các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm. Ngoài ra, các vùng trồng và cơ sở đóng gói dừa phải được đăng ký với Bộ NN-PTNT và được Tổng cục Hải quan Trung Quốc phê duyệt trên cổng CIFER.
Ngoài việc xây dựng hệ thống quản lý chất lượng và truy xuất nguồn gốc, áp dụng thực hành nông nghiệp tốt và các chương trình quản lý dịch hại tổng hợp, doanh nghiệp trước khi xuất khẩu phải lấy mẫu 2% để kiểm tra. Sau 2 năm, nếu không có vi phạm, doanh nghiệp sẽ được giảm còn 1%.
Nói thêm về thị trường Trung Quốc, ông Nam thông tin, Trung Quốc không có chính sách MRL mặc định, không áp dụng các tiêu chuẩn của các thị trường khác hay Tiêu chuẩn của CODEX. Thay vào đó, phía bạn cập nhật quy định 2 năm một lần và liên tục bổ sung các MRL mới. Xuất khẩu dừa tươi sang Trung Quốc năm 2024 dự kiến đạt 250 triệu USD, chiếm 25% tổng giá trị xuất khẩu toàn ngành. Đây là thị trường nhiều tiềm năng với ngành dừa.
Không chỉ Trung Quốc, Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam khuyến nghị doanh nghiệp quan tâm đến các thông báo của thị trường EU. Trong năm 2024, thị trường này có 3 thông báo thay đổi MRL của các hoạt chất: Fenbuconazole, Penconazole và Zoxamide.“Dù xuất khẩu đi thị trường nào, chúng ta cũng phải tuân thủ tuyệt đối những yêu cầu của thị trường đó”, ông Nam nhấn mạnh.
8 giờ 50 phút
Năm 2024, giá trị kim ngạch xuất khẩu dừa đạt 900 triệu USD
Phát biểu khai mạc Diễn đàn “Kết nối sản xuất và tiêu thụ sản phẩm dừa”, bà Nguyễn Thị Thanh Thủy, Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và môi trường (Bộ NN-PTNT) cho biết: dừa là 1 trong 6 cây công nghiệp chủ lực theo Đề án phát triển cây công nghiệp chủ lực đến năm 2030 (gồm các cây: cà phê, cao su, chè, điều, hồ tiêu, dừa).
Hiện nay, dừa Việt Nam đang trở thành mặt hàng xuất khẩu với giá trị cao. Các sản phẩm chế biến từ dừa đang có tiềm năng lớn để gia tăng giá trị của cây dừa, tăng thu nhập cho người dân. Theo thống kê, 30% diện tích dừa đã được công nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP, 30% được cấp mã số vùng trồng. Năm 2024, giá trị kim ngạch xuất khẩu dừa đạt 900 triệu USD. Đây là một kỷ lục.
Theo bà Thủy, mục tiêu đến năm 2030, phấn đấu diện tích dừa trên toàn quốc đạt trên 200.000ha. Các vùng trồng dừa trọng điểm là ĐBSCL (175.000ha) và Duyên hải Nam Trung bộ. Để đạt được mục tiêu này, thời gian qua, phát triển sản xuất và chế biến dừa được Bộ NN-PTNT rất quan tâm.
Vừa qua, Bộ NN-PTNT đã làm việc, ký kết hiệp định thương mại, mở cửa thị trường xuất khẩu dừa chính ngạch. Bên cạnh đó, đầu tư phát triển công tác nghiên cứu giống, quy trình canh tác như phối hợp Đại học Trà Vinh nghiên cứu lai tạo giống dừa để tạo thuận lợi cho ngành dừa phát triển.
Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp, tập đoàn cũng đầu tư mạnh mẽ vào cây dừa, phát triển quy trình canh tác, công nghệ chế biến để nâng cao chất lượng và thương hiệu dừa Việt Nam và từng bước biến những khu vực có thế mạnh trồng dừa thành khu vực du lịch sinh thái để nâng cao giá trị gia tăng.