Dự án nạo vét sông Sào Khê đội vốn hàng ngàn tỷ đồng nhưng vẫn chưa thể hoàn thành |
Hầu hết các dự án đều được chỉ định thầu và bộc lộ những sai phạm nghiêm trọng gây thất thoát nguồn lực của Nhà nước….
Nạo vét sông hay ném tiền xuống sông?
Trong giai đoạn 2006 - 2011, tỉnh Ninh Bình xây dựng 62 dự án với tổng mức đầu tư 59.481,107 tỷ đồng. Cơ quan Thanh tra mới chỉ tiến hành xem xét 10/62 dự án thì cả 10 dự án đều đội vốn. Dự án nào đội vốn ít thì cũng tăng gấp đôi, cá biệt có những dự án đội vốn lên tới vài chục lần.
Cụ thể, Dự án cải tạo nâng cấp QL 10 đoạn Ninh Phúc - cầu Điền Hộ đội vốn từ 825 tỷ đồng lên 1.680 tỷ; Dự án xây dựng đường tránh bão, cứu nạn (Tuy Lộc - Bình Minh) từ 435 tỷ tăng lên thành 699 tỷ; Dự án xây dựng nâng cấp đường 477B và cầu Trường Yên tăng từ 196 tỷ lên 1.308 tỷ; Dự án nâng cấp Đê hữu sông Hoàng Long và sông Đáy từ Bái Đính đi Kim Sơn tăng từ 1.650 tỷ lên 3.806 tỷ; Dự án nâng cấp tuyến đê hữu Hoàng Long, đê Đức Long, Gia Tường, Lạc Vân tăng từ 519 tỷ lên 1.082 tỷ; Dự án nạo vét lòng dẫn tuyến thoát lũ sông Hoàng Long tăng từ 955 tỷ lên 1.389 tỷ; Dự án nạo vét sông Đáy, từ cầu Gián Khẩu đến cửa Đáy và các tuyến nhánh qua sông Đáy từ 2.078 tỷ tăng lên thành 9.720 tỷ; Dự án Sửa chữa nâng cấp hệ thống thủy lợi 5 xã Bắc sông Rịa từ 98 tỷ tăng lên 168 tỷ; Dự án khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá sông Đáy từ 88 tỷ tăng lên 105 tỷ; Dự án xây dựng hệ thống giao thông đường bao hào nước vùng bảo vệ đặc biệt cố đô Hoa Lư tăng từ 137 tỷ lên 202 tỷ.
Thực hiện một phép tính cộng đơn giản, có thể thấy tổng mức đầu tư cho cả 10 dự án trên khi được phê duyệt chỉ khoảng trên 7.000 tỷ đồng, vậy nhưng, sau khi bị đội giá thì tổng mức đầu tư lần cuối lên tới trên 20 ngàn tỷ đồng. Thậm chí, riêng phần Dự án nạo vét sông Đáy từ cầu Gián Khẩu đến cửa Đáy đã đội giá trên 7.000 tỷ đồng, bằng tổng mức đầu tư được phê duyệt ban đầu của cả 10 dự án cộng lại.
Điều đáng nói là, các dự án này không chỉ đội giá một cách đơn thuần mà đằng sau đó cơ quan thanh tra còn phát hiện ra hàng loạt sai phạm trong công tác đấu thầu, chỉ định thầu… là những dấu hiệu của hành vi câu kết, lũng đoạn, tham nhũng.
Cố ý làm trái
10 dự án kể trên chỉ có 2 dự án được thực hiện hình thức đấu thầu rộng rãi gồm: Dự án Nâng cấp đường tỉnh 477 B và cầu Trường Yên và Dự án xây dựng hệ thống giao thông đường bao hào nước vùng bảo vệ đặc biệt Cố đô Hoa lư. Có 1 dự án áp dụng hình thức đấu thầu hạn chế là dự án Khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá cửa sông Đáy, tuy nhiên theo quy định của Luật đấu thầu thì dự án này không thuộc nhóm được áp dụng hình thức đấu thầu hạn chế như trên. Còn lại, 7 dự án khác đều được chỉ định thầu nhưng công tác tổ chức thực hiện đều có những sai phạm. Cụ thể, 5/7 dự án được phê duyệt kết quả chỉ định thầu không có kế hoạch đấu thầu được duyệt.
Mặc dù gói thầu nào cũng đội giá và hầu hết đều có sai phạm trong đấu thầu gây tổn thất ngân sách vô cùng lớn nhưng kết quả thực hiện các công trình dự án lại “lem nhem” tỷ lệ nghịch với số tiền bỏ ra. Công tác giải ngân các dự án đạt từ 90% đến 100% kế hoạch vốn phân bổ, tuy nhiên chỉ có 3/10 dự án có khối lượng thực hiện trên 50% còn lại đều dưới 40%. Có những dự án lĩnh tạm ứng trên 600 tỷ đồng trong nhiều năm nhưng chỉ thực hiện khối lượng công việc tương ứng khoảng trên 300 tỷ đồng.
Nhận thấy sai phạm của lãnh đạo UBND tỉnh Ninh Bình trong các dự án trên là nghiêm trọng, Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị cần kiểm điểm làm rõ trách nhiệm đối với tập thể và những cá nhân lãnh đạo để xảy ra sai phạm. Kiểm điểm làm rõ trách nhiệm và xử lý hành chính tùy theo mức độ vi phạm đối với lãnh đạo các Sở KH-ĐT; GT-VT; VH-TT&DL; NN-PTNT; UBND huyện Nho Quan, huyện Kim Sơn trong việc chưa chấp hành đầy đủ thủ tục thẩm định dự án, thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công và những sai phạm trong công tác đấu thầu, lựa chọn nhà thầu.