| Hotline: 0983.970.780

Tỉnh Quảng Ninh sẽ chi nhiều hơn cho giáo dục

Thứ Ba 11/07/2023 , 09:56 (GMT+7)

Tỉnh Quảng Ninh cần nhiều hơn những ngôi trường khang trang, người thầy giỏi cho các địa phương miền núi, biên giới, hải đảo.

Ông Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, phát biểu tại tổ thảo luận số 1. Ảnh: Báo Quảng Ninh.

Ông Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, phát biểu tại tổ thảo luận số 1. Ảnh: Báo Quảng Ninh.

Chiều 10/7, kỳ họp thứ 14 HĐND tỉnh Quảng Ninh khóa XIV, các đại biểu có phiên thảo luận tại tổ.

Tham gia thảo luận tại tổ, các đại biểu đều đồng tình, thống nhất cao với kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ những tháng cuối năm do UBND tỉnh trình tại kỳ họp.

Theo đánh giá, mặc dù gặp những khó khăn nhưng với ý chí và hành động, tinh thần dám nghĩ, dám làm, kỷ luật, kỷ cương, nhất là sự gương mẫu, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) của tỉnh Quảng Ninh vẫn tăng cao, ước tăng 9,46%, cao hơn 0,24 điểm % so với tốc độ tăng cùng kỳ, cao hơn 0,66 điểm % so với kịch bản tăng trưởng 6 tháng, đứng thứ 2 trong vùng đồng bằng sông Hồng, đứng thứ 4 cả nước.

Các ý kiến đều bày tỏ ấn tượng với số thu ngân sách nhà nước đạt 28.836 tỷ đồng trong bối cảnh nền kinh tế trong nước và thế giới có những bất ổn, khó lường sau đại dịch Covid-19 và xung đột giữa Nga - Ucraina. Trong đó, tổng thu hút vốn đầu tư nước ngoài FDI ước đạt 832,17 triệu USD, đạt 83% chỉ tiêu Nghị quyết của Tỉnh ủy.

Về vấn đề này, đại biểu Hoàng Trung Kiên, Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh, tham gia tổ thảo luận số 2, cho biết: Trong 6 tháng, Quảng Ninh đã đón tiếp và làm việc với hơn 30 đoàn nhà đầu tư, tăng cao so với những năm trước. Điều đó cho thấy, các nhà đầu tư rất yên tâm, tin tưởng lựa chọn Quảng Ninh là điểm đến thân thiện, an toàn và hiệu quả trong chiến lược kinh doanh của mình. Trong đó, thu hút nhiều là lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo theo đúng định hướng phát triển của tỉnh.

Vấn đề giải ngân vốn đầu tư công và chi thường xuyên trong 6 tháng đầu năm cũng nhận được sự quan tâm của các đại biểu tại các tổ thảo luận. Các đại biểu bày tỏ băn khoăn về tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công thấp và chi thường xuyên đạt thấp, đồng thời đề nghị làm rõ trách nhiệm của các cơ quan quản lý đối với 2 vấn đề này.

Đại biểu Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh (tổ đại biểu TP Hạ Long), tham gia tổ thảo luận số 1, đề nghị cần tập trung làm rõ vì sao chi thường xuyên lại đạt thấp, đặc biệt là chi cho 3 lĩnh vực y tế, giáo dục và khoa học công nghệ theo chỉ tiêu của Quốc hội trong khi ngành giáo dục, y tế, khoa học công nghệ của tỉnh còn nhiều việc phải làm.

"Trong 177 xã, phường, thị trấn, Quảng Ninh có hơn 60 xã biên giới, miền núi, hải đảo, học sinh các địa phương cần ngôi trường khang trang, người thầy giỏi và cần có điều kiện để tiếp cận với nền giáo dục thông minh trong kỷ nguyên 4.0. Ngành y tế dù đã được đầu tư về cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất, nhưng vẫn cần phải tiếp cận công nghệ hiện đại của thế giới để tạo ra dịch vụ chất lượng cao, nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân. Tương tự, ngành khoa học công nghệ cần được đầu tư để nghiên cứu ứng dụng công nghệ hiện đại, tiên tiến…", đại biểu Nguyễn Xuân Ký trăn trở.

Theo đại biểu Hoàng Bá Nam, Bí thư Thành ủy Móng Cái (tổ đại biểu TP Móng Cái), tham gia tổ thảo luận số 4, hiện tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công toàn tỉnh mới đạt 27%, thấp nhất trong các năm vừa qua. Để nâng cao hiệu quả trong công tác giải ngân vốn đầu tư công, đại biểu đề xuất các nhóm giải pháp sau: Công tác chuẩn bị đầu tư cần phải được triển khai tốt và phân định rõ; các dự án cho ứng vốn mà không có khối lượng thì điều chuyển nguồn vốn cho các dự án khác; tăng cường đánh giá, giám sát năng lực của các nhà thầu; tháo gỡ khó khăn cho các dự án cụ thể liên quan đến khu vực đổ thải, vật liệu san lấp.

Đại biểu Vũ Quyết Tiến, Bí thư Thành ủy Hạ Long, Tổ đại biểu TP Hạ Long, tham gia thảo luận tại tổ số 1. Ảnh: Báo Quảng Ninh.

Đại biểu Vũ Quyết Tiến, Bí thư Thành ủy Hạ Long, Tổ đại biểu TP Hạ Long, tham gia thảo luận tại tổ số 1. Ảnh: Báo Quảng Ninh.

Nội dung thu ngân sách cũng được nhiều đại biểu HĐND tỉnh quan tâm, đại biểu Vũ Quyết Tiến, Bí thư Thành ủy Hạ Long (tổ đại biểu TP Hạ Long), tham gia tổ thảo luận số 1, bày tỏ sự băn khoăn đến một số khoản thu chưa đạt tiến độ, còn thấp trong khi nợ đọng thuế còn cao. Đại biểu đề nghị phải có giải pháp mạnh, quyết liệt hơn, nhất là thu thuế phí các nhà hàng, khách sạn, hộ kinh doanh cho thuê mặt bằng trên cơ sở tổng rà soát lại các hộ trên địa bàn, tránh bỏ sót.

Đại biểu Trịnh Thị Minh Thanh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy (tổ đại biểu TP Uông Bí), tham gia tổ thảo luận số 2, thống nhất cao với các báo cáo, tờ trình, dự thảo nghị quyết tại kỳ họp. Về giải ngân vốn đầu tư công, đại biểu đề nghị cần phải có kế hoạch, lộ trình cụ thể để thực hiện. Về vấn đề tinh giản biên chế, phải có kế hoạch cụ thể ở từng cơ quan, đơn vị; trong công tác cán bộ, cần quan tâm nâng cao tinh thần dám làm, dám chịu, dám tham mưu đề xuất của cán bộ.

Đại biểu Cao Tường Huy, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh (tổ đại biểu Vân Đồn - Cô Tô), phát biểu thảo luận tại tổ số 3. Ảnh: Báo Quảng Ninh.

Đại biểu Cao Tường Huy, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh (tổ đại biểu Vân Đồn - Cô Tô), phát biểu thảo luận tại tổ số 3. Ảnh: Báo Quảng Ninh.

Đại biểu Cao Tường Huy, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh (tổ đại biểu Vân Đồn - Cô Tô), tham gia tổ thảo luận số 3, khẳng định, để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tỉnh đang tập trung nhiều nguồn lực, nỗ lực trong xây dựng hệ sinh thái dân sinh hấp dẫn với những chính sách khuyến khích và hỗ trợ vượt trội, môi trường sống tốt, cung cấp các dịch vụ công có chất lượng cao.

"Chúng ta phải tiếp tục củng cố niềm tin từ tỉnh đến cơ sở, chuyển từ tư duy quản lý sang tư duy phục vụ; đề cao trách nhiệm, vai trò của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương trong tổ chức triển khai thực hiện; coi vướng mắc của doanh nghiệp là nhiệm vụ quan trọng của đơn vị để tìm cách tháo gỡ và có giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp và lấy 'đầu tư công làm vốn mồi', dẫn dắt, kích hoạt đầu tư ngoài xã hội", ông Cao Tường Huy nhấn mạnh.

Xem thêm
Sóc Trăng thay đổi từ tư duy ứng phó sang thích ứng với hạn mặn

ĐBSCL Dù hạn mặn trong mùa khô 2023 -2024 cao hơn trung bình nhiều năm, Sóc Trăng chưa ghi nhận thiệt hại nghiêm trọng đến sản xuất, kinh doanh do hạn mặn gây ra.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

2 người ở Hà Giang bị thương do thiên tai

Mưa lớn kèm gió lốc đêm 4, ngày 5/5 trên địa bàn tỉnh Hà Giang đã khiến 2 người bị thương và 378 nhà dân bị tốc mái, hư hỏng.

[Bài 2] Bức panorama lớn nhất Việt Nam và mối tình Điện Biên của hai nghệ sỹ

Năm 1961, diễn viên trẻ Ngọc Lan tình cờ gặp họa sỹ Ngô Mạnh Lân ở Moscow. Cuộc gặp gỡ định mệnh gắn kết hai nghệ sỹ nhờ mối nhân duyên với Điện Biên Phủ.