| Hotline: 0983.970.780

Tình trạng sạt lở, sụt lún và sinh kế cho người dân Cà Mau

Thứ Sáu 29/11/2024 , 15:57 (GMT+7)

Cà Mau Tình trạng sạt lở, sụt lún đất vào mùa mưa tại Cà Mau rất phức tạp, khó lường làm thiệt hại nhiều tài sản, sinh kế của người dân.

Tuyến đường nông thôn mới tại xã Trần Hợi chưa sử dụng được bao lâu đã bị sụt lún. Ảnh: Trọng Linh.

Tuyến đường nông thôn mới tại xã Trần Hợi chưa sử dụng được bao lâu đã bị sụt lún. Ảnh: Trọng Linh.

Sạt lở, sụt lún tái diễn hàng năm

Cà Mau là tỉnh ven biển, chịu tác động nặng nề của biến đổi khí hậu nên tình trạng sạt lở, sụt lún đất đã uy hiếp nhiều nơi của địa phương này. Mặc dù, sạt lở đất chưa gây thiệt hại về người, song đã làm đường sá bị hư hỏng, nhà cửa trôi sông, thiệt hại nhiều tài sản của người dân, đặc biệt ở các huyện ven biển như Trần Văn Thời, Năm Căn và các vùng nội địa như U Minh.

Theo báo cáo từ Ban chỉ đạo phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Cà Mau, từ đầu năm 2024, có 150 tuyến đường trên địa bàn 9 xã, thị trấn vùng ngọt của địa phương đã xảy ra sạt lở, sụt lún đất với tổng chiều dài gần 19km, trong đó có 83 vị trí ven sông bị sạt lở với chiều dài gần 2,2km, tổng thiệt hại hơn 28 tỷ đồng. Đến nay, toàn huyện có 730 vị trí sạt lở, sụt lún đất, phát sinh mới 8 vị trí, với chiều dài 160m.

Nguyên nhân chính là do hạn hán kéo dài, sự cạn kiệt mực nước ở các kênh, rạch và việc người dân bơm nước để phục vụ sản xuất, dẫn đến sự chênh lệch độ cao giữa đường và mực nước, gây ra hiện tượng sụt lún và sạt lở đất.

Chính quyền địa phương đã thực hiện nhiều biện pháp để khắc phục như gia cố tạm thời các tuyến đường, hạn chế tải trọng xe cộ, và cảnh báo người dân về các khu vực nguy hiểm. Tuy nhiên, tình trạng này vẫn tiếp diễn và gây ra thiệt hại lớn về tài sản, đặc biệt là đối với cơ sở hạ tầng giao thông.

Gần đây nhất, tại khu vực cầu Rạch Gốc thuộc địa bàn khóm 8, thị trấn Rạch Gốc, huyện Ngọc Hiển đã xảy ra vụ sạt lở đất làm thiệt hại tài sản của 9 hộ dân. Trong đó, thiệt hại hoàn toàn 4 căn nhà, 2 căn nhà bị thiệt hại khoảng 50% và 3 căn thiệt hại 20%, ước tổng thiệt hại ban đầu khoảng 1 tỷ đồng.

Nhiều hộ dân xây nhà gần khu vực sạt lở tại xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển. Ảnh: Trọng Linh.

Nhiều hộ dân xây nhà gần khu vực sạt lở tại xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển. Ảnh: Trọng Linh.

Anh Võ Khánh Linh, người dân khóm 8 thông tin, trong lúc cả nhà đang ngủ thì cảm nhận được ngôi nhà rung lắc. Lúc này, gia đình chạy ra xem thì phát hiện vách nhà bị nứt, nên đã kêu gọi tất cả mọi người chạy ra. Rất may, cả gia đình anh Linh vừa chạy ra ngoài thì phần nhà phía sau đổ sập, sau đó từ từ chìm xuống sông. Không dừng lại ở đó, chỉ ít phút sau, vụ sạt lở lan rộng, kéo theo 5 căn liền kề cùng đổ sập xuống sông.

Ngay khi sạt lở xảy ra, chính quyền địa phương đã kịp thời chỉ đạo lực lượng đến hiện trường hỗ trợ người dân di dời tài sản đến nơi an toàn. Đồng thời, UBND thị trấn Rạch Gốc hỗ trợ 2 triệu đồng/hộ có nhà bị thiệt hại hoàn toàn, 1 triệu đồng/hộ có nhà bị thiệt hại 50% và 500.000 đồng/hộ có nhà bị thiệt hại 20%. Ngoài ra, nhiều mạnh thường quân cũng đã hỗ trợ nhu yếu phẩm cho các hộ dân bị ảnh hưởng bởi sạt lở đất.

“Do biên độ triều cường cao, mưa nhiều, nền đất yếu là nguyên nhân chính dẫn đến sạt lở. Hiện trên tuyến sông Rạch Gốc thuộc khóm 1, 4 và tuyến sông Kênh Ba thuộc khóm 1,3,4 của thị trấn Rạch Gốc cũng xuất hiện vài vị có nguy cơ sạt lở. UBND thị trấn đã tuyên truyền, vận động bà con đề cao cảnh giác và chủ động di dời người và tài sản đến nơi an toàn”, Chủ tịch UBND thị trấn Rạch Gốc Huỳnh Thanh Đảm cho biết.

Tuyến đê biển Đông bị sạt lở nghiêm trọng. Ảnh: Trọng Linh.

Tuyến đê biển Đông bị sạt lở nghiêm trọng. Ảnh: Trọng Linh.

Từ nhiều năm qua người dân dọc các tuyến sông, rạch có nguy cơ sạt lở cao đã tự xây dựng kè tạm, sau đó trồng cây mắm để chống sạt lở đất, tạo được bãi bồi rất hiệu quả.

“Việc trồng cây mắm chống sạt lở đất rất hiệu quả, ở đây chính quyền địa phương đã phối hợp với ngành chức năng trồng thí điểm khoảng 1km cây mắm dọc tuyến sông Lương Thế Trân (đoạn qua xã Lý Văn Lâm, TP Cà Mau). Sau một năm triển khai trồng, cây phát triển tốt, lớn nhanh và phát triển nhiều rễ bảo vệ đất rất hiệu quả. Lâu dần, bên trong khu vực trồng mắm tạo được bãi bồi nên tình trạng sạt lở đất không còn”, một người dân sinh sống ven sông Lương Thế Trân, xã Lý Văn Lâm, TP Cà Mau chia sẻ.

Ông Huỳnh Thanh Đảm, Chủ tịch UBND thị trấn Rạch Gốc, huyện Ngọc Hiển thông tin, hiện nay trên địa bàn xuất hiện nhiều vị trí sạt lở đất có nguy cơ cao như khu vực ven sông Kênh Ba, Rạch Gốc và các khóm 1,3,4 và 8. Đây là những khu vực ven sông có dân cư sinh sống rất đông. Trước tình trạng trên, chính quyền địa phương đã đẩy mạnh tuyên truyền và cắm biển cảnh báo khu vực nguy hiểm để người dân nâng cao ý thức phòng tránh.

Sạt lở ảnh hưởng đến hạ tầng mạng lưới điện. Ảnh: Trọng Linh.

Sạt lở ảnh hưởng đến hạ tầng mạng lưới điện. Ảnh: Trọng Linh.

Gần 1.300 tỷ đồng khắc phục sạt lở

Chủ tịch UBND tỉnh vừa có kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất hỗ trợ 1.300 tỷ đồng xây dựng cấp bách kè bảo vệ bờ biển Đông đang bị sạt lở nghiêm trọng. Ba dự án khắc phục sạt lở đặc biệt nguy hiểm có tổng chiều dài gần 21km, gồm đoạn từ Hố Gùi đến Bồ Đề hơn 7,5km, kinh phí 400 tỷ đồng; đoạn từ Kiến Vàng đến Ông Tà hơn 6,2 mkm, kinh phí 350 tỷ đồng; đoạn từ Kênh 5 Ô Rô đến Vàm Xoáy hơn 7km, kinh phí khắc phục 550 tỷ đồng.

Theo UBND tỉnh Cà Mau, 10 năm qua, dưới tác động của biến đổi khí hậu làm nước biển dâng, cùng với tình trạng sụp lún đất khiến bờ biển của tỉnh bị sạt lở ngày càng nghiêm trọng. Hiện, tổng chiều dài các đoạn sạt lở đặc biệt nguy hiểm và nguy hiểm gần 84km; trong đó bờ biển Tây 22km, bờ biển Đông gần 62km.

Ông Nguyễn Thanh Tùng, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Cà Mau chia sẻ: Trước tình hình sạt lở, sụt lún đất tại Cà Mau, tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ người dân trong khu vực chịu ảnh hưởng. Liên tục tuyên truyền, hướng dẫn người dân gia cố bờ bao, bảo vệ diện tích sản xuất và tránh thất thoát thủy sản nuôi. Thường xuyên kiểm tra các tuyến đê biển và khu vực xung yếu để đảm bảo an toàn.

Tỉnh Cà Mau vừa kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư hỗ trợ gần 1.300 tỷ đồng xây dựng cấp bách kè bảo vệ bờ biển Đông đang bị sạt lở nghiêm trọng. Ảnh: Trọng Linh.

Tỉnh Cà Mau vừa kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư hỗ trợ gần 1.300 tỷ đồng xây dựng cấp bách kè bảo vệ bờ biển Đông đang bị sạt lở nghiêm trọng. Ảnh: Trọng Linh.

Đồng thời, tập trung hỗ trợ sinh kế cho người dân thông qua việc tái cơ cấu cây trồng và vật nuôi phù hợp với điều kiện biến đổi khí hậu và tình trạng khan hiếm nước. Ngoài ra, việc sử dụng các phương pháp tưới tiêu tiên tiến, tiết kiệm nước cũng được khuyến khích áp dụng.

“Các biện pháp này được kỳ vọng sẽ giúp giảm thiểu thiệt hại do thiên tai, đồng thời bảo vệ đời sống và sinh kế của người dân tại các vùng nguy cơ cao”, ông Tùng chia sẻ.

Xem thêm
Tổng Bí thư nhấn mạnh vai trò doanh nghiệp, học giả trong quan hệ Việt - Mỹ

Tổng Bí thư đề nghị thúc đẩy đầu tư, nghiên cứu mới; tăng cường hợp tác giữa Đại học Columbia với các trường đại học Việt Nam theo các thỏa thuận đã có.

Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản của tỉnh Tuyên Quang tăng 4%

Năm 2024, giá trị sản xuất nông lâm nghiệp thủy sản của tỉnh Tuyên Quang ước đạt trên 11.252 tỷ đồng, tăng 4,1% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Về xứ Tuyên ở nhà trên núi

Nông thôn xứ Tuyên đang dần tìm lại bóng dáng làng xưa với niềm tự hào kiêu hãnh, cũng bởi lẽ đó nhiều khách phương xa muốn tìm về!