![tong-giam-doc-fao-ninh-binh-so-huu-di-san-he-thong-luong-thucthuc-pham-205514_799.jpg Sáng 7/2, đoàn công tác của FAO và Bộ NN-PTNT làm việc với tỉnh Ninh Bình. Ảnh: Tùng Đinh.](https://i.ex-cdn.com/nongnghiep.vn/files/content/2025/02/07/tong-giam-doc-fao-ninh-binh-so-huu-di-san-he-thong-luong-thucthuc-pham-205514_799-210918.jpg)
Sáng 7/2, đoàn công tác của FAO và Bộ NN-PTNT làm việc với tỉnh Ninh Bình. Ảnh: Tùng Đinh.
Quy hoạch bảo tồn 40% diện tích toàn tỉnh
Ngày 7/2, ông Khuất Đông Ngọc - Tổng giám đốc Tổ chức Nông nghiệp và Lương thực Liên hợp quốc (FAO), đã làm việc với lãnh đạo tỉnh Ninh Bình và thăm mô hình nghiên cứu lúa tái sinh do FAO hỗ trợ Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam (VAAS) triển khai tại địa phương.
Ninh Bình có điều kiện tự nhiên phong phú với ba dạng địa hình: núi, bán sơn địa và đồng bằng. Dựa trên lợi thế này, tỉnh định hướng phát triển theo hướng xanh, bền vững và hài hòa.
“Đây là nền tảng giúp Ninh Bình tạo dấu ấn riêng, gắn liền với giá trị lịch sử, văn hóa và cảnh quan thiên nhiên vốn có. Chiến lược phát triển của tỉnh tập trung vào ba trụ cột chính: công nghiệp văn hóa, công nghiệp dịch vụ và sản xuất nông nghiệp”, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Quang Ngọc cho biết.
Cơ cấu kinh tế của tỉnh hiện nay gồm 49% dịch vụ, 41% công nghiệp và khoảng 10% nông nghiệp. Đáng chú ý, 40% diện tích toàn tỉnh được quy hoạch cho bảo tồn thiên nhiên, di tích quốc gia và du lịch sinh thái.
Lãnh đạo tỉnh bày tỏ: “Điều này vừa là lợi thế, vừa là thách thức khi tỉnh phải cân bằng giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường”.
![tong-giam-doc-fao-ninh-binh-so-huu-di-san-he-thong-luong-thucthuc-pham-205657_917.jpg Ông Phạm Quang Ngọc - Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình (ảnh phải) thông tin với Tổng giám đốc FAO về tình hình kinh tế - xã hội và tiềm năng của tỉnh. Ảnh: Tùng Đinh.](https://i.ex-cdn.com/nongnghiep.vn/files/content/2025/02/07/tong-giam-doc-fao-ninh-binh-so-huu-di-san-he-thong-luong-thucthuc-pham-205657_917-210918.jpg)
Ông Phạm Quang Ngọc - Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình (ảnh phải) thông tin với Tổng giám đốc FAO về tình hình kinh tế - xã hội và tiềm năng của tỉnh. Ảnh: Tùng Đinh.
Vì vậy, Ninh Bình xác định giải pháp chủ đạo là phát triển nông nghiệp bền vững, đa giá trị, gắn với bảo vệ môi trường và nâng cao chất lượng đời sống. Các mặt hàng nông sản được sản xuất, chế biến dựa trên điều kiện tự nhiên và con người địa phương, góp phần thu hút khách du lịch đến trải nghiệm. Theo đó, nông nghiệp gián tiếp thúc đẩy ngành dịch vụ.
Đối với những vùng đất ngập nước có năng suất thấp, tỉnh đã chuyển đổi sang nuôi trồng thủy sản, giúp sử dụng tài nguyên hiệu quả hơn và tạo thêm sinh kế cho người dân.
Là kinh đô đầu tiên của nhà nước tập quyền Việt Nam, Ninh Bình sở hữu nhiều giá trị lịch sử quý báu và đã được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên Thế giới. Ninh Bình coi đây là động lực quan trọng để phát triển, đồng thời nhận thấy định hướng của tỉnh rất phù hợp với tầm nhìn của FAO.
Ninh Bình cần tiên phong đổi mới
Lắng nghe lãnh đạo địa phương, Tổng giám đốc FAO Khuất Đông Ngọc chia sẻ cảm nhận, cái tên “Ninh Bình” mang ý nghĩa của sự ổn định và hòa bình. Ông cho hay, chính sự cần cù, bền bỉ của người dân nông thôn đã giúp Việt Nam trở thành điểm thu hút đầu tư quốc tế trong lĩnh vực nông nghiệp.
FAO đang thúc đẩy sáng kiến “4 tốt hơn”, gồm sản xuất tốt hơn, dinh dưỡng tốt hơn, đời sống tốt hơn, môi trường tốt hơn. Định hướng phát triển nông nghiệp của Ninh Bình hoàn toàn phù hợp với các chương trình của FAO. Thêm nữa, địa phương có tài nguyên thiên nhiên trù phú, cũng như cam kết mạnh mẽ về phát triển bền vững ngành nông nghiệp.
“Bảo tồn thiên nhiên không có nghĩa là giới hạn không gian sản xuất. Ngược lại, đó là lợi thế để các bạn triển khai đa dạng mô hình sản xuất, phục vụ du lịch sinh thái. Chẳng hạn, trồng các giống hoa mới sẽ tạo cảnh quan đặc trưng vùng nhiệt đới, thu hút khách du lịch nước ngoài”, Tổng giám đốc FAO gợi mở, “Hãy biến khu vực nông thôn thành hình mẫu phát triển. Khi đã thịnh vượng, bạn cần tiên phong trong đổi mới”.
![tong-giam-doc-fao-ninh-binh-so-huu-di-san-he-thong-luong-thucthuc-pham-205609_278.jpg Tổng giám đốc FAO Khuất Đông Ngọc: 'Ninh Bình sở hữu di sản hệ thống lương thực - thực phẩm'. Ảnh: Tùng Đinh.](https://i.ex-cdn.com/nongnghiep.vn/files/content/2025/02/07/tong-giam-doc-fao-ninh-binh-so-huu-di-san-he-thong-luong-thucthuc-pham-205609_278-210919.jpg)
Tổng giám đốc FAO Khuất Đông Ngọc: "Ninh Bình sở hữu di sản hệ thống lương thực - thực phẩm". Ảnh: Tùng Đinh.
Trước đó, chiều 6/2, FAO và Việt Nam đã ký kết Bản ghi nhớ nhằm thiết lập khuôn khổ hợp tác, thúc đẩy các mục tiêu chung trong cơ chế hợp tác Nam - Nam và hợp tác ba bên.
Ông Khuất Đông Ngọc phân tích: “Hai mươi năm nữa, khi Việt Nam trở thành nước phát triển, nhu cầu nhập khẩu lương thực từ các quốc gia khác sẽ tăng lên. Hợp tác Nam - Nam trong nông nghiệp sẽ đem lại lợi ích cho các quốc gia thuộc khu vực Nam bán cầu. Đầu tư vào châu Phi ngay bây giờ sẽ giúp Việt Nam đảm bảo an ninh lương thực trong tương lai”.
Lãnh đạo FAO toàn cầu đã đưa ra các chỉ thị đặc biệt nhằm hỗ trợ các chương trình trao đổi kinh nghiệm ở mức cao nhất để các doanh nghiệp, nông dân châu Phi đến Việt Nam học hỏi. Tổng giám đốc FAO cũng có lời mời Chính phủ Việt Nam tham dự Ngày Lương thực Thế giới 2025 (tháng 10 tại Rome, Italy), mong rằng Bộ NN-PTNT sẽ chia sẻ tầm nhìn nông nghiệp quốc gia.
Ông Khuất Đông Ngọc bày tỏ sẵn sàng hỗ trợ kỹ thuật cho quá trình chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, nâng cao giá trị ngành hàng nông, lâm, thủy sản.
Tìm giải pháp sinh thái cho vùng đất trũng
Sau buổi gặp mặt, đoàn cấp cao FAO đã thăm cánh đồng lúa chét (lúa tái sinh) tại xã Gia Phong, huyện Gia Viễn. Xã Gia Phong nằm trong vùng trũng thoát lũ của sông Hoàng Long, khiến sản xuất lúa gặp nhiều thách thức. Tại đây, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam (VAAS) đang thí điểm cơ giới hóa trong canh tác lúa tái sinh, tức là để lúa tiếp tục sinh trưởng sau khi thu hoạch.
Đây là giải pháp tiềm năng cho người dân vùng “rốn lũ” sông Hoàng Long, giúp giảm thiểu rủi ro mất mùa vì lũ lụt. Trong khi trồng vụ mới có thể mất đến 90 ngày, lúa tái sinh có thể thu hoạch sau 45-50 ngày, nên nông dân có thể thu hoạch lúa sớm trước mùa mưa.
![tong-giam-doc-fao-ninh-binh-so-huu-di-san-he-thong-luong-thucthuc-pham-205851_45.jpg Trình diễn đồng ruộng về giải pháp cơ giới hóa, sử dụng drone phun thuốc bảo vệ thực vật chính xác, tiết kiệm. Ảnh: Tùng Đinh.](https://i.ex-cdn.com/nongnghiep.vn/files/content/2025/02/07/tong-giam-doc-fao-ninh-binh-so-huu-di-san-he-thong-luong-thucthuc-pham-205851_45-210919.jpg)
Trình diễn đồng ruộng về giải pháp cơ giới hóa, sử dụng drone phun thuốc bảo vệ thực vật chính xác, tiết kiệm. Ảnh: Tùng Đinh.
Sau vụ thí điểm đầu tiên, các địa phương đúc kết một số ưu điểm của mô hình lúa chét: tiết kiệm giống và nhân công, giảm gánh nặng lao động. Thời gian canh tác ngắn nên đất có thêm thời gian nghỉ, cải thiện chất lượng đất và hệ sinh thái đồng ruộng. Năng suất lúa chét chỉ đạt khoảng 2/3 so với lúa mùa, nhưng chi phí phân bón và vật tư nông nghiệp chỉ bằng 20%.
Bên cạnh hiệu quả rõ rệt, lúa chét lại dễ bị sâu bệnh và ảnh hưởng bởi lũ lụt. Cơ giới hóa không đồng đều giữa các vùng trồng gây ra hiện tượng đất không bằng phẳng, dẫn đến tỷ lệ nảy mầm không ổn định. Trong thời gian tới, tỉnh Ninh Bình sẽ tiếp tục phối hợp Bộ NN-PTNT và FAO để mở rộng mô hình lúa chét kết hợp nuôi trồng thủy sản, đồng thời tăng cường cơ giới hóa, giảm chi phí đầu vào.
Tổng giám đốc FAO Khuất Đông Ngọc khuyến nghị: Quy hoạch vùng nguyên liệu, áp dụng công nghệ mới và phát triển du lịch sinh thái sẽ là những hướng đi quan trọng giúp nâng cao giá trị nông sản cho tỉnh Ninh Bình.