| Hotline: 0983.970.780

TP.HCM cần có nhạc trưởng, kiến trúc sư trưởng về kinh tế

Thứ Ba 19/10/2021 , 11:16 (GMT+7)

Đại biểu đề nghị TP.HCM cần có một nhạc trưởng, kiến trúc sư trưởng về kinh tế nhằm điều hòa các chính sách tránh xung đột nhau, điều phối chính sách tài khóa, tiền tệ.

Kỳ họp thứ ba HĐND TP.HCM khóa X nhiệm kỳ 2021-2026. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Kỳ họp thứ ba HĐND TP.HCM khóa X nhiệm kỳ 2021-2026. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Sáng 19/10, kỳ họp thứ ba HĐND TP.HCM khóa X nhiệm kỳ 2021-2026 tiếp tục diễn ra với phần thảo luận tại hội trường về tình hình kinh tế - xã hội Thành phố.

Báo cáo tổng hợp ý kiến phát biểu của đại biểu HĐND TP.HCM tại các Tổ thảo luận chiều 18/10, Chánh Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội và HĐND TP.HCM Đỗ Thị Minh Quân cho biết, hầu hết các đại biểu thống nhất đánh giá cao kết quả đạt được trong thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm 2021. UBND TP.HCM thể hiện sự quyết liệt, chủ động trong công tác chỉ đạo, điều hành, nhất là trong điều kiện chịu ảnh hưởng nặng nề của đợt bùng phát dịch bệnh Covid-19 lần thứ 4.

Đến nay, tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn Thành phố cơ bản được kiểm soát nhờ sự lãnh đạo quyết liệt, toàn diện, sâu sát, kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch nước và sự hỗ trợ tận tâm nhiệt tình của các Bộ, ngành trung ương, các tỉnh, thành trong cả nước. Thành phố đã vượt qua những giai đoạn khó khăn, gian nan nhất bằng sự đoàn kết, chung sức, đồng cam cộng khổ, thắt lưng buộc bụng, vượt mọi khó khăn của đồng bào Thành phố và sự chia sẻ, ủng hộ của đồng bào cả nước; sự chung tay gánh vác của các tổ chức, cá nhân, các tôn giáo, cộng đồng doanh nghiệp, các nhà thiện nguyện... 

Có ý kiến đề xuất, TP.HCM cần có một nhạc trưởng, kiến trúc sư trưởng về kinh tế, nhằm điều hòa các chính sách tránh xung đột nhau, cần điều phối cả chính sách tài khóa và tiền tệ. Quan tâm các chính sách kích cầu tiêu dùng, các giải pháp kích cầu đầu tư, chi tiêu công vì kích cầu đầu tư sẽ có độ trễ, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, tăng cường công tác tuyên truyền đến doanh nghiệp về các chính sách hỗ trợ. Giảm thủ tục pháp lý cho doanh nghiệp, chính sách thu hút đầu tư, duy trì ngành dịch vụ chất lượng cao giúp phát triển kinh tế - xã hội TP.HCM, đồng thời tạo việc làm, nâng cao thu nhập.

Một số ý kiến đề nghị, TP.HCM cần quan tâm đẩy mạnh thực hiện Chương trình giảm nghèo bền vững, nhất là sau đợt giãn cách xã hội vừa qua, cuộc sống của hộ nghèo và cận nghèo rất khó khăn. Nhất là đẩy nhanh tiến độ thực hiện Nghị quyết số 13 của HĐND TP.HCM về Chương trình giảm nghèo bền vững TP.HCM giai đoạn 2021-2025. Đồng thời, đề nghị UBND TP.HCM đảm bảo việc triển khai thực hiện chương trình theo đúng quy định pháp luật nhằm tạo điều kiện để các hộ nghèo, hộ cận nghèo phát triển kinh tế, vươn lên và có việc làm ổn định.

Liên quan đến đầu tư xây dựng và thực hiện dự án, có ý kiến đề nghị, Thành phố tiếp tục thực hiện chương trình chỉnh trang đô thị, giải tòa nhà ven kênh rạch, nhất là nhà ven kênh khu vực quận 4, 8. Đồng thời, quan tâm các chung cư xuống cấp. Rà soát lại quy hoạch sử dụng đất, xóa quy hoạch treo, đảm bảo sử dụng đất phù hợp tiềm năng, tránh lãng phí tài nguyên đất. Cần có các cơ chế đặc thù và giải pháp hiệu quả hơn trên lĩnh vực này.  

Đại biểu tại Kỳ họp thứ ba HĐND TP.HCM khóa X nhiệm kỳ 2021-2026. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Đại biểu tại Kỳ họp thứ ba HĐND TP.HCM khóa X nhiệm kỳ 2021-2026. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Đại biểu cũng đề nghị TP.HCM cần có sự chọn lọc các dự án trọng điểm để tập trung thực hiện tạo tiền đề khôi phục kinh tế. Vì hiện nay vẫn còn nhiều dự án kéo dài nhiều năm chưa hoàn thành hoặc chưa được thực hiện, nhất là các dự án đầu tư công như dự án Quốc lộ 50 kéo dài nhiều năm chưa thực hiện; Hương Lộ 80, Dự án Trường học Tân Kiên, Vĩnh Lộc A – Bình Chánh; dự án xây dựng cầu tại TP Thủ Đức; cải thiện môi trường tại kênh Ba Bò.

Cần chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đầu tư xây dựng, khai thác nhà trọ cho công nhân thuê để góp phần nâng cao đời sống của người dân, từ đó dễ vận động họ quản lý theo định hướng của cơ quan nhà nước, giảm áp lực cho doanh nghiệp về việc lo chỗ ở cho người lao động...

Về tờ trình 3436 kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025, đại biểu HĐND TP.HCM để nghị cần rà soát chặt chẽ tính pháp lý và nhu cầu, sự cần thiết để đầu tư và không để lãng phí, gây phản cảm xã hội như một số công trình đang khiến dư luận bức xúc như Cầu 5 Lý, cầu Tăng Long, cầu Long Đại,…. 

Bên cạnh đó, cần quan tâm dự án nâng cấp, duy tu, sửa chữa bờ hữu Sông Sài Gòn vì hiện nay dự án này bị hư hỏng và sạt lở nghiêm trọng, có nguy cơ mất an toàn cho các hộ dân sinh sống trong khu vực.

Bổ sung Dự án Cầu Cần Giờ, Khu du lịch lấn biển Cần Giờ; sửa chữa trụ sở Huyện ủy Cần Giờ, Dự án nạo vét kiên cố hóa cải thiện thoát nước chống ngập, ô nhiễm dọc tuyến kênh Trung ương, Dự án nâng cấp, mở rộng và nạo vét kênh trục tiêu thoát nước rạch Láng The, kênh Địa Phận tại Huyện Củ Chi vào kế hoạch đầu tư công trung hạn; còn thiếu các dự án xây dựng đô thị thông minh của các quận, huyện.

Về Tờ trình 3437 điều chỉnh kế hoạch đầu tư công năm 2021, đại biểu HĐND đề xuất bổ sung Kế hoạch vốn đầu tư công năm 2021 đối với Dự án nạo vét, kiên cố hóa cải thiện thoát nước chống ngập, ô nhiễm dọc tuyến kênh Trung ương và Dự án nâng cấp, mở rộng và nạo vét kênh trục tiêu thoát nước rạch Láng The, kênh Địa Phận tại Huyện Củ Chi để đảm bảo 2 Dự án được thực hiện đúng tiến độ, vì đây là những công trình cấp bách, đã có kết quả đấu thầu.

Xem thêm
Tây Ninh phấn đấu là nơi đáng sống và động lực tăng trưởng vùng

TÂY NINH Với thiên thời, địa lợi, nhân hòa, 'nóc nhà Đông Nam bộ' đặt mục tiêu trở thành nơi đáng sống và động lực tăng trưởng cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Sóc Trăng thay đổi từ tư duy ứng phó sang thích ứng với hạn mặn

ĐBSCL Dù hạn mặn trong mùa khô 2023 -2024 cao hơn trung bình nhiều năm, Sóc Trăng chưa ghi nhận thiệt hại nghiêm trọng đến sản xuất, kinh doanh do hạn mặn gây ra.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chuyện cụ Bầm tháo dỡ bàn thờ tổ tiên phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ

'Mình hết lòng vì Tổ quốc thì tổ tiên sẽ ủng hộ, phù hộ chứ các cụ có làm gì ảnh hưởng đến con cháu đâu mà sợ', chị Nhàn thuật lại lời kể.