Để từng bước phục hồi phát triển kinh tế TP trong 3 tháng cuối năm 2021, tại Kỳ họp thứ 3 HĐND TP.HCM khóa X nhiệm kỳ 2021-2026, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hòa Bình cho biết, TP.HCM tiếp tục thực hiện nghiêm, hiệu quả các chỉ đạo của Trung ương, nhất là Nghị quyết 128 của Chính phủ về ban hành quy định tạm thời “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”; triển khai hài hòa các biện pháp phòng chống dịch và phục hồi kinh tế TP.HCM trong giai đoạn mới với các giải pháp trọng tâm.
Trong đó, triển khai 11 chiến lược trong phòng chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế trong giai đoạn mới. Tăng cường hệ thống y tế, nhất là hệ thống y tế cơ sở, triển khai mở cửa từng bước thận trọng, chặt chẽ, chắc chắn theo phương châm “an toàn là trên hết”, “an toàn tới đâu mở cửa tới đó, mở cửa thì phải an toàn”. Bám sát tình hình thực tiễn xem xét các biện pháp giãn cách xã hội phù hợp, phối hợp chặt chẽ với các địa phương trong vùng, đảm bảo giải quyết toàn diện đồng bộ lưu thông hàng hóa, xuất nhập khẩu, vận tải hành khách, vận chuyển người lao động, chuyên gia, khám chữa bệnh… từng bước đưa sinh hoạt của người dân sang trạng thái “bình thường mới”.
Chủ động tiếp cận nguồn vacxin, thuốc đặc trị Covid-19, trang thiết bị vật tư y tế, triển khai tiêm vacxin cho trẻ em ngay khi có hướng dẫn của bộ Y tế và có nguồn vacxin phù hợp. Đồng thời, tiếp tục phát huy mô hình điều trị 3 tầng, quản lý F0… Chủ động xây dựng kế hoạch mở cửa trường học, sẵn sàng mở lại khi đảm bảo các điều kiện an toàn về dịch bệnh.
Đặc biệt, TP.HCM triển khai các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi kinh tế như miễn giảm lãi, hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ, đẩy mạnh các chương trình kết nối ngân hàng với doanh nghiệp, chương trình bình ổn thị trường, nắm bắt thông tin khó khăn của các doanh nghiệp, gia hạn thời gian nộp thuế; duy trì tổ phản ứng nhanh thông quan hàng hóa… Rà soát đánh giá toàn diện lực lượng lao động để kịp thời triển khai các giải pháp hỗ trợ phù hợp, đảm bảo nguồn lực cho hoạt động sản xuất trong giai đoạn phục hồi kinh tế, không để xảy ra tình trạng thiếu hụt lao động…
Về kết quả cải thiện môi trường đầu tư, ông Lê Hòa Bình cho biết, TP.HCM đã ban hành kế hoạch thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư với 10 nhóm nhiệm vụ giải pháp cụ thể.
“TP đã chủ động làm việc với các cơ quan Trung ương để tháo gỡ khó khăn cho các dự án trọng điểm của thành phố như dự án chống ngập, dự án cấp phát vốn cho tuyến Metro số 1, số 2, dự án Lotte… Chủ động tổ chức gặp gỡ các doanh nghiệp trên các lĩnh vực để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc do quy định pháp luật và ảnh hưởng của dịch Covid-19”, ông Bình cho hay.
Theo ông Lê Hòa Bình, để cải thiện môi trường đầu tư của TP.HCM trong năm 2021, TP đã kiện toàn, đổi mới mô hình hoạt động Tổ công tác đầu tư; thành lập Tổ công tác tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án đầu tư có sử dụng vốn ngoài ngân sách trên địa bàn. Đồng thời, thành lập Tổ công tác tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp FDI do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
“TP.HCM chủ động tổ chức nhiều buổi tiếp xúc trực tiếp và trực tuyến với các hiệp hội doanh nghiệp trong, ngoài nước để kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc, đề ra các phương thức sản xuất phù hợp an toàn, không để đứt chuỗi cung ứng, sản xuất, xuất nhập khẩu và chuỗi cung ứng lao động”, ông Bình thông tin.
Đánh giá về tình hình kinh tế xã hội, thu chi ngân sách TP 9 tháng đầu năm 2021, ông Bình cho hay, tác động của đại dịch Covid-19 lần thứ tư đã tác động rõ nét trên bức tranh kinh tế của TP. Dự báo GRDP cả năm 2021 giảm 5,56% so với cùng kỳ, không đạt chỉ tiêu của năm…
Nhìn chung do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 cùng với áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội trong thời gian dài đã tác động lên toàn bộ hoạt động kinh tế xã hội, dẫn đến các chỉ tiêu kinh tế giảm sâu. Tuy nhiên, chỉ tiêu 9 tháng đầu năm có các điểm sáng cần được ghi nhận.