| Hotline: 0983.970.780

TP.HCM phân 3 nhóm nguy cơ dịch Covid-19

Thứ Hai 28/06/2021 , 17:33 (GMT+7)

Theo Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong, TP.HCM thực hiện phân nhóm mức độ diễn biến dịch Covid-19 đối với TP Thủ Đức, quận - huyện để có các giải pháp phù hợp.

Cuộc họp giao ban Ban Chỉ đạo phòng chống Covid-19 TP.HCM sáng 28/6. Ảnh: TTBC.

Cuộc họp giao ban Ban Chỉ đạo phòng chống Covid-19 TP.HCM sáng 28/6. Ảnh: TTBC.

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong chủ trì cuộc họp giao ban Ban Chỉ đạo phòng chống Covid-19 TP.HCM với các quận huyện trong bối cảnh 12 ngày liên tiếp TP.HCM ghi nhận số ca mắc Covid-19 lên đến 3 con số mỗi ngày.

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, Thành phố đã triển khai nhiều biện pháp phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn, thậm chí áp dụng một số biện pháp cao. Tuy nhiên, số ca mắc Covid-19 hàng ngày vẫn còn cao và chưa có dấu hiệu thuyên giảm.

Do đó, ông Phong yêu cầu tăng cường kiểm tra giám sát, tổ chức thực hiện nghiêm Chỉ thị 10 của UBND TP.HCM, mỗi người dân cần nâng cao ý thức chủ động phòng chống dịch hết sức nghiêm túc.

Theo ông Nguyễn Thành Phong, Thành phố thực hiện phân nhóm mức độ diễn biến dịch bệnh đối với TP Thủ Đức, quận - huyện để có các giải pháp phù hợp.

Trên cơ sở ý kiến của Sở Y tế TP.HCM, hiện nay, quận huyện có nguy cơ rất cao gồm quận Bình Tân, huyện Hóc Môn, huyện Bình Chánh, quận 8, Tân Phú và một phần của TP Thủ Đức (quận Thủ Đức cũ). Nơi có nguy cơ cao là quận Gò Vấp, huyện Củ Chi, quận 1, quận Bình Thạnh, quận Tân Bình, quận 5, quận 4, quận 12 và một phần của TP Thủ Đức (quận 2 và quận 9 cũ). Các quận có nguy cơ gồm huyện Cần Giờ, quận 10, quận 11, quận 7 và quận Phú Nhuận.

Chủ tịch UBND TP.HCM yêu cầu nâng cao vai trò của Ban chỉ đạo các quận huyện và TP Thủ Đức theo phương châm "5 tại chỗ": nhiệm vụ tại chỗ, chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện, vật tư tại chỗ và hậu cần tại chỗ. Chủ tịch UBND quận, huyện toàn quyền quyết định một số vấn đề, trong đó có việc ra lệnh phong tỏa các khu vực trên địa bàn.

Sở Y tế TP.HCM hình thành các đội công tác đặc biệt khẩn cấp đến 22 quận huyện, TP Thủ Đức và chịu sự chỉ đạo trực tiếp của Trưởng ban chỉ đạo khu vực đó.

Riêng tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, công viên phần mềm Quang Trung, giao cho Ban quản lý chịu trách nhiệm cao nhất.

Sở Y tế TP.HCM tăng cường tổ công tác đặc biệt tại các khu vực trên, những nơi có nguy cơ cao như ga Tân Sơn Nhất, cảng hàng hải, bến xe, nhà ga,… Đồng thời, tăng cường lực lượng hỗ trợ một số quận huyện đang có tình hình dịch bệnh phức tạp.

Tại các khu cách ly và khu phong tỏa, tổ chức lấy mẫu xét nghiệm hàng ngày. Cùng với đó, tăng cường kiểm tra, ngăn chặn sự tiếp xúc giữa các gia đình. Trang bị wifi, chăm lo đời sống tinh thần cho người trong các khu cách ly.

Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM tăng cường camera giám sát tại các khu cách ly, kiểm tra theo 3 lớp (bên ngoài, bên trong khu cách ly, giám sát mỗi gia đình).

Trước tình trạng lây nhiễm chéo trong khu cách ly thông qua nhà vệ sinh chung, các quận không nên bố trí khu cách ly tại các trường học. Ông Phong lưu ý cần xem xét đưa người cách ly vào khách sạn có trang bị nhà vệ sinh riêng mỗi phòng.

Tại các khu cách ly của TP.HCM, Bộ tư lệnh là cơ quan chỉ huy, điều phối chỉ đạo xử lý các vấn đề về phòng, chống dịch tại khu cách ly.

Ngoài ra, Chủ tịch UBND TP.HCM yêu cầu thành lập trung tâm phân tích dữ liệu tại trụ sở UBND TP.HCM. Sở Thông tin Truyền thông TP.HCM cùng Văn phòng UBND TP.HCM, Sở Y tế TP.HCM phân công nhân sự trực 24/24, thu thập toàn bộ dữ liệu trên địa bàn và kết nối với Trung ương.

Lãnh đạo UBND TP.HCM cũng yêu cầu tăng cường năng lực xét nghiệm, xử lý và trả kết quả xét nghiệm nhanh. Tiến hành thí điểm test nhanh kháng nguyên tại các khu công nghiệp, khu công nghệ cao, các ổ dịch, chuỗi lây nhiễm phức tạp. Tầm soát diện rộng quanh các khu cách ly, phong tỏa, các điểm có nguy cơ cao.

Với quyết tâm cao nhất, để khống chế dịch và thực hiện “mục tiêu kép” đã đề ra, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên yêu cầu thực hiện nghiêm sự chỉ đạo của Thường trực Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19, tăng cường tối đa việc truy vết nhanh hơn, thần tốc hơn.

Đồng thời, bí thư Nguyễn Văn Nên yêu cầu sơ kết, đánh giá lại việc triển khai chiến dịch tiêm vacxin phòng Covid-19 đợt 4, từ đó rút kinh nghiệm khắc phục những hạn chế cho các đợt triển khai tiêm chủng tiếp theo.

Mở một chiến dịch cao điểm tấn công, truy vết, xét nghiệm, tìm F0 bằng việc xét nghiệm rộng toàn Thành phố.

Xem thêm
Việt Nam chưa đủ thông tin đánh giá tác động của dự án Funan Techo

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng khẳng định Việt Nam chưa đủ thông tin để có thể đánh giá tác động của dự án Funan Techo.

Bắc Kạn cần hướng đến sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững

FAO tại Việt Nam đánh giá, các hợp tác xã, tổ hợp tác tại tỉnh Bắc Kạn đã cải thiện năng lực tổ chức sản xuất, có nhiều mô hình hiệu quả, thân thiện với môi trường.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Diêm dân buồn nhìn muối trắng trên đồng

Quảng Bình Năm nay, đầu vụ hè nắng nóng kéo dài cho bà con diêm dân được mùa nhưng không có lãi vì rớt giá…

Bình luận mới nhất