Tôi vừa có dịp theo chân đoàn làm phim lên thăm bà con trồng điều tại thôn 2, xã Đồng Nai, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước.
Trên đường đi, dù đã đến cuối vụ, nhưng đâu đó chúng tôi vẫn thấy những vườn điều đang thu hoạch, những sân phơi đầy ắp hạt điều xếp thành luống, thành hàng dưới trời nắng gắt.
Đến thôn 2, tôi có dịp ngồi trò chuyện với vợ chồng ông Điểu Vân Bươn và Điểu Thị Lan, người Châu Mạ.
Ông Bươn kể trước đây từng làm Trưởng ban định cư xã Đồng Nai, sau làm Chủ tịch hội nông dân của xã. Ông khoe nhà đã có đến ba đời gắn bó với cây điều. Cha ông ngày xưa làm nghề trồng lúa và đánh bắt cá dưới suối. Sau này nghe theo tiếng gọi của Đảng, gia đình ông đã chuyển qua trồng điều trên diện tích 7 ha vườn nhà. Thấy việc trồng điều chi phí đầu tư thấp, lại bán cho doanh nghiệp xuất khẩu có tiền, ông đã vận động bà con trong xã cùng trồng. Ông nói: “Đất của mình, giống Nhà nước lo, đến vụ thương lái đến mua lấy tiền nuôi con đi học”.
Chị Điểu Thị Mơn - Trưởng thôn 2, hiện đang là Chủ nhiệm HTX nông nghiệp K&M, là con gái của ông Bươn, cho biết thêm, ông nội của chị tên Điểu Hoe tham gia cách mạng năm 1960, gia đình từng nuôi cán bộ, bản thân ông nội tham gia cứu thương, tải đạn cho quân giải phóng, từng được Đảng và Nhà nước trao tặng Huân chương Kháng chiến.
Hòa bình lập lại, ông Điểu Hoe trở lại với nghề làm ruộng, rồi nghe theo cách mạng, ông vận động bà con không sống du canh du cư nữa và quyết định định canh, định cư ở vùng đất này.
Ông cùng bà con học trồng điều từ ngày đó (dù hồi đó trồng điều chỉ là việc đào lỗ bỏ hạt, chứ cách trồng không tiến bộ như bây giờ).
Mơn còn khoe từng làm việc ở xã, rồi từng là sinh viên trường luật. Tôi hỏi “sao Mơn học luật mà lại ở nhà làm điều?”. Mơn bảo: “Con sống ở đây đã 35 năm, dù đi đâu, bịt mắt con cũng biết ở đó có điều”.
Cũng vì gia đình và bà con nơi đây đã nhiều thế hệ gắn bó với cây điều nhưng đời sống còn nghèo nên cô quyết định ở lại quê hương cùng bà con thành lập HTX nông nghiệp hữu cơ mang tên K&M.
HTX được Công ty Target Agriculture Việt Nam (chuyên kinh doanh sản phẩm nông nghiệp hữu cơ) chọn liên kết liên doanh. Mơn cho biết Công ty Target hàng năm có hỗ trợ địa phương kinh phí xây dựng đường, trường, trạm, hướng dẫn sản xuất, quan trọng là giá mua sản phẩm có cao hơn thị trường chừng 700 - 800 đồng/kg.
Tuy nhiên, Mơn cũng than rằng năm nay thì bà con vất vả hơn vì điều mất mùa tới trên 20% do nắng hạn gay gắt kéo dài, giá cũng không bằng năm ngoái. Mơn nói chỉ mong Nhà nước có dự báo thời tiết nông vụ dài hạn cho cây điều như cây lúa để bà con có thể cho điều trổ bông, ra trái phù hợp. Hai là giúp bà con có giống tốt, chịu hạn, chống chọi với sâu bệnh. Ba là làm sao để giá mua điều của dân được tốt hơn.
"Bà con cho rằng giá mua điều của dân hiện nay quá thấp so với công sức họ bỏ ra và nó không công bằng", Mơn nói.
Khi nghe chúng tôi phân tích giá hạt điều hiện nay biến động theo giá thị trường, mà là giá thị trường quốc tế, thị trường xuất khẩu, cũng không trách doanh nghiệp được, họ cũng bị lỗ, thì thấy Mơn buồn, nỗi buồn của người trong cuộc.
Trên đường về, đoàn chúng tôi tới UBND xã Đồng Nai, gặp Bí thư và Phó Bí thư xã, trao đổi câu chuyện xung quanh cây điều. Lãnh đạo xã Đồng Nai cũng thông tin “điều năm nay mất mùa, rớt giá. Bà con trồng điều khó khăn quá!”.
Đoàn tiếp tục ghé thăm anh Tạ Quang Huyên - Chủ tịch Công ty Hoàng Sơn I. Anh Huyên cho biết, công ty anh mua điều rất mạnh. Mấy hôm nay khách đến hỏi mua nhiều, giá không tệ. Anh đã ký bán được tầm 5.000 tấn nhân điều các loại. Dù vậy, anh tâm sự thật lòng: “Bà con nào có điều kiện chuyển đổi cây trồng thì nên chuyển chứ câu chuyện làm giàu từ cây điều coi bộ khó khăn quá!”
Đi cùng chúng tôi, ông Nguyễn Văn Thỏa, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước, lại cho rằng, đối với bà con dân tộc sống ở vùng sâu vùng xa, việc chuyển đổi cây trồng không cẩn thận là chết. Vì họ không có vốn, kỹ thuật canh tác kém. Nếu đầu tư lớn khả năng lỗ vốn là rất cao. Thí dụ chuyển qua trồng cây sầu riêng trước mắt thấy hiệu quả, nhưng không phải ai cũng làm được. Hai nữa thị trường lâu dài có chắc ăn không, hay lại như cây thanh long ở Bình Thuận, Long An?
Lời kết của bài viết, tôi xin trích lời ông Nguyễn Văn Thỏa: Chúng ta cứ mãi trong vòng luẩn quẩn, chi bằng cải tạo vườn điều sẵn có, tạo ra vườn có năng suất cao, chất lượng tốt, rồi bảo vệ hiệu quả thương hiệu điều, trả lại giá trị đích thực cho hạt điều Bình Phước, hạt điều Việt Nam. Tôi tin một sản phẩm kết tinh văn hóa, tình người của một vùng quê giàu lòng nhân ái, sẽ là hướng đi đúng cho bà con vùng dân tộc thiểu số.