| Hotline: 0983.970.780

Trên 90% người lao động quay lại nhưng Đồng Nai vẫn thiếu trầm trọng

Thứ Ba 22/02/2022 , 10:46 (GMT+7)

Do đơn hàng nhiều, mở rộng sản xuất, nên nhiều doanh nghiệp lớn ở Đồng Nai vẫn thiếu hàng ngàn lao động....

96% người lao động đã trở lại làm việc

Tương tự Bình Dương và TP.HCM, Đồng Nai là tỉnh công nghiệp lớn của khu vực miền Đông với khoảng 1,2 triệu lao động. Hơn 1 nửa số này là công nhân đang làm việc trong các khu công nghiệp. Theo thống kê sơ bộ của Sở LĐ-TB-XH tỉnh Đồng Nai, tại các doanh nghiệp lớn trên địa bàn tỉnh, số người lao động đi làm trở lại đạt từ 95% - 98%, các doanh nghiệp khác cũng đạt tỉ lệ người lao động đi làm trở lại trên 90%.

Dù tỷ lệ lao động quay lại làm việc ở Đồng Nai sau kỳ nghỉ Tết đạt cao, nhưng do đơn hàng tăng sau Tết, cộng thêm số nhân công còn thiếu, nên nhu cầu tuyển thêm lao động của tỉnh Đồng Nai cũng không hề nhỏ. Nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đang có nhu cầu tuyển thêm hàng ngàn lao động. Như Công ty TNHH Pousung Việt Nam ở KCN Bàu Xéo, huyện Trảng Bom, có nhu cầu tuyển 7 ngàn lao động phổ thông; Công ty Changshin Việt Nam tuyển khoảng 9.000 người; Công ty TNHH Pouchen Việt Nam (Hoá An, Biên Hoà) có nhu cầu tuyển trên 3 ngàn lao động; Công ty CP Taekwang Vina ở KCN Biên Hòa II cần tuyển trên 5 ngàn lao động; Công ty TNHH Cibao ở TP.Long Khánh cần hơn 1 ngàn lao động mới…

Tại các doanh nghiệp ở Đồng Nai, có khoảng 96% số công nhân lành nghề đều quay lại làm việc.

Tại các doanh nghiệp ở Đồng Nai, có khoảng 96% số công nhân lành nghề đều quay lại làm việc.

Điều đáng mừng là hầu hết các doanh nghiệp đã chú trọng việc chăm sóc người lao động tốt hơn, tăng các chế độ phúc lợi về lương, thưởng, môi trường làm việc để thu hút lao động. Hoặc thưởng cho công nhân giới thiệu người thân vào làm việc từ 1 đến 2 triệu đồng/người. Chính vì thế, tỷ lệ người lao động cũ quay lại với doanh nghiệp ở Đồng Nai ở mức độ cao, chỉ sau TP.HCM. Đồng thời, với các chế độ đãi ngộ tốt, người lao động mới từ các tỉnh cũng tìm về Đồng Nai nhiều hơn.

Tại Công ty CP Taekwang Vina, để đáp ứng nhu cầu mở rộng sản xuất, công ty này chỉ yêu cầu người lao động biết đọc, viết là có thể vào làm với mức thu nhập bình quân 7,5 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, công ty đưa ra nhiều chính sách ưu đãi như: Thưởng công nhân mới vào làm việc 7,2 triệu đồng; Thưởng cho người giới thiệu người thân vào làm việc với mức 4 triệu đồng/người. Đối với công nhân ở 20 tỉnh vùng xa còn được công ty hỗ trợ tiền nhà trọ trong 6 tháng đầu. Ngoài ra, công ty còn cam kết khi công nhân vào làm việc sẽ được hưởng nhiều chế độ phúc lợi như thưởng Tết 150%, hỗ trợ vé xe về quê đón Tết, thưởng ngày lễ Tết trong năm, hỗ trợ ăn sáng và còn được gửi con trong nhà trẻ của công ty…

Ông Đinh Sỹ Phúc, Chủ tịch Công đoàn Công ty CP Taekwang Vina cho biết: “Do ảnh hưởng dịch, nắm bắt tình hình công nhân khó khăn, nên Công đoàn cơ sở đã đề xuất Ban giám đốc công ty lên phương án duy trì thưởng Tết cho người lao động. Mặc dù công ty cũng bị ảnh hưởng, cũng khó khăn, nhưng nếu không chăm lo cho người lao động được, thì những ngày sắp tới, công ty sẽ khó khăn gấp vạn lần khi phục hồi sản xuất mà không có người làm. Công đoàn đề xuất doanh nghiệp ứng ngân sách 2022 từ tập đoàn để thưởng Tết cho người lao động. Ngược lại, công đoàn sẽ tổ chức nhiều chương trình thi đua sản xuất nhằm tăng năng suất, giảm giá thành, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật giúp cho doanh nghiệp phát triển mạnh mẽ trong năm 2022. Điều này đã được đoàn viên, người lao động đồng tình hưởng ứng; doanh nghiệp hết sức chia sẻ và cuối cùng, công ty chốt thưởng Tết 1,5 tháng lương cho hơn 37.000 lao động, với tổng số tiền thưởng Tết 500 tỉ đồng”.

Nhờ có chính sách chăm lo đời sống công nhân tốt ngay từ trước Tết, nên các doanh nghiệp ở Đồng Nai 'giữ chân' được người lao động. 

Nhờ có chính sách chăm lo đời sống công nhân tốt ngay từ trước Tết, nên các doanh nghiệp ở Đồng Nai "giữ chân" được người lao động. 

Tương tự, tại công ty TNHH Changshin ở huyện Vĩnh Cửu, ông Đặng Tuấn Tú, Chủ tịch công đoàn Công ty cho biết, công ty bắt đầu hoạt động trở lại từ ngày 5/2, đến nay công nhân đã quay lại sản xuất ổn định gần như bình thường so với thời điểm trước Tết. Mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhưng Tết Nguyên đán, công ty vẫn thưởng cho công nhân bình quân1 tháng lương. Đầu năm 2022, công ty vẫn tăng lương cơ bản thêm 100.000 đồng và 2,5% cho mỗi công nhân. Do đó dù công ty yêu cầu đi làm sớm hơn mọi năm, song đa số lao động đều vui vẻ đi làm lại.

“Để giữ chân người lao động, ngoài thu nhập, cần chú trọng quan tâm đời sống tinh thần của họ. Tại sao 2 doanh nghiệp cùng ngành nghề, chế độ như nhau, nhưng một doanh nghiệp có tình trạng người lao động thường xuyên nhảy việc, doanh nghiệp còn lại thì không? Tôi nghĩ lý do quan trọng là vì ở doanh nghiệp này ngoài các chế độ phúc lợi, họ còn có môi trường làm việc tốt hơn, được quan tâm về tinh thần hơn”, ông Tú nói.

Nhiều lao động chọn Đồng Nai

Theo Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Đồng Nai, ngay từ những ngày đầu năm, rất nhiều doanh nghiệp lớn đã có thêm nhiều đơn hàng, nhiều doanh nghiệp đã ký kết các đơn hàng với đối tác đến năm 2023, đặc biệt trong ngành giày da, may mặc, điện tử… Vì thế, dù lực lượng lao động trở lại làm việc sau Tết đạt tỷ lệ khá cao, đáp ứng nhu cầu sản xuất cho các đơn hàng đầu năm, nhưng vẫn tiếp tục mở rộng sản xuất và cần thêm nhiều lao động. Vì thế, đã đăng tuyển lao động phổ thông với mức lương cao kèm theo nhiều ưu đãi như tăng lương, thưởng, các phúc lợi.

Ông Đinh Sỹ Phúc, Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty CP Taekwang Vina, KCN Biên Hoà 2, Đồng Nai cho biết, ngoài tuyển thêm lao động mới, công ty ưu tiên gọi những lao động cũ đã từng làm việc tại công ty, nhưng phải nghỉ do giãn cách.

Ông Đinh Sỹ Phúc (bìa trái), Chủ tịch Công đoàn Công ty CP Taekwang Vina: 'công ty ưu tiên gọi những lao động cũ đã từng làm việc tại công ty, nhưng phải nghỉ do giãn cách'.

Ông Đinh Sỹ Phúc (bìa trái), Chủ tịch Công đoàn Công ty CP Taekwang Vina: "công ty ưu tiên gọi những lao động cũ đã từng làm việc tại công ty, nhưng phải nghỉ do giãn cách".

Chị Trần Thị Tâm Huyền, quê ở Tân Phước, Tiền Giang, cho biết: “Mấy năm nay vợ chồng tôi vẫn làm ở công ty trong KCN Bàu Xéo, Trảng Bom, Đồng Nai, lương ở đó khá ổn định, 2 vợ chồng làm tháng cũng được hơn 20 triệu. Nhà trọ cũng rẻ. Tiết kiệm đủ lo cho 2 đứa nhỏ ăn học. Năm ngoái cả nhà về quê tránh dịch, định không lên lại nữa nên xin vào công ty cách nhà gần chục cây số. Mà lương thấp quá. Chưa kể mỗi ngày đi đi về về 2 chục cây số. Nếu tăng ca nữa thì về tới nhà là 9-10 giờ tối. Vừa rồi công ty cũ cho người liên hệ kêu lên làm lại, thu nhập khá hơn trước, công ty hỗ trợ 50% tiền nhà trọ, thế nên vợ chồng tôi lại dắt díu nhau lên đây làm”.

Còn anh Lê Minh Hùng, ở TP.Cao Lãnh, Đồng Tháp, cũng cho biết: Anh làm công nhân ở KCN Biên Hoà I. Hồi tháng 7/2021, công ty thu hẹp sản xuất do ảnh hưởng dịch, vợ chồng anh dắt 2 con về quê. Nhưng về quê ruộng chẳng có, tìm mãi không có việc ổn định. Đến 1 số công ty xin việc, chỗ ít việc không nhận, chỗ có việc thì lương thấp. Anh phải làm “thợ đụng”, từ xe ôm đến phụ hồ, bốc vác…Chị Cao Thị Hồng, vợ anh, cũng chẳng tìm đâu ra việc giữa lúc dịch khó khăn, nên cả nhà chỉ biết trông vào thu nhập bấp bênh của anh Hùng. May mắn là công ty cũ gọi đi làm lại. Nên vợ chồng anh gửi tạm con cho ông bà nội ngoại, lên Biên Hoà ngay. “Vợ chồng tôi mới lên tới, gọi cho mấy anh chị đồng nghiệp cũ vẫn làm, họ nghỉ Tết xong quay lại hết rồi. Tôi đang tìm nhà trọ, khi ổn định chỗ ăn ở sẽ đón 2 cháu lên. Nghe nói công ty sẽ hỗ trợ vấn đề chỗ học hành cho tụi nhỏ, nên nếu được thì mai mốt cho các cháu học ở đây luôn”, anh Hùng nói.

 

Do nhiều dơn hàng và mở rộng sản xuất, nhiều doanh nghiệp vẫn tiếp tục tuyển thêm hàng ngàn lao động.

Do nhiều dơn hàng và mở rộng sản xuất, nhiều doanh nghiệp vẫn tiếp tục tuyển thêm hàng ngàn lao động.

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 11/NQ-CP ngày 30/1/2022 về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội. Theo đó, hàng loạt các chính sách hỗ trợ tiền mặt, cho vay vốn ưu đãi dành cho người lao động sẽ được triển khai ngay trong 6 tháng đầu năm. Bộ LĐ-TB-XH dự kiến gói hỗ trợ tiền thuê nhà trọ cho người lao động nhằm nhanh chóng ổn định thị trường lao động sẽ trị giá khoảng 6.600 tỷ đồng. Chính sách hỗ trợ tiền mặt trực tiếp được thực hiện lần này là hỗ trợ 3 tháng tiền thuê nhà trọ cho người lao động có quan hệ lao động, đang ở thuê, ở trọ, làm việc trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu vực kinh tế trọng điểm và người lao động quay trở lại thị trường lao động.

Xem thêm
Công tác nhân sự đại hội Đảng các cấp phải thực hiện nghiêm, đúng nguyên tắc

Ngày 20/11, Đảng ủy Bộ NN-PTNT tổ chức Hội nghị tập huấn công tác tổ chức đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2025 - 2030 cụm khu vực huyện Thanh Trì, Hà Nội.

Quảng Nam sẽ là trung tâm sản xuất, cung ứng giống sâm Ngọc Linh

Mục tiêu đến năm 2035, tỉnh Quảng Nam phấn đấu trồng 10.000ha sâm Ngọc Linh, phát triển sâm Ngọc Linh thành ngành hàng mang thương hiệu quốc tế, có giá trị xuất khẩu cao.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Ghi ở 'thủ phủ' phế liệu Hà Nội [Bài 3]: Cân bằng là thách thức!

Mặc dù có thể giảm thiểu nhưng việc loại bỏ hoàn toàn ô nhiễm song song với phát triển kinh tế tại các làng nghề hiện vẫn là thách thức lớn.