| Hotline: 0983.970.780

Bài toán thiếu lao động sau Tết Nguyên đán

Chủ Nhật 06/02/2022 , 12:59 (GMT+7)

TP. HCM Hàng năm, sau Tết Nguyên đán, các doanh nghiệp lại đau đầu với tình trạng thiếu nhân công. Năm nay, tình trạng này nghiêm trọng hơn bởi ảnh hưởng dịch Covid-19 trước Tết.

Để thu hút lao động, các doanh nghiệp đưa ra nhiều chính sách như tăng lương, thưởng, đãi ngộ cao. Tình trạng thiếu lao động đầu năm trong các ngành sản xuất luôn là nỗi lo lắng của nhiều doanh nghiệp TP. HCM sau những ngày nghỉ Tết Nguyên đán. Nếu không có các chính sách hỗ trợ để giữ chân công nhân, lực lượng lao động sẽ tiếp tục hao hụt trong khi việc tuyển mới cũng không dễ.

May mặc là một trong số những ngành cần lượng lao động rất lớn. Ảnh: ST.

May mặc là một trong số những ngành cần lượng lao động rất lớn. Ảnh: ST.

Để chuẩn bị quay trở lại sản xuất sau Tết và giữ chân người lao động, nhiều doanh nghiệp đã cố gắng duy trì các giải pháp như tăng tiền lương, thưởng, tặng vé xe, tổ chức chuyến xe đưa đón người lao động quay lại, thưởng tiền cho người quay lại làm việc đúng lịch…

Ông Phạm Quốc Vinh, Chủ tịch HĐQT Công ty Đông dược Việt ở Khu công nghiệp Tân An, Long An chia sẻ: Công ty có khoảng 1.000 công nhân, trong số này, có hơn 1 nửa là người địa phương. Số còn lại ở các tỉnh miền Trung, miền Bắc. Mặc dù tình hình dịch Covid-19 khó khăn, nhưng công ty vẫn cố gắng không giảm thu nhập của người lao động.

Đợt thực hiện "3 tại chỗ", nhiều công nhân có thu nhập cao hơn bình thường. Đến Tết Nguyên đán, Công ty thông báo thưởng Tết vẫn như mọi năm. Đồng thời, sẽ hỗ trợ vé tàu xe cho lao động ở xa về quê, nhờ vậy vẫn giữ được hơn 90% lao động lành nghề.

Anh Phạm Cao Sơn, công nhân tay nghề cao với thâm niên 20 năm vận hành lò hơi của một công ty may ở Gò Vấp cho biết: Sau Tết năm nay, công ty thiếu khoảng 30% lao động. Đây là số lao động giảm bớt trong đợt dịch trước Tết do công ty khó khăn, phải thu hẹp bớt sản xuất. Vì thế, số lao động còn lại được công ty quan tâm rất tốt.

Sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần, TP. HCM cần khoảng 45.000 lao động các ngành. Ảnh: ST.

Sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần, TP. HCM cần khoảng 45.000 lao động các ngành. Ảnh: ST.

Đợt Tết, doanh nghiệp đã có chính sách lương, thưởng, đãi ngộ khá cao. Ngoài thưởng giữ nguyên, công ty còn chăm sóc cho người lao động bằng những phần quà thiết yếu, gia tăng tiền thưởng, quà cho gia đình con cái trước và sau Tết để mong muốn giữ chân họ. Nhưng giờ lại bắt đầu mở rộng sản xuất như cũ, nên đang kêu gọi người lao động quay lại với nhiều chế độ ưu đãi hơn.

Trong các ngành nghề, dệt may là ngành cần lượng lao động khá lớn, và cũng là ngành thường xuyên thiếu lao động. Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần May Sài Gòn 3 cho biết, theo kế hoạch ngày 8/2, đơn vị sẽ quay lại sản xuất. Nhưng hiện nay nhiều doanh nghiệp trong ngành dệt may đang lo lắng về nguồn lao động sau Tết, trong khi đơn hàng xuất khẩu đa số đều có đủ đến giữa năm. Về nguồn lao động sau Tết, ông Hồng cho biết doanh nghiệp không lo thiếu lao động chính mà chỉ lo thiếu hụt lao động thời vụ.

“Hiện tại nguồn lao động cho ngành may tại TP. HCM đang thiếu khoảng 10% sau khi một số lao động về quê đợt dịch nửa cuối năm 2021 vẫn chưa trở lại. Dịp Tết cũng thường xảy ra tình trạng tương tự nên từ lúc này, các doanh nghiệp lo sau Tết tình trạng này sẽ trầm trọng hơn”, ông Hồng nói.

Để giữ chân người lao động, đặc biệt lao động tay nghề cao như chế biến gỗ, nhiều doanh nghiệp chấp nhận thua lỗ để chăm lo đời sống công nhân tốt hơn khi chưa có dịch. Ảnh: TL.

Để giữ chân người lao động, đặc biệt lao động tay nghề cao như chế biến gỗ, nhiều doanh nghiệp chấp nhận thua lỗ để chăm lo đời sống công nhân tốt hơn khi chưa có dịch. Ảnh: TL.

Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP. HCM, sau Tết, TP. HCM cần khoảng 45.000 lao động, tập trung ở các nhóm ngành kinh doanh thương mại, may mặc, da giày, điện tử, cơ khí, nông nghiệp công nghệ cao...

Ngay sau Tết, Trung tâm Dịch vụ việc làm TP. HCM và Trung tâm Dịch vụ việc làm Thanh niên tổ chức sàn giao dịch việc làm để tạo điều kiện kết nối, giới thiệu người lao động đang ở các địa phương có nhu cầu trở lại Thành phố. Do đó để chủ động về nguồn lao động sau Tết Nguyên đán, Sở đã và đang chỉ đạo các trung tâm việc làm, cơ quan chuyên ngành nắm lại danh sách người lao động ở các doanh nghiệp về quê ăn Tết, tiếp tục triển khai tiếp sức người lao động trở lại Thành phố.

TP. HCM cũng chỉ đạo các sở, ngành quan tâm tổ chức các hoạt động phù hợp với tình hình phòng chống dịch như đề nghị doanh nghiệp xây dựng phương án trả lương, nắm lại danh sách doanh nghiệp khó khăn để bàn phương án giải quyết cụ thể để chăm lo cho người lao động, thăm và tặng 15.000 phần quà cho công nhân có hoàn cảnh khó khăn...

Xem thêm
Kỷ luật ông Vương Đình Huệ, chưa xem xét kỷ luật ông Võ Văn Thưởng

Bộ Chính trị quyết định thi hành kỷ luật Cảnh cáo ông Vương Đình Huệ, chưa xem xét, xử lý kỷ luật ông Võ Văn Thưởng do đang điều trị bệnh.

Hậu Giang: 200ha diện tích nông nghiệp được xác nhận an toàn thực phẩm

Hậu Giang khẳng định vị thế phát triển nông nghiệp an toàn với hơn 200ha được xác nhận an toàn thực phẩm, gồm chuỗi giá trị cây ăn trái, lúa gạo, thủy sản, rau màu.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Hơi ấm cộng đồng giúp người dân Lục Yên gượng dậy sau bão

Yên Bái Vượt qua những đau thương, mất mát do thiên tai càn quét, những ngày này chính quyền và người dân ở huyện Lục Yên đang gượng dậy khôi phục sản xuất, dựng lại nhà ở.